Vi diệu của tình người

Điều 9 – Biết tác dụng vi diệu của tình người giúp bạn có quan hệ tốt với người và cẩn trọng hành động và lời nói (1).

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Tình cảm con người không thể dứt khoát bằng lý lẽ. Bạn nên biết tác dụng vi diệu của tình người để căn cứ theo đó mà xây dựng mối quan hệ phong phú với người khác và cẩn trọng trong hành động và lời nói của mình (2).

Vi diệu của tình người
Hồng Mai, tức MaiTướngQuân ở thần xã Miyanojin.
Chữ đề trên bia là “Tướng Quân Mai Kỷ Niệm Chi Bi”.
(Hình do Dr. Imamura Mizuho chụp ngày17/2/2023).

Nếu chúng ta thử suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy lòng người là một thứ gì rất lạ lùng khó hiểu. Có câu nói “Lòng người vi diệu” (3). Đôi lúc chỉ một việc nhỏ mà con người có thể vui vẻ hoặc buồn khổ hoặc giận dữ hoặc phồng lên hoặc xẹp xuống. Lòng người thuộc loại có hoạt động, tác dụng rất vi diệu! Do đó để sống với tâm tình vui vẻ trong sinh hoạt cộng đồng, chúng ta nên biết rõ việc này và biết suy nghĩ, để ý đến tâm tình của người khác khi hành động, phải chăng là việc rất quan trọng?

Trước đây tôi có dịp nghe câu truyện sau. Vào thời Minh Trị, chính phủ lần đầu tiên đặt ra thuế thu nhập. Lúc đó ở phố Soemonchô (Tôn Hữu Vệ Môn Đinh thuộc thành phố Osaka) (4) có quán trà Tomita.

Một ngày kia, những thương gia danh tiếng của thành phố Osaka, nghĩa là những nhà giàu có được Sở Thuế Vụ của thành phố chiêu đãi đến quán trà Tomita. Mặc dù nói chiêu đãi nhưng là chiêu đãi của cơ quan nhà nước, có quyền lực to lớn hơn ngày nay rất nhiều, nên các nhà giàu có này rất lo âu và cung kính tuân theo đến quán trà ngồi chờ đợi. Rồi một nhân vật có lẽ là Giám đốc của Sở Thuế Vụ xuất hiện. Tuy nhiên nhân vật này không ngồi ở chính diện, vị trí dành cho người có địa vị cao ngồi mà đến ngồi vị trí thấp cuối cùng của các chỗ ngồi trong phòng và cất tiếng chào hỏi mọi người “Hôm nay chúng tôi làm phiền quý vị đến đây không ngoài việc yêu cầu quý vị đóng nộp một loại thuế mới ứng với mức thu nhập của quý vị và mong được quý vị chấp thuận cho”.

Câu truyện chỉ có vậy tuy nhiên những người tham dự hôm đó cảm thấy họ nhận được một hương vị gì đó. Vào lúc đương thời khuynh hướng trọng quan khinh dân rất mạnh mẽ nên khi nhà nước đặt ra chế độ thuế mới, nhà nước chỉ cần thông báo gọi dân đến Sở Thuế Vụ và ra mệnh lệnh là xong. Tuy nhiên vị Giám đốc Sở Thuế Vụ đã không làm như vậy mà tự mình hết sức lễ phép giải thích chủ đích của việc thu thuế và yêu cầu được chấp thuận. Do đó các nhà giàu có cảm thấy việc Giám đốc Sở Thuế Vụ biết nghĩ đến họ nên chạm đến sự vi diệu của tình người và họ cảm thấy ấm áp trong lòng.

Tôi nghĩ rằng thái độ hoặc quan tâm làm rung động đến sự vi diệu tình người phải chăng rất quan trọng trong sinh hoạt đời sống hàng ngày?

Ngay cả trường hợp có ai nhờ cậy chúng ta việc gì thì cũng có 2 tình huống: 1) Quyết định hành động theo phán đoán lợi hại, 2) Quyết định hành động không chỉ theo phán đoán của lợi hại. Nếu như thái độ của người nhờ cậy chúng ta có vẻ ngạo mạn hoặc trịch thượng phách lối thì dù câu chuyện có lợi cho chúng ta đến đâu, chúng ta cũng từ chối. Ngược lại, nội dung nhờ cậy có là gánh nặng cho chúng ta nhưng thái độ của người nhờ rất lễ phép và thành ý thì chúng ta cũng bị thành ý đó làm rung động và chấp thuận việc được nhờ cậy. Do đó, tôi nghĩ rằng phải chăng ở con người có tác dụng vi diệu của tình người không thể dứt khoát bằng lý lẽ?

Vì vậy ngay cả khi yêu cầu nhờ cậy người khác sự việc gì, nên hiểu trước 2 mặt của hoạt động của lòng người như nói trên mà hành động là quan trọng, tôi nghĩ rằng phải chăng bằng cách hành động sao cho có được tác dụng vi diệu của tình người chúng ta sẽ xây dựng được quan hệ lẫn nhau tốt và thuận lợi hơn?

Thỉnh thoảng tôi muốn hồi tưởng lại trong hành động hàng ngày của bản thân đã thực hiện được bao nhiêu hành động làm rung động tác dụng vi diệu của tình người?

Nguyễn Sơn Hùng, 20/9/2022
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (Diendankhaiphong.org)

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả:

Nhận xét của người dịch

Có nhiều cách có thể gây ra tác dụng vi diệu của tình người nhưng căn bản nhất là sự trân trọng và thành tâm thành ý đối với đối tượng, giống như điều người dịch đã trình bày trong bài 7 – Lòng Biết Ơn. Thành ý trân trọng hoặc tôn trọng đối tượng cần phải được thể hiện với thái độ, cử chỉ, lời nói đúng lễ phép là việc không cần phải nói, và nếu đối tượng không cảm thấy được thì dĩ nhiên tác dụng vi diệu sẽ không xảy ra. Đó là điều chúng ta cần phải quan tâm lưu ý. Chúng ta nên chú ý đến từ vi diệu vì việc làm của chúng ta tuy nhỏ nhưng có tác dụng to lớn đến mức chúng ta không thể ngờ đến được, cả tác dụng tốt và tác dụng xấu. Đối với tác dụng xấu có thể do chúng ta vô tình, nhưng để có tác dụng tốt chúng ta cần phải có thành tâm thành ý. Đó cũng là một điểm rất vi diệu!

Trong cuộc sống hàng ngày bạn có thể thí nghiệm và tập luyện với các người thân của bạn như đối với người bạn đời, con cái, anh chị em và cha mẹ của bạn. Đôi khi trong công việc, chúng ta quan tâm để ý nhưng đối với người thân chúng ta lại quên đi để có thể đưa đến bi kịch trong gia đình!

Trong tác phẩm “Nhân Sinh Đàm Nghĩa”, xuất bản năm 1990, Matsushita cho biết những đôi vợ chồng sống hạnh phúc họ thường khen nhau một cách tự nhiên không có cố ý, và những đôi vợ chồng ít khen nhau thì hình như có kết quả ngược lại!

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Vi diệu. Vi: nhỏ; diệu: mầu nhiệm không thể nghĩ bàn được. Ý nói việc nhỏ nhưng có tác dụng lớn, không thể hoặc khó thể giải thích lý do.

(4) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

Mời xem video: