Ngày 17/8/1945, cuốn tiểu thuyết trào phúng kinh điển Trại Súc Vật (Animal Farm) của nhà văn Anh George Orwell lần đầu tiên ra mắt công chúng. Tác phẩm này sử dụng hình thức ngụ ngôn, mượn lời loài vật để thay thế con người, nhằm phê phán sâu sắc việc thực hành các chế độ chuyên chế nhân danh chủ nghĩa cộng sản. Kể từ khi được xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã tồn tại suốt 80 năm, và đến hôm nay, Trại Súc Vật đã vượt qua khuôn khổ của một tiểu thuyết, trở thành một lăng kính quan trọng để hiểu về sự thăng trầm của chủ nghĩa toàn trị trong thế kỷ 20 và sự tha hóa của nhân tính.

r shutterstock 2520593521
Trại Súc Vật của George Orwell. (Ảnh: SHutterstock)

Trại Súc Vật – Từ cách mạng đến chế độ độc tài: Một hình ảnh thu nhỏ

Câu chuyện của Trại Súc Vật như sau: Trong một trang trại, các loài động vật không thể chịu đựng được sự bóc lột của con người nữa, và theo lời kêu gọi của lão Major, chúng đã phát động một cuộc cách mạng, đuổi được người nông dân và đổi tên trang trại thành “Trại súc vật”.

Sau cuộc cách mạng, các loài vật đặt ra 7 điều răn: đề cao sự bình đẳng và tự do, cùng nhau lao động chăm chỉ, hy vọng xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng.

Lũ heo, vì thông minh hơn, dần nắm quyền lãnh đạo và lợi dụng điểm yếu của các loài vật khác để từ từ đặt mình vào vị trí đặc quyền.

Trong đám heo, hai lãnh đạo là Napoleon và Snowball đã có cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt. Cuối cùng, Napoleon dùng vũ lực trục xuất Snowball và trở thành lãnh đạo duy nhất.

Theo thời gian, lũ heo ngày càng giống loài người – không chỉ hưởng đặc quyền, mà còn sử dụng dối trá và bạo lực để duy trì quyền lực. Lý tưởng bình đẳng của các loài vật bị giẫm đạp hoàn toàn, và cuối cùng Trại Súc Vật trở về trạng thái ban đầu, thậm chí còn tồi tệ hơn trước.

Câu chuyện sử dụng thủ pháp nhân hóa để miêu tả quá trình mà các loài vật sau cách mạng từ khát khao bình đẳng dần bước vào cuộc đấu tranh quyền lực, cũng như cách quyền lực làm tha hóa con người – được xem là một ngụ ngôn chính trị sâu sắc.

Cuốn tiểu thuyết miêu tả một cuộc “cách mạng” xảy ra trong trang trại: dưới sự lãnh đạo của loài heo, các con vật lật đổ chủ trang trại con người đã áp bức chúng, phấn khích hô vang khẩu hiệu “tất cả loài vật đều bình đẳng”. Ban đầu, trang trại đạt được một xã hội lý tưởng ngắn ngủi – chia sẻ lao động, cùng hưởng thành quả.

Tuy nhiên, theo thời gian, quyền lực dần tập trung vào tay một “tầng lớp lãnh đạo” thiểu số. Bầy heo kiểm soát giáo dục và công cụ tuyên truyền, bắt đầu bịa đặt dối trá, thao túng ký ức, viết lại lịch sử. Cuối cùng, khẩu hiệu tượng trưng cho bình đẳng bị âm thầm sửa thành: “Tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác”.

Dưới sự thao túng kép của dối trá và sợ hãi, lý tưởng cách mạng từng rực cháy dần sụp đổ. Bất cứ tiếng nói nghi ngờ quyền uy của lũ heo đều bị bịt miệng hoặc trừng phạt tàn nhẫn, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống. Các loài vật rơi vào ách nô lệ sâu hơn trước, chỉ khác là chủ nhân nay chính là những “đồng chí” trước đây. Cuốn tiểu thuyết bằng ngôn ngữ giản dị đã phơi bày một xã hội từ lý tưởng trượt xuống toàn trị, từ tự do rơi vào áp bức.

