Trong sách “Tăng Quảng Hiền văn” có câu danh ngôn: “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn cái ác thì tà dâm là đứng đầu. Văn hóa truyền thống coi việc không kiểm soát được ham muốn của bản thân là căn nguyên của hết thảy tội ác. Bởi vì tà dâm giống như sóng biển, nếu một người thuận theo nó, nó sẽ phá hủy đạo đức và từ đó làm băng hoại mọi thứ trong cuộc sống. Trái lại, nếu có thể khống chế được bản thân, không phóng túng ham muốn, có thể tuân theo sự ước thúc của đạo đức, thì chính là phù hợp với yêu cầu của Thiên đạo. Những người như thế sẽ được ngợi khen, có được phúc báo. Trong sách “Thọ khang bảo giám” có ghi lại một số trường hợp như vậy.

Người quân tử gặp "sắc dục" mà tâm không bị nhiễu loạn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Đỗ Cận thời Minh, Walters Art Museum, Wikipedia, Public Domain)

Lục Dung là người Thái Thương, có vẻ ngoài khôi ngô tuấn tú. Vào năm Thiên Thuận thứ ba triều nhà Minh, Lục Dung đến Nam Kinh dự thi. Tại đây, anh ở trọ trong một gia đình có một cô con gái xinh đẹp. Vào một đêm, cô gái đã đến phòng của Lục Dung để bày tỏ tình cảm của mình. Lục Dung vì để thoát khỏi cảnh ấy đã nói dối cô gái rằng mình đang bị bệnh, hẹn hôm khác cô quay lại. Sau khi cô gái rời đi, anh đã viết một bài thơ rồi sáng hôm sau, mượn cớ chuyển đi.

Ở quê nhà, cha của Lục Dung có một giấc mộng, thấy cảnh quan địa phương mang tới một tấm biển cùng với tiếng sáo và trống. Trên tấm biển ghi bốn chữ “Nguyệt bạch phong thanh”. Cha của Lục Dung cho rằng đây là điềm báo con trai ông sẽ đỗ kỳ thi này nên đã viết thư cho con trai kể lại điều ông mơ thấy. Vì thế, Lục Dung càng thêm cẩn trọng về vấn đề sắc dục hơn. Vào mùa thu năm đó, Lục Dung thi đỗ tiến sĩ, sau này làm quan tới chức tham chính.

Tạ Thiên, người triều đại nhà Minh, làm quan đến chức Tể tướng và sau khi chết được phong thụy Văn Chính. Vào thời trẻ, Tạ Thiên từng dạy học cho một gia đình ở Tỳ Lăng. Nhân lúc cha mẹ ra ngoài, con gái của gia đình này đã lén đến phòng của Tạ Thiên muốn gian díu. Tạ Thiên nghiêm khắc cự tuyệt, còn chân thành khuyên nhủ cô gái rằng: “Cô chưa lập gia đình mà để mất đi trinh tiết thì đó chính là vết nhơ cả đời, sẽ khiến cha mẹ cô và gia đình mất hết thể diện”. Sau khi nghe xong, cô gái xấu hổ rời đi.

Ngay ngày hôm sau, Tạ Thiên đã xin nghỉ dạy, trở về nhà. Đến năm Ất Mùi niên hiệu Thành Hóa, Tạ Thiên đỗ Trạng nguyên. Sau này, con trai Tạ Phi của ông làm quan đến chức Thị lang.

Dương Hi Trọng là người vùng Tân Tân thời nhà Tống. Lúc còn chưa đỗ đạt công danh, Dương Hi Trọng từng đến dạy học cho một gia đình giàu có ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Chủ nhà này có một người thiếp rất xinh đẹp. Người phụ nữ này thích Dương Hi Trọng nên đã đến thư phòng trêu ghẹo nhưng Dương Hi Trọng đã nghiêm khắc cự tuyệt.

