Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của tử vi – P1
- Trẩn Hưng
- •
Môn tử vi được khai sinh ở Trung Quốc, nhưng hiện nay người Trung Quốc lại hay dùng bát tự để toán mệnh. Trong khi đó, tử vi lại phổ biến hơn ở Việt Nam và Đài Loan. Các nước khác như Hồng Kông, Singapore cũng thịnh hành tử vi song song với tử bình bát tự. Vậy cội nguồn hình thành và phát triển tử vi như thế nào? Được truyền đến Việt Nam ra sao? Nó đã có ảnh hưởng gì đến lịch sử phát triển của nước ta?
Cội nguồn
Tương truyền rằng thời Hiên Viên Hoàng Đế khai sáng ra nền văn minh cổ xưa ở khu vực Trung Nguyên, Hiên Viên chỉ thị cho Dung Thành chế tác ra “Cái Thiên”. Đây là thiết bị để quan sát thiên văn. Hiên Viên lại chỉ thị Hy Hòa quan sát sự vận hành của mặt trời, Thường Nghi quan sát sự vận hành của mặt trăng, Du Khu quan sát sự vận hành của các tinh tú, Lệ Thủ làm toán số. Từ đó mà dần dần có thiên văn, lịch pháp, phân định 4 mùa, giúp người dân gieo trồng và thu hoạch.
Thiên văn phát triển dần, rồi Triều đình có “Chúc quan” – chức quan chuyên quan sát thiên văn. Thời kỳ cổ đại xem trọng “Thiên nhân hợp nhất”, lấy việc quan sát thiên văn mà tính ra việc nơi nhân thế. Ngày nay khi khai quật tìm thấy các chữ giáp cốt thời nhà Thương, người ta thấy rằng các chữ viết này ghi chép lại các việc tế lễ Thần, chiêm bốc hỏi việc.
Thiên văn, lịch pháp qua thời gian phát triển, qua quan sát tượng mà hiểu được ý Trời, áp dụng cho người, dần dần hình thành nên toán mệnh.
Đến thời Đông Tấn (317 – 420) việc toán mệnh đã phát triển hình thành nên tử vi sau này. Tuy nhiên thời đấy việc toán mệnh qua thiên văn và lịch pháp này còn sơ khai và chưa có một phương pháp thống nhất.
Hy Di Trần Đoàn sáng lập ra tử vi
Ngay trước thời nhà Tống là thời kỳ “Ngũ đại thập quốc”. Bấy giờ có đạo sĩ tên là Trần Đoàn, hiệu là Hy Di ra đời, sinh ngày 16 tháng giêng năm Nhâm Tý (894), giờ Tỵ.
Phụ thân của Trần Đoàn là nhà nghiên cứu thiên văn, lịch số. Năm lên 8 tuổi Trần Đoàn xem cha quan sát thiên văn. Trần Đoàn bèn hỏi quấy rầy mãi, cha ông liền đưa cho “trắc thời đồ” (công cụ quan sát thiên văn) rồi chỉ cho thấy chòm sao tử vi và thiên phủ, rồi bảo Trần Đoàn quan sát xem chòm sao tử vi có bao nhiêu sao và chòm thiên phủ có bao nhiêu sao.
Tưởng con sẽ phải mất thời gian lâu, nhưng nào ngờ chỉ một lúc sau cậu bé Trần Đoàn đã tính ra sau sao tử vi có 5 sao, như vậy chòm sao tử vi có 6 sao; sau sao thiên phủ có 7 sao, như vậy chòm sao thiên phủ có 8 sao. Từ đó Trần Đoàn được truyền lại cho khoa thiên văn, lịch số.
Lúc này đang thời kỳ Ngũ đại thập quốc, chiến tranh liên miên, xã hội loạn lạc. Năm 20 tuổi, Trần Đoàn lên núi Hoa Sơn học Đạo. Sau khi đĩnh ngộ thành tài thì chọn đồ đệ, hay vân du khắp nơi, tự gọi mình là Hy Di.
Là người tu Đạo, Trần Đoàn kếp hợp tinh hoa của 6 môn là thiên văn, lịch số, ngũ hành, ngũ sự, tạp chiêm và hình tượng lập nên một môn học mới và đặt tên gọi là tử vi.
Có người cho rằng tử vi ra đời trước Trần Đoàn, cụ thể là đã phát triển từ thời Đông Tấn, nhưng lúc đấy chưa có thống nhất định hình cụ thể, Trần Đoàn đã có công tập hợp tinh hoa các môn lại mà lập ra tử vi.
Trong “Triệu Thị minh thuyết tử vi kinh” chép lại lời của Trần Đoàn:
“Không phải bần đạo đâu, khoa tử vi uyên nguyên từ thời Đông Tấn, qua đời Lục triều vẫn chưa có quy tắc nhất định. Đời Đường thịnh trị mấy trăm năm, không ai để tâm đến. Vừa qua thiên hạ đại loạn, thế sự thăng trầm, chết sống vô định, nên tử vi được san định lại. Bần đạo đọc 6 khoa: thiên văn, lịch phổ, ngũ hành, ngũ sự, tạp chiêm và hình tượng thấy cùng một gốc là vũ trụ biến dịch nên biên tập lại vậy, xưa kia các vị quan chúc đã tốn nhiều tâm lực nghiên cứu ra đấy”
Câu chuyện tiên tri gây kinh ngạc cả Triều đình
Thời Ngũ thập đại quốc, thiên hạ đại loạn, một lần Trần Đoàn xem thiên tượng đoán Thiên tử tương lai đang đến núi Hoa Sơn, sáng hôm sau liền cùng các đệ tử xuống núi.
