Sự hình thành và diệt vong của Lâm Ấp
- Trần Hưng
- •
Nền văn hóa Sa Huỳnh cổ là chiếc nôi giúp hình thành vương quốc Lâm Ấp của người Chăm. Ban đầu nền văn minh Sa Huỳnh tập trung ở Quảng Bình và Quảng Nam, Bình Định, có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa của người Âu Lạc ở phía bắc.
Vương quốc Lâm Ấp
Vào thế kỷ thứ 2, cũng như Giao Chỉ, quận Nhật Nam nằm dưới ách đô hộ của nhà Hán, người dân bản địa liên tục nổi dậy. Năm 190, một người là Khu Liên nổi lên chống lại ách đô hộ nhà Hán, tách một phần lãnh thổ ở huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam làm vương quốc riêng bao gồm toàn bố thành phố Huế ngày nay, “Hậu Đường thư” gọi là Lâm Ấp.
Về lý do tên gọi Lâm Ấp, “Thủy Kinh Chú” có ghi chép rằng: “Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng để chỉ còn chữ Lâm.”
Ban đầu do đặt dưới ách đô hộ của nhà Hán nên Lâm Ấp chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Nhưng sau khi tách khỏi nhà Hán, các thương nhân và tu sĩ Ấn Độ đến giao thương nơi đây và truyền bá văn minh của đất nước mình, cũng như cách sắp đặt tổ chức xã hội. Vì thế mà dần dần Lâm Ấp chịu ảnh hưởng bởi văn minh Ấn Độ.
Sau khi Khu Liên mất, chữ Phạn trở thành chữ viết chính thức của Lâm Ấp. Phật Giáo được truyền bá giúp văn minh Lâm Ấp ngày càng phát triển.
Những cuộc chiến liên miên nhằm giữ nước và mở rộng lãnh thổ
Năm 248 tại Giao Châu, Bà Triệu khởi nghĩa chống lại Đông Ngô, vua Đông Ngô là Tôn Quyền phải sai Lục Dận (cháu danh tướng Lục Tốn) sang đánh dẹp. Lợi dụng tình hình đó, Lâm Ấp đưa quân chiếm trọn quận Nhật Nam, rồi tràn vào quận Cửu Chân.
Thế nhưng Lục Dận sau khi đánh bại Bà Triệu đã cho quân tiến xuống phía nam đánh bại quân Lâm Ấp, lấy lại các vùng đất của Giao Châu, quân Lâm Ấp phải rút trở về.
Năm 270, vua Lâm Ấp là Phạm Hùng lên ngôi, Lâm Ấp bắt đầu thời kỳ mở rộng lãnh thổ. Phạm Hùng cho quân đánh xuống phía nam, rồi lên phía bắc, thu phục các tiểu quốc, chiếm thành Khu Túc (thuộc Quảng Bình ngày nay, lớn thứ 2 sau kinh đô Lấm Ấp). Nơi đây giáp sông Gianh, quân Lâm Ấp xây dựng thành Khu Túc kiên cố nhằm phòng thủ mạn bắc chống quân Tấn.
Lâm Ấp và nhà Tấn giao tranh suốt nhiều năm trời. Năm 282, quân Lâm Ấp bị quân Tấn đánh bại, vua phạm Hùng tử trận, quân Lâm Ấp phải lui về nam. Năm 283, Phạm Dật lên ngôi và phải sang nhà Tấn cầu hòa. Từ đó một thời gian dài Lâm Ấp không còn lâm cảnh chiến tranh liên miên nữa.
Phạm Văn xây dựng Lâm Ấp
Lúc này ở Dương Châu (thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) có một người tên là Phạm Văn, sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, bị bán làm nô lệ. Năm 15 tuổi vì phạm tội, để thuận tiện bỏ trốn, Phạm Văn theo một thương gia người Lâm Ấp đi khắp Trung Quốc và Ấn Độ buôn bán, nhờ đó mà học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về luyện kim và xây dựng thành lũy.
Năm 321, Phạm Văn theo thương gia trở về Lâm Ấp, ông trở thành nô bộc của vua Phạm Dật. Nhờ có tài năng nên Phạm Văn dần dần trở thành thân tín và là cánh tay đắc lực của vua Phạm Dật. Ông giúp Vua xây dựng thành trì, tổ chức quân đội, dựng cung đài theo kiểu Trung Quốc, chế tạo chiến xa và vũ khí, nhạc khí, v.v. khiến Lâm Ấp ngày càng vững mạnh.
Với công lao to lớn của mình, Phạm Văn trở thành Tể tướng tài ba của Lâm Ấp.
Năm 331, vua Phạm Dật chết nhưng không có con nôi dõi, Phạm Văn lên nối ngôi lập ra Vương triều thứ 2 của Lâm Ấp. Bằng tài năng của mình, Phạm Văn đã xây dựng Lâm Ấp hùng mạnh hơn bao giờ hết.
Lúc này Phạm Văn quyết định mở mang bờ cõi, phía nam quân Lâm Ấp tiến đến tận Cattigara (tương ứng vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay), chung biên giới với Đế quốc Phù Nam. Phía bắc quân Lâm Ấp đánh chiếm trọn quận Nhật Nam (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), biên giới đến phía bắc tỉnh Quảng Bình.
Năm 340, Phạm Văn xin vua Đông Tấn cho sáp nhập quận Nhật Nam vào lãnh thổ nhưng không được. Quân Lâm Ấp liền tấn công chiếm trọn quận Nhật Nam, lấy dãy Hoàng Sơn phía bắc tỉnh Quảng Bình làm biên giới.
Phạm Văn cho xây sửa thành Khu Túc thật kiên cố nhằm án ngữ phòng thủ biên giới phía bắc. Đồng thời cho dời Kinh đô ở Tượng Lâm (thuộc Quảng Nam ngày nay) đến Huế và gọi Kinh đô mới là Kandapurpura .
Từ đó khu vực đèo Ngang luôn xảy ra cuộc chiến thư hùng giữa Lâm Ấp và nhà Tấn. Nhà Tấn muốn tấn công giành lại phần đất đã mất nhưng không sao chọc thủng được phòng tuyến Lâm Ấp.
Mãi đến năm 349, Đông Tấn phản công khiến Lâm Ấp bại trận, vua Phạm Văn bị trọng thương rồi qua đời, Cửu Chân lại mất về tay nhà Tấn.
Tiếp tục đương đầu với phương Bắc
Phạm Phật lên ngôi Vua thay cha, tung quân vây Cửu Chân. Cuộc chiến hai bên dai dẳng. Đến năm 372 thì Phạm Phật phải cầu hòa, biên giới thu về đến bờ nam sông Nhật Lệ (thuộc Quảng Bình ngày nay).
Các đời vua Lâm Ấp sau này dù hùng mạnh, cũng chỉ đưa quân đánh Giao Châu của nhà Tấn rồi lui về.
Từ năm 420, nhà Tấn suy yếu và nguy cơ sụp đổ, tuy nhiên Giao Châu lại mạnh, thứ sử Đỗ Tuệ Độ đem quân tiến đánh Lâm Ấp, quân Lâm Ấp đại bại chết quá nửa phải xin hàng. Đỗ Tuệ Độ đem quân rút về Giao Châu.
Năm 420, nhà Tấn sụp đổ, nhà Lưu Tống lên thay, lợi dụng cơ hội này vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại cho quân đánh chiếm quận Cửu Chân. Năm 436, vua Lưu Tống cho quân tiến đánh Lâm Ấp, quân Lưu Tống toàn thắng đánh chiếm được Kinh đô, thu được rất nhiều vàng bạc châu báu, rồi rút về Giao Châu. Kinh đô Phật Thệ tan hoang, lãnh thổ Lâm Ấp bị lùi sâu về phía nam tận đến Thừa Thiên Huế.
Nội chiến giành quyền lực
Lúc này Trung Quốc bước vào thời kỳ Nam – Bắc triều với chinh chiến và thay đổi triều đại liên tiếp xảy ra, vì thế mà Lâm Ấp được yên ổn. Đây là cơ hội tốt để Lâm Ấp ổn định xã hội và phát triển. Tuy nhiên nội chiến tranh giành quyền lực lại liên tiếp xảy ra khiến Lâm Ấp không sao mạnh lên được.
Năm 541, Giao Châu có biến lớn, Lý Bí dựng cờ nghĩa đánh đuổi quân Lương, làm chủ Giao Châu. Không muốn mất Giao Châu, năm 542 quân Lương tiến đánh, Lý Bí cho quân đến Hợp Phố (thuộc Trung Quốc ngày nay) đánh tan quân Lương.
Lợi dụng Giao Châu bất ổn, năm 543 Lâm Ấp cho quân đánh chiếm được quận Nhật Nam, rồi cho quân ra bắc đánh chiếm tiếp Cửu Đức. Nữ tướng Phạm Thị Toàn vừa đánh bại quân Lương ở Hợp Phố đã cùng tướng Phạm Tu xuống nam đánh bại quân Lâm Ấp. Thua trận Lâm Ấp phải rút trở về.
Năm 544, Lý bí lên ngôi Vua đặt tên nước là Vạn Xuân, thời gian này Lâm Ấp không dám bắc tiến quấy nhiễu Vạn Xuân. Lý Bí cũng giữ hòa khí nên Lâm Ấp được kéo dài thời kỳ yên ổn.
Năm 581, cuộc chiến Nam – Bắc triều ở Trung Quốc kết thúc, nhà Tùy thống nhất Trung Quốc và nghĩ đến chuyện nam tiến.
Năm 602, nhà Tùy cử tướng Lưu Phương tiến đánh Vạn Xuân, Lý Phật Tử không chống nổi, Vạn Xuân bị mất.
Năm 605, Lưu Phương tiến tiếp xuống nam đánh Lâm Ấp, dù quan Lâm Ấp kiên cường chống trả, nhưng Lưu Phương là tướng tài, kỷ luật quân rất nghiêm, quân Tùy được tổ chức bài bản và rất thiện chiến vì thế mà Lâm Ấp không sao chống nổi. Quân Tùy chiếm được kinh đô Phật Thệ. Lâm Ấp diệt vong.
Vua Phạm Phạn Chi lưu vong về phía nam, đến nơi mà ngày nay là huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì xây dựng một quốc gia riêng của người Chăm, gọi là Biệt Kiến Quốc Ấp, đây là chiếc nôi hình thành nước Chiêm Thành sau này.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới người Chăm Chiêm Thành Lâm Ấp