Đời người, những chuyện không như ý có đến tám chín phần mười, bởi vậy ngoài những thuận lợi tốt đẹp ra, việc một người gặp phải tai họa cũng là điều khó tránh được. Cuộc sống vốn vô thường, vậy nên khi gặp họa hay được phúc, chúng ta nên đối đãi như thế nào?

Tiểu quan làm tới chức tể tướng bởi không động tâm trước nữ sắc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Trong sách cổ “Cách ngôn liên bích. Trì cung loại” có câu: “Họa đáo hưu sầu, dã yếu hội cứu; phúc lai hưu hỉ, dã yếu hội thụ”, nghĩa là khi chúng ta gặp phải tai họa thì chớ một mực ưu sầu mà là nên nghĩ biện pháp để khắc phục kịp thời, có thể khiến cho tổn thất xuống mức thấp nhất thì đã là thành công rồi; còn khi gặp được phúc đến thì cũng chớ vui mừng quá mức, phải biết cách nhận lấy điều tốt đẹp đó như thế nào cho đúng, nhất là đừng phóng túng bản thân.

Dù gặp họa hay phúc, phải luôn giữ cho mình một tâm thái thanh tỉnh điềm tĩnh, gặp tai họa ở trước mắt cũng không hoảng hốt hay nản chí, còn khi gặp được phúc lành thì cũng chớ kiêu ngạo ngông cuồng.

Vương Duy là một nghệ thuật gia nổi tiếng thời Đường, danh tiếng so bì với Lý Bạch, Đỗ Phủ. Mẹ của Vương Duy là Thôi thị, là một người phụ nữ vô cùng tài ba. Chồng bà mất khi bà còn rất trẻ, một mình bà nuôi nấng con cái, quản giáo gia đình. Mặc dù sinh sống trong một gia tộc lớn nhưng áp lực với bà cũng không nhẹ.

Gặp phải biến cố lớn trong cuộc đời, có thể thản nhiên đối mặt và bình tĩnh giải quyết, chăm lo cho gia đình là điều không dễ dàng. Nhưng Thôi thị là một người tín phụng Phật, bà hiểu được những sự tình nơi thế gian đều là vô thường nên trong lòng vốn đã xem nhẹ. Vì thế khi mất đi trụ cột trong gia đình, Thôi thị vẫn một lòng nuôi nấng dạy bảo con cái.

Về sau này, khi Vương Duy thi đỗ Trạng nguyên, người người khen ngợi nhưng Thôi thị cũng không vì thế mà quá mừng rỡ. Thậm chí khi được mọi người chúc phúc, bà còn khuyên con trai đừng vì thế mà tự đắc.

Vương Duy cũng là một thi nhân tín phụng Phật Pháp. Ông đã để lại rất nhiều bài thơ bài từ có liên quan đến tu Phật. Như trong bài “Thán bạch phát”, Vương Duy viết:

Nhất sinh kỉ hứa thương tâm sự,
Bất hướng không môn hà xử tiêu.

Nghĩa là một đời bao nhiêu chuyện thương tâm, không hướng cửa Phật làm sao tiêu trừ được những phiền muộn này. Vương Duy tín Phật chịu ảnh hưởng nhiều từ phương pháp dạy bảo và tín ngưỡng của mẹ mình. 

Bản thân Vương Duy cũng thường xuyên đối mặt với phúc họa vô thường trong cuộc đời. Con đường làm quan của ông thăng trầm chìm nổi, cuộc đời lên lên xuống xuống, được phong chức, rồi bị giáng chức, lại được lên chức, bị bắt giam vào ngục, rồi lại được miễn tử. Ông mất cha khi mới 9 tuổi, lớn lên lập gia đình thì vợ lại vì khó sinh mà mất, thai nhi trong bụng cũng không giữ lại được. Sau 40 tuổi, Vương Duy lại chứng kiến bạn thân Mạnh Hạo Nhiên, ân sư Trương Cửu Linh lần lượt ly thế. Năm 50 tuổi, Vương Duy lại mất mẹ. Thế nhưng, hết thảy hỉ nộ ái ố, yêu hận tình thù, dường như không biểu hiện nhiều trong thơ của Vương Duy. Nguyên nhân chính là vì tâm của ông không bị bi thương bởi cảnh đời, không phẫn giận bởi tục sự.

Trong lịch sử còn rất nhiều thi nhân đều trải qua những biến cố rất lớn trong cuộc đời, nhưng cuối cùng đều quy về tâm cảnh như Vương Duy. Tô Đông Pha là một trong những ví dụ điển hình. Gần như cả đời ông phải chịu sự gập ghềnh lên xuống trong sự nghiệp làm quan của mình, lúc được thăng quan tiến chức, lúc lại bị giáng chức. Thậm chí ông còn bị lưu đày đến đảo Hải Nam xa xôi hẻo lánh. Nhưng trải qua một cuộc đời có thể nói là “đắng cay nhiều hơn ngọt bùi ấy”, Tô Đông Pha lại trở nên càng lạc quan, khoáng đạt và độ lượng hơn.

Người xưa đứng trước phúc họa thì không kiêu căng cũng không hoảng hốt, không sầu bi cũng không tự đắc, xem nhẹ hết thảy. Đây là điều đáng giá học hỏi.

Theo Zhengjian.org
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: