Người xưa giảng: “Gia không thể không có từ đường, tộc không thể không có gia phả, không có từ đường thì không có nơi thờ phụng tổ tiên, không có gia phả thì không có gì để biết rõ từng thế hệ”. Thời cổ đại, gia phả và từ đường không chỉ là cái gốc dựng lập gia tộc mà còn là nơi quy tụ, giáo hóa các thành viên trong gia tộc. 

Vì sao người xưa rất coi trọng việc lập gia phả và từ đường?
(Tranh minh họa qua Pinterest, Public Domain)

Văn hóa gia phả bắt nguồn từ rất xa xưa, có lịch sử khoảng 3.000 năm. Gia phả được người xưa xếp là một trong “tam đại văn hiến lịch sử” gồm Quốc sử, Địa phương chí và Gia phả, nghĩa là đất nước thì phải có sử, địa phương thì phải có ghi chép, gia tộc thì phải có phả (ghi chép trong dòng họ).

Gia phả là lịch sử của một gia tộc, dòng họ. Nó ghi chép lại cội nguồn tổ tiên của gia tộc, các thế hệ, sự biến động nhân khẩu, người sống chết, địa vị xã hội của người trong họ. Cho nên, gia phả có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nên một trật tự trong nội bộ gia tộc.

Có gia phả, người ta sẽ biết được nguồn gốc của mình, vị trí của bản thân trong dòng họ, thứ bậc lớn bé trên dưới của những người trong gia tộc. Thông qua quá trình tu soạn gia phả, người ta không ngừng tìm hiểu về nguồn cội, người thân ruột thịt của mình từ đó dẫn đến sự giao lưu câu thông giữa những người trong cùng một gia tộc tăng lên, làm cho con người ta trở nên thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau hơn. Một khi gia phả mất đi, người ta liền bị cắt đứt mối dây liên hệ với gia tộc, cũng giống như việc làm mất đi bộ rễ.

Hơn nữa, gia phả còn có tác dụng giáo hóa con người. Những người đời sau khi biết về nguồn gốc tổ tiên, biết về ông cha của mình, thì sẽ chiểu theo đức hạnh và những lời răn dạy của tổ tiên mình để hành xử trong cuộc sống hàng ngày. Họ có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của gia tộc mình, từ đó họ sẽ có suy nghĩ kỹ càng trước khi hành xử một việc gì đó để tránh gây tổn hại cho bản thân, gia tộc. Trong lịch sử, những gia tộc hiển vinh thông thường đều có gia phả kỹ càng tỉ mỉ và đầy đủ.

Cổ ngữ nói: “Cái gốc của thiên hạ là đất nước, cái gốc của đất nước là gia đình”. Trong khi đó, gia tộc lại là tổ chức gần nhất với gia đình, và thời xưa nó có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với gia đình. Sự an định của gia tộc do đó có liên hệ mật thiết với sự an định xã hội.

Trải qua kinh nghiệm thực tế, người xưa cho rằng, cái gốc của việc dựng lập gia tộc là đoan chính ở việc chép phả. Gia tộc có phả cũng giống như đất nước có sử sách. Đất nước không có sử thì không dựng lập được, gia tộc không có phả thì không truyền được cho đời sau. Để sắp xếp trật tự trong gia tộc thì việc lập gia phả đã trở thành việc quan trọng nhất.

Thời cổ đại mỗi một gia tộc đều có một cuốn gia phả rất dày. Cuốn gia phả ghi chép lại lâu đời nhất, chi tiết tỉ mỉ nhất trong lịch sử phải kể đến cuốn “Khổng Thị gia phả” (gia phả họ Khổng). Cuốn gia phả này ghi chép lại sự tiếp nối của dòng họ Khổng từ khi đức Khổng Tử ra đời cho đến nay đã kéo dài khoảng 2.500 năm.

Để duy trì trật tự trong một gia tộc còn có một phương diện vô cùng trọng yếu đó là Từ Đường (Nhà thờ tổ). Từ đường lấy gia phả làm cơ sở để tồn tại. Nó ra đời vào thời nhà Chu và hưng thịnh vào thời nhà Tống. Từ đường là nơi chủ yếu dùng để cúng tế tổ tiên, truyền lại những lời giáo huấn răn dạy của tổ tiên cho đời sau và cũng là nơi xử lý các sự tình xảy ra trong gia tộc. Từ đường còn được gọi là tông từ, tổ miếu, gia miếu, từ miếu…

Vào thời cổ đại, từ đường được xem là tài sản tối quan trọng của gia tộc. Đằng sau mỗi một tòa từ đường đều chứa đựng biết bao tình cảm của mọi người từ đời này sang đời khác.

Vào những ngày lễ quan trọng, con cháu họ tộc sẽ tiến hành tổ chức cúng tế tổ tiên, đọc cho mọi người trong dòng họ nghe gia phả, gia quy, mục đích là để con cháu không quên di huấn của tổ tiên, cần cù lao động, giữ gìn đức hạnh làm rạng rỡ tổ tông. Ngoài ra, khi trong gia tộc có sự tình lớn diễn ra như hôn lễ, tang lễ, mừng thọ… thì sẽ được tổ chức ở từ đường với sự tham dự của mọi người trong họ tộc.

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Nếu như trong gia tộc hay trong nội bộ gia đình nào đó trong gia tộc có xảy ra mâu thuẫn tranh chấp thì sẽ được người lớn tuổi đức cao vọng trọng trong gia tộc đứng ra phân xử. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, đôi bên cùng suy ngẫm lại sai trái của bản thân mình, sám hối và sửa đổi. Bởi vậy, từ đường cũng có tác dụng xử lý mâu thuẫn giữa các bên trong gia tộc.

Thời cổ, từ đường là sợi dây gắn kết quan trọng giữa những người trong tộc. Những người đi làm ăn xa sẽ mang theo mình một nắm tàn hương trong từ đường hoặc một nắm đất của quê hương. Mặc dù có thể ở xa ngàn dặm nhưng họ vẫn ghi nhớ rằng từ đường, quê hương mới là gốc rễ. Mỗi khi đến ngày lễ ngày tết, họ sẽ trở về cố hương để tế bái tổ tiên. Từ đường lúc này khiến cho lòng người như có chốn trở về.

Gia phả và tổ tiên vốn là thứ để duy trì trật tự của dòng họ ngày nay ít được coi trọng hơn. Tuân Tử cho rằng con người an định nhờ vào 3 yếu tố gốc rễ là kính trời đất, kính tổ tiên, kính quân sư. Bởi vậy, khi một người mất đi mối liên hệ với trời đất và tổ tiên thì thể xác và tinh thần người ấy cũng mất đi sự an định. Điều này cũng lý giải phần nào về sự hỗn loạn trong cuộc sống của con người thời nay.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: