“Tửu sắc tài khí bốn bức tường, người người giam hãm ở bên trong”
- An Hòa
- •
Có câu: “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường, nhân nhân đô tại lí diện tàng” (Tửu sắc tài khí bốn bức tường, người người giam hãm ở bên trong). Hễ một người vướng mắc vào rượu, sắc đẹp, tài vật hay các loại tâm tình vọng niệm thì giống như là đi vào bốn bức tường không lối thoát, cuộc đời sẽ gặp chướng ngại lớn, thậm chí là chịu chết ở trong đó, uổng phí một kiếp nhân sinh.
“Tửu sắc tài khí bốn bức tường, người người giam hãm ở bên trong” là câu tục ngữ có xuất xứ trong một bài thơ của hòa thượng Phật Ấn. Về bài thơ này, có một câu chuyện ngụ ngôn khá thú vị.
Một hôm Tô Đông Pha đến Tướng Quốc tự bái phỏng hòa thượng Phật Ấn. Vừa đúng hôm hòa thượng đi ra ngoài nên Tô Đông Pha đã ngồi trong phòng thiền. Ông nhìn thấy trên bức tường của thiền phòng có đề một bài thơ:
Tửu sắc tài khí tứ đổ tường
Nhân nhân đô tại lí diện tàng
Thùy năng khiêu xuất quyển ngoại đầu
Bất hoạt bách tuế thọ dã trường.
Tạm dịch:
Rượu sắc tài khí bốn bức tường
Người người giam hãm ở bên trong
Ai mà có thể nhảy ra được
Chẳng sống trăm năm cũng thọ trường.
Tô Đông Pha liền cầm bút viết vào bên cạnh một bài thơ mà mình sáng tác. Viết xong, ngày hôm sau ông liền rời khỏi chùa.
Ẩm tửu bất túy thị anh hào
Luyến sắc bất mê tối vi cao
Bất nghĩa chi tài bất khả thủ
Hữu khí bất sinh khí tự tiêu.
Tạm dịch:
Uống rượu không say là anh hào
Mến sắc không mê cảnh giới cao
Tiền tài bất nghĩa không thể lấy
Có giận không phát giận tự tiêu.
Một ngày nọ, Tống Thần Tông Triệu Húc và Vương An Thạch cùng đi du lãm. Họ ghé vào chùa Tướng Quốc dạo chơi. Hai người đọc được hai bài thơ trên tường thì cảm thấy rất thích thú. Tống Thần Tông liền ra lệnh cho Vương An Thạch làm một bài thơ. Vương An Thạch vốn tài cao nên lập tức múa bút viết:
Vô tửu bất thành lễ nghi
Vô sắc lộ đoạn nhân hi
Vô tài dân bất phấn phát
Vô khí quốc vô sinh ky.
Tạm dịch:
Không rượu không thành lễ nghi
Không sắc đường vắng người thưa
Không tài dân không hăng hái
Không khí nước không sinh cơ.
Tống Thần Tông rất tán thưởng bài thơ của Vương An Thạch. Nhân lúc cao hứng, Hoàng đế cũng làm một bài thơ:
Tửu trợ lễ nhạc xã tắc khang
Sắc dục sinh linh trọng cương thường
Tài túc lương phong gia quốc thịnh
Khí ngưng thái cực định âm dương.
Tạm dịch:
Rượu giúp lễ nhạc xã tắc mạnh
Sắc dục giúp dân trọng cương thường
Của đủ lương dồi nhà nước thịnh
Khí ngưng thái cực định âm dương.
Đây là chùm thơ thú vị về “tửu sắc tài khí”. Bởi vì địa vị, lập trường và nhãn giới của bốn người làm thơ là khác nhau nên họ cũng có những đánh giá hoàn toàn khác nhau về bốn điều giống nhau.
Thơ của hòa thượng Phật Ấn là từ cái lý “không” của Phật gia, mong muốn đoạn tuyệt “tửu sắc tài khí”, xuất ly thế gian.
Thơ của Tô Đông Pha lại nhấn mạnh phải nắm chắc “tửu sắc tài khí”, không được quá độ, thể hiện đạo Trung Dung. Đây là từ phương diện tu thân của Nho gia.
