Thuận thời dưỡng sinh vào mùa Xuân
- An Hòa
- •
Sách “Hoàng Đế Nội Kinh” viết rằng Trời đất có âm dương bốn mùa, biến hóa của bốn mùa, đây là cội nguồn của sinh tử, nghịch đạo lý này thì ắt tai họa sinh, tuân theo đó thì bệnh sẽ không khởi. Cho nên đạo dưỡng sinh căn bản là thuận theo sự biến hóa của âm dương bốn mùa, cũng chính là thuận thời mà làm. Vào mùa xuân, cổ nhân dưỡng sinh như thế nào?
Mùa Xuân là tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba theo nông lịch, bắt đầu từ lập Xuân đến lập Hạ thì kết thúc. Mùa Xuân là mùa vạn vật trong trời đất sinh trưởng, thời tiết phù hợp cho sự phát triển của vạn vật, đối ứng với “mộc” trong Ngũ hành và tạng “can” (gan )trong nhân thể. Mùa Xuân cũng là mùa dương khí bắt đầu thăng phát, vạn vật qua mùa đông bắt đầu hồi sinh vận động. Theo nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất”, lúc này khí dương của cơ thể người cũng thuận ứng tự nhiên, thăng phát và hướng ra ngoài. Cho nên Mùa Xuân phải “dưỡng sinh”, phải làm phong phú dương khí, tránh làm hao tổn hay gây trở ngại đến dương khí. Nếu đi ngược lại với điều này thì thân thể sẽ thiếu dương khí, can khí sẽ phát sinh những biến đổi bên trong mà sinh ra bệnh.
Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” viết mùa Hạ “dưỡng trưởng”, mùa Thu “dưỡng thu”, mùa Đông “dưỡng tàng” và mùa Xuân phải “dưỡng sinh”. Phương pháp cụ thể của “dưỡng sinh” vào mùa Xuân là làm việc và nghỉ ngơi phải “đêm ngủ sớm dậy”, thuận theo xu hướng mặt trời mọc vào mùa này mà đi dạo bộ một cách nhẹ nhàng thư thái hít thở dưỡng khí của tự nhiên do cỏ cây phóng thích ra, làm gia tăng khí dương trong thân thể, cũng để dưỡng ý chí của bản thân. Cổ nhân thường hay buộc tóc, nhưng vào mùa xuân thì thả tóc khi có thể, đồng thời dùng ngón tay để chải đầu giúp lưu thông khí huyết, thúc đẩy dương khí, nâng cao tinh thần, ý chí và giải trừ mệt nhọc.
Mùa Xuân là mùa vạn vật sinh sôi, đại tự nhiên cũng đang phát triển, cho nên vào mùa này không nên động niệm sát sinh. Mùa xuân nên là “sinh chứ không sát, cho chứ không lấy, thưởng chứ không phạt”, trong tâm nên bồi dưỡng từ bi, khoan dung, che chở vạn vật xung quanh. Nên thường xuyên khen ngợi tán thưởng người khác, hơn nữa còn cần khích lệ, bồi dưỡng con em trong gia đình hay học trò của mình.
Về cách ăn mặc cũng cần chú ý. Trong sách “Thiên kim yếu phương” của Tôn Tư Mạc đã nêu những yếu điểm dưỡng sinh mùa xuân về y phục, ẩm thực và giấc ngủ. Ông viết rằng: “Mặc, ăn, ngủ đều phải phù hợp, có thể thuận theo thời khí thì chính là đạo dưỡng sinh”. Vào đầu mùa xuân, do khí lạnh vẫn còn, gió không mạnh nhưng nhiều. Phong và hàn kết hợp với nhau dễ thâm nhập vào cơ thể, làm phát sinh cảm mạo, khiến bệnh tật cũ tái phát. Vì vậy, quần áo không cần mặc nhiều nhưng phải đủ ấm, chú ý vùng lưng và chân, tránh để nhiễm lạnh, nhất là lúc sáng sớm và nửa đêm. Cụ thể, trang phục phải “y dục hạ hậu thượng bạc” (thân dưới phải mặc dày ấm, thân trên mặc ít hơn). Đây cũng là cách tốt nhất để dưỡng dương khí.
Ở phương diện ẩm thực cũng phải chú ý thuận theo thời khí. Mùa Xuân đối ứng với Mộc trong Ngũ hành, đối ứng với gan. Từ mùa đông chuyển qua mùa xuân, cơ thể cũng thay đổi từ trầm thấp sang sinh cơ bừng bừng. Lập xuân chính là quá trình chuyển hóa, cần khơi dậy sức sống từ trong thế ẩn tàng của mùa đông. Thời xưa, cổ nhân có phương pháp “Ngũ tân bàn” để có thể phát huy chức năng tăng dương khí trong cơ thể con người. Sách “Phong thổ ký” thời Tấn viết: “Nguyên Đán, dùng hành, tỏi, hẹ, rau đắng, hao giới, gọi là ngũ tân bàn để trợ phát khí ngũ tạng”. Người xưa thường dùng hành, gừng, tỏi làm nguyên liệu nấu ăn để làm tăng dương khí trong cơ thể.
Sách “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân cũng viết tháng Giêng ăn “ngũ tân” – hẹ, kiệu, hành, tỏi, gừng để giúp tiêu trừ những bệnh do thiếu dương khí gây ra. Mặc dù “Ngũ tân” trong hai cuốn sách này có chỗ khác nhau nhưng đều là những loại có vị cay, đều là những loại rau tốt cho tiết mùa Xuân. Màu sắc của chúng đều là xanh biếc, là màu của mùa xuân trong Ngũ hành, đặc tính đều là hăng, ấm, không độc giúp khu trừ dịch bệnh, khai thông tạng khí, giúp cơ thể thoát khỏi trạng thái ẩn tàng của mùa đông.
Cổ nhân có câu: “Xuân bất dưỡng, hạ dị bệnh”, ý tứ là mùa xuân nếu không dưỡng sinh thì mùa hạ dễ sinh bệnh. Quan trọng nhất trong đạo dưỡng sinh mùa xuân là dưỡng can (gan). Nếu không chăm sóc tốt sức khỏe, dưỡng không đủ “can huyết” thì sẽ dễ dẫn tới mùa hè bị “Hạ vi hàn biến”, mắc các bệnh chứng lạnh. Ngược lại nếu dưỡng tốt can vào thời điểm này thì chính là cái gốc để cho sức khỏe của cả năm. Bởi vậy, dưỡng sinh mùa Xuân là điều trọng yếu.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời nghe radio “Tặng gai cho người, tay sẽ chảy máu – Tặng hoa cho người, tay sẽ lưu hương”:
Từ khóa dưỡng sinh Hoàng Đế nội kinh Thuận theo tự nhiên