10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ III: Bình sa lạc nhạn
- Thanh Phong
- •
Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.
Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
- Xem loạt bài tại đây
“Bình sa lạc nhạn” là một khúc nhạc du dương trầm bổng, ẩn hiện như cánh nhạn lưng trời. Nó bao hàm trong mình cái phóng khoáng của trời đất, cũng phảng phất tiếng nhạn đập cánh trên không trung. Tuy vậy, khi được đàn lên thì khúc nhạc này còn ẩn chứa một nỗi buồn tiếc nuối, bởi vì nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến câu chuyện của Vương Chiêu Quân.
Lạc nhạn Vương Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mỹ nhân nổi tiếng của lịch sử Trung Hoa, được tuyển vào cung thời Hán Nguyên Đế. Lúc bấy giờ, hậu cung của vua rất đông, nên vua thường sai người họa hình là Mao Diên Thọ vẽ lại chân dung các cung tần mỹ nữ rồi xem hình để chọn người. Ai cũng lo đút lót cho Mao Diên Thọ để được vẽ đẹp hơn, riêng Vương Chiêu Quân là không có tiền nên y chỉ vẽ cho nàng một bức chân dung xấu xí. Chính vì thế dù có tài sắc nhưng Vương Chiêu Quân lại không được nhà vua đoái hoài.
Khoảng thời gian này cũng là lúc nội bộ Hung Nô chia rẽ nên đã bị nhà Hán liên minh với người Ô Hoàn đánh bại. Năm 51 TCN, Hô Hàn Tà đầu hàng và chịu triều cống nhà Hán. Trong một lần đích thân đưa cống phẩm đến Trường An, thiền vu Hô Hàn Tà cầu thân Hán Nguyên Đế, xin được gả công chúa. Hán Đế ngỏ ý tới các cung nữ rằng ai đồng ý lấy thiền vu thì sẽ được đối xử như công chúa. Tuy nhiên ai cũng lấy làm lo sợ khi phải sống ở nơi đất khách quê người, chỉ duy có mình Vương Chiêu Quân tình nguyện.
Khi thấy dung mạo của Vương Chiêu Quân, Hán Đế mới ngẩn người tiếc nuối hiểu ra rằng mình đã bị Mao Diên Thọ lừa dối và lợi dụng để kiếm tiền. Phẫn nộ, Hán Đế ra lệnh xử trảm Mao Diên Thọ. Tuy nhiên, vì đã lỡ nhận lời với thiền vu Hô Hàn Tà, nên Hán Đế cũng không còn cách nào khác là để Vương Chiêu Quân đi cùng thiền vu về Hung Nô.
Mặc dù nhận lời đi cùng thiền vu, nhưng thực chất Vương Chiêu Quân vẫn rất đau lòng khi phải đi tới tận vùng đất khách quê người, sống trong một dân tộc với nền văn hóa khác biệt. Trên đường ra Nhạn Môn Quan, đi tới một hoang mạc, Vương Chiêu Quân đã dừng chân để gảy một khúc đàn bi thiết. Tiếng đàn bi ai động lòng người khiến cho các thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt. Tương truyền là, một con nhạn lạc bầy đã bị tiếng đàn u uất tác động mà rơi xuống mặt đất. Đó cũng chính là lý do vì sao khúc “Bình sa lạc nhạn” ngày nay lại có cái man mác nhớ nhung, da diết không muốn rời.
Vương Chiêu Quân ở với Hô Hàn Tà sinh được hai trai một gái thì thiền vu qua đời. Theo tục lệ của người Hung Nô, nàng phải sống với thiền vu tiếp theo là con trai lớn của Hô Hàn Tà, sinh thêm được hai người con gái nữa.
Khúc “Bình sa lạc nhạn”
“Bình sa lạc nhạn” có giai điệu du dương, trầm bổng, ẩn hiện như cánh nhạn lưng trời. Bản nhạc bắt đầu với những thanh âm ngắt quãng, không liền mạch, nốt trầm nốt bổng, tựa như nỗi sầu cố nhân năm nào đang nuốt thầm những giọt nước mắt thương nhớ quê hương. Tiếng đàn nghe như ai oán, xót thương rồi đều dần đều dần lên, tựa hồ xuất hiện một hơi thở, một cánh nhạn bay giữa lưng chừng không gian, chao liệng đầy tâm trạng.
Trong điệu khúc dập dìu, ta nghe thấy cả tiếng nhạn đập cánh, khi thì ngập ngừng, khi lại tĩnh lặng đến tuyệt đối, như một nét chấm phá tĩnh trong bức tranh với vạn vật đang chuyển động không ngừng. Bất chợt, sau cái chao nghiêng ngập ngừng, cánh nhạn quay đầu lại, ngắm cảnh, ngắm vật, và ngắm cố nhân trong nỗi tiếc nhớ khôn nguôi. Như thể sau cái ngoái đầu này, mọi vật sẽ xa rời tầm mắt vĩnh viễn, như cố nhân ngày nào suốt bao năm chẳng được một lần thăm lại quê cũ.
Ấy là cái đẹp luôn đi song hành với cái bi. Giây phút này còn ở đây, còn lưu luyến cảnh sắc này, biết ngày mai sẽ đi đâu về đâu giữa dòng đời phiêu bạt gian truân? Khúc nhạc có cái phóng khoáng rộng lớn của đất trời, có cái bao trùm của một tâm tư buồn nhớ. Bức tranh Vương Chiêu Quân xuất hiện rõ lên trước mắt…
Những cánh nhạn cứ bay liệng trên không trung, ngập ngừng, tần ngần, muốn dừng lại như chính tâm trạng của con người trong cái thời khắc ấy. Ưu tư, hoài cổ, xót xa và tiếc nuối – những mạch tâm trạng đan xen vào từng nốt nhạc, điệu phách. Và phải chăng, điều này đã làm nên một bản đàn bất hủ?
Mời bạn cùng thưởng thức nhạc khúc có nhắn gủi nỗi niềm của nàng Vương Chiêu Quân ngày nào với những thăng trầm của cuộc đời qua danh khúc Bình sa lạc nhạn:
- (Còn nữa)
Thanh Phong
Xem thêm:
- 10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ I: Cao sơn lưu thủy
- 10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ II: Thập diện mai phục
Mời xem video:
Từ khóa Âm nhạc thập đại danh khúc