Trí tuệ cổ nhân: Lòng dân bất an thì vương triều bất ổn
- An Hòa
- •
Khi bàn về đạo trị quốc, Tuân Tử từng nói rằng ngựa kéo xe một khi bị kinh hãi thì quân vương ngồi trong xe cũng sẽ không được yên. Dân chúng mà không được bình an lạc nghiệp thì địa vị của bậc quân chủ cũng sẽ bất ổn. Nếu quân vương chỉ ham vơ vét hưởng thụ trên sức dân, làm cho lòng dân bất an, mà không nghĩ đến dưỡng dân, thì vương triều không thể được ổn định lâu dài.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, những bậc quân vương nào mà trong lòng nghĩ đến dân, chăm lo cho dân, thực sự làm được điều mà dân mong muốn làm, thực sự giải quyết được những vẫn đề mà dân mong muốn giải quyết thì vương triều ấy tồn tại lâu dài. Quân vương ấy cũng được lưu danh sử sách, được người đời kính phục. Trái lại, nếu quân vương nào khiến lòng dân bất an, thậm chí căm hờn, thì vương triều ấy sẽ suy tàn, sụp đổ, quân vương ấy sẽ bị dân chúng nguyền rủa.
Ngụy Văn Hầu, vị quân chủ khai quốc nhà Ngụy, cung kính lễ ngộ người hiền năng, vua tôi đồng lòng, lòng dân cùng hướng. Chính vì thế mà ở vương triều của ông, nhân đức dần trở thành phong thái quốc gia, người trong thiên hạ đều ca tụng từ đáy lòng, dân chúng yên ổn thái bình. Điều này khiến nước Tần hùng mạnh cũng không dám xâm phạm, chính là điều mà người ta gọi là “không đánh mà tự khuất phục”, “người nhân đức không có kẻ thù”.
Trong cuốn “Tân tự. Tạp sự” của tác giả Lưu Hướng thời Hán có ghi lại một điển cố về Ngụy Văn Hầu. Một lần, Ngụy Văn Hầu ra ngoài du ngoạn. Trên đường đi, Ngụy Văn Hầu gặp một người đàn ông mặc trái chiếc áo da lông mà vác củi trên lưng. Ngụy Văn Hầu thấy lạ liền tiến đến hỏi người đàn ông này: “Ngươi vì sao lại mặc áo trái mà vác củi trên lưng như vậy?”
Người đàn ông đáp: “Tôi thực sự rất quý chiếc áo da lông này của mình, sợ vác củi sẽ làm lông cọ sát mà rụng đi mất.”
Ngụy Văn Hầu nói: “Chẳng lẽ ngươi không biết được rằng nếu da áo bị mòn đi rồi thì lông sẽ không có chỗ mà bám dính vào hay sao?”
Năm sau, người dân phía đông nước Ngụy giao nộp thuế phí tăng lên gấp mười lần so với năm trước. Các quan viên cai quản ai nấy đều tỏ ra vui mừng phấn khởi khôn xiết.
Trước sự tình ấy, Ngụy Văn Hầu đã nói: “Chuyện này không có gì đáng chúc mừng cả. Sự việc này so với người đàn ông đi đường trước kia, mặc áo khoác trái mà vác củi có gì khác nhau đâu. Chỉ vì quý tiếc lông của áo mà không biết một khi da bị bào mòn đi thì lông cũng không có nơi nương tựa nữa. Hiện giờ ruộng đất của nước chúng ta không tăng lên nhiều, dân cư cũng không có tăng thêm mà thuế phí lại tăng gấp mười lần so với năm trước. Việc này chứng tỏ là quan viên bên dưới đã gia tăng bóc lột dân chúng mà thu được như thế.”
Ngụy Văn Hầu cũng nói: “Ta nghe nói lòng dân bên dưới mà bất an thì quan viên bên trên cũng liền khó được ổn. Đất nước cũng khó mà được an tường. Cho nên, việc này các quan không nên chúc mừng ta.”
Hoàng đế triều Đường, Đường Cao Tông cũng là người hiểu được mối quan hệ khăng khít giữa quan và dân. Ông cho rằng dưỡng dân sẽ giúp duy trì sự thịnh vượng của triều đình. Ông thường suy nghĩ cách để làm sao có thể dưỡng được sức dân. Ông từng nói với các quan: “Ta luôn suy nghĩ dùng biện pháp nào để dưỡng dân nhưng vẫn không tìm ra được. Các khanh hãy suy nghĩ giúp ta tìm ra cách.”
Một vị quan liền kể:
Xưa kia, Tề Hoàn Công đi ra ngoài dạo chơi, gặp một ông lão tuổi cao sức yếu lại ăn đói mặc rách. Ông liền mệnh lệnh cho đám tùy tùng ban cho ông lão chút đồ ăn. Ông lão nói: “Hy vọng rằng bệ hạ có thể ban phát đồ ăn cho những người đang bị đói trong cả nước”.
Tề Hoàn Công lại sai đám tùy tùng phát cho ông lão chút quần áo. Ông lão lại nói: “Hy vọng bệ hạ có thể ban phát quần áo cho những người đang chịu lạnh trong cả nước”.
Tề Hoàn Công nói: “Thương khố của ta làm sao có đủ cho dân chúng cả nước ấm no được?”
Ông lão đáp: “Nếu ngài không xâm chiếm mùa cày cấy thì dân chúng cả nước đều có dư lương thực để ăn. Nếu ngài không chiếm đoạt nữ nhân nuôi tằm thì dân chúng cả nước đều có dư quần áo để mặc.”
Từ đó vị quan cho rằng mấu chốt của dưỡng dân chính là giảm bớt trưng dụng sức dân.
Hoàng đế Đường Cao Tông thấy rất có đạo lý nên đã nghe theo. Ông cho cắt giảm hàng vạn thanh niên trai tráng trước đây đều phải đi lao dịch, cắt giảm nhiều hạng mục trưng dụng sức dân và cắt giảm nhiều khoản thu cho dân. Nhờ vậy mà Đường Cao Tông được đánh giá là vị hoàng đế kế thừa cơ nghiệp và giữ gìn di sản của Đường Thái Tông một cách xuất sắc.
Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói rằng xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn đem ngọc bích ném vào trong rừng sâu, đem của quý ném vào khe núi, chỉ có Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế mới sưu cao thuế nặng, vơ vét tiền của dân làm của mình.
Dưới thời cai trị của Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế, triều đình suy bại, hoạn quan thao túng, vơ vét tiền của, công khai mua quan bán tước, lòng dân bất an. Chính vì thế mà thời của Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế thường được gộp lại gọi là Hoàn Linh, là chuỗi thời kỳ được xem là đen tối của nhà Đông Hán.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lòng dân đạo trị quốc