“Vật cực tất phản, bĩ cực thái lai”
- Thiên Cầm
- •
“Bĩ” và “Thái” là hai quẻ trong “Chu Dịch”. Kết cấu của quẻ Bĩ là quẻ Càn ở trên, quẻ Khôn ở dưới. Kết cấu của quẻ Thái là quẻ Khôn ở trên, quẻ Càn ở dưới. Quẻ tượng của chúng tương phản nhau. Người xưa có câu rằng: vật cực tất phản, bĩ cực thái lai. Trời đất có luật thường hằng, đằng sau bóng tối tất sẽ là ánh sáng. Thiên hạ ngày nay chẳng phải cũng đang ở trong trạng thái này hay sao?
Cổ nhân cho rằng: Thứ thanh nhẹ nổi lên trên thì là trời, chất của nó là dương. Thứ đục nặng lắng xuống dưới là đất, chất của nó là âm. Cho nên mới nói quẻ Càn đi lên trên, quẻ Khôn đi xuống dưới. Trong nguyên lý của Thái Cực, quẻ Càn là dương, là trời, là quân vương, là người trị lý. Quẻ Khôn là âm, là đất, là thần dân, là bách tính. Có câu: “Nước nâng thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”. Đó chính là chỉ mối quan hệ càn khôn, âm dương giữa người trị vì và bách tính vậy.
Quẻ Bĩ
Lời quẻ Bĩ nói: “Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.” Nghĩa là “Trong thời bế tắc đạo người không thông, thiên hạ không lợi, người quân tử nên giữ gìn ngay chính. Lúc này cái cương đại đi ra ngoài, cái nhu tiểu đi vào trong.”
Vậy, quẻ tượng của quẻ Bĩ tượng trưng cho trời đất âm dương không thông, không giao hoà với nhau, quân thần trên dưới rời xa chữ Tâm, chữ Đức. Hơn nữa kẻ tiểu nhân đắc thế, người quân tử thất ý.
“Thoán Truyện” của quẻ này nói: “Trời đất âm dương không giao hoà, đạo dinh dưỡng của vạn vật không thông suốt, vua tôi trên dưới không hoà hợp, thiên hạ rã rời không thành quốc gia. Âm ở trong, dương ở ngoài, nhu nhược ở trong cương kiện ở ngoài, tiểu nhân ở trong, quân tử ở ngoài. Do đó đạo của tiểu nhân tăng trưởng, đạo của quân tử tiêu vong.”
Trung y cho rằng: “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, thông thì không đau, đau thì không thông. Đối với con người mà nói, phàm là trong cơ thể ứ tắc, không thông, thì chắc chắn có bệnh. Một quốc gia cũng vậy, nếu trên dưới không thông, ắt là xã hội bệnh tật.
Cho nên xã hội ở trong quẻ Bĩ thì văn hoá lưu manh thịnh hành, những cảnh cướp của, giết người, hãm hiếp nhan nhản khắp nơi. Trong các ngành các nghề kẻ lưu manh rất nhiều, âm ở vị trí của dương, phường lưu manh nắm giữ ngôi cao, bậc quân tử hành sự khó khăn.
“Tượng Truyện” của quẻ này nói rằng: “Trời đất không giao hoà tượng trưng cho sự bế tắc. Người quân tử do đó lấy tiết kiệm làm đức, để tránh tai nạn hiểm nguy, không nên chạy theo vinh hoa, mưu cầu lộc vị.”
Quẻ Thái
Lời của quẻ Thái là: “Tiểu vãng đại lai, cát hanh.” Quẻ này biểu thị quẻ Càn (âm nhu) đi ra ngoài, quẻ Khôn (dương cương) đi vào trong, cho nên cát tường, thuận lợi.
“Thoán Truyện” mới nói: “Trời đất giao hoà, vạn vật thông thuận, vua tôi trên dưới giao hoà, nên đồng lòng. Dương ở trong, âm ở ngoài, nên trong kiên cố mà ngoài thông thuận, quân tử ở trong, tiểu nhân ở ngoài, đạo của người quân tử tăng trưởng, đạo của kẻ tiểu nhân tiêu tan.”
Vậy nên quân tử ở vị trí mà người quân tử nên ở, tiểu nhân cũng ở vị trí mà kẻ tiểu nhân nên ở, như vậy mới phù hợp với ý trời lòng dân.
“Tượng Truyện” thuyết rằng: “Thiên địa giao, thái. Hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tương thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân.” Nghĩa là: Thiên địa âm dương giao hoà, quân thần trên dưới tương thông, điều này tượng trưng cho sự hanh thông, thái bình. Là người thống trị cũng cần tuân theo đạo này, vận dụng gia giảm một cách thích đáng, nắm giữ, sắp đặt quy luật thiên địa hoá sinh, từ đó mà điều chỉnh việc quản lý thiên hạ, bách tính.
Nếu nhìn từ bề mặt những quẻ tượng, chúng ta có thể thấy rằng, trong trạng thái của quẻ Bĩ, quẻ Càn đại diện cho người thống trị cao ngạo bên trên, xa cách người dân, không quan tâm tới sống chết của bách tính. Còn trong quẻ Thái, quẻ Càn lại hạ thấp tư thái, nằm giữa bách tính, dung hoà với dân chúng thành nhất thể, cùng nhau đồng cam cộng khổ. Lý niệm ở đây là bậc thánh nhân ở ngôi cao, nhưng lại hạ mình nâng bách tính, như vậy thì trên dưới thuận hòa, triều đại dài lâu. Vậy nên cổ nhân mới có câu: Quốc thái dân an.
Bĩ cực thái lai
Năm đó Khổng Tử từng giảng: Thiên hạ vô đạo cũng đã lâu. Kỳ thực hơn 2.000 năm đã qua đi kể từ thời Khổng Tử, thiên hạ lại càng vô đạo.
Lời Tượng nói rằng: “Bĩ, chung tắc khuynh, hà khả trưởng dã”, Bĩ cuối cùng sẽ đổ, sao có thể tăng trưởng được. Hào Thượng Cửu trên quẻ Bĩ, tượng trưng cho sự bế tắc, u ám tới cực điểm, cho nên tất nhiên sẽ khuynh bại. Tuy rằng khởi đầu là bế tắc, nhưng cuối cùng lại thông thuận, thái bình, yên vui.
Lời “Tượng Truyện” nói rằng: “Quẻ Bĩ tượng trưng cho sự bế tắc đạt tới cực điểm, ắt sẽ dẫn đến sự sụt đổ, sao có thể lâu dài được.”
Thiên hạ ngày nay phải chăng cũng đang ở trong trạng thái này? Nhưng người ta cần phải nhớ: Bĩ cực thái lai, ngày ấy sẽ không còn xa nữa. Ai có thể giữ cho mình một nội tâm công chính, người đó mới không bị xã hội mới đào thải.
Thiên Cầm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Văn hóa Thần truyền Âm dương Chu Dịch nhân sinh cảm ngộ