Tối hôm ấy, vợ của ông mơ thấy một vị Thần nói rằng: “Chồng của cô sống một mình ở nơi đất khách quê người, nhưng không làm việc tà dâm, nên sẽ được ban thưởng đứng đầu kỳ thi để chương hiển thiện báo”. Sang năm sau, quả nhiên Dương Hi Trọng đứng đầu kỳ thi ở Tứ Xuyên.

Đường Cao là trạng nguyên những năm Chính Đức thời nhà Minh. Khi còn trẻ, có một lần Đường Cao đang đọc sách dưới ánh đèn thì có một cô gái muốn dụ dỗ ông, cố ý chọc thủng giấy dán cửa sổ. Đường Cao vá lại giấy rách trên cửa sổ rồi viết lên đó rằng: “Vá lại giấy trên cửa sổ thì dễ, âm đức tổn thất rồi mới khó sửa”.

Một hôm có một vị hòa thượng đi ngang qua nhà Đường Cao thì nhìn thấy tấm biển Trạng nguyên treo ở cửa, hai bên treo hai chiếc đèn lồng. Thấy trên đèn lồng viết hai câu trên, hòa thượng cảm thấy kỳ lạ liền đi hỏi nguyên nhân. Sau này, quả nhiên Đường Cao đỗ Trạng nguyên.

Lục Thụ Thanh là người vùng Vân Gian thời nhà Minh, lên kinh thành dự thi vào năm Tân Sửu. Một đêm nọ, vị quan địa phương ở quê của Lục Thụ Thanh là Vương Công Hoa mơ thấy có rất nhiều người tiến cử với Thần Thành Hoàng rằng Lục Thụ Thanh là người lương thiện.

Sáng sớm hôm sau, Vương Công Hoa đã cho gọi người cha vợ họ Lý của Lục Thụ Thanh đến, hỏi rằng hằng ngày Lục Thụ Thanh đã làm những việc thiện nào. Người cha đáp rằng: “Những việc khác tôi không rõ, nhưng có một chuyện rất rõ ràng, chính là con rể của tôi không làm việc tà dâm bất chính”. Sau đó Lục Thụ Thanh đỗ đầu kỳ thi Hội. Sau này, con trai Ngạn Chương của ông cũng đỗ tiến sĩ vào năm Kỷ Sửu.

Trương Úy Nham là người vùng Giang Âm thời nhà Minh. Một đêm nọ, Trương Úy Nham mơ thấy mình đi vào một căn phòng lớn, ông nhìn thấy danh sách những người đỗ đạt khoa cử nhưng trong đó còn rất nhiều chỗ trống. Trương Úy Nham hỏi người bên cạnh đó là gì, người kia trả lời rằng: “Đây là danh sách những người đỗ khoa cử năm nay”.

Trương Úy Nham lại hỏi: “Vì sao lại có nhiều chỗ trống như vậy?”

Người kia đáp: “Danh sách trúng tuyển cứ mỗi ba năm lại được kiểm tra một lần. Những nhân tài tích được âm đức, không làm điều sai trái mới được ghi tên vào danh sách. Những chỗ trống ở phía trước là những người vốn có thể đỗ đạt, nhưng sau đó đã làm các việc tổn đức nên đã bị gạch tên”.

Người kia chỉ vào một hàng ở phía sau, nói rằng: “Anh cả đời không phạm tội tà dâm, có lẽ có thể bổ sung vào hàng này, phải tự biết quý trọng”. Quả nhiên, trong kỳ thi của triều đình năm đó, Trương Úy Nham đỗ vị trí thứ 105.

Những câu chuyện này đã cho thấy rằng thành tựu của một người có mối quan hệ không nhỏ tới việc thực hành đạo đức. Những người có thể giữ gìn bản thân, cự tuyệt tà dâm trong câu chuyện đều đắc được phúc báo, hơn nữa còn có thể đỗ đạt công danh, những điều này đều đến rất nhanh. Người già thời xưa hay nói phải tích âm đức, nhiều người thời nay không còn hiểu điều ấy nữa.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Hoài Nhẫn Nhẫn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: