Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn nại làm việc, nhẫn nại làm người
- An Hòa
- •
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của nhà Thanh. Ông từng giữ chức Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một nhà Nho lỗi lạc. Trong cuộc đời mình, Tăng Quốc Phiên nhiều lần nhắc đến chữ “nại”. Ông cho rằng thế sự chông gai, lòng người khó lường, làm người làm việc đều cần dựa vào sự nhẫn nại để vượt qua, như vậy mới có được thành tựu.
Nhẫn nại xử sự mới được tĩnh khí
Tăng Quốc Phiên nói: “Nhẫn được ngàn phiền toái, thu được một tâm thanh tĩnh”. Ông cũng nói: “Gặp phải chuyện khó giải quyết thì cần đặt công phu vào việc nhẫn nại”. Muốn làm thành công một việc nào đó, bất luận là việc gian khó hay là dễ dàng thì thực sự đều cần phải dụng tâm dụng sức mà làm. Khi gặp phải một sự tình khó xử lý thì cần phải bình tĩnh và tỉnh táo mà làm.
Chu Hy thời Tống cho rằng: “Mọi chuyện chỉ cần nhẫn nại là có thể làm được, nếu sợ hãi trốn tránh, không chịu được phiền toái rắc rối thì không làm được gì”.
Trong cuộc sống, bất cứ ai đều sẽ gặp phải những chuyện phiền toái mà bản thân không mong muốn. Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể nhẫn nại, sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện mà mình gặp phải. Nhìn thấy phiền toái ở phía trước, có người sẽ bình thản đón nhận, cũng có người tự mình hoảng loạn, tránh né.
Người có thể nhẫn nại, chịu được những phiền toái đến với bản thân thì đã có thể dập tắt được ngọn lửa nóng nảy trong lòng, để nội tâm có thể quay trở lại với sự bình tĩnh thong dong. Tĩnh tâm có thể sản sinh trí tuệ, gặp chuyện mới có thể xử lý được, tâm thái mới có thể vững vàng như núi.
Nhẫn nại làm người mới được nhân hòa
Tăng Quốc Phiên nói: “Làm người quý nhất là nhẫn nại, tiếp đến là được nhân hòa”. Làm người phải nhẫn chịu được sự phiền toái thì mới có thể có được các mối quan hệ tốt đẹp.
Khi Tăng Quốc Phiên còn trẻ tuổi, ông thường rất thích tranh cãi với người khác, có việc gì bất mãn là oán trách người này người khác. Đến khi già rồi, cảm thấy không còn sức lực tranh chấp với người khác nữa, cũng không muốn oán trách nữa, thì ông mới thấy rằng trong lòng rất bình yên, những mối quan hệ bên ngoài cũng tốt lên rất nhiều. Vì vậy ông khuyên mọi người phải nhớ kỹ, có được nhân hòa hay không, phải xem bản thân mình có chịu được phiền toái hay không.
Người có khả năng nhẫn nại, biểu hiện bề ngoài là không kiêu ngạo không nóng nảy, còn ở trong tâm thì họ đang tự soi xét lại mình. Người có tính cách nóng nảy bực bội chính là người khuyết thiếu khả năng kiểm soát, khó quản được niệm tham sân si trong lòng mình, phiền toái giữa người với người cũng theo đó mà đến.
Muốn trở thành người nhẫn nại, khoan dung được mọi người, thì trước tiên cần phải có một tấm lòng rộng lượng. Hết thảy những phiền muộn không vui trong đời, đều có thể dùng “nhẫn nại” để hóa giải. Mọi chuyện sẽ giống như gió nhẹ lướt qua, đi mà không để lại vết tích gì.
Nhẫn nại làm việc mới trưởng thành
Tăng Quốc Phiên nói: “Làm quan, tính nhẫn nại là trọng yếu hàng đầu. Nếu không được quan lớn xem trọng, thì phải chịu được lạnh nhạt, cuộc sống có lúc đói thì phải chịu được khổ, nếu thu nhập không được như mình muốn thì phải chịu vất vả chăm chỉ. An phận và cố gắng, ung dung như người không chút mong cầu thì không quá hai năm, chắc chắn sẽ được bên trên xem trọng như bằng hữu”.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, khi chưa được xem trọng thì phải nhẫn được sự khó chịu trong tâm. Bên cạnh đó cần phải cố gắng hơn, hoàn thiện bản thân hơn. Bởi vì nếu đã là vàng thật thì nhất định sẽ có ngày tỏa sáng. Ngay cả khi không được đãi ngộ như ý muốn thì khi đã tận tâm tận lực để làm việc, bản thân chúng ta cũng sẽ dần dần trưởng thành hơn, cơ hội tốt đẹp cũng sẽ đến nhiều hơn.
Nhẫn nại đọc sách mới nhập tâm
Tăng Quốc Phiên nói: “Việc đọc sách cần một chữ ‘nại’. Một câu không hiểu thì không xem câu tiếp. Hôm nay không hiểu thì ngày mai đọc lại. Năm nay chưa thông hiểu thì năm sau đọc lại. Đây gọi là nhẫn nại”.
Có lẽ ai cũng hiểu một đạo lý rằng cần phải làm xong nền móng trước thì mới có thể xây nhà. Nhưng con người luôn xa rời thực tế, mong muốn tìm kiếm con đường tắt bằng phẳng trong biển học mênh mông.
Đọc sách không có sự nhẫn nại kiên trì thì khi cầm cuốn sách lên chỉ cảm thấy chán nản buồn tẻ, mà quên mất rằng “núi sách có đường siêng làm lối, biển học vô biên khổ làm thuyền”.
Đọc sách cần phải có sự nhẫn nại, đọc hết lần này đến lần khác để hiểu được hết ý nghĩa trong sách. Vì vậy, Chu Hy trong “Huấn học trai quy” có nói: “Đọc sách cần phải dùng mắt, dùng miệng, dùng tâm”. Nếu như tâm trí không tập trung, một cái liếc xéo đã xong mười hàng, miệng thì đọc một cách vô thức chán nản thì không thể lĩnh ngộ được đạo lý gì trong ấy cả.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Tăng Quốc Phiên Nhẫn nhịn nhẫn nại