“Kem mút…”, “Kem mút…”, chẳng ai gọi cũng chẳng ai rao, tiếng “kem mút” từ chiếc còi bóp tay tự động bật trong đầu những đứa trẻ, thời của tường gạch vữa tróc, rào hoa dâm bụt, rào mùng tơi, hoa dừa nở rơi đầu ngõ. Tiếng còi ấy như biết gọi, gọi cho lòng dạ chúng tôi xốn xang lên, chân tay khua khoắng miệng rối rít giục nhanh nhanh, sợ mẹ gật đầu đồng ý thì người ta đã đi xa mất rồi.

Tieng kem mut 02
Con phố cùng các tòa nhà nay đã khác xưa, nhưng chiếc xe chở thùng kem với tiếng còi “kem mút” vẫn mộc mạc như thế. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Tôi cũng không hiểu sao, cái còi kem mút ấy tiếng nó rền, nó xa mà nó mời gọi đến thế. Những đôi chân ngăn ngắn ríu rít chạy xô ra lề đường, bàn tay bé vẫy vẫy, miệng bắt chước người lớn gọi: “Kem ơi…!”, trong lòng thấy lúng búng quá, liền câu sau sẽ gọi: “Chú bán kem ơi!”. Cái bóng lưng đang đi xa dần ấy, đột nhiên ngoảnh lại, bàn tay bóp phanh, đầu xe cua lượn tròn một vòng rồi từ từ tiến về phía đám trẻ đang háo hức reo hò, khoảnh khắc ấy sao mà nó mừng vui đến vậy.

Tờ 100, 200 đồng mẹ cho, tờ 100 có hình ngôi chùa giống bút lông, tờ 200 có xe công nông trên cánh đồng lúa chín, đổi thành que kem chị em chia nhau, khi ăn chung, khi mỗi người một cái. Kem thì lúc tròn lúc dẹt, sợi dừa thì béo, cắn miếng kem lúc đá lúc bột, mà rồi thì lúc nào cũng ngon. Có kem ăn rồi là lại chí chóe, ăn kem phải cắn hay mút? Cắn từ đầu trên hay đầu dưới kem mới không chảy ra tay? Lúc trước còn đồng lòng nài nỉ mẹ cho mua kem, phút sau cầm kem ăn rồi bắt đầu mách: “Mẹ ơi, cái lọ cái chai… tham ăn, mẹ ơi, cái lọ cái chai… làm rơi hết kem xuống đất rồi…!”

Có thể chẳng ai tin, kem từng là món hàng bán chạy một thời, lời thật nhiều so với các công việc tay chân chạy ăn từng bữa. Ở xưởng kem – thực ra chỉ là gian nhà đủ rộng – tiếng máy trộn bột, nhào đường, chạy máy làm đá suốt đêm, để sáng tinh mơ hàng chục chiếc xe đạp chở thùng kem sau bác-ba-ga đã chờ sẵn lấy hàng. Những cây đá lớn được chèn quanh thùng xốp nẹp gỗ bên ngoài, bên trong lót lớp ni-long dày, chính giữa những kem que được xếp thành hàng, rồi chồng lên thành tầng, trên nắp thêm cái chăn con công, chăn dạ thủng dăm ba lỗ gập năm gập ba phủ kín. Những bàn chân nhiều nốt chai như chân của bố, đi đôi dép nhựa tiền phong nâu ngà vài ba nốt hàn cũng giống bố, nhấn từng vòng pe-dan, bóp còi kem mút tỏa đi khắp các con đường.

Tieng kem mut 03
“Người ta có loa thì dùng loa, mình có cái này thì dùng thôi” – cô bán kem trả lời… như không về chiếc còi như ngược thời gian của mình. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Cái que kem ngày ấy, còn gắn liền với bàn tay mẹ đầy những vết dằm đâm, vết dao cứa. Xưa kem que không có que gỗ tiện tròn và nhẵn như bây giờ. Que kem là từ cây róc chẻ ra. Mẹ nhận làm thuê cho người ta, mua róc về, mỗi lần vài bó mấy chục cây. Mẹ đặt cây róc lên chiếc ghế con cóc, một chân đè, một tay giữ, tay còn lại cầm cưa, cái cưa khung thợ mộc, cưa đứt thành từng khẩu ngắn, bỏ mắt đốt, bỏ khúc còi. Những đoạn róc ngắn tiếp tục được chẻ ra, lấy cật, bỏ lõi, vuốt nắn sao cho thành hình cây kem rồi mang giao cho xưởng.

Nghề “chẻ que kem” ấy giúp mẹ chèo chống cả nhà ngày bố phải lánh đi làm xa vì đổ nợ. Ấy là chuyện sau này tôi mới biết. Ngày đó, mỗi sáng được đặt ngồi trên từng bó róc lớn, lúc thì nguyên cây, lúc đã chẻ thành que, mẹ đưa đến trường mẫu giáo, tôi thấy tự hào trước những đôi mắt mở to đầy thắc mắc của chúng bạn. Mấy đứa hột gà hột vịt phần muốn phụ mẹ phần vì táy máy chân tay, vẫn lân la quanh đống róc đã cưa, cầm con dao sắt đầu vuông cán gỗ gõ gõ chẻ chẻ, để mẹ luôn miệng vừa mắng vừa xua: “Đứt tay bây giờ!!!” Kem que vì thế cũng thi thoảng mới dám xin, sợ mẹ tốn tiền, sợ nhà mình không có tiền.

Trưa nắng hôm nao, giữa không gian võng xuống bởi tiếng gõ bàn phím đều đều, loại nhạc mix kỳ lạ của giới trẻ lặp đi lặp lại bên tai, vẳng từ xa, hình như có tiếng còi “kem mút”! Lòng tôi nửa tin nửa ngờ, vì quãng thời gian ký ức ấy đã đủ dài để phải chui vào túi của Doremon để trở về. Giữa thời buổi tiếng rao còn hiếm này, giữa lúc tiếng loa gắn bình ắc-quy đã thay thế cho tiếng người, vừa đỡ sức, vừa đều lại vang, còn có tiếng còi kem mút?

Tieng kem mut 01
Trong tâm thức của mỗi người, dường như luôn có một xe kem chở theo ký ức tuổi thơ của riêng mình. (Ảnh: Nghinh Xuân)

Rồi chiếc xe đạp chở thùng kem mút lướt qua, bóng lưng nhỏ nhỏ, đội chiếc nón lá, cùng chiếc còi vừa lạ vừa quen trên ghi-đông vang lên hai tiếng đều đều “kemmm… mútttt…”, lòng tôi nhẹ nhõm, mỉm cười. Tựa như một sợi vương ký ức tưởng đã trôi xa từ lâu, tôi vừa được chạm vào, mong manh mà chẳng thể nào bứt nổi. Sợi vương ấy có mẹ mỗi đêm bó que kem để sớm mai kịp giao cho người ta, có chị, có em ngày ăn chung cây kem, em nhận phần đầu, chị nhận phần sau, có bố áo quần vắt ra nước, chiếc mũ cối sờn viền, chao nghiêng trên chiếc xe khung dựng mỗi trưa nắng đi về.

Để trong khoảnh khắc chạm được vào, tôi được nhớ mình đã lớn lên từ đâu, tiếng cười giòn ngày thơ bé khi cắn miếng kem lạnh tê răng được mẹ chắt chiu, yêu thương như thế nào. Nắng giòn tưới vàng lên giấc mơ trưa, nơi tiếng còi kem mút sẽ vang lên đều đặn mỗi khi lướt qua, trả vài phút ngọt ngào trong ngày, cho tâm trí trong veo như thuở bé thơ lòng lành.

Nghinh Xuân

Xem thêm:

Mời xem video: