Tuổi già đọc lại Thủy Hử
- Vũ Thế Thành
- •
Tôi đọc hầu hết các sách được xem là lục tài tử thư của Trung Hoa từ thời còn đi học (trừ Sử Ký của Tư Mã Thiên sau này mới đọc). Không chỉ đọc một lần mà đọc lai rai nhiều lần. Mỗi giai đoạn của cuộc đời, khi thì tôi cho bộ sách này hay nhất, lúc cho bộ sách kia hay nhất.
Thuở nhỏ, tôi mê Tam Quốc Chí, cảm thương cho Lưu Bị. Lớn lên một chút, thấy cha nội này xạo tổ, giả nhơn giả nghĩa.
Những năm sau 75, tâm trạng chán chường, tôi thích Đông Châu Liệt Quốc. Đọc để ngẫm nghĩ miệng lưỡi của những tay thuyết khách, và cũng đọc để hiểu lòng người và mệnh Trời.
Ở tuổi 40, lại mê […] Hồng Lâu Mộng. […] Riêng bộ Hồng Lâu Mộng, nhất là 4 tập đầu, đúng là viết trên cả tuyệt vời. Bút pháp của Tào Tuyết Cần ứa máu từ số phận đau thương của bản thân, dù nhuốm phần lãng mạn và luyến tiếc. Ông hiểu được lẽ Trời khi cho viên đá trở về bến giác mê.
Ở tuổi (gần như cuối đời) này, tôi lại thích Thủy Hử, nhất là sau khi xem bộ phim Thủy Hử do Cúc Giác Lượng đạo diễn.
Thường thì, đọc truyện rồi xem phim chuyển thể thì thấy phim nhạt nhẽo. Với Thủy Hử, đây là trường hợp duy nhất mà tôi thích phim hơn nguyên bản của truyện. Phim đã hiệu chỉnh lại những chi tiết ma quái, hoang đường của nguyên bản, nhưng không kém hào khí:
“…Giang sơn đẹp như tranh vẽ
Bóng hào kiệt khuất dần xa…”
Có 3 cảnh trong phim Thủy Hử đã gây ấn tượng với tôi:
Lâm Xung lúc ở thảo trường, ngoài trời tuyết rơi, uống rượu mơ tưởng ngày đoàn tụ với thê tử.
Lý Quỳ uống chén rượu độc cùng Tống Giang. “Ca ca, khi sống Thiết Ngưu theo ca ca. Nếu ca ca không muốn sống trên cõi đời bạc bẽo này nữa, Thiết Ngưu sẽ theo ca ca…”. Tình huynh đệ thật đẹp.
Lãng tử Yến Thanh từ biệt Lý Sư Sư. Cặp đôi này đúng là trai anh hùng – gái thuyền quyên. Yến Thanh từ chối kết bái Phu – Thê, chỉ xin là Tỉ – Đệ để toàn tâm thực hiện mộng lớn của chủ nhân, trả nợ ân tình.
Hai cảnh (2) và (3) là Hậu Thủy Hử, khi Lương Sơn Bạc “bó thân về với triều đình”. Với một chính quyền thối nát từ thượng từng đến hạ từng, cái giá của thỏa hiệp kết thúc trong bi thảm.
Yến Thanh sống trọn nghĩa với Lư Tuấn Nghĩa cho đến khi chủ nhân đạt được ước nguyện, chính danh là quan lớn triều đình. Lúc đó mới xin phép chủ nhân ra đi. Dù chỉ là thân phận nhỏ bé trong đám thảo khấu, nhưng Yến Thanh hiểu được trò đời hơn chủ nhân. Trên con đường lãng tử, bầu rượu ánh trăng, không biết Yến Thanh có khoảng khắc nào nhớ đến Lý Sư Sư? Tôi chắc là có. Yến Thanh sẽ nhớ người tình qua tiếng sáo đêm khuya.
Đọc Thủy Hử để thấy tình bằng hữu thật đẹp, để thấy hào khí giang hồ thật đẹp, và cũng để thấy tình yêu thật đẹp.
Có lẽ khi tuyệt vọng trước những điều ác ngụy tạo thành điều thiện, bất lực trước những xảo ngôn của thời thế, người ta chỉ còn biết mơ mộng về những câu chuyện “Thế thiên hành đạo”.
Vũ Thế Thành
Tựa do tòa soạn đặt
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành
Mời bạn đọc tìm hiểu thêm các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thủy Hử