Tản mạn về một thủ pháp miêu tả trong hội họa
- Thiên Cầm
- •
Trong nghệ thuật hội họa, khi miêu tả một khoảnh khắc nào đó, người họa sĩ khéo léo thường biết cách truyền đạt nhiều thông tin hơn một chút. Ví dụ, Jean-François Millet, một họa sĩ người Pháp nói: “Một người đứng dựa vào cái cuốc hay cái xẻng, so với một người đang cuốc đất hay đào đất, về phương diện mô tả lao động mà nói, còn điển hình hơn. Người đó thể hiện ra rằng mình vừa lao động xong, giờ đã rất mệt rồi. Nghĩa là người ấy đang nghỉ ngơi, và vẫn cần phải tiếp tục lao động.”
Phân tích kỹ một chút: Một họa sĩ miêu tả động tác cuốc đất, chỉ có thể khiến người xem tranh nhìn thấy cảnh cuốc đất, một trạng thái thể hiện một ý tứ mà thôi, hàm ý chỉ là đơn nhất. Nhưng nếu miêu tả hành động dựa vào cuốc nghỉ ngơi, lại khiến người xem thấy rằng: Thứ nhất anh ấy vừa lao động vất vả xong; thứ hai anh ấy đã thấm mệt rồi; thứ ba, một lát nữa anh ấy vẫn phải tiếp tục lao động. Như vậy một trạng thái thể hiện nhiều ý tứ, do đó mà thông tin trở nên phong phú hơn.
Có một câu chuyện về hội họa ghi trong “Sơn Đường Tứ Khảo” của Bành Đại Dực thế này:
Chung Ẩn là một họa gia có phong cách độc đáo, cấu tứ khác biệt, nét bút phóng khoáng. Một lần nọ ông tới làm khách của một nhà sưu tầm tranh. Trong tủ tranh của nhà sưu tầm có bức “Tước ưng đồ”, là tranh vẽ chim bồ cắt, một loài chim trong họ Ưng. Trong tranh là hình ảnh chú chim bồ cắt mắt long sòng sọc, nhào xuống từ không trung, đang săn đuổi con mồi. Chung Ẩn rất thích.
Nhà sưu tập tranh bèn nói: “Nếu tiên sinh có thể vẽ một bức chim bồ cắt khác, độc đáo nhưng lại có thể sánh với tiền nhân, thì tôi sẽ tặng lại bức tranh cổ này cho tiên sinh.”
Chung Ẩn bèn nhắm mắt tĩnh tâm suy ngẫm, cuối cùng cũng nghĩ ra được. Ông bắt đầu hạ bút.
Chú chim bồ cắt mà ông vẽ đứng trên một cành cây khô, trông rất thong dong, nhưng kỳ thực nó lại đang chăm chú theo dõi chú chim cút trong bụi cỏ. Tư thế ác điểu xuất kích, ắt phải ẩn mình này, khiến người ta như nhìn thấy thế thu mình, chuẩn bị lao thẳng xuống hư không!
Sau khi Chung Ẩn vẽ xong, nhà sưu tầm liếc mắt mà thất kinh. Nhưng ông lại không nỡ tặng lại bức tranh của mình cho Chung Ẩn, bèn nói: “Chú chim bồ cắt của ông vẽ không đẹp lắm!”
Chung Ẩn nghe vậy, không hề tranh biện một lời mà cuộn tranh lại. Khi sắp đi, ông chỉ nói với nhà sưu tập một câu: “Chuyện này xin ngài hãy quên đi!”
Nhà sưu tầm tranh từ sau khi xem tranh của Chung Ẩn, trong đầu thường xuất hiện hình ảnh một chú chim bồ cắt rình mồi, ánh mắt chăm chú và thần thái sống động trước mắt. Suốt nửa tháng ông không thể nào xua đuổi hình ảnh này. Ông hiểu rằng tranh của Chung Ẩn khiến người khác khó quên. Nó không chỉ đẹp hơn bức tranh cổ, mà còn có những chỗ xuất thần hơn cả cổ nhân.
Trong đầu nhà sưu tập tranh mỗi lần nhớ tới bức tranh của Chung Ẩn, lại đồng thời nghĩ đến lời hứa của bản thân, cuối cùng ông ta quyết định phải thực hiện, nếu không lương tâm khó mà yên ổn. Thế là ông bèn cử người mang tặng Chung Ẩn bức tranh cổ, và đề thơ tặng rằng:
Tiên sinh họa ưng ý du nhàn,
Thắng tha mãnh trạng hữu vạn thiên.
Nhập nhãn bán nguyệt vị năng vong,
Quả nhiên kỹ nghệ bễ tiên hiền!
Dịch nghĩa:
Tiên sinh vẽ ưng ý thong dong,
Dũng mãnh ngàn vạn thế chẳng bì.
Nhắm mắt nửa tháng chẳng thể quên,
Quả nhiên kỹ nghệ sánh tiên hiền!
Tranh của Chung Ẩn khiến nhà sưu tầm hễ thấy là khó quên, vì trong tranh của ông, dùng tĩnh tả động, thể hiện khoảng khắc trầm tĩnh của chú chim bồ cắt trước khi xuất kích. Ông dốc sức miêu tả thần thái trong giây lát trước khi xảy ra cao trào, kích thích trí tưởng tượng của khán giả về những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo. Cái hay trong bức tranh là nằm ở “một trạng thái nhiều ý tứ”, có thể lưu lại nhiều khoảng trống cho sức tưởng tượng của người xem. Đây chính là một bí quyết miêu tả trong hội họa.
Một nhà lý luận kịch người Mỹ nói: “Cao trào cố nhiên phải viết thật tốt. Nhưng một phần nội dung trước khi xảy ra cao trào lại vô cùng quan trọng”. Những nhà văn có kinh nghiệm thường dốc hết tâm sức vào đây.
Một nhà hý kịch thời xưa cũng từng nói: “Chỉ nghe tiếng sàn lầu vọng lại, mà không thấy người xuống lầu. Điều này miêu tả khoảng khắc đẹp nhất của mỹ nhân, dần dần hé mở, nhưng chưa thấy bóng người, khiến khán giả tưởng tượng dung mạo của cô ấy xinh đẹp như tiên nữ giáng trần.”
Thiên Cầm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hội họa thủ pháp hội họa tranh cổ