Ngày 9/7/2015, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành một cuộc đàn áp quy mô lớn nhằm vào các luật sư và nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, ảnh hưởng đến hơn 300 người trên khắp Trung Quốc, sự kiện này được gọi là “Sự kiện 709” hoặc “Cuộc bắt bớ lớn 709”, “vụ 709”. Trong suốt 10 năm qua, cộng đồng quốc tế liên tục quan tâm và ủng hộ những người bị bắt trong Sự kiện 709. Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tường lửa mạng chặn thông tin ở Trung Quốc Đại Lục (firewall) và chính sách độc tài của ĐCSTQ ngày càng khốc liệt, tình trạng nhân quyền càng tồi tệ hơn, khiến các luật sư bảo vệ nhân quyền – những người lên tiếng cho dân chúng bị áp bức – rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Dẫu vậy, họ vẫn giữ hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc.

id14546934 Artboard 1
Vào dịp kỷ niệm 10 năm “Sự kiện 709”, giữa sự tuyệt vọng đối với ĐCSTQ, người dân vẫn ôm ấp hy vọng về một tương lai cho Trung Quốc. (Ảnh: Chân dung nhóm các luật sư và công dân bảo vệ quyền lợi bị ảnh hưởng bởi cuộc đàn áp “709” năm 2015 / Epoch Times)

Thực trạng đáng buồn

Ngày 4/6 năm nay, nhà hoạt động nhân quyền Lý Yến Quân ở Quảng Tây đã qua đời vì bệnh tật. 

Ngày 15/6/2015, ông Lý Yến Quân cùng hơn 10 nhà hoạt động nhân quyền khác, bao gồm ông Lưu Tinh, bị bắt khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án Từ Vĩnh Hòa tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Sự kiện này được coi là một trong những tiền đề dẫn đến “Cuộc bắt bớ lớn 709” năm 2015. Ông Lý Yến Quân bị kết án 2 năm 5 tháng tù, được thả tự do vào ngày 6/10/2017. Thời gian ở tù đã khiến ông gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nhiều lần xin xuất cảnh để chữa bệnh đều bị từ chối.

Luật sư “709” Thiên Bình (hóa danh) chia sẻ với tờ Epoch Times rằng ông Lý Yến Quân là một người bảo vệ nhân quyền kiên định, có nhân phẩm xuất sắc, nhưng sau khi bị đàn áp, cuộc sống và công việc của ông không thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ông nhận được rất ít sự chú ý từ công chúng.

Luật sư “709” Tạ Dương bị bắt lại vào tháng 1/2022 với cáo buộc “kích động lật đổ chính quyền” và hiện vẫn bị giam giữ trái phép tại trại tạm giam Trường Sa. Dù chịu đựng tra tấn, ông vẫn khẳng định mình vô tội. Tháng Tư năm nay, trước khi gặp luật sư đại diện Lý Quốc Bội, ông Tạ Dương bị trại giam ép cởi hết quần áo để kiểm tra, một hành vi mang tính sỉ nhục, sau đó được luật sư đại diện công khai. Vào tháng Sáu, vợ cũ của ông Tạ Dương, bà Trần Quế Thu, công bố một bức ảnh chụp ông trong trại giam một năm trước, cho thấy ông gầy guộc, tiều tụy, khác xa so với trước đây.

id14540084 page
Hình ảnh luật sư Tạ Dương trong trại giam được tiết lộ, khác xa so với trước kia. (Ảnh tổng hợp từ Epoch Times)

Luật sư Vương Toàn Chương, người cuối cùng bị kết án trong Sự kiện 709, được thả tự do vào ngày 5/4/2020 sau khi mãn hạn tù. Tuy nhiên, chính quyền tiếp tục đàn áp ông sau khi ra tù. Gia đình ông từng phải chuyển nhà 13 lần trong gần 2 tháng, bị cắt điện, cắt khí gas và nước. 

Năm ngoái, Đài truyền hình Tokyo Broadcasting của Nhật Bản đến thăm gia đình ông và phát hiện do chính quyền gây áp lực với các trường học, con trai 11 tuổi của ông, bé Tuyền Tuyền, đã không thể đi học suốt một năm. Trong video, Tuyền Tuyền nói một cách nghiêm túc: “Cháu muốn đi học, muốn bố mẹ vui lên.” Vào ban đêm, cậu bé ôm mẹ khóc và hỏi: “Tại sao lại là con?”

Luật sư Dư Văn Sinh, từng bào chữa cho ông Vương Toàn Chương, bị kết án 3 năm tù với tội danh “kích động lật đổ chính quyền” và hiện bị giam tại nhà tù Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Theo vợ ông, bà Hứa Diễm, người đã được trả tự do trong cùng vụ án, vào ngày 7/2 năm nay, bà đưa con trai đến nhà tù Trấn Giang và gặp chồng sau 1 năm 10 tháng xa cách. Bà Hứa Diễm mắc bệnh thoát vị đĩa đệm và cần điều trị, trong khi con trai họ từng phải nhập viện vì trầm cảm nặng do cả cha mẹ đều bị bắt. Cậu bé hiện đã xuất viện nhưng vẫn phải dùng thuốc. Hành tung của mẹ con bà Hứa vẫn bị chính quyền giám sát.

id14219071 F QwDeJbUAArK 3 600x400 1
Ảnh chụp chung ông Dư Văn Sinh cùng vợ Hứa Diễm và con trai Dư Trấn Dương. (Ảnh: Mạng xã hội)

Luật sư Lý Hòa Bình trong Sự kiện 709 chịu tra tấn nặng nề trong tù, được thả vào ngày 9/5/2017, nhưng gia đình ông tiếp tục bị ép buộc chuyển nhà nhiều lần và bị chặn xuất cảnh.

Ông Chu Thế Phong, người sáng lập Văn phòng Luật sư Phong Nhuệ tại Bắc Kinh, bị bắt vào ngày 9/7/2015 và được thả vào tháng 9/2022. Vợ ông, bà Trương Mỹ Anh, qua đời vào trưa ngày 3/7/2024 tại An Dương, Hà Nam, ở tuổi 56 do bệnh tật lâu năm. 

Trong thời gian ông Chu Thế Phong bị tù, gia đình không có tiền đóng bảo hiểm xã hội cho bà Trương, cũng không đủ khả năng thay máy tạo nhịp tim, khiến bệnh tình của bà trầm trọng hơn. Sau khi ra tù, ông Chu Thế Phong kiên trì kiện Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, người chủ mưu trong Sự kiện 709, yêu cầu lật lại bản án “709” và truy cứu trách nhiệm những kẻ gây ra vụ đàn áp chính trị. Gần đây, ông tiếp tục nộp đơn kiện lên Viện Kiểm sát Tối cao, cáo buộc 14 người trong hệ thống công an, kiểm sát và tòa án, đứng đầu là Tôn Lực Quân, phạm các tội như giam giữ trái pháp luật.

Ông Giang Thiên Dũng, người đảm nhận vai trò điều phối cứu trợ các luật sư sau Sự kiện 709, bị “mất tích” vào tháng 11/2016, bị kết án 2 năm tù trái phép và được thả vào ngày 28/2/2019. Vợ ông, bà Kim Biến Linh, tiết lộ rằng Chính phủ Mỹ đã phê duyệt đơn xin tị nạn chính trị của ông Giang Thiên Dũng, nhưng ĐCSTQ từ chối cho ông xuất cảnh.

Bà Vương Vũ, được mệnh danh là “nữ luật sư dũng cảm nhất Trung Quốc”, từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động xã hội và người tập Pháp Luân Công, là luật sư đầu tiên bị bắt trong Sự kiện 709. Tháng 11 năm ngoái, bà cùng ông Giang Thiên Dũng và 3 luật sư khác bị bắt vì ủng hộ vụ án Lưu Mỹ Hương. Bà Vương Vũ bị giam trái phép 9 ngày tại trại tạm giam huyện Ngụy, Hà Bắc, và tuyệt thực để phản đối, dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Sự kiện 709 có phạm vi ảnh hưởng rộng, từ ông Ngô Cam bị bắt trước đó, rồi đến trợ lý của ông Chu Thế Phong là bà Lý Thục Vân, giám đốc tài chính Vương Phương, trợ lý hành chính Lưu Tứ Tân, các luật sư nhân quyền Lý Phương Bình, Tùy Mục Thanh, và Vệ Tiểu Binh (bị bắt vì vụ “áo thun Vương Vũ”).

……

Một số nạn nhân đã lưu vong ra nước ngoài. Cô Triệu Uy, từng là trợ lý của luật sư Lý Hòa Bình, là một trong những người bị bắt trong Sự kiện 709. Cô đến Mỹ vào tháng 3/2021 và tiết lộ với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng cô chịu tra tấn trong tù. Sau khi bị ép nhận tội, chính quyền sử dụng danh tính của cô để đăng thư nhận tội công khai trên Weibo và vu khống luật sư nhân quyền Nhậm Toàn Ngưu, người lên tiếng cho cô.

Đàn áp kéo dài và mở rộng

Luật sư Thiên Bình cho biết vụ bắt bớ lớn 2015 chỉ là đỉnh điểm của chiến dịch đàn áp. Nguồn gốc bắt đầu từ năm 2013, khi chính quyền liệt kê “5 nhóm đen mới”: luật sư nhân quyền, tôn giáo ngầm, người bất đồng chính kiến, lãnh đạo mạng, và nhóm yếu thế. Trong đó luật sư nhân quyền đứng đầu.

Năm 2013, ông Hứa Chí Vĩnh và ông Quách Phi Hùng bị bắt và kết án. Nhiều người khiếu kiện bị bắt, tôn giáo bị đàn áp, các cây thánh giá bị phá hủy, mục sư Cơ Đốc bị bắt hoặc phạt tiền, dẫn đến cuộc bắt bớ lớn nhằm vào luật sư và công dân vào tháng 7/2015. 

Sau đó, các vụ đàn áp liên quan đến Sự kiện 709 tiếp diễn, như vụ bắt bớ lớn ở Tô Châu và Phúc Châu năm 2016, các vụ kiểm tra tư pháp nhằm vào luật sư và văn phòng luật, cũng như các vụ án của Hoàng Kỳ, Lưu Phi Dược, Phan Bân, đều là sự tiếp nối của Sự kiện 709.

Từ ngày 8/9/2016, trong thời kỳ nhạy cảm của Hội nghị G20, chính quyền Tô Châu bất ngờ bắt giữ hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền địa phương, nhiều người trong số họ từng ủng hộ các luật sư “709”, bao gồm Qua Giác Bình, Nghê Kim Phương và hơn 20 người khác. Mẹ vợ của ông Qua Giác Bình qua đời vào ngày 14/8/2017 do trầm cảm vì lo lắng, cuối cùng nhảy lầu tự tử. Ông Qua Giác Bình được thả vào ngày 4/8/2021 nhưng vẫn bị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, phải báo cáo khi đi xa và bị triệu tập vào những ngày nhạy cảm. Sau thời gian tù đày, ông mắc nhiều bệnh và sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian trước và sau G20 tại Hàng Châu năm 2016, 14 nhà hoạt động nhân quyền tại Phúc Châu, bao gồm Lâm Bỉnh Hưng, cũng bị bắt với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.

Các phương thức xử lý Sự kiện 709 của ĐCSTQ, như giám sát tại nơi cư trú, cấm gặp luật sư, sa thải luật sư do gia đình hoặc người bị giam chỉ định, chỉ định luật sư do chính quyền chọn, và thậm chí tra tấn, đã được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc, khiến việc đàn áp các nhóm nhân quyền trở thành trạng thái bình thường.

“709” là một biểu tượng

Luật sư Thiên Bình nhấn mạnh rằng “709” chỉ là một biểu tượng, đại diện không chỉ cho một cá nhân mà cho cả gia đình, dòng họ bị liên lụy; không chỉ cho luật sư mà cho toàn bộ nhóm nhân quyền đấu tranh chống lại ĐCSTQ. “709” cũng không chỉ đại diện cho cuộc đàn áp năm 2015 mà là sự đàn áp lâu dài của chế độ ĐCSTQ đối với luật sư nhân quyền và công dân.

Luật sư Cao Trí Thịnh, được coi là “lương tâm của Trung Quốc”, bắt đầu bị đàn áp từ cuối năm 2004 sau ba lần gửi thư kiến nghị cho các vụ án oan của Pháp Luân Công. Sau đó, ông liên tục bị bắt cóc, mất tích và tra tấn. Ngày 13/8/2017, ông biến mất bí ẩn tại nhà ở Du Lâm, Thiểm Tây, và đến nay vẫn không rõ sống chết. Vợ ông, bà Cảnh Hòa, nhiều năm qua không ngừng kêu gọi quốc tế, mong ông Cao Trí Thịnh sớm đoàn tụ gia đình. Các nhà bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng nhiều lần tổ chức hành động toàn cầu để tìm kiếm ông, nhưng ĐCSTQ hoàn toàn phớt lờ sự quan tâm của quốc tế và các cuộc biểu tình dân sự.

id14510063 2
Vào tháng 9/2022, bà Cảnh Hòa, vợ của luật sư Cao Trí Thịnh, tại Los Angeles, đang ngồi bên bức chân dung của luật sư Cao Trí Thịnh được bà và một nhóm tình nguyện viên tạo nên từ hàng ngàn vỏ đạn. (Ảnh do bà Cảnh Hòa cung cấp)

Ngày 10/4/2023, nhà hoạt động chính trị Hứa Chí Vĩnh và luật sư nhân quyền Đinh Gia Hỷ bị kết án lần lượt 14 năm và 12 năm tù với tội danh “lật đổ chính quyền” do tham gia “Hội nghị Hạ Môn” năm 2019. Cùng liên quan đến vụ này, luật sư Thường Vĩ Bình được thả tự do vào ngày 8/7/2024 sau khi mãn hạn tù.

Cùng ngày 8/7, Quốc hội Mỹ tổ chức hội thảo “10 năm sau cuộc đàn áp 709: Pháp trị và Tự do Tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình”. Bà Cảnh Hòa (vợ ông Cao Trí Thịnh) và bà La Thắng Xuân (vợ ông Đinh Gia Hỷ) tham dự hội thảo.

id13146059
Ông Hứa Chí Vĩnh (trái) và ông Đinh Gia Hỷ (Ảnh: Trang web Bảo vệ nhân quyền – WeiquanWang)

Luật sư Lý Dục Hàm, từng bào chữa cho bà Vương Vũ trong Sự kiện 709, được thả vào ngày 24/3/2024 sau 6 năm tù. Luật sư Đàm Vĩnh Bái, từng đại diện cho vụ án Trần Thái Hòa trong Sự kiện 709, bị bắt vào tháng 10/2019, bị kết án 5 năm tù và được thả vào tháng 10 năm ngoái.

Hiện nay, ít nhất khoảng 10 luật sư hoặc nhà hoạt động nhân quyền vẫn đang bị giam giữ hoặc thụ án, bao gồm Cao Trí Thịnh, Dư Văn Sinh, Tạ Dương, Lư Tứ Vị, Quách Phi Hùng, Đinh Gia Hỷ, Hứa Chí Vĩnh, Trương Triển, và những người khác. Lư Tứ Vị, người từng đại diện cho vụ “12 người Hồng Kông”, dự kiến mãn hạn vào ngày 5/8/2025.

Cựu luật sư và Phó Chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ Phong trào dân chủ Trung Quốc, Trâu Hạnh Đồng, bị bắt vào năm 2021 vì tưởng niệm nạn nhân sự kiện “Lục Tứ”.

Sau Sự kiện 709, nhiều luật sư bị triệu tập, bị tước giấy phép hành nghề, bị kiểm soát không được xuất cảnh, một số văn phòng luật bị giải thể. Chẳng hạn, các luật sư nhân quyền Hồ Nam như Văn Đông Hải, Dương Kim Trụ, và Trình Hải, từng đại diện cho vụ 709, bị tước giấy phép hành nghề vào năm 2018. Tháng 12/2021, luật sư Bắc Kinh Lương Tiểu Quân cũng bị tước giấy phép.

