Trăng sông Trà – Khúc ca bi tráng của Chu Thần
- Lê Tấn Dương
- •
Chu Thần Cao Bá Quát (1808-1855) là một kỳ tài trong Văn học Việt Nam đầu thế kỷ thứ 19. Là một nhà thơ đầy bản lãnh. Qua một số ít thơ văn của ông còn lưu truyền cho hậu thế, ta thấy rất rõ lòng tin của ông vào ý chí, vào tài năng của chính mình. Hai mươi mốt (21) Liên biền ngẫu và Tài tử đa cùng phú đã soi rọi lòng tin của ông vào chính bản thân của mình. Ông tin rằng ông có thể thay đổi được cuộc đời mình, mặc dù đang sống dưới một chế độ Quân chủ hà khắc của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Tôi nói “một số ít thơ văn” là điều đáng để chúng ta suy ngẩm và tìm hiểu. Vì thực ra, sự nghiệp văn chương của Cao Bá Quát rất đồ sộ. Nhưng vì là khắc tinh của triều đình lúc ấy, đa số tác phẩm của ông đã bị triều đình tịch thâu và thiêu hủy. Số tác phẩm còn lại, thân tộc và bằng hữu sợ bị liên lụy cũng không dám cất giữ nhiều vì ông là chủ soái trong âm mưu lật đổ triều đình nhà Nguyễn. Mùa hè năm 1854, đại nạn châu chấu đột nhiên xuất hiện khắp nơi với số lượng hằng hà sa số, phá hoại mùa màng, gây nên nạn đói cho dân chúng. Nhiều nhóm chống đối triều đình nhà Nguyễn lúc ấy đã lợi dụng thời cơ, kết hợp quần chúng nổi dậy, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, Cao Bá Quát làm quân sư, chiêu binh mãi mã làm cuộc khởi nghĩa với ý đồ lật đổ nhà Nguyễn. Trên lá đại kỳ của quân nổi dậy, Cao Bá Quát cho viết hai dòng chữ rất lớn:
Bình dương, Bồ bản vô Nghiêu Thuấn
Mục dã, Minh điều hữu Võ Thang.
Ý nghĩa: Nơi Bình dương, Bồ bản đã không có những ông vua tốt thì đất Mục dã, Minh điều sẽ có những người đứng lên chống lại.
Nhưng chiêu bài phù Lê đã không duy trì đuợc sức kháng cự lâu dài. Chỉ non nửa năm, Nguyễn triều đã tiêu diệt phong trào khởi nghĩa, giết chết Cao Bá Quát và thê thảm hơn: tru di tam tộc dòng họ Cao. Triều đình đã trút cơn thịnh nộ tàn độc lên trái tim đầy khát vọng đổi mới của Cao Chu Thần lúc tuổi đời chỉ vừa tròn bốn mươi bảy (47).
Cũng từ lý do đó, văn thơ của Chu Thần chỉ còn lưu giữ cho hậu thế trên dưới một ngàn bài cả chữ Hán lẫn chữ Nôm trong đó đa phần là Hán văn. Đối với văn học sử Việt Nam, đây là một sự mất mát vô cùng to lớn.
Thơ Cao Bá Quát thể hiện sắc thái độc đáo, bay bổng và vô cùng sinh động trong dòng thơ văn Hán Nôm của Văn học Việt Nam. Tư tưởng khoáng đạt của ông đã bay vào thi ca, vượt thoát những định kiến nhỏ nhen, những lối mòn thấp bé. Trên hành trình thăng hoa đó, thơ của ông đã xô đổ những khuôn sáo tầm thường để vươn đến tầm cao vời vợi và trong sáng hơn. Vũ trụ trong thi ca của Cao Bá Quát là một vũ trụ sinh động nhịp nhàng. Thiên nhiên trong thi ca của Chu Thần vô cùng rộng lớn và trở thành tri âm, tri kỷ với nhà thơ. Vì thế ta không ngạc nhiên khi thấy ý thơ của ông đã chắp cánh bay cao, hòa vào sông núi biển rừng Việt Nam bằng hơi thở nồng ấm, bằng trái tim khát vọng đổi mới.
Với riêng Chu Thần, thiên nhiên là một tri kỷ lớn nhất của đời ông. Thiên nhiên hòa nhập vào ông nhẹ nhàng như một cành mai trắng mộng theo gió xuân về. Nồng ấm như chén rượu tiễn bạn tri âm trong một đêm thu trăng sáng trên dòng sông loáng bạc. Thiết tha như lòng mong nhớ của thiếu phụ chờ đợi chinh phu trong một đêm cuối năm gió mưa vần vũ ngoài trời. Ngọt ngào như tình bằng hữu một đời không dễ tìm gặp.
Thập tải luận giao cầu cổ kiếm.
Nhất sinh đề thủ bái mai hoa.
Nghĩa:
Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai
Ôi! Trong chốn nhân gian mịt mờ sương khói, mười năm dài đi tìm bạn tri âm khó như đi tìm thanh kiếm báu. Một đời tài hoa như Chu Thần chỉ chịu lụy thân bái phục đóa mai vàng mong manh, tinh khiết giữa gió xuân. Tính lãng mạn và bi tráng trong thơ văn Chu Thần rất dễ tìm gặp trong những bài ông đề cập đến vẻ đẹp của thiên nhiên và thân phận con người. Ông có nhiều bài thơ tuyệt hay khi đề cập đến bằng hữu và gia đình. Không phải vô tình mà một vị vua nổi tiếng uyên bác về văn chương của triều đình nhà Nguyễn lúc ấy đã phải thốt lên lời khen ngợi biệt tài văn chương của ông. Mặc dù vua không thích ông và một số quan đại thần trong triều đình cũng rất đố kỵ với cuồng sĩ họ Cao.
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Nhưng định mệnh là một trò chơi trớ trêu của tạo hóa. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Kiều- Nguyễn Du). Cũng vì một chữ tài mà tai họa đã đuổi theo ông suốt cả cuộc đời. Cuộc đọ sức giữa TÀI và TAI đã diễn biến không khoan nhượng và đầy kịch tính. Khát vọng và hoài bão của kẻ sĩ đã không còn nơi dung thân vì vàng thau đã lẫn lộn giữa nhung lụa và dối gian. Cuối cùng son vàng đã tả tơi và một kẽ sĩ cô đơn như Chu Thần không thể vượt thoát đuợc con thuyền mệnh số. Ông đã phải trả giá rất đắt cho chữ “tài” bằng cái chết thê thảm của chính mình và của cả ba họ dòng tộc. Một vì sao tắt liệm giữa tuổi thanh xuân, tài mệnh tương đố là một điều có thực.
Có một chi tiết khá thú vị mà tôi nghĩ là đã ảnh hưởng rất nhiều vào tư tưởng đổi mới xã hội, canh tân đất nước trong tư duy của Cao Bá Quát. Tháng 8 năm 1841, được triều đình cử làm sơ khảo trường thi. Thấy một số bài thi của sĩ tử rất hay nhưng bị lỗi phạm húy Hoàng tộc. Thương tiếc cho nhân tài của đất nước, ông cùng một người bạn cả gan sửa lỗi dùm họ bằng cách dùng son hòa với muội đèn để sửa lại hoặc bôi bỏ những chữ phạm húy. Việc làm bị bại lộ. Người bạn bị bắt vào ngục không chịu nổi cực hình tra khảo, đã cung khai sự việc và trút tội chủ mưu cho họ Cao. Cao Bá Quát bị triều đình kết tội khi quân bằng bản án tử hình (xử chém).
Cũng may, Vua lúc ấy là người sính văn chương, yêu kẻ sĩ nên đã tha tội cho Cao Bá Quát nhưng buộc ông phải đi công cán cùng phái bộ ngoại giao sang các nước lân bang. Đi xa, mở rộng tầm nhìn. Ông so sánh và nhận thức được sự quan trọng trong việc canh tân và phát triển đất nước. Cơ hội đó về sau đã thúc đẩy tư duy đổi mới của ông thành hành động chiêu binh mãi mã chống lại triều đình. Tiếc thay, tuyệt chiêu Côn Sơn Hành đã không thắng được mệnh số và không xóa được ván cờ lịch sử giai đoạn đó. Ván cờ đã xếp lại như cũ sau cái chết của Cao Chu Thần.
Khoảng thời gian từ 1841 đến 1852, sau giai đoạn ông bị thất sủng vì mang tội khi quân, Cao Bá Quát không còn được thường xuyên ở lại Kinh đô để xướng họa thơ văn với các danh sĩ đất Thần kinh. Thi sĩ phải đi công cán rất nhiều nơi. Nhưng cũng chính nhờ vậy, ông đã kết giao đuợc nhiều bằng hữu khắp nơi. Bầu rượu và bằng hữu, vầng trăng và dòng sông, mây trời và mùa thu, lưu đày và quê nhà. Trong khoảng thời gian này, nhà thơ của chúng ta sống khắc khoải giữa mộng và thực. Thơ ông càng vút cao hơn, càng bay xa hơn như chim vạc đuợc chắp thêm cánh, như én liệng trong gió mùa xuân, đắm đuối giữa trời cao như chờ đợi trăng về từ cuối nẻo…
Bằng một cảm nhận riêng tư, tôi xin mạo muội diễn giải bài thơ “Trà Giang Thu Nguyệt Ca” của Cao Chu Thần với một ít chủ quan của riêng mình vì người viết đã hơn một lần, cũng được uống rượu tiễn bạn dưới trăng trên sông Trà lộng gió trong những mùa chinh chiến Quốc-Cộng xưa cũ.
Trăng sông Trà đêm nay sáng quá. Màu trăng bàng bạc như vương vấn mối tình non nước, như ngậm ngùi mối sầu ly biệt ngàn dặm quan san. Ôi! Màu trăng huyền dịu như ẩn chứa những bi lụy của trần gian thế tục. Dòng sông bạc như gợi nhớ xa xôi những mùa vàng đã mất.
Ta muốn vớt trăng trong giòng sông loáng bạc để đuợc mời trăng cạn chén ruợu đầy. Gió từ sông đang thổi trăng vào ruợu. Ô kìa! trong ruợu đã có trăng và trong trăng đang có rượu. Trong ánh sáng huyền ảo của trăng thu trên sông Trà lộng gió, trăng đang múa khúc nghê thuờng theo sóng ruợu long lanh. Duờng như trăng đã nhập vào cung nguyệt lạnh và mỗi giọt rơi tàn như lệ ứa màu trăng trong tiếng đàn thổn thức.
Ta muốn ngậm hết vầng trăng rạn vỡ trong ly ruợu nồng cay như ngậm hết thương đau cuộc đời dâu bể. Nhưng không còn gì nữa vì trăng đã lặn về cuối nẻo trời xa, và tiếng nhạc cũng đã câm lặng theo âm ba sóng vỗ. Ta chợt rùng mình, vì quanh ta chỉ còn thấp thoáng bóng nguời dọc ngang, lung linh mờ ảo như gợi nhớ tiếc thương những mùa vàng xưa cũ. Có phải trăng đã lạnh, mùa đã tàn cho một thời đã hết.
Ta lại ngậm ngùi rót đầy chén quan san – Ô kìa, ly ruợu long lanh tuởng chừng đã tắt liệm bỗng loang đầy bóng trăng tự bao giờ. Trăng lại về ngâm trầm trong khúc nhạc như muốn cùng ta đi đến tận cuối cuộc viễn trình. Hay ta đang say giấc mơ Nguyễn Tịch trong Trúc Lâm thất hiền thuở xa xưa, đi tìm trăng cuối trời tận đất. Nhưng than ôi, vó ngựa chỉ đuổi theo mộng tuởng xa mờ. Một lần đi là mãi mãi không về.
Gió mùa thu đã len lén trở về trên Giang đầu vọng nguyệt, trên Long đầu hí thủy của sông Trà loáng bạc. Ta muốn mời trăng cùng ta cạn chén ly bôi để tiễn đưa bằng hữu của ta, ngày mai sẽ đi nhận nhiệm sở tận phương Nam. Trăng ơi, có thấu tình ta. Mỗi lần tiễn bạn vào ngàn dặm quan san là một lần tiếc nhớ với khúc hát biệt ly vì nghìn trùng xa cách.
Ðêm đã về tự trời cao. Sương lạnh phủ trắng đường làm buốt giá xương da. Trong cỏi nhân gian, hội ngộ tương phùng là điều mơ ước. Nhưng giữa cuộc bể dâu, có biết đâu, một lần ra đi là không hẹn buổi trở về. Trăng sông Trà, hãy uống đi cho say tình trăng nước, cho quên đi nỗi sầu ly biệt bằng hữu ngày mai.
Trăng sông Trà, trăng sáng ngời trên dòng sông loáng bạc như một tấm kiếng phản chiếu cả dải ngân hà lung linh tự trời cao. Nước vẫn trôi về biển cả mênh mông. Mây vẫn bay lạnh lùng vào phương trời vô định. Thôi đừng dùng dằng tiễn biệt phân ly. Trượng phu chống kiếm đi là đi thẳng, không sầu bi như bước chân nhi nữ thường tình.
