10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ IX: Hán Cung Thu Nguyệt
- Thiên Cầm
- •
Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.
Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
- Xem loạt bài tại đây
Hán Cung Thu Nguyệt vốn là một khúc nhạc dành cho đàn tỳ bà, sau này được chuyển thể thành các bản dành cho đàn cầm, đàn nhị. Mặc dù đây là một trong thập đại danh khúc Trung Hoa, nhưng chủ đề của nó thì không quá xa xưa. Mãi cho đến hơn 100 năm trước, sau khi các chế độ quân chủ phương Đông lùi bước khỏi vũ đài lịch sử, thì chủ đề nỗi u buồn của người cung nữ mới không còn tồn tại nữa. Bởi thế, người ta không rõ khúc nhạc này được sáng tác vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn là nó không được sáng tác vào thời nhà Hán.
Khúc Hán Cung Thu Nguyệt rất có thể có một mối quan hệ nào đó với vở kịch Hán Cung Thu. Nhạc khúc có thể là nguồn cảm hứng của vở kịch, hoặc giả vở kịch là nguồn cảm hứng cho nhạc khúc. Vở Hán Cung Thu được Mã Chí Viễn sáng tác vào cuối thời nhà Nguyên, kể chuyện Vương Chiêu Quân được gả đến nơi xa để cầu hòa.
Chuyện kể rằng vào đầu thời Hán, hầu hết các phi tần và cung nữ đều xuất thân khiêm tốn. Các cung nữ đều mang trong mình ước mơ sẽ có cơ hội được hoàng đế sủng ái. Tuy nhiên Vương Chiêu Quân ở trong cung đã lâu, nhưng chưa một lần được thấy bóng dáng của hoàng thượng.
Trong cuốn Kinh Tây Tạp Ký của Cát Hồng đã kể một câu chuyện được hậu thế lưu truyền rộng rãi. Theo đó, vì có quá nhiều cung nữ nên Hán Nguyên Đế chỉ chọn người qua bức chân dung do họa sư trình lên. Họa sư cung đình Mao Diên Thọ, vì đòi Vương Chiêu Quân tiền hối lộ không thành, đã vẽ chân dung của Vương Chiêu Quân không có gì nổi bật. Vậy nên, Vương Chiêu Quân vốn có tướng mạo xinh đẹp xuất chúng, đã bị nhấn chìm trong vô vàn cung nữ.
“Nam Hung Nô Truyện – Hậu Hán Thư” chép rằng:
“Chiêu Quân tự là Tường, người quận Nam, được tuyển vào cung vì là con gái nhà lành vào đầu thời nhà Nguyên. Khi đó, Hô Hàn Tà người Hung Nô vào triều, hoàng đế ban cho 5 cung nữ. Chiêu Quân vào cung đã mấy năm, không được thấy dung nhan hoàng thượng, trong lòng oán thán đã lâu, nay xin triều đình cho đi. Khi Hô Hàn Tà sắp từ biệt, hoàng đế cho gọi 5 cung nữ ra. Chiêu Quân dung mạo diễm lệ, phục sức lộng lẫy, tỏa sáng nơi Hán cung, cử chỉ trang nhã, thu hút ánh nhìn. Hoàng đế thấy nàng thì vô cùng kinh ngạc và muốn giữ lại, nhưng e thất tín, đành phải để nàng tới Hung Nô.”
Có thể thấy, sở dĩ Vương Chiêu Quân tự nguyện gả đến đất Hung Nô xa xôi là vì không muốn sống cuộc đời cô quạnh lẻ bóng trong cung, để tuổi thanh xuân trôi đi, chi bằng đến nơi đất khách quê người. Vì vậy, sau khi nghe đến việc kết hôn cầu hòa, Vương Chiêu Quân đã kiên quyết tự tiến cử. Nhưng cuộc sống trong cung dẫu hiu quạnh vẫn rất đỗi bình yên, còn Hung Nô là miền đất xa xôi của thảo nguyên và sa mạc, không ai biết tương lai sau này sẽ ra sao. Do đó đây cũng không phải là một lựa chọn dễ dàng trong kiếp nhân sinh của nàng.
Liệu Vương Chiêu Quân có mang theo tâm trạng bi thương và u hận khi rời khỏi đất Hán hay không, hậu thế cũng không ai hay biết, chỉ biết câu chuyện của nàng đã trở thành nguồn cảm hứng hoặc nguồn liên tưởng cho cả khúc Bình Sa Lạc Nhạn lẫn Hán Cung Thu Nguyệt.
“Hán Cung Thu Nguyệt”, đàn Cổ Tranh:
Bản tỳ bà “Trần Đọa” dựa trên “Hán Cung Thu Nguyệt”:
Lý Bạch có thơ rằng:
Hán gia Tần địa nguyệt,
Lưu ảnh chiếu Minh Phi.
Nhất thượng Ngọc Quan đạo,
Thiên nhai khứ bất quy.
Dịch thơ:
Xứ Tần trăng Hán tỏ,
Rõi bóng chiếu Minh Phi.
Bước lên đường Ải Ngọc,
Bên trời biền biệt đi.
(Dựa trên bản dịch của Trúc Khê, thivien.net)
Đỗ Phủ cũng viết đôi câu thơ:
Thiên tải tỳ bà tác hồ ngữ,
Phân minh oán hận khúc trung luận.
