Phạm Quý Thích: Vị tiến sĩ từ chối làm quan 3 triều đại, chăm lo dạy học
- Trần Hưng
- •
Phạm Quý Thích là sĩ phu nổi tiếng Bắc hà nhưng không gặp thời. Ông phải từ quan nhà Lê khi nạn kiêu binh thao túng Triều đình. Ông từ chối làm quan cho nhà Tây Sơn, 3 lần từ chối làm quan cho nhà Nguyễn để dành thời gian dạy học. Ông là người khắc in bản Truyện Kiều đầu tiên, sau đó tác phẩm này ngày càng phổ biến.
Thi đỗ tiến sĩ
Vào giữa thế kỷ 18 ở làng Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) có người họ Phạm tên Huyên thi đỗ Hương cống, được cử làm Hiến sát sứ trấn Kinh Bắc.
Năm 1760, vợ ông Huyên sinh hạ được người con trai đặt tên là Phạm Quý Thích. Năm lên 6 tuổi Phạm Quý Thích được cho học với thầy đồ trong làng.
Sau đó gia đình chuyển đến phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Phạm Quý Thích theo học với Thám hoa Nguyễn Thạc Đình.
Khi 15 tuổi, Quý Thích đỗ đầu cuộc thi khảo thí ở huyện. Năm 1777 khi mới 18 tuổi, Phạm Quý Thích đã đỗ Hương cống. Năm 1779 thì ông đỗ tiến sĩ, được cử làm Hiệu thảo ở viện Hàn Lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc.
Phạm Quý Thích phụng mệnh vua sửa chữa các bài chế, cáo, thơ, văn và tuyển chọn nhân sự cho triều đình. Từ đó ông ý thức được việc chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Nhiều lần từ chối làm quan, chăm lo dạy học
Phạm Quý Thích làm quan không gặp thời khi nhà Lê – Trịnh đã mạt. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi Chúa khi mới chỉ 5 tuổi. Lính kiêu binh vốn ủng hộ Trịnh Tông liền tổ chức cuộc đảo chính, giết chết Quận Huy rồi đưa Trịnh Tông lên ngôi.
Không muốn phục vụ trong cảnh triều chính loạn lạc, Phạm Quý Thích xin từ chức.
Nhà Tây Sơn diệt nhà Lê, nhưng nhà Tây Sơn không được lòng dân chúng. Phạm Quý Thích không muốn làm quan cho nhà Tây Sơn nên lánh sang Kinh Bắc làm thầy dạy học. Học trò đến học ông rất đông, người dân cần việc như thảo đơn từ, viết sớ cũng đều nhờ đến ông cả.
Vì Phạm Quý Thích nhiều lần từ chối làm quan, không hợp tác nên nhà Tây Sơn giam lỏng ông.
Năm 1802, vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn. Vua tuyên triệu các công thần nhà Lê. Phạm Quý Thích được ban cho quần áo, tiền bạc và chức Thị trung Học sĩ, nhưng ông không còn tha thiết làm quan nên nhiều lần xin nghỉ vì sức khỏe. Triều đình không đồng ý, cho ông làm Đốc học Bắc Thành, Trợ giáo Kinh Bắc. Từ chối mãi không được ông đành nhận, nhưng chỉ ít lâu thì xin từ chức về nhà ở Thọ Xương.
Năm 1811, vua Gia Long triệu ông vào Kinh thành để chấm bài thi, sau đó giữ ông lại trông coi việc chép sử, ban cho tước Thích An hầu, được một thời gian thì ông cáo bệnh xin nghỉ.
Năm 1921, vua Minh Mạng mới lên ngôi lại cho gọi, ông viện cớ sức yếu không đi được, từ đó ông mới được yên ổn dạy học ở nhà.
Từ chối làm quan để dạy học, Phạm Quý Thích bồi dưỡng nên nhiều nhân tài, rất nhiều học trò của ông đỗ tiến sĩ làm quan to trong Triều, trong đó có Nguyễn Văn Siêu mà người thời đó thường ví “văn hay như Thần Siêu”.
Vua Minh Mạng khi mới lên ngôi đã có tờ dụ viết rằng: “Thị trung Học sĩ Phạm Lập Trai là bậc lão Nho vọng trọng, tài cao hạnh tốt đã rõ rệt”. Lập Trai là tên hiệu của Phạm Quý Thích, Vua gọi ông là “Phạm Lập Trai” thể hiện rằng vua rất tôn trọng tài năng phẩm cách của ông.
Người viết “Đề từ” cho truyện Kiều
Rất nhiều nhân sĩ thời đó quý mến Phạm Quý Thích, thường lui tới nhà ông, trong đó có Nguyễn Du. Hai người là bạn tâm giao của nhau. Khi “Đoạn trường tân thanh” (tức Truyện Kiều) được viết, Phạm Quý Thích là một trong những người đầu tiền được mời xem tác phẩm.
Ông mang đi khắc ván, rồi đem ra cùng bình luận với các học trò trong các buổi bình văn, rất tâm đắc. Ông cũng là người viết Đề từ cho “Đoạn trường tân thanh”, sau này gọi là Tổng Vịnh Kiều, được in trong tác phẩm này. “Đề từ” của ông được viết bằng chữ Hán và dịch ra như sau:
Cảm xúc khi nghe “Đoạn trường tân thanh”
Giọt nước tiền đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Gót ngọc khôn đành giấc thủy ngoan
Nửa gối đoạn trường tan giấc điệp
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tử lắm
Trời bắt làm gương để thế gian.
Tác phẩm
Phạm Quý Thích có rất nhiều tác phẩm văn học, thi ca, truyện. Ông viết sách giải thích ý nghĩa các quẻ trong kinh dịch, các tác phẩm ghi chép về địa lý và lịch sử.
Về mặt giáo dục, ông viết cuốn Hoa Đường văn sách, gồm 35 bài văn sách giải nghĩa các điển tích trong kinh sử, dùng làm văn mẫu cho các sĩ tử thi khoa cử.
Ngoài ra ông còn có cuốn “Thiên Nam Long thủ lục” ghi chép lại những mẩu chuyện của những người đỗ Trạng nguyên suốt từ thời nhà Lý đến nhà Lê.
Năm 1866, Phạm Quý Thích mất, Triều đình cử người đến dự tang lễ, học trò xây từ đường thờ thầy trên mảnh đất Thọ Xương (Thăng Long), nơi ông cùng gia đình sinh sống.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Nạn kiêu binh từng thao túng cả vua Lê lẫn chúa Trịnh
- Trạng nguyên Dương Phúc Tư và giai thoại ngôi mộ thiên táng
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng
