Quốc văn giáo khoa thư: Đi học để làm gì?
- Quang Minh
- •
Năm 1924, Nha Học Chính Đông Pháp đã ủy thác cho các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn hai bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư, gọi chung Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư. Mặc dù Quốc Văn Giáo Khoa Thư ra đời cách đây một thế kỷ, đất nước cũng đã trải qua nhiều biến động, nhưng tinh thần của bộ sách này đã in sâu vào một thế hệ người đi học. Phần đáng quý nhất của Quốc Văn Giáo Khoa Thư nằm ở nội dung luân lý, dạy dỗ học trò các giá trị phổ quát bằng những bài học giản dị, gần gũi, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm, cả đời không bao giờ quên.
Trong bài tập đọc thứ 3 của lớp Dự Bị, dành cho học sinh 8 tuổi, Quốc Văn Giáo Khoa Thư có đề cập đến một câu hỏi: “Đi học để làm gì?”.
Đi học để làm gì?
Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.
Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.
Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.
*
Ngày nay, liệu các em học sinh tiểu học có thể trả lời được câu hỏi “Đi học để làm gì?” hay không? Dường như ngay cả những sinh viên đại học 19-20 tuổi cũng có những người không hề nghĩ về câu hỏi này trong suốt quá trình hơn chục năm học tập của mình. Thế nào là “người con hiếu thảo”? Thế nào là “người dân lương thiện”? Rất có thể cũng là điều mà nhiều em chưa từng nghĩ đến. Mà đâu chỉ thế, trong nền giáo dục xơ cứng hiện nay, ngay cả một số người đã đang đi làm có thể cũng chỉ hiểu về những điều trên một cách rất đỗi mơ hồ…
Quang Minh tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam quốc văn giáo khoa thư