Hoàng đế Tống Thần Tông và Vương An Thạch nhìn nhận “tửu sắc tài khí” từ phương diện ảnh hưởng đến quốc gia xã tắc, khẳng định có nhân tố tích cực trong “tửu sắc tài khí”. “Tửu” được dùng trong lễ nghi cúng tế. Không có “sắc” thì con người chẳng thể sinh sôi. Quốc gia và cuộc sống của con người đều cần có tiền “tài” của cải. Các loại “khí”, các loại tâm tình của con người cũng mang đến sự đa dạng và sinh cơ cho xã hội. Đây là mỗi người một đạo, nhận thức bất đồng, cảm thụ bất đồng.
Về “tửu”, mọi người đều biết, uống rượu một cách vừa phải thích hợp thì có thể hun đúc tình cảm thêm sâu đậm. Nhưng uống rượu quá độ, quá mức có thể dẫn đến tai họa. Danh sĩ Lưu Linh, một trong “Trúc Lâm thất hiền” thời Ngụy Tấn, được người đời gọi là Túy hầu. Ông có tính tình ngay thẳng, không ưa nịnh nọt nhưng lại thường uống rượu để giải sầu. Dần dần, Lưu Linh hễ uống rượu vào là không kiềm chế được bản thân nữa, thậm chí uống mấy ngày liền không dứt. Bởi vì uống rượu quá độ, sức khỏe của Lưu Linh không tốt, thường xuyên cảm thấy khát. Vợ ông nhiều lần vừa khóc vừa xin ông bỏ rượu nhưng Lưu Linh vẫn không thể bỏ. Cuối cùng Lưu Linh bởi vì rượu mà vứt bỏ mạng sống.
Về “sắc”, tục ngữ nói: “Sắc tự đầu thượng nhất bả đao”, trong chữ Hán tượng hình, ở trên chữ sắc là một con dao, ý nói phóng túng sắc dục làm tổn thương cơ thể. Người mải mê sắc dục sẽ không còn tâm trí và sức lực để làm điều gì khác. Sắc dục quá độ sẽ làm cho tinh thần uể oải, ủ rũ, trạng thái không tốt giống như bị một lưỡi dao sắc bén đâm vào gây thương tích vậy. Xưa nay có không ít người vì háo sắc dẫn đến gia đình tan nát, sự nghiệp và công việc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, có hối hận cũng không kịp nữa.
Kế tiếp là “tài”, tài vật, tiền bạc của cải. Ai cũng có ước mơ theo đuổi cuộc sống giàu sang sung túc, nhưng Khổng Tử nói: “Giàu có mà bất nghĩa thì ta xem như mây khói”. Một số người tuy rằng sống trong giàu có sung túc nhưng luôn lo lắng bất an, thấp thỏm đề phòng, như vậy thì “tài” có ý nghĩa gì? Một số người khi có tiền của lại sa đà vào tham muốn hưởng lạc, sống xa hoa dâm dật, cuối cùng rơi vào cảnh gia tài tan hết, vợ con ly tán. Vì vậy “tài” là cần phải có “đức”. Lấy đức làm chủ, lấy thiện lương và chăm chỉ làm gốc thì mới có thể thịnh vượng lâu dài.
Cuối cùng là “khí”. Khí ở đây là các loại tâm tình vọng niệm của con người. Ở mặt tiêu cực, nó có thể là oán khí, hận khí, tức khí… nhưng ở mặt tích cực nó có thể là dũng khí, chí khí… Phật gia muốn trở về với “không”. Đạo gia muốn trở về với “vô”. Bởi thế đều giảng xem nhẹ, ức chế, rồi dần dần buông bỏ các loại tâm tình này. Nhưng trong xã hội con người, nếu ai ai cũng là hòa thượng, ni cô, thế thì xã hội sẽ không còn sinh khí, cũng không thể tồn tại được. Bởi thế người cần có “khí”, tựa như cần có “tửu”, “sắc” và “tài” vậy. Chỉ là đừng nên để mình rơi vào vòng trói buộc của chúng.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video “Mục đích cao nhất của giáo dục là gì?”:
Từ khóa tam giáo tu dưỡng đạo đức Trung dung