Tản mạn chuyện Winston Churchill nói về “chia đều” phúc lợi
- Nguyễn Vĩnh
- •
Winston Churchill là một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lịch sử Anh quốc, người đã xuất sắc dẫn dắt nước Anh vượt qua chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có một câu nói nổi tiếng của ông thường được phiên dịch ra tiếng Việt như sau: “Chủ nghĩa tư bản không chia đều sự thịnh vượng, nhưng chủ nghĩa xã hội lại chia đều sự nghèo khổ.”
Kỳ thực câu nói nguyên văn của Winston Churchill là: “The inherent vice of capitalism is the unequal sharing of blessings; the inherent virtue of socialism is the equal sharing of miseries.”
Câu nói này có hàm nghĩa sâu xa và châm biếm mạnh mẽ hơn phiên bản tiếng Việt. Để bảo lưu nghĩa tốt hơn, có thể tạm dịch như sau: “Cái ‘xấu’ vốn có của Chủ nghĩa tư bản là ‘không chia đều’ phúc lành; cái ‘tốt’ vốn có của Chủ nghĩa xã hội là ‘chia đều’ sự khổ đau”.
Winston Churchill sử dụng thủ pháp châm biếm trong 3 cụm từ: “tốt”, “xấu” và “chia đều”, với hàm ý rằng không phải cứ chia đều thì mới là tốt. Chủ nghĩa tư bản mặc dù không chia đều sự thịnh vượng, nhưng nó không mang đến khổ đau. Còn chủ nghĩa xã hội thì chia đều tất cả, vì vậy nó chỉ mang đến khổ đau và chỉ có thể chia đều sự khổ đau.
Winston Churchill là một người có đường hướng chính trị bảo thủ, thiên hữu. Ông tin vào thị trường tự do, tin vào sự giảm bớt quyền lực của chính phủ. Ông là một người trung thực, thẳng thắn, không thích và thậm chí “không tin” đảng phái chính trị. Đặc biệt, Winston Churchill rất phản đổi chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
Dẫn dắt nước Anh vượt qua một giai đoạn chiến tranh khốc liệt và khó khăn, Winston Churchill là một nhân vật hết sức tự tin, cũng là một nhân vật có hoài bão muốn gây ảnh hướng rộng rãi tới xã hội Anh. Tuy nhiên điều ông muốn làm là bảo tồn kiến trúc truyền thống của xã hội chứ không phải là “lật đổ tất cả” như chủ nghĩa xã hội. Ông có thể “thông cảm” với người nghèo, nhưng ông không “đồng cảm” với họ. Ông tin vào sự “tự do” chân chính. Có thể nói lý niệm của Winston Churchill khá tương đồng với lý niệm của các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ.
“Tự do” chân chính là thế nào? Trong một xã hội nơi tự do được bảo vệ, mọi người đều có quyền và cơ hội để nâng cao bản thân và tích lũy của cải. Những người nghèo nhất có thể thoát nghèo bằng cách học tập chăm chỉ và nỗ lực làm việc, bởi vì xã hội này có lối thoát: nó bảo vệ tư hữu của tất cả mọi người. Do đó, trong một xã hội như vậy, khả năng thoát nghèo thực sự là lớn nhất. Giàu có không phải là sai trái.
Hơn nữa trong một xã hội, nơi tự do được đảm bảo, sẽ có sự chênh lệch giữa giàu và nghèo. Bởi vì mỗi người đều có tài năng khác nhau và mức độ nỗ lực khác nhau, tất nhiên kết quả cũng sẽ khác nhau. Người chăm chỉ nỗ lực, cần cù chịu khó, biết sáng tạo, thì khả năng thành công cực kỳ cao. Vì vậy, miễn là tồn tại tự do, ắt sẽ tồn tại sự chênh lệch giàu nghèo. Không có thứ gì cần phải “chia đều” hay “phân phối lại” cả. Giàu có không phải tội lỗi. Chẳng phải càng nhiều người giàu thì càng tốt sao? Vốn dĩ là muốn tất cả mọi người giàu lên. Cần phải khuyến khích mọi người làm giàu chân chính.
Người bình thường sẽ cảm thấy rằng sự chênh lệch giàu nghèo là không tốt. Nhưng họ lại quên mất rằng người giàu sẽ có những cống hiến tốt cho xã hội, đặc biệt ở việc tạo ra công ăn việc làm khiến toàn xã hội phát triển. Ngược lại, cả xã hội, đặc biệt là những người giàu có, lại tự nguyện làm “từ thiện”, khiến cho không chỉ các vấn đề xã hội được giải quyết, mà còn khiến đạo đức xã hội được thăng hoa.
Đây chính là logic đúng đắn đằng sau quan niệm “không chia đều” của cải. Bởi vậy mà có người đã nhận xét Winston Churchill là “nhà trị lý nhân từ” (benevolent paternalist).
Một điều thú vị là Winston Churchill hết sức tự tin, tự tin đến mức không có mấy niềm tin vào Kitô giáo dù đã được rửa tội. Tuy nhiên trong câu nói nổi tiếng của mình, Winston Churchill lại dùng những cụm từ mang tính tín ngưỡng rất lớn. “Phúc lành” và “khổ đau”, nhất là “phúc lành” (blessing) là từ mang đặc trưng tín ngưỡng (dù đã dần dần trở thành một phần của văn hóa phương Tây). Trong tín ngưỡng phương Tây, “phúc lành” được Chúa ban cho từng cá nhân, thuận theo sự thánh minh của Chúa. Bởi vậy việc so sánh có chia đều hay không là không tồn tại, việc so sánh này không chỉ thể hiện sự bất kính mà còn thể hiện sự đố kỵ nhỏ nhen của một người.
“Công bằng” hay “nhân ái” không có hàm nghĩa là “chia đều”. Giàu có và đạo đức là hai vấn đề khác nhau. Bạn chỉ có thể chê trách đạo đức của một người, chứ không thể chê trách sự giàu có của người đó. Tôn trọng sự giàu có của người khác chính là tôn trọng quyền tư hữu của người khác, là tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của con người, là tôn trọng quyền của chính bản thân mình. Đây cũng là điều răn cuối cùng trong 10 điều răn của Thiên Chúa: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” Có thể thấy rằng trong các giá trị phổ quát hàng ngàn năm của nhân loại, công chính và thiện tâm không hề đồng nghĩa với “chia đều”.
Nguyễn Vĩnh
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa giá trị phổ quát phúc lợi chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa cộng sản