Thiển đàm về 3 loại tướng tốt
- An Hòa
- •
Tướng mạo của một người, theo nghĩa cao nhất, là con người của anh ta. Tướng mạo tiên thiên là do cha mẹ cấp cho nhưng tướng mạo hậu thiên lại chính là do ngôn hành của một người trong cuộc sống mà thành. Con người nơi thế gian chính là ngàn người có ngàn tướng mạo, tướng mạo của một người phản ánh ra phẩm tính, thói quen, tu dưỡng và tính cách của người ấy. Có câu tục ngữ rằng: “Người có tam tướng, không phú cũng vượng”, chính là nói rằng một người nếu như có một trong ba loại tướng mạo là hiền lành, khiêm nhường, ngạo cốt thì nhất định là mệnh tốt.
Tướng mạo hiền lành
Trong sách “Lễ ký” có câu: “Hữu thâm ái giả tất hữu hòa khí, hữu hòa khí giả tất hữu du sắc, hữu du sắc giả tất hữu uyển dung”, ý nói người có tình cảm sâu sắc thì tất có hòa khí, người có hòa khí thì tất có sắc mặt hòa nhã vui tươi, người có sắc mặc hòa nhã vui tươi thì tất có diện mạo tốt đẹp. Người ta có thể thông qua tướng mạo của một người mà biết được thái độ xử thế và mức độ giáo dưỡng của người ấy.
Người hiền lành tốt bụng không chỉ có tướng mạo tốt mà phần nhiều họ cũng đều là người có giáo dưỡng, cách xử thế của họ cũng rất nhã nhặn phúc hậu. Bất luận là đối mặt với ai, họ đều có thể đối xử bình đẳng, bởi vậy vẻ mặt của họ luôn khoan khoái dễ chịu, vui vẻ hòa nhã khiến cho người ta cảm thấy dễ gần.
Chân dung của nhiều danh nhân cũng có tướng mạo hiền lành lương thiện. Những người như vậy nhìn chung là những người có lòng từ thiện, tốt bụng và rộng lượng, thấy người khác gặp nạn sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ, đồng thời họ cũng sẽ gặp được quý nhân chỉ bảo và giúp đỡ. Nói chung, theo cách nhìn của cổ nhân thì những người có tướng mạo hiền lành lương thiện là những người có mệnh tốt đẹp.
Có câu nói: “Hữu tâm vô tướng, tướng trục tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”, ý nói tướng là tùy theo tâm, có tướng ấy mà không có tâm ấy thì tướng sẽ bị tiêu mất, không có tướng ấy mà có tâm ấy thì tướng cũng theo đó mà sinh ra. Một người có tâm tính như thế nào thì tự nhiên sẽ biểu lộ ra thần thái như thế ấy.
Tướng mạo khiêm nhường
Tăng Quốc Phiên, đại thần triều nhà Thanh từng nói: “Khiêm ti hàm dung thị quý tướng”, tức là người khiêm tốn, nhún nhường là người có quý tướng, cũng tức là một người khiêm nhường bao nhiêu thì tướng mạo sẽ lộ ra sự tôn quý bấy nhiêu.
Người ở địa vị cao hay thấp, nếu như đều có thể giữ được sự điềm đạm bình tĩnh, khiêm tốn nhã nhặn, không cố bám víu vào người trên cao và giẫm đạp người bên dưới, không lên mặt nạt người thì nhất định có thể hiển lộ ra được sự cuốn hút về nhân cách.
Sách “Thượng Thư. Đại vũ mô” viết rằng: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi thiên đạo”, nghĩa là cuồng vọng tự mãn tất sẽ chiêu mời tổn hại cho bản thân, khiêm tốn có Lễ thì nhất định sẽ khiến bản thân được lợi, đây là đạo Trời, là quy luật khách quan.
Viên Liễu Phàm ghi lại trong “Liễu Phàm tứ huấn” một số câu chuyện về khiêm nhường mà được phúc như sau:
Năm Tân Mùi, ta đến kinh thành thi hội, có khoảng mười người đồng hương đi thi hội cùng ta. Trong số ấy có một người trẻ tuổi nhất là Đinh Kính Vũ, anh ta là người vô cùng khiêm nhường. Ta đã nói với người đi thi cùng là Phí Cẩm Pha rằng, Đinh Kính Vũ năm nay nhất định sẽ thi đỗ. Phí Cẩm Pha cười hỏi lại: “Sao có thể nhìn ra như vậy?” Ta nói: “Chỉ người khiêm nhường mới có thể nhận được phúc báo”. Đến ngày yết bảng, Đinh Kính Vũ quả nhiên đã thi đỗ.
Tướng kiêu hãnh, kiên nghị
Người có tướng ngạo cốt (kiêu hãnh, kiên nghị) phần lớn là đều có các đường nét trên khuôn mặt sắc sảo, rõ rệt, mang lại cho người ấy một vẻ kiên nghị và tự tin. Kiểu người này rất có nguyên tắc, có khí tiết, không vì danh lợi mà khom lưng cúi đầu, ở trong khốn cảnh vẫn không sờn lòng, họ cũng là kiểu người có thể làm được việc lớn. Vì vậy, cổ nhân cho rằng người có tướng ngạo cốt là người có phúc.
Người có tướng ngạo cốt có thể kiên trì nguyên tắc, không sợ bất kỳ lực cản gì. “Người không thể có ngạo khí nhưng không thể không có ngạo cốt”, một người không thể kiêu kỳ ngạo mạn nhưng cần kiêu hãnh, kiên nghị. Khi một người đi giữa trời và đất, người đó nên dựa vào sự tự tin vào giá trị bản thân để tồn tại chứ không nên dựa vào sự kiêu ngạo của mình để áp chế người khác.
Phạm Trọng Yêm, người đã lưu lại danh ngôn thiên cổ “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, được coi là một người ngạo cốt, kiêu hãnh và kiên nghị. Trong thời gian làm quan, Phạm Trọng Yêm không tư lợi mà nhìn trước ngó sau, ngược lại ông luôn nói lời can gián thẳng thắn. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông đắc tội với Hoàng đế, thái hậu và tể tướng mà bị giáng chức lưu đày đến ba lần. Nhưng, ông vẫn kiên trì theo đuổi những khát vọng cao cả của mình, trước sau đều dũng cảm tiến tới. Khi người bạn tốt của ông là Mai Nghiêu Thần, đưa ra lời khuyên về việc ứng xử trong quan trường thì Phạm Trọng Yêm vẫn kiên quyết: “Ninh minh nhi tử, bất mặc nhi sinh”, thà lên tiếng mà chết chứ không im lặng mà sống.
Phạm Trọng Yêm với thái độ làm quan, làm người như vậy, đã cứu vô số sinh mạng, dù khi còn sống hay sau khi chết vẫn luôn là tấm gương cho những người chí sĩ, được lưu danh muôn đời, được lưu truyền mãi mãi.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lương thiện xem tướng khiêm nhường hiền lành