Văn miếu Bắc Ninh: Biểu tượng đất học vùng Kinh Bắc
- Trần Hưng
- •
Vùng Kinh Bắc là nơi giang sơn tụ khí, là vùng đất khoa bảng cũng như nhân tài của nước Việt thời xưa, được dân gian xưng tụng là “một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Bởi vì việc khoa cử thời xưa bắt nguồn từ Nho học, nên Văn miếu Kinh Bắc vì thế cũng tự nhiên trở thành biểu tượng của vùng đất này.
Lịch sử khoa bảng của nước Việt từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919 có 2.971 người đỗ đại khoa, trong đó vùng Kinh Bắc có tới khoảng 700 người, đứng đầu cả nước. Điều này cũng dễ hiểu vì vùng này có Luy Lâu, trung tâm thương mại của cả vùng Giao Châu, cũng là nơi giao thoa văn hóa và tín ngưỡng lớn thời xưa. (Xem bài: Luy Lâu: Trung tâm văn hóa, cái nôi của Phật giáo tại Giao Chỉ)
Văn miếu đất Kinh Bắc là một trong những Văn miếu lớn, ngày nay được gọi là Văn miếu Bắc Ninh. Công trình này được xây dựng vào thời nhà Lê, khi Nho giáo cực thịnh. Đến thời nhà Nguyễn năm 1893, quan Đốc học tỉnh Bắc Ninh là Đỗ Trọng Vỹ cùng các văn thân, chức sắc, dân các địa phương đã góp tiền của chuyển Văn miếu về núi Phúc Sơn (nay thuộc Khu 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh). Núi Phúc Sơn mọc giữa đồng bằng, được xem là nơi có vận khí tốt. Người dân dời Văn miếu đến đây với hy vọng Bắc Ninh sẽ có thêm nhiều nhân tài cho đất nước.
Khuôn viên Văn miếu rộng trên 10.000 m2 với các khu vực Tam môn, Tiền tế (5 gian), Hậu đường (5 gian), Tiền đường, Tả vu, Hữu vu. Nhà hậu đường Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử và tứ phối “Nhan Uyên, Tăng Sâm, Mạnh Tử, Tử Lộ” cùng 12 nhà hiền triết khác.
Văn miếu có 15 tấm bia đá, trong đó 1 bia ghi công đức, 2 bia ghi lịch sử và quá trình trùng tu Văn miếu, 12 bia “Kim bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng) lưu danh 677 vị đỗ đại khoa quê Kinh Bắc. Ngoài ra những người đỗ Hương cống (vượt qua tứ trường kỳ thi Hương, tương đương cử nhân) cũng được thống kê tên tuổi.
Bia lớn nhất ghi công đức là “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” với diện tích gần 10m2, được dựng ngay trước sân tiền tế, được trang trí với chủ đề rồng mây, tứ quý hết sức hài hòa, tinh xảo.
Bia lớn nhất này cũng ghi lại vai trò và ý nghĩa của Văn miếu, trong đó có câu: “Thần quyền có sáng láng mới biết vận nước thịnh suy. Đạo thành không hưng bởi sự hủ bại về đạo lý. Tại sao vậy? Đạo lý sinh ra vốn không tự nhiên. Ở đời cảm nhận được đạo sẽ biết được hoạ phúc…”.
Các tấm bia ghi danh những vị đỗ đại khoa cao 1,1 m, ngang 0,75 m, dày 0,15 m. Trán bia là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. 4 chữ được khắc nổi bật trên bia là “Kim bảng lưu phương” (Danh thơm lưu mãi bảng vàng). Mỗi tấm bia đều ghi lại năm thi và tên tuổi người đỗ đại khoa.
Trước 1945, Văn miếu luôn được chú trọng, là trọng điểm văn hóa vùng Kinh Bắc. Nơi đây có một Hội đồng chuyên trông coi Văn miếu, tổ chức tế lễ vào giữa mùa xuân và giữa mùa thu, ấn định là ngày Đinh đầu tháng 2 và ngày Đinh đầu tháng 8 âm lịch. Đây là ngày lễ mang ý nghĩa rất lớn, nên các quan đầu tỉnh đều tham gia. Sau này Văn miếu ít được chăm sóc nên các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày nay, Văn miếu thường đón tiếp các đoàn thi học sinh giỏi của tỉnh đến dâng hương, báo công sau mỗi kỳ thi. Nơi đây cũng là điểm du lịch văn hóa để du khách đến tham quan, tìm hiểu về vùng đất học Kinh Bắc.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Kinh Bắc khoa bảng Văn Miếu