Trí tuệ cổ nhân: Hàng ngày xét bản thân qua ba sự việc
- Ninh Sơn
- •
Trong sách “Tuân Tử – Khuyến học” viết: “Người quân tử học cho rộng mà ngày ngày xét bản thân mình thì trí tuệ sáng suốt mà hành vi được sửa sang, không phạm lỗi lầm”. Dùng phương pháp thiết thực để kiểm điểm, phản tỉnh ngôn hành của bản thân, từ đó ngày càng trở nên tốt hơn. Bằng cách nỗ lực từng ngày mới có thể từng bước từng bước đạt được mục đích đề cao bản thân.
Trong “Luận Ngữ” có chép lời của Tăng Tử về ba khía cạnh cần xem xét bản thân hàng ngày như sau: “Mỗi ngày ta dùng ba sự việc để phản tỉnh ngôn hành của bản thân: Khi làm việc thay cho người khác đã tận tâm tận lực làm hay chưa? Giao du với bạn bè có chỗ nào chưa thành thật không? Những điều thầy giáo dạy, ta đã học tốt và thực hành vào cuộc sống hay chưa?”
Làm việc tức là làm người
“Khi làm việc thay cho người khác đã tận tâm tận lực làm hay chưa?” chính là nói rằng làm việc gì cũng không thể qua loa hời hợt. Con người có tính xấu là ích kỷ, vậy nên làm việc cho người khác thì lại càng có xu hướng buông thả hơn. Nếu một người có thể không phân biệt là việc của bản thân hay của người khác, chăm chú hoàn thành tốt công việc mình làm, thì đã là tu dưỡng rồi.
Cũng bởi vậy, có câu rằng: “Làm người trước khi làm việc”. Trong công việc, một người “làm người” như thế nào, không chỉ thể hiện ra trí tuệ mà còn thể hiện ra cảnh giới tu dưỡng của người ấy.
Xã hội hiện đại ngày nay, người ta chú ý nhiều hơn đến “năng lực”, có lẽ đàm luận về “nhân phẩm” đã trở nên “lỗi thời” với một số người. Thậm chí có người còn cho rằng “nhân phẩm” kém một chút thì có sao? Nhưng kỳ thực, chặng đường mà một người đi đến thành tựu là lâu dài, hơn nữa còn phải cần sự khẳng định của những người xung quanh. Người năng lực lớn mà không có nhân tính thì người ấy cũng chỉ là một “kẻ hủy diệt” mà thôi.
Chân thành với người khác
“Giao du với bạn bè có chỗ nào chưa thành thật không?” cũng là một khía cạnh cần tu dưỡng. Người ta thường quan niệm rằng chỉ khi người khác đối tốt với mình thì mình mới nên đối tốt lại. Còn nếu người khác đối với mình không tốt thì mình cũng không việc gì phải đối xử tử tế, đối với thiếu sót của họ lại càng mong muốn vạch trần ra. Tuy nhiên đó không phải là cách làm của người quân tử bao dung, có thể chân thành tha thứ, dung nạp và cảm hóa người khác.
Nếu trong tâm một người là lương thiện và bao dung thì họ sẽ không quá để tâm đến cái nhìn của người khác đối với mình. Hơn nữa, người quân tử ấy cũng sẽ không bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của được và mất, của thành tích và thiếu sót.
Người ta đều thích kết giao, tiếp xúc với người quân tử chân thành vì người chân thành luôn ấm áp như ngọc, có thể học hỏi được nhiều điều. Không bao dung được người khác là có sự tự cao ở trong đó, có sự khinh thường, chán ghét ở trong đó, đều là những điều không tốt thuộc về tâm tính mỗi người. Nếu có thể làm được đối đãi chân thành với bất kỳ ai, dù họ có đối xử như thế nào đi nữa, thì chính là đã vượt qua một khảo nghiệm lớn trong quá trình tu dưỡng, trở thành người cao thượng hơn nữa.
Học phải hành
“Những điều thầy giáo dạy, ta đã học tốt và thực hành vào cuộc sống hay chưa?”, đây chính là yếu tố thực hành, cũng chính là điều quan trọng của tu dưỡng, cũng được gọi là “thực tu”.
Rất nhiều khi, học vấn và địa vị của một người hoàn toàn không đại biểu rằng người ấy là người có văn hóa. Người học nhiều không nhất định là có văn hóa, người có kiến thức rộng cũng không nhất định là có văn hóa. Bởi vì văn hóa của một người là đến từ sự tu dưỡng đức hạnh, đến từ sự nâng cao tâm tính của người ấy. Nếu chỉ có học vấn cao mà khuyết thiếu sự tu dưỡng nội tâm thì đó không chỉ là một điều đáng tiếc, mà còn là một điều hết sức nguy hiểm. Có thể đặt tâm thực tu, tự giác ước thúc bản thân, lương thiện suy nghĩ cho người khác thì mới thực sự là người có văn hóa.
Cổ nhân cho rằng: “Tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn tảng đá, mồi lửa nhỏ cũng đủ để đốt cháy cả cánh đồng, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn chí lớn, mỗi ngày thực hành một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chính vì thế con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc thực hành những đạo lý mình học được.
Trong mỗi con người đều có cả hai nhân tố thiện và ác, nhưng con người tự cổ chí kim luôn lấy thiện làm chủ, đó là giá trị quan phổ quát của nhân loại. Đạo tu thân về cơ bản chính là kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện của bản thân. Một người có tự trọng, có lý trí cần phải luôn nghiêm khắc với chính mình, suy ngẫm về ngôn từ, hành vi hàng ngày của mình và xem xét ý nghĩ của mình có phù hợp với thiên lý hay không. Đây cũng chính là điểm mấu chốt của một con người có văn hóa.
*
Vào thời nhà Tống có một người tên Triệu Khái đã dùng hạt đậu để kiểm tra sự tiến bộ và lỗi lầm của bản thân trong một ngày. Anh ta đặt ba cái lọ trong thư phòng, một lọ đựng hạt đậu đen, một lọ đựng hạt đậu tương, và một lọ để không. Mỗi tối trước khi ngủ, anh nghĩ lại những lời nói, hành động trong ngày của mình. Nếu làm một việc tốt hoặc có suy nghĩ tốt thì cho một hạt đậu tương vào hộp không, nếu làm một việc xấu hoặc sản sinh niệm đầu bất hảo thì cho một hạt đậu đen vào hộp không.
Ban đầu số hạt đậu đen luôn nhiều hơn số hạt đậu tương. Sau đó số hạt đậu tương càng ngày càng nhiều lên, số hạt đậu đen càng ngày càng ít đi. Đây là một cách để theo dõi sự tu dưỡng của bản thân mình.
Ninh Sơn biên tập
Xem thêm:
- Tâm cảnh tốt nhất của đời người là sự an tĩnh trong linh hồn
- Học vấn quan trọng nhất đời người là có thể phân biệt tốt xấu
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân
