Thôi Tiển (1478 – 1541) là học giả triều nhà Minh, được nhắc tới trong chính sử bởi lời nói và hành động của ông đều có quy phạm phép tắc. Về nhân sinh quan, ông đã lưu lại “Lục nhiên huấn” (sáu lời giáo huấn) rất đáng giá cho người đời sau làm tham chiếu và học hỏi. Sáu lời giáo huấn đó là: tự xử siêu nhiên, xử nhân ái nhiên, hữu sự trảm nhiên, vô sự trừng nhiên, đắc ý đạm nhiên, thất ý thái nhiên.

Chuyện xưa ngẫm lại: Làm quan "không hổ thẹn"
(Tranh minh họa: Council Auction House, Public Domain)

Tự xử siêu nhiên là giữ mình thanh tịnh, siêu nhiên với ngoại vật, đứng ngoài sự tranh đấu trong xã hội. Năm Gia Tĩnh thứ 14, Thôi Tiển nhàn rỗi ở nhà tại An Dương, quan phủ địa phương thanh lý 300 mẫu ruộng đất công, dự tính sẽ dùng phần thuế thu được tặng cho vị học giả đức cao vọng trọng là Thôi Tiển. Nhưng Thôi Tiển đã gửi thư kiên quyết từ chối, không nhận.

Trong thư Thôi Tiển viết rằng: “Ngôi nhà do tổ tiên để lại tuy không xa hoa nhưng có thể ở được, ruộng nương tuy không nhiều nhưng có thể kiếm sống được. Tôi biết phúc của tôi không đủ, nên xin khước từ”. Kỳ thực Thôi Tiển cho rằng mình làm mình hưởng, sống thanh bần qua ngày, không vì tiền bạc lợi lộc mà động tâm, không vì ham muốn hưởng thụ vật chất mà bị dụ dỗ, điều này cũng đủ để thể hiện phẩm cách “tự xử siêu nhiên” của ông.

Xử nhân ái nhiên là đối đãi với người khác thì hòa ái, dễ gần, thiện lương, ôn hòa hiền hậu. Thôi Tiển lúc làm quan ở Nam Kinh, có kết giao với một người bạn tên là Mai Thuần. Năm Gia Tĩnh thứ nhất, lúc Thôi Tiển đảm nhiệm chức Quốc tử giám tế tửu ở Nam Kinh thì Mai Thuần qua đời.

Bởi vì nhà quá nghèo, con trai của Mai Thuần không thể phụng dưỡng bà nội, đành phải bán sách mưu sinh. Thôi Tiển khi biết được đã lấy một phần lương của mình để cứ tế cho gia đình bạn. Sau khi mẹ của Mai Thuần qua đời, Thôi Tiển lại chuẩn bị quan tài để khâm liệm cho bà. Đối xử với người khác bằng sự khiêm tốn, lại lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui, điều này chính là “xử nhân ái nhiên”.

Hữu sự trảm nhiên, ý tứ là khi có chuyện thì quyết đoán như chém đinh chặt sắt. Vào năm Chính Đức, Vương Đình Tương bị vu khống và bị nhốt vào lao ngục. Hoạn quan Lưu Cẩn quyền thế hiển hách, trước giờ vẫn rất ghét Vương Đình Tương, Thôi Tiển. Nhưng Thôi Tiển không sợ uy thế của Lưu Cẩn, tự mình đến nhà ngục thăm Vương Đình Tương, cũng nghĩ cách để cứu Vương Đình Tương và cuối cùng Vương Đình Tương được thả ra.

Năm Gia Tĩnh thứ 18, Thôi Tiển còn viết một bài “Nhã thuật” và khen ngợi Vương Đình Tương là “Tồi uổng phạm nan”, tức là vì để sửa chữa sai lầm mà cam chịu bản thân gặp phải nguy hiểm. Kỳ thực, 4 chữ này mà dùng vào việc Thôi Tiển giải cứu Vương Đình Tương thì cũng rất phù hợp.

Thất ý thái nhiên ý tứ là vào lúc thất ý thì vẫn bình thản ung dung, gặp biến không sợ hãi. Năm Gia Tĩnh thứ 3, Thôi Tiển bị bãi chức phải trở về quê, nhưng ông không vì vậy mà đau buồn hay mất đi chí nguyện. Ông vẫn dồn tinh lực vào đọc sách và dạy học trò. Cũng vào thời gian này, Thôi Tiển nghiên cứu kỹ Kinh Dịch và hiểu thấu đáo về sự đời.

Ông từng viết trong một bài thơ rằng biến cố đột nhiên xuất hiện trước mặt mà không lay động được tâm chí, nếu như người vào lúc nguy nan mà có thể làm được như thế thì cũng sẽ không gặp phải tai họa gì.

Vô sự trừng nhiên là lúc không có việc gì thì giữ tâm yên tĩnh như mặt hồ. Từ năm Gia Tĩnh thứ 3 đến năm Gia Tĩnh thứ 18 là thời kỳ Thôi Tiển ở nhà không có việc gì. Thôi Tiển mỗi ngày đọc sách, dạy học trò. Ông viết: “Hoàn thượng tu thư ốc, cừ nam thiết giảng đường. Đàn hoa nghênh nhật mị, giai trúc phất vân trường”, trên sông xây phòng sách, phía nam lập giảng đường, đàn hoa nghênh đón nắng, thềm trúc phất tận mây. Bài thơ thể hiện ra tâm tình thoải mái của Thôi Tiển. Ngoài ra, trong thời gian không có việc ông còn trồng trọt làm ruộng ở quê, ngày ngày được vợ đưa cơm ra đồng, cùng bạn bè vui cười hát điệu dân ca, quả là một bức tranh cuộc sống điền viên thanh bình yên tĩnh.

Đắc ý đạm nhiên, ý tứ là là vào lúc đắc ý thì vẫn đạm nhiên điềm tĩnh, không bị cuốn theo vinh nhục danh lợi. Mùa xuân năm Gia Tĩnh thứ 18, sau 16 năm ở ẩn tại quê nhà thì Thôi Tiển nhận chức Chiêm sự phủ, không lâu sau thì được đề bạt làm Lễ bộ hữu thị lang ở Nam Kinh, bậc quan tam phẩm.

Tuy nhiên, Thôi Tiển đối với chức vị lại coi rất đạm nhạt. Ông nói rằng bản thân thích cuộc sống hàng ngày đọc sách và sáng tác, nhưng nếu làm quan thì cũng sẽ tận hết trách nhiệm. Trước khi nhận chức, ông đi bái tế mộ của cha mẹ và phát thệ nguyện rằng nếu như bản thân đánh mất sự trong sạch, a dua xu nịnh, làm hại hiền lương thì không còn mặt mũi nào gặp lại cha mẹ nữa.

Thái độ nhân sinh quyết định cảnh giới nhân sinh, “Lục nhiên huấn” của Thôi Tiển thật sự có tác dụng giúp con người dưỡng thành thái độ nhân sinh lạc quan, cởi mở và thông thấu.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Lữ Hà Sinh
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: