“Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng”, người xưa rất coi trọng việc lựa chọn hôn phối cho con cái. Đặc biệt là những gia đình giàu có, có địa vị hoặc có trí thức thời cổ đại thì việc lựa chọn con rể càng có những tiêu chuẩn cao hơn. Từ phương thức lựa chọn khác nhau của mỗi gia đình cũng thể hiện ra trí tuệ và giá trị quan khác nhau của mỗi gia đình thời bấy giờ. Dưới đây là một số câu chuyện lựa chọn con rể thời xưa.

Tản mạn về một số cách kén rể thời cổ đại
(Tranh minh họa: Trích từ “Cô Tô phồn hoa đồ”, Họa sĩ Từ Dương, Wikipedia, Public Domain)

Dựa vào kết quả thi mà kén rể

Những gia đình giàu có và quan chức thời xưa khi lựa chọn con rể thường tập trung vào những người có tên trong bảng vàng thi cử. Thời nhà Tống, để đánh giá mức độ hưng thịnh của một gia tộc người ta sẽ xem gia tộc này có bao nhiêu người đỗ đạt hoặc có bao nhiêu nữ nhân được gả cho sĩ tử. Chính vì thế, những chàng trai có tên trên bảng vàng sẽ là mục tiêu để các gia đình giàu có lựa chọn con rể.

Cũng chính vì nguyên do này mà tục lệ “Bảng hạ tróc tế” (dựa vào kết quả thi mà kén rể) đã ra đời. Mỗi khi đến ngày bảng danh sách thi đỗ được công bố, các quan chức, quý tộc giàu có từ khắp nơi  và thậm chí cả gia đình của họ đều sẽ đến Kim Minh Trì (khu vườn hoàng gia nổi tiếng thời Tống) từ sáng sớm để lựa chọn con rể.

Các tể tướng cũng thường chọn gả con gái của họ cho những người thi đỗ tiến sĩ. Thời Hoàng đế Tống Chân Tông, Phạm Lệnh Tôn người Hà Bắc đăng khoa, tể tướng Vương Đán liền tuyển làm con rể. Tể tướng Khấu Chuẩn cũng gả cháu gái của mình cho tân khoa tiến sĩ Cao Thanh. Nhưng không được bao lâu thì người cháu gái này qua đời và một vị tể tướng khác là Lý Hãng đã gả con gái mình cho Cao Thanh làm vợ hai.

Thời Tống Nhân Tông, “Bảng hạ tróc tế” càng thêm hưng thịnh do việc thi cử được mở rộng. Sau khi Phùng Kinh làm trạng nguyên, viên ngoại lang Trương Nghiêu Tá đã muốn Phùng Kinh làm con rể mình. Vì thế, ông ta đã cho mời Phùng Kinh đến nhà, tặng đai vàng và gả con gái cho. Nhưng tể tướng đương triều Phú Bật cũng rất thích Phùng Kinh làm con rể mình. Cuối cùng, Phùng Kinh trở thành con rể của tể tướng.

Mặc dù vậy, tể tướng không phải lúc nào cũng kén được rể. Thời Tống Cao Tông, Sái Kinh là tể tướng, muốn gả con gái của mình cho Phó Sát, tân khoa tiến sĩ người Hà Nam. Nhưng vị tiến sĩ này biết Sái Kinh là gian thần, bản thân lại không ham thích quyền thế nên khi được hỏi đã kiên quyết cự tuyệt.

Cách lựa chọn con rể là tiến sĩ chủ yếu là vì địa vị xã hội của gia đình mà xem xét. Đây cũng là một loại giá trị quan của xã hội.

Dùng câu đối kén rể

Dân gian truyền lại một câu chuyện rằng vào thời nhà Tống, Mã viên ngoại ở Mã gia trấn có một cô con gái thông minh và xinh đẹp. Mã gia đối với việc kén rể là rất nghiêm khắc, thiên kim tiểu thư hy vọng có thể lựa chọn được một người chồng như ý, có tài hoa như mình. Vì thế, ở trước cổng nhà của viên ngoại có treo một chiếc đèn kéo quân. Trên đèn có viết một vế đối do tiểu thư làm: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”.

Đã có rất nhiều vương công quý tộc vì hâm mộ danh tiếng mà tới đây đề vế đối thứ hai, nhưng không ai trong số họ có thể nhận được sự chấp thuận của Mã tiểu thư. Khi Vương An Thạch đi thi, đi ngang qua đây đã nhìn thấy thì khen ngợi: “Câu đối thật hay!” Nhưng bởi vì ngày thi sắp đến nên ông không kịp làm vế đối thứ hai, liền vào kinh thành dự thi.

Trong phần thi, bài viết của Vương An Thạch sinh động và trôi chảy. Ông là người đầu tiên nộp bài và được giám khảo đánh giá cao. Quan chủ khảo muốn thử tài ông, liền chỉ vào lá cờ trước sảnh và ra một vế đối: “Phi hổ kì, kì phi hổ, kì quyển hổ tàng thân”. Vương An Thạch vừa nghe qua thì thấy rất giống với câu đối trên đèn kéo quân của nhà Mã viên ngoại nên đã mở miệng đối lại: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ.” Quan chủ khảo thấy Vương An Thạch đối lại rất nhanh, lại rất hay nên khen ngợi mãi.

Sau khi thi xong, khi Vương An Thạch trở về lại đi ngang qua nhà Mã viên ngoại, nghĩ đến câu đối trên chiếc đèn đã giúp mình, lại muốn gặp người đã viết vế đối trên Vương An Thạch đã viết vế đối: Phi hổ kì, kì phi hổ, kì quyển hổ tàng thân”.

Mã viên ngoại và Mã tiểu thư vừa nghe vế đối thì lập tức xác định việc hôn sự, lựa chọn ngày thành hôn. Khi Vương An Thạch và Mã tiểu thư bái thiên địa thì có người đến báo tin ông đã có tên trên bảng vàng. Người thân và bạn bè reo hò chúc mừng, Vương An Thạch viết chữ “Hỷ” lên giấy đỏ dán lên cửa, hơn nữa còn đề thêm dòng chữ: “Xảo đối liên thành song hỉ ca, mã đăng phi hổ kết ti la” (tạm dịch: Vận may đối đáp thành song hỷ, Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng). Đây là nhân duyên tốt đẹp của hai vợ chồng. 

Dùng phẩm đức nhẫn chịu để kén rể

Chuyện kể rằng có một năm, vào đêm giao thừa, các thuộc hạ của Lâm Tắc Từ, một vị quan đại thần thời Thanh, đều đã trở về để đón năm mới, chỉ còn lại Thẩm Bảo Trinh đang ngồi trong phòng cắm cúi sao chép bản tấu chương rất dài của Lâm Tắc Từ. Thẩm Bảo Trinh thắp nến và viết cho đến tận canh ba mới xong. Không ngờ, sau khi Lâm Tắc Từ nhìn thấy thì liền nói: “Chữ quá ẩu, cần phải chép lại!”

Không nói một lời, Thẩm Bảo Trinh lại ngồi chép lại, khi chép xong thì đã đến sáng hôm sau. “Tất hữu nhẫn, kì nãi hữu tể; hữu dung, đức nãi đại” (có nhẫn nại thì làm việc mới thành công, có khoan dung thì đức mới quảng đại), Lâm Tắc Từ thấy Thẩm Bảo Trinh chép lại bản tấu chương dài như vậy mà không một lời ca thán, là người trọng đức, có tấm lòng bao dung nên đã chọn Thẩm Bảo Trinh làm con rể. Về sau, người con rể này của Lâm Tắc Từ quả là bất phàm, làm quan đến chức Giang Tây tuần phủ, tổng đốc Lưỡng Giang.

Lâm Tắc Từ lựa chọn một người có phẩm đức làm con rể, mặc dù không biết vận mệnh và sự phát triển trong tương lai ra sao nhưng ít nhất có thể đánh giá người có tư cách đạo đức tốt thì đáng tin cậy hơn.

Từ những câu chuyện trên có thể thấy người giàu có hay các bậc hiền nhân khi kén rể, gửi gắm con gái, đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ của chàng rể tương lai. Những người đàn ông như vậy cũng vì có đức hạnh nên tự nhiên tìm được người vợ tài hoa đức độ, tâm đầu ý hợp.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tề Hồi
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: