Người xưa có câu, “từ mẫu bất truyền, nhi từ kế mẫu truyền”, chuyện mẹ đẻ hiền từ thì thường không được lưu truyền nhưng chuyện mẹ kế hiền từ thì chắc chắn được lưu truyền. Một người mẹ đẻ thì phần lớn đều yêu quý con, nên điều quan trọng hơn là phải biết giáo dục con cái, không nuông chiều dung túng con cái. Còn là một người mẹ kế thì điều quan trọng nhất là từ ái, không chán ghét ruồng bỏ, đối xử ác ý với con riêng của chồng.

"Nữ nhi kinh": Cách người xưa nuôi dạy con gái
(Tranh minh họa: Họa sĩ Chu Văn Củ, thời Ngũ Hồ Thập Quốc, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Xưa nay, mẹ kế con chồng luôn là mối quan hệ chứa đựng nhiều mâu thuẫn, giống như người ta thường nói “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Nhưng vào thời nào cũng vậy, vẫn có những người mẹ kế yêu thương và dạy dỗ con chồng trở thành người có tài có đức, con chồng đối xử hiếu thảo với mẹ kế.

Trong sách “Liệt nữ truyện” ghi lại rằng, vào cuối thời Đông Hán, vợ lẽ của Trình Văn Củ người huyện Hán Trung là Lý Mục Khương đã sinh được hai người con trai, con trai cả tên là Trình Hoài và con trai thứ tên là Trình Cơ. Người vợ cả của Trình Văn Củ để lại bốn người con trai tên là Trình Hưng, Trình Đôn, Trình Cận và Trình Dự.

Sau đó, Trình Văn Củ qua đời khi đang giữ chức huyện lệnh huyện An Chúng, Lý Mục Khương phải một mình gánh vác trách nhiệm nuôi dạy sáu người con trai. Trình Hưng, Trình Đôn và những người con riêng cho rằng Lý Mục Khương không phải là mẹ ruột của mình nên nhất định sẽ không thật lòng đối đãi tốt, vì vậy đã luôn luôn chống đối lại bà, không tuân theo sự chỉ dạy của bà. Lý Mục Khương không những không nặng lời với các con, mà đối với chúng càng từ ái dịu dàng nhân hậu. Việc ăn ở mặc và đi lại, bà luôn chi tiêu cho các con riêng của chồng số tiền nhiều hơn con ruột của mình.

Có người cảm thấy bất bình cho Lý Mục Khương, đã hỏi bà: “Vì sao bà vẫn đối xử với chúng từ ái như vậy?”

Lý Mục Khương nói rằng: “Chúng không còn mẹ ruột, nhưng các con trai tôi thì còn. Giả sử như con trai tôi bất hiếu, thân là mẹ nỡ nào nhẫn tâm bỏ rơi con sao?”

Một ngày nọ, người con trai cả Trình Hưng bị bệnh nặng, tình trạng nguy kịch. Lý Mục Khương đã đích thân ngày đêm sắc thuốc, cho con ăn uống, dốc lòng chăm sóc chu đáo đến nỗi bản thân bà ngày càng phờ phạc tiều tụy. Trình Hưng nhìn thấy hết thảy những điều này, nên trong lòng thấy vô cùng cảm động.

Sau khi khỏi bệnh, Trình Hưng nói với ba người em ruột: “Lòng nhân từ của mẹ, anh em chúng ta không biết ơn thì đúng là không bằng cầm thú.” Vì vậy, cả bốn anh em họ đã đi đến huyện nha kể lại đức hạnh của mẹ kế, đồng thời kể lại tội lỗi của mình và cầu xin sự trừng phạt.

Huyện lệnh không thể quyết định được việc này bèn đưa chuyện này báo cáo lên trên quận, trên quận đã hạ lệnh khen thưởng Lý Mục Khương, miễn lao dịch cho gia đình và động viên bốn người con trai hối cải để tự sửa đổi. Gia đình họ cũng được treo biển khen tặng vì lòng nhân từ và hiếu thảo giữa mẹ kế con chồng.

Từ đó về sau, Lý Mục Khương dạy bảo các con càng thêm nghiêm minh. Sáu người con trai của Lý Mục Khương sau này đều trở thành những người con hiếu thảo, và năm người trong số họ vì phẩm hạnh đoan chính nên được châu và quận tiến cử làm quan cho triều đình. Trình Cơ, con trai thứ hai của Lý Mục Khương từng làm quan đến chức thái thú.

Lý Mục Khương hiền thục sống đến hơn 80 tuổi, trước khi chết bà còn dặn các con giản tiện việc mai táng. Những người con trai hiếu thảo đã không làm trái ý nguyện của mẹ. Câu chuyện Lý Mục Khương hiền từ nuôi nấng dạy dỗ con chồng thành tài cũng được sử sách ghi lại lưu truyền cho người đời sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Lưu Hiểu
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: