Theo dấu chân thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ về thăm quê hương
- Hồ Bạch Thảo
- •
Có thể nói hiện nay trang mạng trên computer đã trở thành một thư viện lớn. Trước kia muốn tham khảo đầy đủ tác phẩm của một thi sĩ đời Ðường, tôi phải lái xe đến thư viện Ðông Á (East Asian Library) tại trường đại học Princeton, đi về trên 2 tiếng đồng hồ; rồi thông qua một vài thủ tục, mới có sách đọc. Ngày nay chỉ cần nhắp con chuột một vài lần, thì trước mắt hiện ra bộ Toàn Ðường Thi 900 quyển; có 42.863 bài thơ, chữ đã lớn lại đẹp, gồm 2.529 thi nhân. Nếu bạn yêu thơ Bạch Cư Dị, thì không phải chỉ có mươi bài như trong những cuốn thơ Ðường thường đọc; ở đây có toàn tập 54 quyển.
Ở đời cái gì có sẵn thì dễ ỷ lại, rồi sinh ra lười biếng. Mỗi lúc thong thả buổi tối, ngồi mở trang mạng Toàn Ðường Thi ra xem thì cũng chỉ lướt qua phần đề mục, hoạ hoằn lắm gặp những đề tài hấp dẫn mới nhấp chuột đi vào chính văn. Ðang làm công việc “cưỡi ngựa xem hoa” như vậy, thì trước mắt tôi hiện lên đầu đề Tại viễn Hoan Châu (Ở nơi châu Hoan xa xôi). Úi chà! Hoan Châu tức Nghệ Tĩnh, Việt Nam; phải nhắp chuột xem đầu đuôi mới được. Thì ra tác giả là thi sĩ Thẩm Thuyên Kỳ (656-714) thời sơ Ðường; từ kinh đô Lạc Dương Trung Quốc, bị đày sang An Nam (An Nam Ðô hộ phủ), ông còn để lại một số bài thơ ngũ ngôn về chuyến đi này. Cơ duyên nào thi sĩ đến châu Hoan, xin hãy lướt qua phần tiểu sử:
Ông sinh vào thời Cao Tông Hiển Khánh thứ nhất (656), mất đời Huyền Tông Khai Nguyên thứ 2 (714). Ðậu tiến sĩ năm Thượng Nguyên thứ 2 (675), được ban chức Hiệp Luật Lang thời Vũ Hậu, rồi thăng Khảo Công Viên Ngoại Lang; từng nhận hối lộ nên bị vào ngục. Ra khỏi ngục được phục chức, đổi làm Cấp Sự Trung. Lúc bây giờ Vũ Hậu hoang dâm, sủng ái hai anh em đẹp trai nhà họ Trương: Xương Tông và Dịch Chi; Thẩm Tuyền Kỳ kết giao với hai người này, nên bị liên luỵ. Năm Thần Long thứ nhất (705) xảy ra cuộc đảo chính trong cung đình, Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi bị chém chết; quân đảo chính đòi hỏi Vũ Hậu phải từ chức, trả ngôi lại cho con là Ðường Trung Tông. Vị vua này truy tội những người có dính líu với anh em nhà họ Trương, do đó Thẩm Thuyên Kỳ bị đày sang châu Hoan, An Nam. Vào năm Thần Long thứ 3 (707) được tha và ban chức Khởi Cư Lang, thường hầu cận trong cung, cuối đời được thăng chức Thái Tử Thiếu Chiêm Sự.
Thẩm Thuyên Kỳ sở trường về thơ ngũ ngôn, cùng với Tống Chi Vấn là những thi sĩ nổi tiếng trong chốn cung đình, nên văn học xưng là “Thẩm Tống”. Hai người thường làm thơ ứng chế (thơ hoạ với vua), văn chương mỹ lệ, tổng hợp văn phong thời Lục Triều để làm nền tảng cho thơ Ðường Luật.