Trên đây là đoạn văn giải ý bài thơ “Trà Giang Thu Nguyệt Ca” mà Chu Thần Cao Bá Quát đã viết tặng bằng hữu trong một đêm trăng sáng mùa Thu ở Long Ðầu Hí Thủy, sát bên bờ sông Trà lộng gió. Bài thơ tiễn đưa Bảo Xuyên đi quân thứ ở miền Nam là một khúc ca bi tráng bay lãng đãng giữa mây trời sông núi. Bài thơ nhắc ta gợi nhớ hình ảnh bi hùng của những chinh phu thuở trước.
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.
(Chinh Phụ Ngâm. Đặng Trần Côn. Bản dịch quốc âm của Đoàn thị Điểm)
Tôi xin mạn phép đăng nguyên văn bài thơ của Chu Thần Cao Bá Quát và bài dịch mà tôi đã viết từ nhiều năm trước. Mặc dù đã sửa đi sửa lại bản dịch nhiều lần mà vẫn thấy còn thiếu sót. Đành xin tạ lỗi với người xưa vì đã không diễn tả được hết tâm sự và ý tưởng cao vợi của ông.
TRÀ GIANG THU NGUYỆT CA (Nguyên tác Cao Bá Quát) | BÀI CA TRĂNG SÔNG TRÀ (Bản dịch Lê Tấn Dương) |
Trà giang nguyệt. Kim dạ vị thùy thanh Quan sơn vạn lý hạo nhất sắc. Hà xứ bất hệ ly nhân tình. Cử bôi thí yêu nguyệt Nguyệt nhập bôi trung hành Hàm bôi dục yết cánh phi khứ Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành. Đình bôi thả phục trí Hựu kiến cô quang sinh Vấn quân hà sự luyến luyến bất nhẫn xả Ngã thị Trúc Lâm cùng đồ chi Bộ binh. Giang đầu thử tịch phùng thu tiết Tửu mãn tu khuynh vị quân thuyết Ðà môn cựu lữ Tồn Chân ông Cần hải minh tiên hiểu tương biệt. Tạc dạ kim phong há thiên khuyết Bạch lộ thanh sương sảo xâm cốt Nhân sinh hội ngộ an khả thường Hữu tửu thả ẩm Trà giang nguyệt. Trà giang nguyệt Như kính hạ ngân lưu Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu. | Ðêm nay trăng nhuộm sông Trà, Ánh trăng huyền hoặc nhạt nhòa đêm thâu. Quan san muôn dặm một màu. Làm sao ngăn đuợc lệ sầu chia phôi Mời trăng nhập chén ly bôi, Trăng vờn đáy cốc, bồi hồi hợp tan Nhấp môi – Trăng bỗng lặn tàn, Lung linh chỉ thấy dọc ngang bóng nguời Ngậm ngùi rót chén đầy vơi, Trăng vàng nhập lạnh như lời biệt ly Luyến lưu tiễn biệt người đi, Trúc Lâm – thôi đã phân kỳ từ đây. Ðầu sông vào tiết thu gầy Mời trăng uống cạn chén đầy chén vơi. Tiễn người vào cỏi xa khơi, Ðà môn – Cần hải, dặm trời chia xa. Gió đêm buốt lạnh trăng tà. Trắng đường sương phủ, nhạt nhòa tâm can. Mơ ngày hội ngộ nhân gian. Uống đi! Trăng đã vỡ tràn sông xa Trăng sông Trà! Trăng sông Trà! Dưới sông trăng sáng như là tấm gương Trượng phu chống kiếm lên đường, Ði là đi thẳng, đừng vương nữ sầu. |
Tây Bắc Hoa Kỳ
Lê Tấn Dương
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (dslamvien.com)
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Sử lược. Trần Trọng Kim. NXB Xuân Thu 1990
- Từ điển Văn học Việt Nam. NXB Khoa Học Xã Hội 1983
- Thơ Cao Bá Quát. Thi ca Việt Nam chọn lọc. NXB Đồng Nai. 2000
- Tạp Chí Sông Hương. Số Tháng 4/2015.
- WikiPedia.org (Internet)
- Hồn Việt Quốc Học. (Internet)
- Văn Sử Việt Nam. (Internet)
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Cao Bá Quát Đặc san Lâm Viên