Trí tuệ cổ nhân: Quyền thế như núi băng dưới nắng
- An Hòa
- •
Thành ngữ cổ có câu: “Băng sơn nan kháo”, tức là núi băng thì khó dựa, có dựa cũng không dựa được lâu dài. Câu nói này ẩn ý chỉ việc quyền thế là không thể tồn tại mãi, cho nên rất khó để dựa vào những người có quyền có thế. Quyền thế như núi băng, một khi băng gặp ánh nắng, tan thành nước, thì tai họa không chỉ đến với bản thân người có quyền thế mà liên lụy đến cả người dựa vào. Trong cuốn chính sử “Tư trị thông giám” có ghi chép lại câu chuyện về thành ngữ này như sau.
Vào triều nhà Đường, Hoàng đế Đường Huyền Tông lúc về già đặc biệt sủng ái Dương Quý Phi, không chú tâm việc triều chính. Anh họ của Dương Quý Phi, Dương Quốc Trung, cũng được làm quan đến chức Tể tướng, nắm quyền triều đình, việc lựa chọn và bổ nhiệm quan lại đều được quyết định lén lút trong nhà ông. Dương Quốc Trung kéo bè kết phái, thế lực to lớn khiến nhiều người phải theo.
Theo sử sách ghi chép lại, sau khi Dương Quốc Trung lên cầm quyền, người trong ngoài triều đình đều hiến tặng lễ vật quý cho ông ta. Có thể nói, người tặng lễ nối tiếp không dứt, có người là vì bị bức bách mà tặng, có người cho rằng ông ta là chỗ có thể dựa vào để thăng quan tiến chức. Số lượng tơ lụa trong nhà Dương Quốc Trung lên đến 3000 vạn cuộn.
Lúc ấy ở trên núi Tung Sơn có một vị ẩn sĩ tên là Trương Thoán, vốn là một tiến sĩ nhưng không có cơ hội ra làm quan. Bạn bè của Trương Thoán đều khuyên nhủ ông nên đến bái kiến Dương Quốc Trung, như vậy có thể lập tức được thăng quan phát tài. Nhưng điều khiến mọi người bất ngờ là Trương Thoán trước sau đều một mực cự tuyệt, không đi. Trái lại, ông còn khuyên: “Các ông đều cho rằng Dương Quốc Trung vững chắc kiên cố như núi Tung Sơn vậy, bất quá tôi lại nghĩ ông ta chỉ giống như núi băng khó dựa mà thôi. Tương lai thiên hạ có biến động, ông ta sẽ giống như núi băng gặp ánh nắng mặt trời thì tan ra đổ sụp, đến lúc đó các ông sẽ mất đi chỗ dựa”. Nói xong, Trương Thoán lại lên núi Tung Sơn ẩn cư đến già.
Mấy năm sau, Dương Quốc Trung quả thực đã thành “núi băng dưới nắng”. Sau khi xảy ra loạn An Sử, Đường Huyền Tông vội vàng rời kinh thành Trường An chạy trốn. Trên đường đi, các tướng sĩ cho rằng trận đại loạn này là do một tay Dương Quốc Trung tạo thành nên phẫn nộ giết chết ông ta. Vợ của Dương Quốc Trung và con trai ông ta toan chạy trốn cũng đều bị quân lính giết hại. Dương Quý Phi cũng bị ép treo cổ mà chết. Không chỉ vậy, thi thể Dương Quốc Trung còn bị chặt ra làm nhiều phần. Đầu bị treo ở trên cửa thị chúng. Những người chết trong biến loạn này đều là những người thân thích họ Dương. Lời tiên đoán “núi băng khó dựa” của Trương Thoán đã được nghiệm chứng.
Tục ngữ nói: “Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh”, tức là người trong cuộc thường mê muội, người bên ngoài thường rõ ràng minh bạch. Trong sự tình Dương Quốc Trung, có thể thấy, Trương Thoán là người ngoài cuộc rõ ràng. Những người bạn của Trương Thoán tưởng là người ngoài cuộc nhưng lại bị danh lợi trong cuộc che mắt mà không nhìn được chân tướng một cách rõ ràng, có thể tính là người trong cuộc vậy.
Dương Quốc Trung là người trong cuộc nhưng cũng không hoàn toàn “mê” khi nhìn nhận về bản thân mình. Ông ta từng nói: “Ta chưa hẳn đã có kết quả tốt đẹp, bất quá nên tận hưởng lạc thú trước mắt”. Ông biết rằng mình vì Dương Quý Phi mà leo được cao, bản thân không phải người có thể ở ngôi cao đến thế, nên được đến đâu thì tính đến đó. Chính thái độ nhân sinh này đã biến Dương Quốc Trung thành “núi băng”, chung quy sẽ có ngày bị sụp đổ.
Trong cuộc sống xưa nay, những người tựa như Dương Quốc Trung quả thực nhiều không kể hết. Những người này dựa vào quyền thế hoành hành nhất thời nhưng cuối cùng lại đều có kết cục thê thảm. Đó là bởi vì họ bề ngoài có quyền có thế, trông giống như ngọn núi vững chắc, nhưng bản chất đều là “núi băng”, cái họ khuyết thiếu đều là đạo đức. Cách mà họ thăng tiến là bất chính, cách mà họ gìn giữ quyền lực là bất chính, hơn nữa họ dương dương đắc ý, không kiêng nể ai. Họ chính là đang đẩy nhanh sự diệt vong của chính mình, không chỉ với bản thân và người xung quanh trong đời kiếp này, mà còn là đối với tương lai của bản thân trong vòng xoay luân hồi báo ứng.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đạo đức Quyền thế tu dưỡng