Sách “Triệu Thị Minh Thuyết Tử vi kinh” của nhà Tống có chép lại rằng khi Trần Đoàn xuống chân núi thấy dân chúng chạy tán loạn, tiên sinh để ý thiếu phụ gánh hai cái thúng, mỗi thúng một đứa trẻ, tướng mạo khác thường. Trần Đoàn vốn là đạo sĩ có biệt tài xem tướng, nhìn hai đứa trẻ biết ứng với sao tử vi và thiên phủ liền tới hỏi han và xin ngày sinh hai đứa trẻ.
Tiên sinh tính số đứa trẻ là anh thấy có Tử, Phủ, Vũ, Tướng được Tả, Hữu, Khoa, Quyền, Lộc củng chiếu. Ngặt đại hạn đang gặp Kiếp, Kỵ nên nghèo khó. Còn số của đứa em thì Thiên phủ lâm Tuất, ngộ Tả, Hữu, Khoa, Quyền đại hạn cũng đang gặp Kiếp, Kỵ nên nghèo khó.
Tiên sinh nói thiếu phụ có phúc lắm, vì hai con sau này đều sẽ lên ngôi Vua. Thiếu phụ không tin, nói mình đang gặp khó khăn muốn được giúp đỡ.
Trần Đoàn nói rằng con bà sau này làm Vua thì cả giang sơn này của gia đình bà cả, vậy bà bán núi Hoa Sơn này lấy tiền mà tiêu. Sau này khi con bà làm Vua thì để núi Hoa Sơn này lại cho ta.
Thiếu phụ nghĩ rằng Trần Đoàn nói chơi nên đồng ý, rồi xé vạt áo hai con quấn vào đôi đũa, nhét trong một ống đũa, coi như văn tự.
Thời gian thấm thoát trôi qua, năm 960 đứa trẻ người anh con của thiếu phụ nọ lên ngôi, lập ra nhà Tống, lấy hiệu là Tống Thái Tổ.
Năm 963 quan trấn thủ vùng Hoa Sơn dâng biểu về Triều tâu lên rằng, có đạo sĩ ở núi Hoa Sơn là Trần Đoàn, tự là Hy Di bao dưỡng dân chúng không chịu nộp thuế. Còn nói rằng đất Hoa Sơn là đất riêng của ông ấy, đã được Hoàng Thượng bán cho rồi.
Tống Thái Tổ nghe rất lạ, liền cho mời đạo sĩ đến. Hy Di tiên sinh đến Triều đình liền đưa ống đũa và vạt áo và nói rõ sự việc năm xưa. Tống Thái Tổ liền hỏi lại Thái hậu. Thái hậu nhớ ra thì buột miệng: “Vị thần tiên ở núi Hoa sơn đây mà, người đã cứu nạn cho nhà ta xưa đây”, rồi kể lại truyện xưa.
Tống Thái Tổ và Triều đình nghe xong thì kinh sợ về tài tiên tri của Hy Di, tôn kính như bậc thầy. Tống Thái Tổ hỏi về việc tiên tri, Hy Di liền giới thiệu qua về tử vi, rồi lấy ra cuốn sách “Tử vi chính nghĩa” đã viết sẵn trao cho Hoàng Thượng rồi nói:
“Với khoa Tử vi, học tới bậc sơ đẳng, bệ hạ có thể biết kẻ trung, người nịnh, thời nào tốt, khi nào xấu mà mưu đại kế, tránh nhiễu sự. Học tới chỗ uyên thâm, có thể nhân số mạng người thân xấu, dùng loại người nào thì cứu được, cứu bằng cách nào. Thấy kẻ ác, thì dùng người nào, cách nào mới trị được. Còn học tới chỗ uyên nguyên cùng cực, có thể làm đảo lộn thiên hạ, nắm thiên hạ trong tay. Tuy nhiên bần đạo cũng xin dâng bệ hạ một câu: Khi dùng khoa này nên lấy chữ nhân làm gốc, đừng quá ỷ tài, mà đi vào chỗ ác độc tổn âm đức.”
Triều đình cũng muốn được xem tử vi, để biết môn này lợi hại thế nào. Chỉ cần có ngày tháng năm và giờ sinh, Hy Di tiên sinh nói rõ ra cuộc đời từng người, hiện đang giữ chức vụ gì, tương lai sẽ ra sao. Lần này Triều đình tận mắt chứng kiến, không ai không phục.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
- Diệt Hỷ: Dòng thiền ảnh hưởng to lớn đến lịch sử dân tộc
- Vài truyền kỳ về võ thuật của thiền sư phái Diệt Hỷ
Mời xem video:
Từ khóa tử vi