Số phận bị cấm – Vì quá chân thực

Chính vì Trại Súc Vật phơi bày sự thật quá gần với thực tế nên nó bị liệt vào danh sách cấm ở nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa như Liên Xô cũ, Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn… Các chính quyền này hiểu rõ, cuốn tiểu thuyết không chỉ đả kích một chế độ, mà là toàn bộ logic của chủ nghĩa toàn trị – lạm dụng quyền lực, bóp nghẹt sự thật, chà đạp tự do cá nhân. Nếu người dân có thể tự do đọc và suy ngẫm về tác phẩm này, sự nghi ngờ với chính quyền sẽ không còn chỉ là “bất đồng chính kiến” mà có thể trở thành mồi lửa cho sự thức tỉnh tập thể.

Cho đến ngày nay, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, Liên Xô sụp đổ, nhưng bóng ma của chủ nghĩa toàn trị vẫn chưa biến mất. Khi một xã hội bắt đầu dung túng sự dối trá, khi người dân quen với việc “vâng lời là an toàn”, khi khẩu hiệu được coi là niềm tin hơn là sự phản ánh, thì bi kịch của Trại Súc Vật vẫn đang tiếp diễn.

80 năm trôi qua, ngôn từ của Orwell vẫn sắc bén như lưỡi kiếm, xuyên thủng lớp mặt nạ giả dối. Bình đẳng và tự do đích thực chưa bao giờ là thứ ban phát từ quyền lực, mà là kết quả của quá trình không ngừng truy cầu sự thật và chất vấn dối trá.

Từ trang trại đến hiện thực – Diện mạo của toàn trị chưa từng biến mất

Trại Súc Vật không chỉ ám chỉ một quốc gia, một chế độ hay một lát cắt lịch sử cụ thể, mà miêu tả cuộc đối kháng vĩnh viễn giữa quyền lực và nhân tính. Dù cuốn tiểu thuyết ám chỉ rõ ràng đến chủ nghĩa Stalin tại Liên Xô, nhưng cốt lõi của nó có thể áp dụng rộng rãi khắp thế giới: Khi quyền lực thiếu sự kiểm soát, khi xã hội từ bỏ ký ức và phê phán, thì dù lý tưởng có thuần khiết đến đâu cũng sẽ bị biến thành công cụ để áp bức người khác.

Vào thế kỷ 21, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô, sự tan rã của các chế độ cộng sản Đông Âu, nhưng mầm mống của chủ nghĩa toàn trị chưa bị tiêu diệt. Những dối trá ngày nay không còn chỉ là khẩu hiệu dán trên tường, mà ẩn mình trong thuật toán và các “hộp đen thông tin”. Điều này giống hệt như trong Trại Súc Vật, heo lãnh đạo thông qua nhân vật “Squealer” liên tục sửa đổi sự thật khiến phần lớn loài vật đánh mất khả năng phân biệt đúng sai.

Xoá bỏ ký ức – Kỹ thuật cốt lõi của toàn trị hiện đại

Sau này, Orwell trong 1984 đã nhấn mạnh thêm rằng “Ai kiểm soát quá khứ, người đó kiểm soát tương lai”, và tư tưởng này cũng được thể hiện rõ trong Trại Súc Vật. Trong trang trại, các con vật ngày càng mơ hồ về mục tiêu ban đầu của cách mạng, và cuối cùng phải dựa vào phiên bản “lịch sử” do bọn heo biên soạn. Sự thao túng ký ức, viết lại sự thật – chính là điều đáng sợ nhất của chủ nghĩa toàn trị hiện đại.

Ngày nay, chúng ta cũng thấy hiện tượng tương tự: sách giáo khoa bị sửa đổi, sự kiện lịch sử bị xoá bỏ hoặc tẩy trắng, tiếng nói của người bất đồng bị che đậy, thậm chí biến mất khỏi mạng Internet và ký ức công cộng. Những ai cố gắng truy tìm sự thật thường bị gắn mác “gây nguy hại cho ổn định”, “kích động thù hận” hay “thế lực thù địch nước ngoài” rồi bị đàn áp, thậm chí bỏ tù.

Nhân dân và cá nhân – Giữa áp bức và thức tỉnh

Bi kịch của Trại Súc Vật không chỉ đến từ sự tàn ác của lũ heo, mà còn từ sự ngu muội và cam chịu của “những con vật khác”. Họ sẵn sàng tin vào lời dối trá, quen với việc được đại diện, thiếu ý chí phản kháng, và cuối cùng trở thành đồng phạm của chế độ toàn trị.

Nghĩ lại thời Giang Trạch Dân, ông ta dùng “Ba đại diện” để hướng dẫn tư tưởng người dân, cái ác thường bị bỏ qua.

Trong xã hội hiện đại, chúng ta cũng cần phản tỉnh: Khi con người chỉ quan tâm lợi ích cá nhân, khi đa số chọn im lặng và yếm thế, khi thái độ “việc không liên quan đến mình” trở thành chuẩn mực, thì toàn trị không cần đến xe tăng hay đàn áp – nó vẫn có thể len lỏi mà đến.

Dân chủ và tự do chưa bao giờ là điều hiển nhiên, mà là kết quả của từng cuộc đấu tranh về tư tưởng và thể chế. Trại Súc Vật dạy chúng ta rằng: Chống lại bạo quyền không chỉ là hô vang khẩu hiệu, mà còn là việc kiên trì chất vấn trong đời sống hàng ngày, bảo vệ ký ức, giành lấy không gian cho sự minh bạch và tự do ngôn luận.

Trung Quốc cộng sản ngày nay: từ trang trại thành nhà tù?

George Orwell viết Trại Súc Vật rốt cuộc là một ngụ ngôn, hay là tấm gương phản chiếu thực tại? Khi nhìn lại một thế kỷ qua, lời cảnh báo trong cuốn tiểu thuyết càng trở nên sâu sắc và chân thực hơn – từ trại cải tạo Gulag thời Liên Xô đến các “trại cải tạo” hiện nay ở Tân Cương; từ sự sùng bái lãnh tụ như thần thánh tại Bắc Hàn, đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tin giả và thuật toán thao túng dư luận tại các xã hội tự do – những cảnh tượng trong Trại Súc Vật của Orwell đang liên tục tái diễn dưới các hình thức khác nhau khắp toàn cầu. Điều duy nhất thay đổi là diễn viên và công nghệ.

Trại Súc Vật từng là một tác phẩm trào phúng chính trị nhắm vào chủ nghĩa toàn trị ở Liên Xô, nhưng ngày nay nó dường như đã trở thành cẩm nang quyền lực toàn cầu. Nếu ngày xưa lũ heo sửa lịch sử, bóp méo hiện thực bằng chữ viết, thì ngày nay thuật toán bịt miệng các tiếng nói đa nguyên, công nghệ deepfake bịa đặt sự kiện. Nếu trước kia là chuyên chế bằng khủng bố, thì nay là “toàn trị mềm” nhân danh an toàn và phúc lợi để làm tê liệt ý chí phản kháng và tư duy độc lập của nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm cuốn tiểu thuyết ra đời, có lẽ chúng ta nên gạt bỏ đánh giá dễ dãi rằng “nó chỉ là một ngụ ngôn”, mà thay vào đó hãy tự hỏi: Ngày nay chúng ta vẫn còn là những con vật trong Trại Súc Vật? Hay đã bị thuần hóa và giam giữ trong nhà tù của tư tưởng và thân thể? Chúng ta có còn lựa chọn ghi nhớ, truy cầu sự thật và tư duy phản biện? Hay đã cam tâm lãng quên, vâng lời và xu thời?

Những câu hỏi này sẽ quyết định liệu chúng ta còn đủ khả năng nhận ra sự giả dối của quyền lực, còn bảo vệ được ranh giới của tự do, và liệu chúng ta có thể thật sự bước ra khỏi “trại súc vật” – nhà tù vô hình nhưng bao trùm khắp nơi hay không.

Chủ nghĩa toàn trị chưa bao giờ thật sự biến mất – nó chỉ học cách không ngừng khoác lên mình chiếc áo mới mang tên dối trá. Còn chúng ta – liệu còn đủ can đảm để đối diện với sự thật sau lớp vỏ ấy?