Trí tuệ cổ nhân: Người sáng suốt không đứng dưới tường nguy
- An Hòa
- •
Trăng có tối sáng tròn khuyết, người có sớm tối phúc họa. Trên con đường nhân sinh, khó khăn trắc trở là không ai có thể tránh được. Khi ở vào lúc mưa thuận gió hòa thì người sáng suốt sẽ có một chút chuẩn bị cho những biến cố có thể xảy ra trong tương lai, như vậy sẽ có thể khiến cho những khó khăn lớn hóa nhỏ, thậm chí là biến nguy thành an.
Người xưa có câu: “Vị vũ trù mâu”, buộc chặt nhà trước khi có mưa gió. Trước khi trời mưa bão, người ta phải chuẩn bị kỹ càng để đón nhận, có như vậy mới tránh được những tổn thất không đáng có xảy đến. Đây chính là “sống yên ổn nghĩ tới ngày gian nguy”. Một người biết phòng ngừa chu đáo, biết sớm lo liệu thì mới có thể đi được xa hơn, gặp ít rủi ro hơn. Ngay cả khi gặp rủi ro họ cũng đã có được tâm thế sẵn sàng nên có thể bình tâm xử lý mà không kinh hoảng.
Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công” có chép một chuyện đại ý thế này: Thời Xuân Thu, Khổng Tử đưa các học trò của ông chu du tới nước Vệ. Họ được quốc quân của nước Vệ là Vệ Linh Công đón tiếp.
Lúc bấy giờ, nước Vệ an ổn tường hòa dưới sự thống trị của Vệ Linh Công, tuy nhiên đạo đức của Vệ Linh Công lại rất kém. Ông ta tham lam, vô đạo và còn rất yêu thích nuôi dưỡng và ân sủng nam nhân. Vợ của Vệ Linh Công là Nam Tử thường xuyên có những hành vi dâm loạn, phóng túng. Vua vô đạo lại không nghe lời can gián, trước tình cảnh ấy, Khổng Tử chỉ còn biết cảm thán: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, Người không lo xa tất có họa gần.
Quả nhiên mấy năm sau, Vệ Linh Công bị bệnh mà chết. Việc tranh quyền đoạt lợi trong triều đình bùng nổ, đẩy nước Vệ lún sâu vào con đường loạn lạc, suy vong.
Vạn sự vạn vật trong thế gian đều biến đổi không ngừng, họa phúc luân chuyển khó mà đoán biết. Khi một người sa vào an nhàn hưởng thụ trước mắt thì nguy hiểm đã thực sự ẩn núp ở trong đó rồi.
Phạm Lãi, danh sĩ của nước Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng là một người sáng suốt biết lo xa. Năm 473 TCN, dưới sự trợ giúp của Văn Chủng và Phạm Lãi, Việt Vương Câu Tiễn sau nhiều năm “nằm gai nếm mật” cuối cùng đã tiêu diệt được nước Ngô, liên minh với các nước chư hầu và trở thành bá chủ thời Xuân Thu.
Trong khi Câu Tiễn mở tiệc ăn mừng, các quần thần đều lộ ra sắc mặt phấn khởi vui mừng thì Phạm Lãi lại thầm than trong lòng: “Người như Việt Vương chỉ có thể cùng chung hoạn nạn, không thể cùng hưởng phú quý”.
Sau đó, Phạm Lãi thu xếp hành trang rồi lên thuyền rời đi. Câu Tiễn đến tìm ông nhưng không gặp được.
Trước khi lên thuyền rời đi, Phạm Lãi đã gửi thư thuyết phục Văn Chủng rằng sau khi chim muông bị bắn hết rồi thì cung nỏ bị cất vào kho, sau khi thỏ hoang bị săn bắt hết rồi thì chó săn bị mổ thịt. Hiện giờ kẻ thù của nước Việt đã bị tiêu diệt, Việt vương Câu Tiễn là người bạc tình bạc nghĩa, chỉ có thể cùng ông ta chung hoạn nạn, chứ không thể cùng hưởng giàu sang phú quý được.
Văn Chủng bán tín bán nghi. Một thời gian sau, Việt Vương Câu Tiễn nảy sinh lòng nghi ngờ Văn Chủng. Sau đó Văn Chủng bị Câu Tiễn ép tự sát.
Đằng sau những phồn hoa sặc sỡ là vực sâu vạn trượng, sâu thẳm dưới dòng nước là những mạch ngầm. Cổ nhân có câu: “Quân tử bất lập vu nguy tường chi hạ”, người quân tử không đứng dưới tường nguy hiểm. Nguy hiểm thực sự không đáng sợ nhưng đáng sợ là thân ở vào nguy hiểm mà không biết. Những người sáng suốt xưa nay đều biết phòng ngừa trước khi có hoạn nạn xảy ra. Chính vì thế mà họ thường bình an vô sự.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Quân tử sáng suốt trí tuệ cổ nhân