Sơn Thủy tự có thanh âm
- Trí Chân
- •
Thơ cổ xưa nay vẫn thấm nhuần vẻ đẹp hàm súc. Thơ là một phần quan trọng cấu thành thi từ cổ điển. Đặc trưng chủ yếu của nó là nguồn gốc đề tài rộng lớn và đa dạng, cùng sự hồng đại và tinh thâm trong thế giới đầy ý tưởng. Phía sau mỗi một bài thơ sơn thủy đều có một bức tranh độc đáo.
Cổ nhân leo lên núi ngắm thác nước đổ, ra sông bồng bềnh trên chiếc thuyền con, ngước đầu nhìn bầu trời, vũ trụ, cúi đầu ngắm núi sông, non cao, dòng nước cuồn cuộn, sông biển, vạn vật trong thế gian, cho tới từng nhành cây, ngọn cỏ bình thường nhất. Tất cả đều trở thành tải thể của tâm tình, ý chí của bậc thi nhân, đều mang vẻ đẹp tâm tưởng “ý tại ngôn ngoại”, “hình tượng tại ngoại tượng”, “ý tại vần ngoại”. Thi từ về sơn thủy truyền thống đã truyền tải nét đẹp tinh thần văn hóa truyền thống thông qua thanh âm trong trẻo của sơn thủy thiên nhiên. Vạn vật nảy nở, sinh sôi, hàm chứa vũ trụ quan và cái nhìn về tự nhiên rất đỗi sâu sắc, thâm trầm của cổ nhân. Dưới đây là một vài ví dụ như vậy.
Non xanh
Cổ nhân nói rằng: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” (Kẻ trí vui với sông nước, người nhân vui với núi non), “Hà tất ty dữ trúc, Sơn thủy hữu thanh âm” (Hà tất chỉ có dây tơ (đàn cầm) và trúc (sáo), sơn thủy cũng có thanh âm). Núi hun đúc nhân cách, cốt cách, giúp con người có ý chí kiên cường, cung cấp nơi cư ngụ cho những người có tấm lòng khoáng đạt, chứa đựng vạn vật. Sự vĩnh viễn bất biến của núi là vật tham chiếu cho con người, khơi dậy sự thoát tục, giúp con người vượt qua danh lợi, truy cầu sự vĩnh hằng, khiến thân tâm con người đắm chìm trong khát vọng được tựa vào non xanh.
Đào Uyên Minh thời Tấn nói rõ rằng: “Thiểu vô thích tục vận, Tính bổn ái khâu sơn” (Bớt âm vận thế tục chẳng tương thích, Tính vốn yêu núi đồi).
Trong bài “Sơn trung vấn đáp” (Hỏi đáp trong núi), Lý Bạch cũng nói:
Vấn dư hà ý thê bích sơn,
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn.
Đào hoa lưu thuỷ diểu nhiên khứ,
Biệt hữu thiên địa tại nhân gian.
Dịch thơ:
Hỏi ta: ở núi làm chi?
Thong dong chẳng nói, cười khì cho vui.
Hoa đào theo bẵng nước trôi,
Có riêng trời đất, cõi người đâu đây.
(Bản dịch của Tản Đà)
Sinh mệnh và tự nhiên, vũ trụ nơi đây được viên dung thành nhất thể với thế giới mỹ hảo, lý tưởng, không hề có sự phiền nhiễu của nơi thế tục, phản ánh khát vọng phản bổn quy chân của con người.
Trong dòng sông trường giang của lịch sử, dẫu người việc đến và đi, thành và bại, nở rồi lại tàn, nhưng sắc non xanh vẫn không đổi. Như bài “Lâm Giang Tiên” mở đầu cho “Tam Quốc Diễn Nghĩa” khơi dậy suy ngẫm của con người về sinh mệnh và tiến trình lịch sử:
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Dịch thơ:
Non xanh còn đứng đó,
Mấy độ bóng dương hồng.
(Bản dịch của Điệp Luyến Hoa)
Mọi người thường thích đặt hình tượng “non xanh” vào trong thơ, cũng như việc thích dùng chữ “xanh”.
Trong từ vựng biểu thị màu sắc của tiếng Hán, sắc “xanh” là một trong những màu biểu hiện cho sức sống của sinh mệnh. Ví như “Trường Ca Hành” của Hán Nhạc Phủ viết rằng:
Thanh thanh viên trung quỳ,
Triêu lộ đãi nhật hi.
Dương xuân bố đức trạch,
Vạn vật sinh quang huy.
Dịch nghĩa:
Hoa quỳ trong vườn xanh xanh,
Giọt sương mai đợi mặt trời chiếu sáng.
Mặt trời xuân trải ân trạch,
Vạn vật sinh sôi trong huy hoàng.
Trong “Ẩm mã trường thành quật hành” Hán Nhạc Phủ viết rằng: “Thanh thanh hà bạn thảo, Miên miên tư viễn đạo” (Cỏ bên bờ sông xanh xanh, Tâm tình vấn vương chốn đường xa). Núi xanh trải dài bất tận gieo ấn tượng thị giác và không gian tưởng tượng vào lòng người.
“Thiên cổ từ khách tâm, Vạn cổ bằng lan ý” (Lời thiên cổ tâm của khách, Vạn cổ bởi Lan ý). Thân tại nơi non cao hoặc nơi đỉnh đài cao vút, trên thực tế cũng là đặt mình giữa giao điểm của thời gian và không gian. Đối diện với không gian vô hạn, con người sẽ thực sự cảm nhận được giữa đất trời, bản thân trở nên vô cùng bé nhỏ. Đối diện với cảnh xuân đi thu tới, đêm ngày đổi thay, con người sẽ cảm thấy cuộc đời người như quán trọ, thời gian như nước chảy mây trôi, khơi gợi ý nghĩa chân chính của đời người, cùng những khám phá những điều kỳ diệu của vũ trụ.
Trong bài “Vọng Nhạc” của Đỗ Phủ, nhà thơ đời Đường viết rằng:
Ðãng hung sinh tằng vân,
Quyết tý nhập quy điểu.
Hội đương lăng tuyệt đính,
Nhất lãm chúng sơn tiểu.
Dịch thơ:
Mây trôi bâng khuâng dạ
Chim lạc mắt trừng nhìn
Có khi lên tận đỉnh
Vọng xuống đám núi xanh.
(Bản dịch của Trần Trọng San)
Trong bài “Vịnh Hoa Sơn” của Khấu Chuẩn thời nhà Tống nói:
Chỉ hữu thiên thượng tại
Cánh vô sơn dữ tề
Cử đầu hồng nhật cận
Hồi thủ bạch vân đê.
Dịch thơ:
Chỉ có trời cao kia mới sánh cùng Hoa sơn
Các núi khác không có núi nào cao bằng
Đứng trên đỉnh núi, ngẩng đầu lên thấy mặt trời gần
Cuối nhìn xuống thấy mây trắng thấp lưng chừng núi.
(Bản dịch của Huỳnh Chương Hưng)
Đứng trên đỉnh, núi non điệp trùng, mây trắng đều ở dưới chân, tự thấy mình rất gần với đôi vầng nhật nguyệt. Đầu đội trời chân đạp đất, tiết trời ngàn vạn cảnh, cũng như ý chí của sinh mệnh luôn hướng về phía trước và không ngừng vươn lên trong không gian tinh thần.
Mây trắng
Mây là ngôi nhà tinh thần của thi nhân, thi nhân mượn mây để xây dựng nên một khu vườn hạnh phúc khi lui về ở ẩn. Trong bài “Chiếu vấn sơn trung hà sở hữu phú thi dĩ đáp” (Làm thơ trả lời chiếu hỏi trong núi có gì), Đào Hằng Cảnh viết:
Sơn trung hà sở hữu,
Lĩnh thượng đa bạch vân.
Chỉ khả tự di duyệt,
Bất kham trì ký quân.
Dịch thơ:
Trong núi có gì nhỉ,
Đỉnh non mây trắng dày.
Chỉ riêng mình thích thú,
Không thể tặng cho ai.
(Bản dịch của Cao Tự Thanh)
Hay bài “Tự Họa” của Vương Vi: “Vọng thu vân thần phi dương, Lâm xuân phong tư hạo đãng” (Nhìn mây thu bay lượn thần kỳ, Đón gió xuân nghĩ cảnh mênh mang).
Trong thơ, “mây” thường được liên tưởng tới việc lui về ở ẩn và tu hành. Trong bài “Tầm ẩn giả bất ngộ” (Tìm ẩn sĩ không gặp), Giả Đảo viết:
Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.
Dịch thơ:
Gốc thông hỏi chú học trò
Rằng: thầy hái thuốc lò mò đi xa
Ở trong núi ấy thôi mà
Mây che mù mịt biết là đi đâu.
(Bản dịch của Tản Đà)
Vị ẩn sĩ mà nhà thơ tìm kiếm là một người tu đạo hái thuốc, cứu thế độ nhân. Bài thơ vấn đáp này, dùng mây trắng để ví với sự thanh cao, thánh khiết của ẩn sĩ, dùng cây tùng xanh tươi để ví với cốt cách của ẩn sĩ, nhằm biểu đạt sự kính phục của thi nhân với người tu đạo.
Trong bài “Tầm ẩn giả bất ngộ”, Ngụy Dã thời Tống nói: “Thái chi hà xứ vị quy lai, Bạch vân mãn địa vô nhân tảo” (Hái cỏ nơi nao chưa trở về, Mây trắng đầy nhà không người quét).
Ngôi nhà cỏ chất đầy mây trắng được mô tả trong thơ, khiến con người có cảm giác như đang bước vào cảnh tiên, cảnh đẹp thoát tục say đắm lòng người! Từ đó có thể thấy tấm lòng siêu xuất khỏi cõi hồng trần của người tu luyện.
Nước chảy
Nước trong thơ ca cũng có muôn hình vạn trạng: Nước xuân, nước thu, nước sông, nước phẳng lặng như gương, nước ào ạt băng băng ngàn dặm… Nước khơi gợi trí huệ tâm linh của con người, khiến con người có tầm nhìn sâu sắc hơn.
Trong bài “Vãn đăng Tam Sơn hoàn vọng kinh ấp” (Chiều tối lên núi Tam Sơn ngắm kinh đô), Tạ Diễu thời Nam Bắc Triều đã miêu tả sự tĩnh lặng của nước:
Dư hà tản thành ỷ,
Trừng giang tĩnh như luyện.
Dịch thơ:
Ráng tàn rải như the
Sông trong phẳng ngỡ lụa.
(Bản dịch của Hoàng Tạo)
Trong bài “Đào Nguyên Hành”, Vương Duy thời Đường miêu tả cội tiên của nước:
Xuân lai biến thị Đào hoa thủy
Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm?
Dịch thơ:
Xuân về đây đó hoa và suối
Nhưng suối tiên đâu tìm chốn nào?
(Bản dịch của Vũ Thế Ngọc)
Trong bài “Dạ Phiếm Tây Hồ”, Tô Thức miêu tả khung cảnh lồng nơi bóng nước:
Cô bồ vô biên thủy mang mang,
Hà hoa dạ khai phong lộ hương.
Dịch nghĩa:
Sông hồ vô biên nước mênh mang,
Sen nở đêm về gió lay hương.
Trong bài “Thanh dạ ngâm”, Thiệu Ung viết:
Nguyệt đáo thiên tâm xứ,
Phong lai thủy diện thời,
Nhất ban thanh ý vị,
Liệu đắc thiểu nhân tri.
Dịch nghĩa:
Trăng tới giữa trời,
Gió lay mặt nước,
Ý vị thanh cao thường thấy,
E rằng ít người hay.
Bài thơ tả cảnh trăng lơ lửng giữa trời, gió nhè nhẹ lay động mặt nước. Cảm giác thánh khiết, mỹ hảo đó, cảnh giới hân hoan đó, có bao người có thể cảm nhận được đây!
Những vần thơ về thác đổ cũng rất nhiều, như bài “Bộc bố liên cú” của Lý Thầm nhà Đường miêu tả kỳ quan hùng vĩ thác đổ, một sức mạnh lao thẳng về phía trước, xung phá mọi trở ngại, thoát khỏi mọi sự ước thúc:
Thiên nham vạn hác bất từ lao,
Viễn khán phương tri xuất xứ cao.
Khê giản khởi năng lưu đắc trụ,
Chung quy đại hải tác ba đào.
Dịch nghĩa:
Nghìn vạn núi non không ngại khó,
Nhìn xa mới biết xuất nơi cao.
Khe suối há sao giữ nổi,
Cuối cùng về biển rộng làm ngọn sóng.
Gió mát, mưa bay
Gió bay lượn giữa trời không, không nơi nào không tới, khiến vạn vật trên thế gian trở nên sống động, khẽ khàng lay động. “Đông phong dạ phóng hoa thiên thụ” (Gió đông thổi về đêm làm nở ngàn cây hoa), “Đông phong xuy thủy lục tham si” (Gió đông thổi nước biếc dập dềnh). Đây chính là sinh cơ và sức sống của gió xuân.
Bạch Cư Dị thời Đường từng viết: “Xuân phong tiên phát uyển trung mai, Anh hạnh đào lê thứ đệ khai” (Gió xuân trước tới lay đóa mai trong vườn, Anh đào hoa hạnh đào lê lần lượt nở.) Ông đã miêu tả gió xuân trước tiên tới thức tỉnh những tiên tử trong đóa hoa, để thổi bùng lên cả ngàn sắc hoa tươi: “Thiên đóa vạn đóa áp chi đê” (Ngàn bông vạn bông đè trĩu cành), cùng chào đón thế giới muôn màu, vạn tía ngàn hồng. Đỗ Phủ miêu tả khung cảnh đầy sức sống khi làn gió mang tới hơi thở ấm áp, khiến cá lội tung tăng, chim én bay lượn: “Tế vũ ngư nhi xuất, Vi phong yến tử tà” (Mưa nhỏ cá con ra, Gió hiu én lượn nghiêng).
Mưa tưới tắm, tẩy tịnh gột rửa vạn vật, có thể rửa sạch những huyên náo cõi hồng trần. Vương Duy thời nhà Đường viết:
Sơn trung nhất dạ vũ,
Thụ sao bách tròng tuyền.
Dịch thơ:
Một đêm mưa núi đổ
Trăm suối ngọn cây xuyên.
(Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu)
Ông miêu tả cảnh đêm trong núi sau cơn mưa, hàng trăm con suối bay lượn, nhìn từ phía xa xăm như thể đang treo lơ lửng trên ngọn cây.
Ông Quyển thời Tống viết: “Lục biến sơn nguyên bạch mãn xuyên, Tử quy thanh lí vũ như yên” (Sắc xanh khắp núi, trắng trải đầy sông, Trong tiếng Đỗ quyên mưa như khói mây), miêu tả cỏ cây hoang dã trên sườn núi xanh biếc, um tùm, sông ngòi đan xen chằng chịt, chim Đỗ Quyên thánh thót líu lo, mưa bay trong làn gió nhẹ mờ ảo như sương như khói, khiến con người cảm nhận được vẻ đẹp hài hòa của tự nhiên và phong thái thong dong, tĩnh tại của bậc thi nhân.
Tả ý, sinh cơ
Những cảnh đẹp nơi núi cao hay khung cảnh chốn điền viên đều hàm chứa ý tứ và sức sống trong đó. Như hoa lan ở nơi hẻm sâu, không vì không ai biết tới mà chẳng tỏa hương. Trong bài thơ “Cổ ý”, Hạ Lan Tấn Minh thời nhà Đường viết rằng: “Sùng lan sinh giản để, hương khí mãn u lâm” (Lan thanh cao sinh dưới hẻm núi sâu, hương thơm tỏa ngát khắp khu rừng u tịch).
Còn những đóa Sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, cũng chẳng thể tách rời với Phật Đạo. Trong bài “Túc Long Hưng tự” (Ngủ trọ chùa Long Hưng), Kỳ Vô Tiềm thời Đường viết:
Bạch nhật truyền tâm tĩnh,
Thanh liên dụ pháp vi.
Thiên hoa lạc bất tận,
Xứ xứ điểu hàm phi.
Dịch thơ:
Trời tỏ – tâm thành đạo,
Sen xanh – pháp diệu vi.
Hoa trời rơi chẳng dứt,
Chim ngậm, bay bốn bề.
(Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn)
Cúc là loài hoa ngậm sương. Trong bài “Vịnh cúc” Bạch Cư Dị thời Đường viết: “Nại hàn duy hữu đông ly cúc, Kim túc sơ khai hiểu canh thanh” (Chịu được lạnh chỉ có Cúc Đông Ly, Kim Túc chớm nở buổi sớm càng trong xanh).
Hoa mai là sứ giả báo hiệu Xuân về. Trong bài “Tuyết trung tầm mai”, Lục Du thời nhà Tống viết: “U hương đạm đạm ảnh sơ sơ, Tuyết ngược phong thao chỉ tự như” (Hương trầm mặc phảng phất bóng thơ lơ, Tuyết vùi gió dập vẫn điềm nhiên). Nhà thơ ca ngợi phẩm cách và khí chất của hoa, cũng là sự lột tả giấc mơ theo đuổi một nhân cách lý tưởng của thi nhân, hàm chứa giá trị đạo đức tinh thần và giữ gìn phẩm cách.
Hơn nữa, cổ nhân còn miêu tả sự kiên trinh của tùng bách như “Tiết tháo lăng lăng hoàn tự trì” (Tiết tháo oai phong lại biết giữ mình), dùng hình ảnh “Thiên nhai hà xứ vô phương thảo” (Chân trời nơi nào là không có cỏ thơm) để miêu tả sự tốt tươi của cỏ xuân.
Những điều này khiến con người cảm nhận được sức sống bất diệt của tạo vật tự nhiên giữa non nước trong trẻo, tĩnh mịch nhưng tràn trề nhựa sống. Tâm linh như được tẩy tịnh, khiến tâm cảnh trở nên thuần tịnh, hòa thành nhất thể trong vẻ đẹp tự nhiên thuần phác.
Hình tượng sơn thủy trong thơ cổ đầy màu sắc, ý vị sâu xa, là vẻ đẹp tự nhiên kỳ diệu của sinh mệnh trong vũ trụ, là tiết tấu xinh xắn của núi sông, cỏ cây, nhật nguyệt gió mây, được thoát ra từ ngòi bút kỳ diệu của bậc thi nhân. “Ngôn hữu tận nhi ý vô cùng” (Ngôn từ có hạn mà ý tứ lại vô cùng) trong thơ cổ khiến những hình tượng hữu hạn nhưng lại mang ý tứ vô hạn. Thưởng thức ý vị thẩm mỹ độc đáo của những vần thơ ấy, cảm ngộ những đạo lý sâu sắc chất chứa trong thơ, khiến con người cảm nhận được vẻ đẹp bao la, thăm thẳm của văn hóa truyền thống. Nhờ vậy, con người đắc được những nhận thức lý tính về vũ trụ, kiếp nhân sinh, cũng như khích lệ phẩm hạnh nhân văn của sinh mệnh.
Đăng lại từ “Sơn Thủy tự có thanh âm”
Đăng trên Minghui.org
Bản dịch thơ tham khảo trên Thivien.net
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Trí Chân sơn thủy thơ họa