Trí tuệ cổ nhân: Tín nghĩa gả con gái, thành người phú quý
- Nhất Đẩu
- •
Thành tín, giữ chữ Tín là đức hạnh truyền thống tốt đẹp của người từ xưa đến nay. Hàng ngàn năm qua, thành tín vẫn là thước đo nhân phẩm và đạo đức của một người. Người xưa vô cùng coi trọng chữ Tín, giảng rằng lời nói là phải có sự thành tín tuyệt đối. Một người khi đã chủ định giữ chữ Tín với ai mà lại không làm được thì phẩm giá của bản thân người ấy đã bị hạ thấp rồi. Trong cuốn “Bắc Đông Viên Bút Lục” của Lương Cung Thần triều Thanh có ghi lại một câu chuyện người mai mối giữ chữ tín, lấy con gái mình để gả thay cho người thất hứa, cuối cùng lại được đền đáp không ngờ.
Kim Sĩ Tùng là người đất Ngô Giang sống vào triều Thanh, thuở nhỏ gia cảnh bần hàn, thường theo cha ra ngoài học chữ. Kim ông làm thầy đồ cho một gia đình phú hộ ở cùng huyện. Có một năm thầy đồ dạy học tới giao thừa mới nghỉ, người phú hộ rất ngạc nhiên, Kim ông nói: “Hạ tuần tháng Giêng sang năm thằng Sĩ Tùng nhà tôi lấy vợ, e sẽ lỡ mất thời gian dạy học, nên hôm nay tôi dạy trước bài của buổi sau”. Rồi ông lại tiếp lời: “Người nghèo tổ chức cưới xin không dễ, sính lễ không biết kiếm đâu ra, tôi muốn nhận trước tiền lương của hai tháng đầu năm sau, không biết có được không?” Người phú hộ đã trả số tiền trước cho Kim ông.
Đến ngày hẹn định, Kim ông chuẩn bị lễ vật và mời quan khách, người mai mối Triệu Quân lại là bạn cũ, mọi người vui vẻ uống rượu.
Đến giờ lành, Triệu Quân mang sính lễ sang nhà gái. Cô gái ấy họ Từ, khi ông Từ nhìn thấy Triệu Quân thì đổi sắc mặt, nổi giận nói: “Ông làm tôi nhìn nhầm rồi. Hôm nay tôi mới biết nhà họ Kim nghèo rớt mồng tơi, con gái tôi sao có thể gả vào nhà ấy để chịu khổ được?” Triệu Quân sửng sốt nói: “Ông đã đồng ý hôn sự này rồi, sao lại nuốt lời?” Ông Từ kiên quyết từ chối hôn lễ, ngữ khí càng lúc càng gay gắt. Triệu Quân không còn cách nào khác, đành quay về gặp Kim Ông.
Nhà họ Kim khách khứa đủ đầy, khi có biến cố xảy ra, ai nấy đều im lặng không nói. Kim ông sượng sùng: “Triệu Quân làm ông mai, nhưng sự tình lại thành thế này, thật đã để mọi người chê cười rồi”. Triệu Quân cúi đầu suy nghĩ rất lâu rồi nói: “Ta với huynh kết giao cũng đã lâu, con gái ta cũng trạc tuổi Sĩ Tùng nhà huynh, giờ hai nhà hãy kết hôn ước, huynh thấy thế nào?”
Kim ông vô cùng mừng rỡ, vội mời một vị khách đứng ra làm người chứng hôn rồi đem hết lễ vật định mang sang nhà họ Từ đem tặng lại cho Triệu Quân, hôn lễ đã được tiến hành như dự kiến.
Năm Càn Long thứ 25, Kim Sĩ Tùng thi đỗ tiến sĩ, sau làm quan đến chức đại tư mã, Triệu Thị được phong làm nhất phẩm phu nhân, còn cô gái họ Từ kia không biết vì sao lại bị chết đuối.
Từ ông tính già tính non, nhất quyết từ chối nhận Kim Sĩ Tùng làm rể. Triệu Quân lấy tín nghĩa làm trọng, rốt cuộc lại thành người phú quý. Thế nên mới có câu: “Thế thượng bổn vô sự, duy nhân tự nhiễu chi”, thiên hạ vốn vô sự, chỉ là người thường tự tìm phiền não mà thôi.
Theo “Câu chuyện người mai mối gả con gái”
Đăng trên Chanhkien.org
Tác giả: Nhất Đẩu
Xem thêm:
- Hôn nhân truyền thống: Hàm nghĩa sâu xa của ân ái vợ chồng
- Hôn nhân truyền thống: Giữ lời hứa, không thay lòng đổi dạ
Mời xem video:
Từ khóa hôn nhân truyền thống