Truyền thuyết về rùa thần
- Như Chi
- •
Dân gian luôn tin rằng rùa là một loài vật tâm linh. Trong Thần thoại, rùa được miêu tả là một loài thần thú có khả năng gánh vác. Rùa thần có thể đội núi chở đất, trở thành cây cột trụ chống đỡ mặt đất hoặc hải đảo.
Trong sách “Liệt Tử – Thang Vấn” có ghi chép về rùa thần giúp đỡ năm ngọn núi tiên nằm ở phía Đông của biển Bột Hải là Đại Dư, Viên Kiều, Phương Hồ, Doanh Châu và Bồng Lai.
Theo ghi chép này, bởi vì chân của năm ngọn núi không có gì liên kết, chúng thường bồng bềnh lên xuống theo con sóng, không thể nào cố định một chỗ.
Vị Thần cai quản núi tiên liền báo cáo lên Thiên Đế, Thiên Đế lo lắng núi tiên sẽ trôi về phía Tây khiến các vị Tiên mất đi nơi cư ngụ, nên lệnh cho Thần Ngu Cương dùng 15 con rùa khổng lồ, chia thành ba nhóm, thay phiên nhau vươn đầu gánh vác núi tiên, cứ 60.000 năm lại đổi một lần.
Nhờ sự chống đỡ của những con rùa khổng lồ, năm ngọn núi thiêng cao chót vót cuối cùng đứng bất động trước sóng nước.
Trong “Liệt Tiên truyện” cũng có ghi chép về những con rùa khổng lồ cõng núi Bồng Lai.
Ngoài việc có thể gánh vác những ngọn núi tiên, rùa thần còn có thể chở đảo cát, mặt đất. Trong chương năm cuốn “Kim Lâu Tử” của Tiêu Dịch đời Lương có ghi chép lại:
“Có một con rùa khổng lồ giữa đảo cát, trên lưng mọc lên cây cối rậm rạp, giống như một hòn đảo nhỏ. Thường có những thương nhân đi ngang qua chặt cây và đốt lửa để nấu ăn. Rùa khổng lồ bị bỏng lưng nên bơi về phía biển, khiến hàng chục thương nhân thiệt mạng”.
Mô tả kỹ hơn về rùa thần có thể tìm thấy trong “Sơn Hải Kinh”. Cuốn sách này nhắc đến hai loài là Toàn Quy và Huyền Vũ.
Toàn Quy là một loại dị thú đầu chim, cơ thể giống rùa đen, đuôi giống rắn độc. Âm thanh khi Toàn Quy kêu lên rất giống tiếng gõ vào gỗ, người mang theo Toàn Quy ở trên người, có thể ngăn cản ù tai, tăng cường thính lực, còn có thể trị vết chai chân.
Trong “Thập Di Ký” có ghi chép khi Đại Vũ trị thủy, “Hoàng Long kéo đuôi ở trước, Huyền Quy vác bùn đen ở sau”. “Huyền Quy” được nhắc tới trong “Thập Di Ký” chính là con Toàn Quy đầu chim thân rùa đuôi rắn này, kể rằng khi Toàn Quy ở triều nhà Hạ từng cùng Hoàng Long hiệp trợ Đại Vũ sửa trị lũ lụt.
“Sơn Hải Kinh” chép rằng:
“Núi Nữu Dương có dòng nước lạ chảy ra, mà chảy về đông trút vào nước sông Hiến Dực, trong nước nhiều loài cá rùa đen tuyền, dạng nó như con rùa mà đầu chim đuôi rắn ‘Hủy’ (một loại rắn độc), tên nó là Toàn Quy, tiếng của nó như gõ vào cây, mang vào thì không điếc, có thể dùng làm bệ nền.”
Còn Huyền Vũ cũng là do rùa và rắn tổ hợp mà thành thánh thú, bản ý của Huyền Vũ là Huyền Minh, âm cổ của Vũ và Minh là tương thông. Vũ có nghĩa là màu đen; Minh có nghĩa là Âm. Huyền Minh mới đầu là dùng để hình dung Quy Bốc: mời rùa đến minh gian thăm hỏi tổ tiên, mang đáp án về, dùng hình thức bốc triệu hiện ra cho thế nhân.
Bảy chòm sao đại biểu Huyền Vũ chưởng quản phương Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
Người dân thời cổ có rất nhiều loại cách nói giải thích Huyền Vũ, có nói “Huyền Vũ” tức con rùa, trên “Lễ Ký” nói: “Ngôi thứ, Chu Điểu trước Huyền Vũ sau…” Trong “Sở Từ”, Hồng Hưng Tổ bổ chú: “Huyền Vũ, gọi là Quy Xà. Ở phương bắc, do đó gọi Huyền. Thân có vảy giáp, do đó gọi Vũ.” Trong quyển 10 “Văn Tuyển”, “Tư Huyền Phú” của Trương Hành cũng nói: “Huyền Vũ trú trong mai, Đằng Xà tự uốn lượn.” “Hậu Hán Thư” viết: “Huyền Vũ, tên của Thủy Thần.”
Huyền Vũ sớm nhất chính là rùa đen. Sau này, hàm nghĩa của Huyền Minh không ngừng mở rộng, rùa sinh sống ở giang hà hồ hải, thế là Huyền Minh liền trở thành Thủy Thần tượng trưng cho Thủy. Rùa đen trường thọ, Huyền Minh lại trở thành tượng trưng cho sự trường sinh bất lão. Ở trong ghi chép ban đầu, Minh gian ở phương bắc. Thế là Huyền Minh lại trở thành thần của phương bắc.
Trước lăng mộ của các Hoàng đế cổ đại, chúng ta thường thấy những con rùa khổng lồ cõng những tấm bia mộ rất nặng, tượng đài hình rùa này được gọi là “chân bia”. Còn thân bia to lớn chính là tượng trưng cho đỉnh núi cao chót vót. Ngoài ra, ba phần chính của tấm bia mộ gồm chân bia, thân bia và đầu bia tượng trưng cho mặt đất, nhân gian và thiên thượng trong tam giới, là mô hình vũ trụ thu nhỏ.
Theo “Truyền thuyết dân gian: Rùa thần và chân bia“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Như Chi
Xem thêm:
- Các con thần thú trong kiến trúc của người xưa
- Tản mạn về tứ linh – Bốn loài thần thú phương Đông cổ đại
Mời nghe radio:
Từ khóa truyền thuyết Tứ linh