Dịch thơ:
Vạn thuở tỳ bà ngân giọng Bắc
Điệu đàn vang mãi những oan hờn.
(Bản dịch Trần Trọng San)
Trong khi đó Vương An Thạch lại nhìn nhận rằng:
Hán ân tự thiển Hồ tự thâm,
Nhân sinh lạc tại tướng tri tâm.
Nghĩa là ân với nhà Hán thì nhạt, ân với người Hồ thì đậm, nhân sinh vui bởi có tri âm, Vương Chiêu Quân đi biệt xứ chưa hẳn đã là điều đau khổ với nàng.
Nói chung nhiều vị minh quân trong lịch sử đều có xu hướng giải thoát bớt cho những người cung nữ. Sự u buồn của các cung nữ cũng là một chủ đề xuất hiện rất nhiều trong thi ca Trung Hoa cổ đại. Sau này, thậm chí còn hình thành một thể loại thơ riêng biệt để mô tả hậu cung, được gọi là Cung từ.
Bài thơ “Hà Mãn Tử” là “Cung Từ” ngũ ngôn tuyệt cú của Triêu Trương Hỗ đời Đường. Thơ rằng:
Cố quốc tam thiên lí,
Thâm cung nhị thập niên.
Nhất thanh Hà Mãn Tử,
Song lệ lạc quân tiền.
Dịch thơ:
Nước cũ ba nghìn dặm,
Cung sâu hai chục năm.
Thoảng câu Hà Mãn Tử,
Bên ai lệ ướt đầm.
(Bản dịch của Nhất Chi Mai, thivien.net)
(Hà Mãn Tử là tên một bài hát. Vào năm Khai Nguyên đời Đường, một con hát ở Thương Châu bị khép tội tử hình, đã dâng khúc Hà Mãn Tử xin tha mạng, nhưng cũng không thoát khỏi cái chết. Sau này điệu hát ấy được lưu hành rộng rãi, nhất là dưới thời nhà Tống.)
Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại. Kỳ thực khúc Hán Cung Thu Nguyệt này rất có thể chỉ là “tưởng tượng” ra cảnh cô đơn của người cung nữ thời Hán mà thôi. Càng về trước, cuộc sống của các cung nữ càng không “buồn chán” như nhiều người tưởng tượng. Thậm chí những cung nữ thời nhà Hán còn có thể cùng hoàng đế cưỡi ngựa và săn bắn. Những hạn chế đối với các hoạt động trong cung của họ cũng ít hơn so với các triều đình sau này. Vậy nên cho rằng cuộc sống của họ đơn điệu, rằng họ buồn chán, thì không hẳn đã là đúng.
Tất nhiên có người sẽ “nói lý” rằng Hán Cung là một cách dùng hình tượng để chỉ chung cho hậu cung của các triều đại. Nhưng về cơ bản, sự giao lưu giữa các cung nữ thời xưa, dù ở triều đại nào, phần lớn cũng như tỷ muội trong nhà, cũng không phải bị bao phủ bởi đố kỵ thù hận như ngày nay phim ảnh tô vẽ. Hàng nghìn người nữ cùng chung sống với nhau, ở trong hoàn cảnh cách biệt như vậy, thì chắc chắn có rất nhiều người sẽ nảy sinh thâm tình, coi nhau như ruột thịt. Hơn nữa, cuộc sống hàng ngày của họ xoay quanh âm nhạc, múa hát, thi thư, hội họa, thêu thùa, và nhiều thú vui khác, không thể cứ tùy ý phán hai từ “đơn điệu” là xong. Các văn nhân ở ngoài hậu cung, mấy ai có thể chứng kiến được cảnh các cung nữ cười đùa, nên họ cứ thả sức mà bay bổng với nguồn cảm hứng của mình, mới thành ra chuyện như vậy.
Kỳ thực sự thật này đa số mọi người trong xã hội cổ đại đều biết, chỉ là do cách lựa chọn chủ đề nghệ thuật để sáng tác nên mới thành một dòng thơ, nhạc như vậy. Để minh chứng cho điều này, dân gian còn lưu truyền câu chuyện thú vị kể rằng một cung nữ tên là Nguyên Tiêu thời nhà Hán rất giỏi làm bánh trôi nước. Hàng ngày cô đều thương nhớ song thân và các tỷ muội nơi quê nhà. Tấm lòng thành của nàng đã khiến hoàng đế cảm động. Sau này cứ đến ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm, hoàng đế nhà Hán lại cho phép mọi hộ gia đình làm bánh trôi nước và thắp đèn lồng, đồng thời cho phép hoàng hậu và các cung nữ ra khỏi cung vui chơi với dân chúng. Vào ngày hôm đó, Nguyên Tiêu đã viết hai chữ “Nguyên Tiêu” trên chiếc đèn lồng của mình, và mang theo bánh trôi nước, xuất cung đoàn viên với gia đình.
Nhân nói về Hán Cung Thu Nguyệt, lạm bàn một chút về cuộc sống của cổ nhân.
(Còn nữa)
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc Trung Hoa cổ đại Hán Cung Thu Nguyệt thập đại danh khúc