Chào bạn Phạm Nga

Tôi được biết Nga là chuyên gia sống và làm việc hơn 30 năm ở Anh Quốc, nay đang đi công tác ở Đài Loan, chuẩn bị về Việt Nam và Campuchia tìm hiểu về dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia .

Riêng về kênh đào “nhạy cảm” nói trên, tôi đã có 3 bài viết dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường đăng trên báo VNN và báo Nông nghiệp Việt Nam (Tiếng Việt và tiếng Anh) .

Về các câu hỏi của bạn có thể trả lời tóm tắt như sau:

1. Trong bài viết, anh chưa tính đến khía cạnh thủy lợi, tưới tiêu v.v… bên Campuchia và ảnh hưởng lên lượng nước dòng Mekong phải không ạ? Nếu tính cả cái đó, thì liệu ảnh hưởng về lượng nước có nặng nề hơn không ạ?

Trả lời:

Có thể bạn chưa đọc toàn bộ cả 3 bài báo tôi đã viết. Trong 3 bài báo, tôi đã đề cập giả thiết gia tăng tưới nông nghiệp, tác động bất lợi nhất là mở liên tục cả 3 âu thuyền cũng đã được xem xét và kịch bản tối ưu cho giao thông thuỷ cũng đã chỉ ra.

Lưu lượng nước qua tuyến kênh Funan-Techo tuỳ thuộc rất nhiều vào việc vận hành của 3 âu thuyền. Đây là một bài toán kinh tế phức tạp của giao thông thuỷ tuỳ theo số lượng tàu đi trên kênh theo mùa, dự báo thời tiết, dòng chảy, chi phí và lợi nhuận.

Các âu thuyền mở liên tục kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep, vượt ra ngoài thông báo của Campuchia, với khả năng gia tăng diện tích vài chục ngàn ha nông nghiệp trong vùng, thì nhu cầu nước cấp cho tưới sẽ lấy thêm khoảng 50 – 70 m3/s.

  • Trường hợp 1: Nếu kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s.
  • Trường hợp 2: Các âu mở tự do liên tục cả mùa lũ lẫn mùa kiệt (không kiểm soát lưu lượng qua âu như thông báo của Campuchia là 3,6 m3/s)
  • Trường hợp 3: Như trường hợp 1 (các âu mở liên tục) kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Theo tính toán thuỷ lực và thông qua tìm hiểu địa hình, các khu vực canh tác phía Tây Nam của Campuchia, thì diện tích có thể lấy nước tưới từ tuyến kênh Funan đạt khoảng 60.000 đến 80.000 ha tương đương với lưu lượng tưới gia tăng ước khoảng 50-70 m3/s.

2. Ước tính của TS Lê Anh Tuấn rằng lượng nước vào VN giảm tới 50 % có lẽ hơi quá cao, phải không ạ?

Trả lời:

Qua báo chí, bạn có thể thấy nhiều chuyên gia có nhận định, hiểu và cách tiếp cận từ các nguồn tin khác nhau, và do nhận thức nên kết quả tính toán hay suy luận của các chuyên gia có sự khác nhau cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, các tính toán của nhiều cơ quan và Viện nghiên cứu ở Việt Nam cho trị số thấp hơn rất nhiều con số lượng nước vào Việt Nam giảm tới 50 %. Rất nhiều người nhầm lẫn là kênh Funan Techo chỉ có lưu lượng 3,6 m3/s . Đấy chỉ là lưu lượng mở van âu thuyền để lượng dòng chẩy vào đầy âu, phục vụ cho giao thông thuỷ, không phải lưu lượng của kênh. Lưu lượng thực sự của kênh Funan Techo về mùa khô là 70 – 100 m3/s , trong thời điểm đó lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt thấp nhất 2300 m3/s. Vào mùa mưa lưu lượng kênh Funan Techo từ 500-1000 m3/s, trong khi lượng nước về ĐBSCL khoảng 24.000 m3/s. Như vậy, kênh Funan Techo chỉ có thể lấy đi 3-4 % lượng dòng chảy về ĐBSCL khoảng 20.000 – 24.000 m3/s. Như vậy tỷ lệ kênh Funan Techo lấy nước của sông Mekong chảy về ĐBSCL chỉ khoảng 4 %.

Cá nhân tôi, sử dụng mô hình thuỷ lực MIKE11 của Đan Mạch tính cho bài toán thuỷ lực lấy biên trên là Kratie thì lượng nước do kênh Funan lấy đi lớn nhất cũng chỉ chiếm 4 % tổng lượng vào Đồng bằng sông Cửu Long qua Tân Châu và Châu Đốc, cho nên có thể khẳng định con số lượng nước giảm đi vào Việt Nam 50 % là quá cường điệu.

Thực tế, cũng khó hình dung một con kênh nhỏ rộng 50 m sâu 5 m xấp xỉ kênh Cái Sắn ở Tứ Giác Long Xuyên của Việt Nam có thế làm giảm 50 % lượng nước của sông Tiền và sông Hậu rộng khoảng 3.000 m và sâu vài chục mét.

3. Một trong những than phiền lớn nhất của giới khoa học là thiếu thông tin. Phía Campuchia họ cũng không đưa ra nhiều chi tiết. Theo anh thì trong điều kiện đó liệu chúng ta có kết luận được gì lúc này không ạ?

Trả lời:

Rất nhiều người than phiền là thiếu thông tin. Tuy nhiên, các than phiền này đều không nêu rõ là thiếu thông tin gì, và mức độ chi tiết như thế nào. Việc này, chắc chắn các cơ quan chuyên môn của hai nước, đặc biệt là Uỷ ban sông Mekong sẽ làm việc với nhau trên tinh thần hợp tác và chia sẻ thông tin, đánh giá các tác xuyên biên giới để đưa ra các giải pháp giảm thiểu. Khi con người tác động vào tự nhiên là bài toán “trade-off” đánh đổi được mất, không bao giờ được tất cả cho nên phải làm sao cho cái được là lớn nhất và cái mất là ít nhất.

Cũng nên xem xét việc thiếu thông tin do Campuchia cung cấp là một cơ hội để hợp tác. Chúng ta giả thiết các thông số của dự án (tất nhiên phải dựa trên các thông số cơ bản mà phía Campuchia đã cung cấp) để tính toán tác động. Nếu các tác động có sự khác biệt với Campuchia, thì họ sẽ phải đưa ra các thông số chi tiết hơn để đối chiếu.

Cũng cần lưu ý là nhiều thông tin liên quan đến đầu tư, tính toán lãi lỗ, hay các phương án kinh doanh có thể liên quan đến biện pháp công trình… thì còn có thể thay đổi nên không thể đòi hỏi phía Campuchia công bố và khẳng định ngay được.

4. Em sắp sang Campuchia, anh có gợi ý cho em theo dõi hay chú ý điều gì bên đó (tất nhiên liên quan tới kênh Funan Techo) không ạ?

Trả lời:

Việc có thể làm hiện nay khi có chuyến đi qua Campuchia là tìm hiểu ý kiến người dân đối với dự án này ra sao, có giống với các ý kiến mà Chính phủ công bố không?

Tất nhiên là phải tìm hiểu một cách trung thực, tránh bị thành kiến như chống đối hay ủng hộ khi đi tìm hiểu và đặt ra các câu hỏi theo thành kiến này. Do đó, hỏi người nào và hỏi câu gì rất quan trọng để có thể thu thập các thông tin khách quan và trung thực. Ngoài việc hỏi trực tiếp, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, có thể soạn sẵn các câu hỏi để lấy ý kiến rộng rãi hơn.

Tô Văn Trường
Nguồn: Bản do tác giả cho phép Diễn Đàn công bố (9/8/2024)

Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (DienDan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.