Vài nét về dòng họ Phan Huy nổi danh văn chương khoa bảng
- Trần Hưng
- •
Họ Phan Huy là dòng họ nổi tiếng về văn chương khoa bảng, với nhiều danh nhân có đóng ghóp cho lịch sử và văn hóa nước ta.
Nguồn gốc dòng họ Phan Huy
Dòng họ Phan Huy có nguồn gốc ở làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Dòng họ ban đầu là “Phan Văn”, có truyền thống làm nghề đan lát, sau đó lại thêm buôn bán, làm nông.
Dòng họ Phan Văn làng Thu Hoạch có bà Phan Thị Trừu là thiếp của ông Nguyễn Huy Tựu. Gia đình ông Tựu rất danh giá ở làng Trường Lưu, được Triều đình ban tước Hầu, có con trai là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và nhiều người đỗ đạt.
Không rõ vì bất đồng gì, bà Phan Thị Trừu bỏ đi khi đang mang thai. Năm 1722 thì bà sinh được người con trai, đặt tên là Phan Huy Cẩn theo họ của mình. Dòng họ Phan Huy bắt đầu từ đấy.
Phan Huy Cẩn đỗ đại khoa
Lớn lên Phan Huy Cẩn được theo học với những người thầy danh tiếng như thám hoa Đỗ Huy Kỳ, thượng thư Nhữ Đình Toản, do vậy việc học hành ngày càng thăng tiến.
Đến khoa thi năm 1747, Phan Huy Cẩn thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên, đến khoa thi năm 1754 thì đỗ tiến sĩ. Từ đó dòng họ Phan Huy sau này có nhiều người đỗ đại khoa, trở thành dòng họ có tiếng về văn chương khoa bảng.
Sau đó Phan Huy Cẩn chuyển đến sinh sống xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Từ đó dòng họ Phan Huy ở vùng đất mới Sài Sơn.
Theo “Lịch triều chiến chương loại chí” thì Phan Huy Cẩn làm quan ngay thẳng, không xu nịnh. Vì không xu nịnh sủng thần của chúa Trịnh Doang là Đỗ Thế Giai nên năm 1759 ông bị gièm pha và mất chức.
Ông về quê dạy học suốt 8 năm liền. Khi chúa Trịnh Doanh mất, ông được tiến cử và được bổ nhiệm làm quan.
Phan Huy Ích làm quan 3 triều đại
Phan Huy Cẩn có người con trai là Phan Huy Ích. Năm 1771 ông dự kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An và đỗ đầu tức Giải nguyên.
Thi đỗ ,Phan Huy Ích được Triều đình bổ nhiệm một chức quan nhỏ ở trấn Sơn Nam. Đỗ Giải nguyên khi còn trẻ, ông được xem là rất có tiềm năng, trở thành học trò của danh sĩ Ngô Thì Sĩ, được thầy dạy yêu mến mà gả con gái cho.
Năm 1775, Phan Huy Ích và anh vợ là Ngô Thì Nhậm cùng dự khoa thi Hội ở Thăng Long và đều đỗ tiến sĩ.
Năm 1776, ông thi đỗ kỳ thi Ứng chế và được bổ nhiệm làm quan. Sống trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử, Phan Huy Ích làm quan trải qua 3 triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Em trai của Phan Huy Ích là Phan Huy Ôn cũng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1779. Dòng họ Phan Huy và dòng họ Ngô trở thành dòng họ nổi tiếng, sản sinh ra nhiều bậc danh sĩ lúc bấy giờ.
Phan Huy Chú cùng “Lịch triều hiến chương loại chí”
Phan Huy Ích sinh được người con trai là Phan Huy Chú. Ông xuất thân trong gia đình mà cả bên nội và ngoại đều là danh sĩ nức tiếng thời bấy giờ.
Năm Phan Huy Chú 6 tuổi thì được cậu mình là tiến sĩ Ngô Thì Nhậm kèm cặp, vì thế mà nổi tiếng thần đồng hay chữ khắp miền.
Dù nổi tiếng từ nhỏ nhưng đến khi lớn thì Phan Huy Chú dự cả 2 kỳ thi Hương cũng chỉ vượt qua tam trường tức tú tài (vượt qua tứ trường mới là đỗ cử nhân). Từ đó Phan Huy Chú ngừng thi cử mà chỉ tập trung nghiên cứu các trước tác, trở thành nhà bác học, danh nhân văn hóa.
Năm 1821, vua Minh Mạng biết tiếng ông, mời ông đến Huế giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám. Phan Huy Chú dâng lên Vua cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” do chính mình biên soạn.
Vua Minh Mạng xem thì thấy cuốn sách này rất có giá trị, liền cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến. Cuốn sách này ghi chép lại những dữ liệu về văn hóa lịch sử, địa lý suốt từ thời kỳ Hồng Bàng đến thời Lê Mạt, trờ thành cuốn sách dùng để khảo cứu của rất nhiều nhà nghiên cứu đến tận ngày nay.
Ngoài “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú còn có các tác phẩm khác có giá trị như: “Hoàng Việt dư địa chí” (ghi chép về địa lý Việt Nam), “Mai Phong du Tây thành dã lục”, “Hoa thiều ngâm lục” (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc), “Hoa trình tục ngâm”, “Hải trình chí lược” hay còn gọi là “Dương trình ký kiến” (ghi chép những điều trông thấy lúc đi Batavia).
Những đóng góp về văn hóa
Hiện nay tại khu vực di tích chùa Thầy ở Sài Sơn có khoảng 100 văn bia được khắc trên vách núi hang động hoặc các nơi khác rất có giá trị, một số đã được dịch thành sách, trong đó rất nhiều văn bia do dòng họ Phan Huy viết. Như văn bia “Ngũ Xã thôn Phúc Thần bi” tại miếu Ngũ Xã chân núi Thầy do Phan Huy Ích soạn, được khắc vào năm 1785.
Phan Huy Ích cũng là người có công lớn trong việc phục hồi quả chuông do thiền sư Đạo Hạnh khắc vào thời nhà Lý.
Sau này dòng họ có Phan Huy Vịnh, Phan Huy Quýnh cũng là những danh nhân hay chữ, để lại nhiều tác phẩm khắc trên vách núi chùa Bối Am, núi Phật Tích, cùng các chùa chiền khác.
Nhiều tác phẩm được khắc tai khu di tích chùa Thầy rất có giá trị, làm phong phú thêm di sản văn hóa nước nhà.
Nhà thờ họ Phan Huy được xây dựng vào năm 1779 ở làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu), được xây dựng khang trang trong khuôn viên rộng. Nhà thờ được cấp chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ở Sài Sơn cũng có nhà thờ dòng họ Phan Huy, nơi con cháu dòng họ phía bắc sinh hoạt.
Tháng 5/2015, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đến Việt Nam nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác sau năm 2015. Ông Ban Ki-moon có ghé nhà thờ Phan Huy ỡ xã Sài Sơn và để lại lưu bút của mình, trong lưu bút ông có ghi mình là “thành viên họ Phan”. Ông Ban Ki-moon cũng rất kính cẩn trước bàn thờ Phan Huy Chú.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dòng họ khoa bảng