Vài câu chuyện thật về Bao Chửng trong sử sách
- Trí Chân
- •
Bao Chửng là một vị quan nổi tiếng trong lịch sử, đã trở thành hình mẫu cho sự cương trực, thanh liêm và hết lòng vì dân chúng. Có rất nhiều câu chuyện và truyền thuyết về ông. Trong thực tế, sự trung chính của ông cũng không kém những câu chuyện lưu truyền trong dân gian là mấy. Những điều này đều được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử.
Bao Chửng tự Hy Nhân, là người Lư Châu, An Huy thời Bắc Tống. Từ nhỏ ông học tập kinh sử, ngưỡng mộ những việc làm của các bậc cổ Thánh tiên hiền, sớm lập chí. Ông từng đảm nhiệm các chức Tri phủ Khai Phong, Giám sát Ngự sử, Khu mật Phó sứ, là một vị gián quan (quan can gián hoàng đế) nổi tiếng.
Trung với chức phận, phụng công chấp pháp
Thời Tống Nhân Tông, hoàng đế bắt chước Đường Thái Tông, mở rộng con đường làm quan thi cử, nhưng không có được tâm thái và tầm nhìn của Đường Thái Tông, dẫn đến số lượng quan lại trong nước tăng lên nhanh chóng và trở thành gánh nặng của quốc gia. Bao Chửng khi đảm nhiệm chức quan Giám sát Ngự sử, đã đề xướng việc trọng dụng người hiền, đặc biệt nghiêm khắc với quan lại bất tài.
Trường hợp nổi tiếng nhất trong lịch sử là bảy lần Bao Chửng hạch tội tham quan Vương Quỳ. Khi nhậm chức Nam Lộ Chuyển vận sứ ở Kinh Hồ, Vương Quỳ ngạo mạn ngỗ ngược, ức hiếp bách tính. Tống Nhân Tông giáng chức Vương Quỳ đến Trì Châu, sau đó không lâu lại đề bạt lên, bổ nhiệm làm Tây lộ Chuyển vận sứ ở Giang Nam. Bao Chửng nghe được tin tức bổ nhiệm này, lập tức dâng thư hạch tội rằng: Vương Quỳ ở lần nhậm kỳ trước đã hà khắc vơ vét, dân oán hận sục sôi, cần phải xử phạt nghiêm, không thể đề bạt trọng dụng.
Thế là Tống Nhân Tông thay đổi, bổ nhiệm Vương Quỳ làm Hoài Nam Chuyển vận sứ. Bao Chửng vẫn không đồng ý, liên tiếp bảy lần dâng thư hạch tội rằng: Nếu bổ nhiệm Vương Quỳ, một viên quan lại tham lam tàn khốc như thế này, thì có nghĩa là đem đến một tai họa lớn cho người dân địa phương. Trước sự kiên trì của Bao Chửng, Tống Nhân Tông đã bãi miễn chức vụ của Vương Quỳ.
Bao Chửng ba lần hạch tội ngoại thích Trương Nghiêu Tá. Trương Nghiêu Tá là bá phụ của Trương Quý phi. Do Trương Quý phi thỉnh cầu, Tống Nhân Tông đã thăng chức cho Trương Nghiêu Tá làm Tam Ti sứ.
Bao Chửng chỉ ra rằng, Tống Nhân Tông luôn luôn thăng chức cho Trương Nghiêu Tá, trọng dụng họ hàng thân tín, không hợp với pháp độ của Đại Tống, đồng thời phân tích bối cảnh của Tống Nhân Tông là để hậu cung can dự triều chính, xu nịnh. Tống Nhân Tông đành phải thu hồi lại chiếu mệnh bổ nhiệm đã ban.
Đến tháng Giêng năm sau, Tống Nhân Tông không cưỡng nổi Trương Quý phi nhất mực thỉnh cầu, lại lần nữa hạ chỉ cất nhắc Trương Nghiêu Tá. Bao Chửng lại lần nữa can gián, chỉ ra rằng, Trương Nghiêu Tá tầm thường bất tài, không đủ năng lực cho chức vụ đó, thỉnh Hoàng Đế lựa chọn người hiền có năng lực khác. Các đại thần cũng tới tấp ủng hộ Bao Chửng. Trương Nghiêu Tá thấy vậy cảm thấy mọi người giận dữ, liền bày tỏ không tiếp nhận bổ nhiệm. Tống Nhân Tông lại lần nữa thu hồi chiếu mệnh bổ nhiệm đã ban hành.
Tháng 8 năm đó, Trương Quý phi nhiều lần đề xuất với Tống Nhân Tông phong cho Trương Nghiêu Tá làm Tuyên Huy sứ. Một buổi sáng trước khi Tống Nhân Tông thiết triều, Trương Quý phi đã đưa tiễn đến cửa cung và nói: “Hôm nay Hoàng thượng chớ quên chuyện phong Tuyên Huy sứ nhé.” Trên kim điện, Tống Nhân Tông quả nhiên lại một lần nữa giáng chỉ. Nhưng ngự chỉ vừa ban xuống, Bao Chửng lập tức dâng tấu. Lần này, Tống Nhân Tông đã có chủ ý, kiên trì ý kiến của mình, vua nói: “Trương Nghiêu Tá không có lỗi gì lớn, có thể đề bạt được”. Bao Chửng can gián phản bác rằng: “Quan lại các nơi thu thuế trái pháp luật, khiến dân chúng khắp nơi oán hận. Trương Nghiêu Tá là chủ quản, sao lại nói là không có lỗi lớn?” Tống Nhân Tông thở dài và nói khéo rằng: “Đây đã là lần hạ chỉ chiếu mệnh bổ nhiệm lần thứ ba rồi. Trẫm ở ngôi cao thiên tử, lẽ nào bổ nhiệm một người lại khó khăn thế này?”.
Bao Chửng nghe xong liền đến ngay trước long tọa cất cao giọng nói: “Lẽ nào bệ hạ nguyện ý bất chấp ý dân? Thần đã là quan can gián, sao có thể lo cho sự an nguy của bản thân mà không coi quốc gia làm trọng!” Trương Nghiêu Tá đứng ở bên, nghe vậy thì kinh hồn khiếp đảm. Các đại thần cũng tới tấp ca ngợi Bao Chửng.
Tống Nhân Tông không có lý do hợp lý để phản bác, tức quá phất tay rồi trở về cung. Trương Quý phi đã sớm sai người nghe ngóng tin tức, biết lại là Bao Chửng can gián, do đó đợi Tống Nhân Tông trở về đến cung, Quý phi liền bước tới nghênh đón và tạ tội. Tống Nhân Tông trách mắng rằng: “Quý phi chỉ biết Tuyên Huy sứ, Tuyên Huy sứ, mà không biết Bao Chửng vẫn đang làm Ngự sử.”
Can gián quân chủ, dùng đức thực thi chính sách
Bất kể là lúc bình thường hay gặp thiên tai, biến động, Bao Chửng đều dâng sớ lên Tống Nhân Tông, vừa chỉ ra những lỗi lầm của bản thân Tống Nhân Tông, vừa kiến nghị những kế sách lớn trị quốc an dân. Đặc biệt ông còn dâng sớ “Tiến Ngụy Trịnh Công tam sớ”, chép lại ba sớ tấu của Ngụy Trưng đời Đường cho Tống Nhân Tông, hy vọng Tống Nhân Tông có thể giống như Đường Thái Tông, trở thành vị “quân vương anh minh thích nghe can gián”.
Bao Chửng dâng thư viết về những đức hạnh mà bậc thiên tử cần có, “Sáng suốt nghe tiếp thu can gián, phân biệt rõ bè đảng, quý tiếc nhân tài”, một mặt phát huy cái lợi trừ bỏ cái hại, một mặt cần tuyển chọn người hiền năng. Trong bản sớ tấu “Xin chớ dùng quan lại bẩn”, ông chỉ ra “Người liêm khiết là tấm gương của dân; kẻ tham ô là giặc của dân”.
Bao Chửng chủ trương dùng người phải là bậc quân tử trung hậu, chính trực, liêm khiết và sáng suốt. Ông kêu oan cho nhóm người Phạm Trọng Yêm, người vì khiến giới quyền quý tức giận mà bị giáng chức, đồng thời kiến nghị tái sử dụng họ. Đối với kẻ tham ô bẻ cong pháp luật thì nghiêm khắc trừng trị, đồng thời vĩnh viễn không sử dụng. Kiến nghị của ông đa phần được Tống Nhân Tông tiếp nhận áp dụng, khiến giới quyền quý, thân thích và hoạn quan buộc phải thu mình, nghe thấy cái tên Bao Chửng liền cảm thấy sợ hãi.
Bao Chửng còn nhiều lần dâng sớ thúc đẩy thi hành chính sách thiện, đề xuất “khoan dân lợi quốc”, để bảo vệ phúc chỉ cho bách tính. Ông áp dụng một loạt biện pháp như “nhẹ thuế khóa, khoan sức dân, cứu mất mùa đói kém”, trị sửa họa hoạn lũ lụt, phát triển giáo dục… đồng thời đốc thúc các lộ, các cơ quan hành chính làm trọn chức phận để mưu cầu phúc chỉ cho bách tính. Ông hạ lệnh, cống phẩm của các khố, trước đây đều làm do các châu phân bổ, việc này khiến gánh nặng của người dân càng thêm nặng nề. Nay đều phải thay đổi thành bách tính giao dịch công bằng.
Bao Chửng yêu cầu Tống Nhân Tông ủng hộ các kho lúa tình nghĩa để cứu tế người dân bị thiên tai, để họ không phải ly tán lưu lạc, đồng thời thực thi miễn thu thuế đối với những hộ dân thiếu nợ. Tống Nhân Tông tiếp thu kiến nghị của Bao Chửng, đã từng bổ nhiệm ông chuyên phụ trách “xem xét miễn thuế cho thiên hạ”, kết quả một lần đã bãi bỏ nợ thuế các loại cho người dân là một nghìn hai trăm vạn tiền. Sử sách có ghi chép về Bao Chửng rằng: “Những chức vị mà ông đảm nhiệm, thường nghiêm khắc với quan lại và khoan dung với dân chúng, hễ người nào lạm thu, đa phần đều bị loại bỏ.”
Một lòng vì dân, chính trực liêm khiết
Để ngăn chặn giới quyền quý tìm cách tiếp cận Bao Chửng để hối lộ, ông dứt khoát đoạn tuyệt thư từ qua lại cá nhân với những người quan tước cao, hiển đạt và thân bằng cố cựu. Có người đến nhờ vả, bất kể là quan tước cao, quyền quý, hay là bạn bè thân thích, ông đều nhất loạt cự tuyệt. Nhưng ông lại mở rộng cửa quan phủ cho bách tính.
Khi mới nhậm chức Tri phủ Khai Phong, Bao Chửng vẫn theo chế độ quy định trước đây, tất cả khiếu nại không được trực tiếp đến quan thự. Sau đó Bảo Chửng đặt ra quy định mới: Mở rộng cổng chính quan phủ, tất cả khiếu nại đều có thể trực tiếp vào gặp quan, trực tiếp trực diện trần thuật sự tình vụ án, bất kỳ người nào cũng không được ngăn trở, cố ý gây khó khăn, trừ bỏ những quan lại gian dối. Thế là xuất hiện cục diện người khiếu kiện “đến trình bày uẩn khúc, quan lại không dám lừa gạt, thị phi phân biệt rõ ràng”.
Bao Chửng nghiêm khắc kỷ luật bản thân, sống tiết kiệm, đơn giản chất phác, “Ăn uống, đồ dùng [đơn sơ] như áo vải”. Câu chuyện ông “trở về không cầm [vật nào dù nhỏ như] nghiên mực” được lưu truyền rộng rãi: Khi ông làm Tri phủ Đoan Châu, đây là vùng nổi tiếng thiên hạ với đặc sản nghiên mực. Giới quyền quý, đại thần, học sỹ đương thời đều coi trong nhà có mấy nghiên mực Đoan Châu là niềm vinh hạnh. Nhưng Bao Chửng cho đến tận khi mãn nhiệm, rời Đoan Châu cũng không có đem theo một chiếc nghiên mực Đoan Châu nào.
Còn dân gian tương truyền rằng sau khi Bao Chửng mãn nhiệm, hàng vạn người già trẻ trai gái Đoan Châu đều ra bến cảng đưa tiễn, khắp các ngõ phố không một bóng người. Họ đem theo đồ tặng, Bao Chửng đều cảm ơn và từ chối. Có người đem một chiếc nghiên mực Đoan Châu thượng đẳng nhất, dùng vải vàng gói lại rồi lặng lẽ để ở trong khoang thuyền, nghĩ rằng đến khi Bao Chửng đến nơi phát hiện ra thì cũng sẽ nhận. Không lâu sau, thuyền của Bao Chửng đến Linh Dương Hiệp, thời tiết vốn gió nhẹ nắng đẹp, lúc này lại có mây đen nổi lên, sóng lớn không ngừng, dường như con thuyền sắp bị sóng đánh chìm đến nơi rồi. Bao Chửng hạ lệnh dừng thuyền, tự thấy làm lạ: “Bao Chửng ta ở Đoan Châu thanh đạm như nước, làm sao khiến ông Trời nổi giận như thế này?”
Thế là Bao Chửng lệnh cho người kiểm tra hành lý. Quả nhiên phát hiện ra một chiếc nghiên Đoan Châu. Bao Chửng ném chiếc nghiên xuống sông, nghiên vừa chìm thì lập tức gió lặng sóng yên, mây tan mặt trời lại ló ra. Sau đó, ở chỗ nghiên mực chìm nổi lên một gò cát. Tấm vải vàng gói nghiên mực thuận theo dòng nước chảy, sau này trở thành bãi cát. Đây chính là “Nghiễn Châu”, “Bãi cát Vải vàng” hoặc “Bãi cát Nghiên mực” trong truyền thuyết. Người địa phương đã mời thợ thủ công đến điêu khắc câu đối kỷ niệm rằng:
Đá Sao rực rỡ sáng sơn hải,
Bến Nghiên gió sạch khắp cổ kim.
Cả cuộc đời Bao Chửng quang minh lỗi lạc, “không a dua, không nói lời giả tạo để làm vui lòng người”; “không yêu mũ ô sa, chỉ yêu dân”, được người đời ngưỡng mộ, già trẻ trai gái đều biết tiếng. Bao Chửng có viết một bài thơ nói rõ chí hướng của mình trên bức tường ở giữa đại sảnh nha phủ rằng:
Thanh tâm vi trị bản
Trực Đạo thị thân mưu
Tú cán chung thành đống
Tinh cang bất tác câu
Thương sung thử tước hỷ
Thảo tận thố hồ sầu
Sử sách hữu di huấn
Vô di lai giả tu.
(Thư Đoan Châu quận trai bích)
Tạm dịch:
Thanh liêm: gốc ‘trị quốc’
Cương trực: ‘tu thân’ cầu
Cây thẳng ắt làm cột
Thép ròng chẳng uốn câu
Kho đầy: chuột, sẻ khoái
Cỏ hết: thỏ, chồn sầu
Sử sách nêu di huấn
Chớ để nhục về sau!
(Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi)
Có thể nói, đây là bản miêu tả nhân cách tinh thần cả cuộc đời Bao Chửng. Qua bài thơ này, chúng ta có thể thấy rõ chuẩn mực đạo đức làm người và quyết tâm tạo phúc cho người dân của Bao Chửng.
Theo “Thanh tâm là trị gốc, trực đạo là thân mưu”
Đăng lại có chỉnh sửa từ Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Bao Thanh Thiên quan thanh liêm đạo làm quan