Tuyên ngôn chung của hơn 30 tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Ân xá Quốc tế, Human Rights Watch và Liên minh Nhân quyền Quốc tế, chỉ ra rằng ít nhất 20 luật sư bị tước giấy phép hành nghề, và 26 luật sư khác buộc phải rời văn phòng luật do áp lực của chính quyền, mất nguồn thu nhập.

Luật sư Đường Cát Điền bị chặn khi chuẩn bị sang Nhật Bản thăm con gái mắc bệnh lao phổi nặng vào ngày 2/6/2021, và bị mất tích vào cuối năm đó. Ngày 20/2/2024, con gái ông, Đường Chính Kỳ, qua đời tại Tokyo, Nhật Bản, ở tuổi 27.

Sự kiên trì trong khó khăn

Luật sư “709” Dương Quang (hóa danh) chia sẻ với Epoch Times rằng các luật sư như Bao Long Quân, Vương Vũ, Giang Thiên Dũng, Vương Toàn Chương, Tạ Yến Ích, Lý Hòa Bình, và Nhậm Toàn Ngưu, dù đã bị bắt trong vụ 709, vẫn tiếp tục tham gia các vụ án nhân quyền với tư cách công dân. Tuy nhiên, các biện pháp duy trì ổn định của ĐCSTQ ngày càng nghiêm ngặt, họ không còn giấy phép hành nghề luật sư, đôi khi không thể ra tòa một cách bình thường, số lượng vụ án cũng rất ít. Họ đang phải vật lộn để sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn. “Môi trường tư pháp cực kỳ tồi tệ. Những luật sư này gặp khó khăn lớn hơn nhiều so với luật sư thông thường hoặc người không có giấy chứng nhận,” ông nói.

Ông Dương Quang cho biết, việc tiếp tục tham gia bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc hiện nay rất bi quan, ngay cả các luật sư có giấy phép cũng gặp khó khăn. “Những năm gần đây, luật sư có giấy phép cũng rất khó khăn vì suy thoái kinh tế và môi trường pháp lý thụt lùi, khiến nhu cầu xã hội về pháp luật giảm, ảnh hưởng lớn đến toàn ngành luật sư, đặc biệt là các luật sư không giấy phép và luật sư ‘709’”.

Luật sư Thiên Bình chia sẻ rằng bà trở thành luật sư để làm công việc pháp lý, và dù môi trường pháp lý hiện nay rất xấu, bà vẫn tiếp tục làm việc, dù là để không lãng phí kiến thức pháp luật hay để kiên trì với lý tưởng công lý. “Trước đây, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy pháp trị ở Trung Quốc thông qua các vụ án, nhưng giờ đây điều đó càng xa vời hơn. Chúng tôi chỉ có thể làm việc dựa trên lương tâm, cố gắng đến đâu hay đến đó. Việc đạt được tiến bộ pháp trị qua các vụ án cá nhân gần như là không thể.”

Hy vọng trong nghịch cảnh

Luật sư Thiên Bình nhận định rằng vụ 709 là một bước ngoặt đối với nhân quyền và pháp trị ở Trung Quốc. Từ đó, nhân quyền và pháp trị ở Trung Quốc bắt đầu đi xuống. Sự kiện này khiến nhiều người nhận ra bản chất của chính quyền ĐCSTQ, khiến họ rơi vào trạng thái tuyệt vọng về tiến bộ pháp trị. “Khi đó, trong lòng tôi tôi thực sự cảm thấy tuyệt vọng!”

Bà còn đề cập đến sự thay đổi tư duy. Trước Sự kiện 709, nhiều luật sư và công dân từng bị tù đày vẫn giữ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không sợ hãi, thậm chí sẵn sàng hy sinh. Nhưng sau sự kiện này, nhiều người, kể cả những người ở ngoài, rơi vào trạng thái tinh thần thấp, cảm thấy bầu không khí ngột ngạt, hoàn toàn khác với trước đó.

Ông Dương Quang cho rằng trước Sự kiện 709, dù chưa đạt được pháp trị, các phong trào công dân và hoạt động bảo vệ nhân quyền rất sôi nổi. Nhưng trong 10 năm qua sau Sự kiện 709, hệ thống tư pháp Trung Quốc đã thụt lùi nghiêm trọng. Các luật sư bị tước giấy phép, bị tù đày, và môi trường sống vô cùng khắc nghiệt. Tuy nhiên, gần như tất cả các luật sư “709” và công dân bảo vệ nhân quyền, cùng nhiều người dân thường, đã thức tỉnh và nhận ra sự thối nát của chế độ ĐCSTQ cũng như sự đàn áp nhân quyền. “Những luật sư ‘709’ mà tôi tiếp xúc đều tin rằng mọi thứ rồi sẽ thay đổi. Họ lạc quan về sự thay đổi của hệ thống chính trị Trung Quốc trong tương lai và đang kiên trì trong khó khăn.”

Dương Quang cho biết các luật sư “709” có thể nhìn thấy được sự kết thúc của ĐCSTQ ở tầm vĩ mô. Ông nói rằng nền kinh tế của ĐCSTQ đang suy thoái nhanh chóng, chính trị tư pháp thụt lùi nhanh chóng, và chắc chắn sự sụp đổ của nó cũng sẽ được đẩy nhanh. Khi nó mục nát, nó sẽ sụp đổ.

Nhà hoạt động nhân quyền Đường Thanh (hóa danh) nói với Epoch Times rằng ông tham gia phong trào bảo vệ quyền lợi trong nhiều năm là vì ĐCSTQ đã bóc lột người dân một cách vô nhân đạo trong hơn 70 năm, với những lời nói dối chồng chất, đảo lộn trắng đen, và làm mọi điều xấu xa.

“Trong một xã hội không có pháp luật, mọi người đều là nạn nhân. Vì thế, chúng ta nên đứng lên nỗ lực một lần nữa giữa sự chán nản và tuyệt vọng, để tranh đấu cho một tia sáng hy vọng cho xã hội.”

Ông cho rằng việc chính phủ một quốc gia bắt bớ các luật sư bảo vệ luật pháp là điều không thể tưởng tượng. Luật sư phổ biến pháp luật, bảo vệ pháp luật, thúc đẩy người dân tuân thủ pháp luật, nhưng lại bị chính quyền vu cho tội “kích động lật đổ chính quyền”, điều này là một trò cười lớn. 

Ông hy vọng cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án chính quyền ĐCSTQ, tăng cường ủng hộ các luật sư nhân quyền và những người có tâm huyết đóng góp cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc, đồng thời mong nhiều người dân Trung Quốc thức tỉnh và đứng lên lật đổ chế độ độc tài.

Tự do tư tưởng

Luật sư Tạ Yến Ích bắt đầu bị giám sát từ năm 2003 sau khi kiện Giang Trạch Dân vi hiến vì tiếp tục làm Chủ tịch Quân ủy. Tháng 5/2015, ông đến điều tra vụ “giết người bằng súng tại Khánh An” ở Cáp Nhĩ Tân, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ bắt bớ 709. Sau Sự kiện 709, gia đình ông bị công an gây áp lực, không thể thuê nhà và từng rơi vào cảnh vô gia cư.

Trong bài viết “Một gia đình Trung Quốc bị giám sát 15 năm” của tác giả Trịnh Nhân Hòa, ông Tạ Yến Ích chia sẻ rằng trước đây ông chỉ có một cảm giác công lý bẩm sinh, nhưng sau đại nạn 709, nghề luật sư đã trở thành một lựa chọn cuộc đời, một sự kiên định với niềm tin, “đó là một quá trình phải liên tục từ bỏ nhiều thứ”. 

Vợ ông, bà Nguyên San San, nói rằng dù vẫn sống dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, “tư tưởng của chúng tôi là tự do!”

Theo Hải Chung, Hồng Ninh / Epoch Times