Hãy trở lại chuyến hành trình đi đày của Thẩm Thuyên Kỳ. Qua bài Nhập Quỷ Môn Quan (Vào ải Quỷ Môn) thi sĩ cho biết phải rời kinh đô Lạc Dương đi đến ải Quỷ Môn tại Quảng Tây. Ải này địa thế cheo leo hoang vu hiểm trở, ra đi ít người trở lại. Ðây là nơi xuất phát để vào An Nam; đường bộ thì phải vượt qua sơn cốc, ngựa không dám cất bước; đường thuỷ trải qua ghềnh thác cheo leo:
Nhập Quỷ Môn Quan [Quảng Tây]
Tích truyền Chướng Giang lộ
Kim đáo Quỷ Môn quan.
Thổ địa vô nhân lão,
Lưu di kỷ khách hoàn.
Tự tòng biệt kinh Lạc,
Ðồi mấn dữ suy nhan.
Tịch túc hàm sa lý,
Thần hành cương lộ gian.
Mã nguy thiên nhận cốc,
Châu hiểm vạn trùng loan.
Vấn ngã đầu hà địa,
Tây nam tận bách man!
Tạm dịch:
Vào ải Quỷ Môn
Xưa nghe Chướng Giang hiểm,
Nay đến Quỷ Môn quan.
Ðất đai không kẻ ở,
Người đi hiếm hồi hoàn!
Từ ngày bỏ kinh khuyết,
Sắc diện luống suy tàn.
Trú đêm nơi gió cát,
Ngày vượt núi băng ngàn.
Ngựa nguy nơi cao cốc,
Thuyền hiểm chốn ghềnh loan.
Người hỏi nơi ta đến ?
Bách Việt hướng tây nam.
Tiếp đến là giai đoạn vượt biển đến thành Long Biên [Hà Nội], An Nam. Khác với những huyền thoại quái gở mà tác giả từng nghe như chuyện kể người Man Giao Chỉ có tục xuyên hông; tại đây khí hậu cũng như Trung Quốc có 4 mùa, tuy tiết đông không quá lạnh. Theo thuỷ trình quen thuộc từ cảng Vân Ðồn qua Lục Ðầu, ngược dòng Thiên Ðức [sông Ðuống] để đến thành Long Biên; tác giả chứng kiến dân miền biển theo nếp ông cha sản xuất nhiều cá muối, dọc theo sông thì dân quê trù mật, vui với nghiệp nông. Thành Long Biên, vốn là đất Nam Việt xưa của Úy Ðà [Triệu Ðà] tràn đầy di tích lịch sử: chuyện Lý Ông Trọng giúp nhà Tần dẹp giặc Hung Nô; chuyện khao quân bên hồ Lãng Bạc [hồ Tây], người hùng Phục Ba Tướng quân Mã Viện nhìn lên trời khí độc vần vũ, thấy con diều đang bay bổng rơi phịch xuống nước, mà cảm khái đến cảnh mạo hiểm của người lính chiến “da ngựa bọc thây” v.v.. Trước cảnh lạ, người lạ, nhà thơ cảm thấy buồn đau cho số phận lưu đày, chỉ biết trông đợi đấng quân vương thấu cho tấm lòng ngay thẳng trong sáng:
Ðộ An Hải nhập Long Biên
Thường văn Giao Chỉ quận
Nam dữ quán hung liên
Tứ khí phân hàn thiểu,
Tam quang trí nhật thiên
Úy Ðà tằng ngự quốc,
Ông Trọng cựu du tuyền.
Ấp ốc liên mang tại,
Ngư diêm cựu sản truyền.
Việt nhân dao phủng địch,
Hán tướng hạ khan diên,
Bắc Ðẩu sùng sơn quải,
Nam phong trướng hải khiên.
Biệt ly tần phá nguyệt,
Dung mấn sậu kinh niên.
Côn đệ tồi do mệnh,
Thê noa cát phó duyên.
Mộng lai hồn thượng nhiễu,
Sầu ủy bệnh không triền.
Hư đạo băng thành lệ,
Minh tâm bất ứng thiên.
Tạm dịch:
Vượt biển An Hải vào Long Biên
Nghe đồn Giao Chỉ nơi này,
Người Nam có tục lấy dùi xuyên hông (1).
Bốn mùa, lạnh ít về đông,
Tiết trời nóng nực sáng trong xế chiều.
Úy Ðà riêng cõi thiết triều,
Ngao du Ông Trọng, viếng nhiều suối khe.
Làng nông trù mật cửa nhà,
Ngư dân cá muối ông cha nối đời.
Ðua vui chim trĩ múa chơi (2),
Tướng Hán (3) mãi ngắm diều rơi xuống hồ.
Núi cao, Bắc đẩu lững lờ,
Gió hiu hiu thổi, tràn bờ nước lên.
Xa nhà đã mấy tháng liền,
Ðầu bù tóc rối liên niên dãi dầu.
Vận trời! em út nơi đâu ?
Vợ con chia cắt phó cầu ông xanh.
Buồn vương nhiễu giấc mộng lành,
Niềm đau chứa chất bệnh hành chiếc thân.
Nước mắt trút cả thành sầu,
Tấm lòng trong sạch sao chưa thấu trời!
Trên đường đến Nhật Nam được yết kiến sư Vô Ngại tại ngôi chùa trên núi, như giúp nhà thơ vơi đi tấm lòng đầy phiền não. Cả núi đồi nằm trong cảnh Phật, khỉ vượn chim chóc lắng nghe kinh, cọp chầu dưới núi; cây cỏ, mây tre, am đá đều khoác màu thiền:
Cửu Chân sơn Tĩnh Cư tự yết Vô Ngại Thượng nhân
Ðại sĩ sinh Thiên Trúc
Phân thân hóa Nhật Nam
Nhân trung xuất phiền não
Sơn hạ tức Già Lam
Tiểu giản hương vi sát,
Nguy phong thạch tác kham
Hầu thiền thanh cáp nhũ.
Khuy giảng bạch viên tham,
Ðằng viên vân gian bích,
Hoa lân thạch hạ đàm.
Tuyền hành u cung hảo,
Lâm quải dục y kham.
Ðệ tử ai vô thức,
Y vương tích vị đàm.
Cơ nghi văn bất nhị,
Mông muội tức triêu tam.
Dục cứu nhân duyên lý,
Liêu khoan phóng khí tàm.
Siêu nhiên hổ khê tịch,
Song thụ hạ hư cương.
Tạm dịch:
Yết kiến Vô Ngại Thượng Nhân tại chùa Tĩnh Cư núi Cửu Chân
Ðại Sĩ từ Thiên Trúc (4),
Hoá thân đến Nhật Nam (5).
Giúp đời dứt phiền não,
Núi vắng tức Già Lam (6).
Khe nhỏ ươm hương Phật,
Chóp núi đá làm am.
Hầu thiền chim non lắng,
Nghe kinh bạch viên tham (7).
Mây song vin tường biếc,
Hoa rũ chốn ao đầm.
Suối bao quanh phủ phục,
Rừng treo giặt thiền sam (8).
Ðệ tử lo chưa hiểu,
Y vương lỡ hội đàm.
Hồ nghi giảng bất nhị (9),
Mông muội hướng quy tam (10).
Thâm cứu nhân duyên lý,
Hỷ xả hãy nhớ làm.
Chiều về khe cọp ẩn,
Song thụ hạ sườn non.
Cuối cùng thi sĩ cũng đến được đất Hoan Châu [Nghệ Tĩnh] xa xôi; tuy chưa từng tới nước Lâm Ấp, nhưng xa cách cũng chỉ độ ngày đường. Càng đi xa thì càng nhớ người và cảnh cũ, nước mắt buồn chảy xuống như tràn ngập cả sông suối đất Nhật Nam:
Tại viễn Hoan châu
Tự tích văn Ðồng Trụ,
Hành lai hướng nhất niên.
Bất tri Lâm Ấp địa,
Do cách đạo minh thiên.
Vũ lộ hà thời cập,
Kinh hoa nhược cá biên.
Tư quân vô hạn lệ,
Kham tác Nhật Nam tuyền.
Tạm dịch:
Tại Hoan châu nơi xa xôi
Từng nghe chuyện Ðồng Trụ (11),
Một năm trước tỏ tường.
Chưa từng biết Lâm Ấp (12),
Tuy cách chỉ ngày đường.
Ơn vua buổi nào đến?
Kinh đô như gần bên.
Nhớ người tuôn nước mắt,
Ðầy cả suối Nhật Nam!
Rồi một đêm ngồi ngóng về quê tại đình Nam châu Hoan. Chợt thiu thiu trong giấc mộng, thấy rõ ràng cùng vợ con vui tiệc nơi Lạc Dương quê nhà. Lúc tỉnh mộng bán tin bán ngờ; rồi trở về với thực tại, đành gạt nước mắt ngồi lẳng lặng trước gió xuân:
Hoan châu Nam đình dạ vọng
Tạc dạ Nam đình vọng,
Phân minh mộng Lạc trung.
Thất gia thuỳ đạo biệt,
Nhi nữ yến thường đồng.
Hốt giác do ngôn thị,
Trầm tư thủy ngộ không,
Can trường dư kỷ thốn,
Thức lệ toạ xuân phong.
Tạm dịch:
Ban đêm ngồi ngóng quê tại đình Nam, châu Hoan
Ðình Nam ngồi ngóng hôm qua,
Thiu thiu cơn mộng thấy nhà Lạc Dương.
Lời ai ly biệt dặm trường
Cháu con hầu tiệc buồn vương cõi lòng
Tỉnh ra tưởng thật, ngóng trông,
Trầm tư vạn sự đều không có gì.
Ruột gan dài ngắn sá chi,
Ðau thương gạt lệ ngồi lỳ thưởng xuân!
Cuối cùng thì tin vui đến, hỷ khí tẩy rửa sạch oan khí; nhà thơ được cởi áo lưu đày để khoác lại chiếc áo thường dân. Cũng giống như câu chuyện xưa châu về Hợp Phố, tác giả cảm thấy thời gian ngắn lại, như cùng hoa lá bay trở về kinh đô Lạc Dương:
Hỷ xá
Khứ tuế đầu hoang khách,
Kim xuân tứ sảnh qui.
Luật thông u cốc noãn,
Bồn cử thái dương huy.
Hỷ khí nghênh oan khí,
Thanh y báo bạch y.
Hoàn tương Hợp Phố diệp,
Câu hướng Lạc Thành phi.
Tạm dịch:
Năm ngoái lưu đày khổ,
Xuân nay tội được tha.
Vận thông hang cốc ấm,
Trời mở ánh dương hoà.
Niềm vui tẩy oan khí,
Thanh y đổi bạch y (13).
Lá hoa trời Hợp Phố,
Cùng hướng Lạc Thành phi.
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ bài viết cùng tên
Đăng trên DienDan.org
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Xem thêm cùng tác giả:
- Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh trong việc mở rộng lãnh thổ
- Lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh
- Thử so sánh khả năng hàng hải hai nước Trung Việt thời Thanh/Nguyễn
Chú thích:
(1) Người Trung Quốc xưa tin rằng người Man Giao Chỉ có tập tục lấy dùi xuyên vào hông.
(2) Ðời nhà Chu, người Việt đến cống dâng chim trĩ và múa.
(3) Tướng Hán: Mã Viện.
(4) Thiên Trúc: tên xưa chỉ Ấn Ðộ.
(5) Nhật Nam: có thuyết cho rằng Nhật Nam tại Hà Tĩnh, Quảng Bình.
(6) Già Lam: tiếng Phạn có nghĩa là vườn tăng chúng trú, người đời thường gọi chùa là Già Lam.
(7) Bạch viên tham: vượn trắng nghe giảng kinh.
(8) Sam: loại áo người đời Ðường hay mặc; như Bạch Cư Dị mặc thanh sam (Giang châu Tư Mã thanh sam thấp: Giang Châu Tư Mã đầm đìa áo xanh — Bản dịch Tỳ bà hành)
(9) Bất nhị: chỉ duy nhất; lấy từ lời Phật “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”
(10) Quy tam: quy y tam bảo (quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng)
(11) Ðồng Trụ: Có thuyết của Trung Quốc cho rằng Ðồng Trụ gần Phân Mao lãnh, tại Lưỡng Quảng.
(12) Lâm Ấp: tên nước Chiêm Thành xưa.
Từ khóa Đường thi Hồ Bạch Thảo