Tể tướng “ăn xin” Lữ Mông Chính bàn về vận mệnh
- An Hòa
- •
Trong cuộc đời, ai ai cũng mong muốn được thuận buồm xuôi gió, có vận khí tốt, có phúc khí, tiền tài dư đủ, gia đình hòa thuận, khỏe mạnh và trường thọ. Nhưng bao nhiêu người có thể được như ý? Người ta không thể muốn gì là được nấy, hơn nữa cổ nhân còn cho rằng “mỗi người mỗi mệnh”, vận mệnh của người là được Trời cao an bài. Tể tướng “ăn xin” Lữ Mông Chính nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa từng bàn về vấn đề này.
Lữ Mông Chính là danh thần thời Bắc Tống. Ông làm Tể tướng ba đời Hoàng đế, lúc qua đời được truy phong làm Trung thư lệnh, thụy hiệu Văn Mục. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 2, Lữ Mông Chính đỗ Trạng nguyên, được bổ nhiệm làm Thông phán Thăng Châu. Ông từng được phong làm Hứa quốc công, Thái sư dạy dỗ Thái tử. Ông là người phúc hậu, rộng lượng, không tính toán, đối đãi với người bên trên thì dùng thái độ nhẫn nhịn cung kính, đối đãi với người bên dưới thì dùng thái độ nhã nhặn mẫu mực. Cuộc đời ông cũng tương đối đặc biệt vì ông là một vị Tể tướng xuất thân từ “khất cái” (ăn xin).
Lữ Mông Chính từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, sống cuộc sống lưu lạc, ăn xin, bị người người xa lánh và khinh bỉ. Nhưng Lữ Mông Chính là người thông minh, lương thiện. Dù sống trong hoàn cảnh khốn khổ ấy nhưng ông chưa từng buông tha bản thân. Ông tìm mọi cơ hội để đọc sách, kinh thư cổ.
Một lần, Lữ Mông Chính đến một ngôi chùa cổ xin ăn và xin ngủ nhờ, lại bày tỏ ý nguyện được ở lại chùa đọc sách học tập. Nhưng chỉ một thời gian sau, một số hòa thượng trong chùa sinh lòng ghét bỏ ông. Trước đây, họ thường gõ chuông trước, ăn cơm sau, nhưng sau khi Lữ Mông Chính tới, họ bắt đầu ăn cơm trước và gõ chuông sau, khiến Lữ Mông Chính mỗi lần đến ăn đều không còn thứ gì. Cứ như vậy, ông thường xuyên nhịn đói đọc sách.
Về sau, Lữ Mông Chính thi đỗ Trạng nguyên, làm quan lớn trong Triều đình. Rồi ông làm Tể tướng suốt 3 đời Hoàng đế. Người đời ca ngợi Lữ Mông Chính tài đức nhưng bản thân ông lại cho rằng hết thảy những gì ông có được đều là do Trời cao an bài.
Lữ Mông Chính từng làm một bài văn tên là “Phá diêu phú”, trong đó bày tỏ suy nghĩ thuận theo Thiên mệnh của mình. Ông cho rằng người ta cần phải hiểu mệnh Trời, bất cứ việc gì cũng nên thuận theo tự nhiên, còn những việc cướp đoạt và tranh đấu vô nghĩa chẳng thể nào thay đổi được sự an bài của Trời đất. Lữ Mông Chính cũng lấy thiên văn chương ấy để giảng dạy cho Thái tử. Thời niên thiếu, Thái tử vô cùng kiêu ngạo, không coi ai ra gì, nhưng sau khi xem xong bài phú đó tự nhiên thay đổi thái độ, trở nên khiêm cung hơn.
Trong “Phá diêu phú”, Lữ Mông Chính viết:
Trời có lúc thịnh lúc suy khó lường, người ta có những chuyện họa phúc bất ngờ. Con rết có trăm chân, chạy không kịp con rắn. Gà trống có đôi cánh, nhưng bay không hơn gì con vịt. Con ngựa đi ngàn dặm đường, nhưng không có người cưỡi thì chẳng thể tự đi được. Người ta dù có chí khí ngút trời, nhưng vận số chưa đến thì cũng không làm nổi việc gì.
Có câu: Người sống ở thế gian, nếu được giàu sang phú quý cũng không thể phóng túng dâm đãng, dù nghèo khổ cũng không thể thay đổi chí hướng. Văn chương nổi tiếng trên đời, Khổng Tử cũng có lần bần cùng khốn khổ ở nước Trần. Võ lược siêu quần, Thái Công cũng có lúc câu cá chờ thời ở sông Vị. Nhan Uyên nào phải là người hung ác, nhưng chết sớm. Đạo Chích đâu phải là người lương thiện, mà lại sống lâu. Vua Nghiêu là một vị Thánh vương sáng suốt, lại sinh ra đứa con hư hỏng. Cổ Tẩu là kẻ ngu muội và ngoan cố nhưng lại sinh ra người con rất hiếu thảo. Trương Lương vốn là thường dân áo vải, nhưng gặp được Tiêu Hà thì trở thành quan huyện. Yến Tử, thân hình cao chưa đầy 5 thước mà được phong làm Tể Tướng nước Tề. Khổng Minh sống trong túp lều tranh, mà có thể làm Quân sư cho nhà Thục Hán.
Sở Vương tuy hùng mạnh, cuối cùng phải tự vẫn ở sông Ô. Hán Vương tuy yếu thế, mà lại có được giang sơn vạn dặm. Lý Quảng có oai phong bắn được hổ dữ, nhưng đến già vẫn không được phong tước. Phùng Đường có tài cưỡi rồng, mà suốt đời không có cơ hội. Hàn Tín khi chưa gặp thời, nghèo đến độ thường ngày không có đủ ba bữa cơm ăn, nhưng khi vận may đến, thì lưng đeo ngọc ấn dài 3 thước, một khi số mạng suy sụp thì cũng phải chết vào tay một người phụ nữ.
Có người lúc đầu nghèo khổ rồi sau lại giàu có; có người lúc còn trẻ yếu đuối mà về già lại tráng kiện. Có người bụng đầy văn chương, đến già cũng không thi đỗ; có người tài nghệ và học vấn nông cạn nhưng lại thi đỗ từ lúc còn thiếu niên. Cung nữ trong hoàng cung, gặp vận không may thì cũng thành kỹ nữ và hầu thiếp; gái lầu xanh gặp thời thế lại trở thành phu nhân quý phái. Thanh xuân mỹ nữ, lại lấy người ngu xuẩn làm chồng; khôi ngô tuấn tú lại lấy người vợ thô xấu. Rồng chưa gặp thời, cũng lặn cùng đám cá đám rùa; người quân tử khi thất thế cũng phải chắp tay dưới kẻ tiểu nhân. Khi nghèo khó áo quần rách nát, vẫn phải bảo tồn tác phong nghi lễ; khi gặp phải chuyện buồn, vẫn phải giữ cho tâm bình tĩnh. Thời thế chưa đến, chỉ nên an phận nghèo; nếu tâm chân thành không lừa dối, tất nhiên sẽ có ngày được mở mày mở mặt. Người quân tử ban đầu nghèo khổ, nhưng vẫn có cốt cách phong thái trời cho; kẻ tiểu nhân bất chợt giàu sang, thì vẫn cứ là người thấp kém.
Thiên Đường không gặp thời, thì mặt trời mặt trăng không tỏa sáng; Đất chưa gặp thời, thì cây cỏ không sinh sôi; khi nước không gặp thời, thì sóng gió sẽ nổi lên; khi người không gặp thời thì vận may không đến. Phúc và lộc của người, trong số mạng đã được an bài định sẵn, giàu sang phú quý có ai mà chẳng muốn? Người ta nếu không theo căn cơ Bát tự, có thể nào làm quan làm tướng được không?
Trước kia ta cư ngụ ở Lạc Dương, xin ăn của các nhà sư, tối ngủ trong một hốc đá đục bên sườn núi, quần áo không đủ che thân, thức ăn không đủ no lòng, người trên thì khinh ghét, kẻ dưới thì chán ngán. Đời sống của ta bần tiện, chẳng phải vì ta không tốt. Bây giờ ta ở chốn triều đình, làm quan đến cực phẩm, ở địa vị Tam Công, địa vị chỉ khom lưng dưới một người mà đứng trên cả ngàn vạn người, có quyền quất roi phạt trăm quan, có quyền chém kẻ nào không tốt. Quần áo có gấm vóc ngàn rương, thức ăn hàng trăm món ngon vật lạ, hễ ra ngoài là có tráng sĩ cầm côn bảo vệ, khi về nhà là có giai nhân hầu rượu, người trên yêu mến ta, kẻ dưới ủng hộ ta. Đời sống của ta phú quý, chẳng phải vì tài năng của ta, mà đó là thời của ta! Cũng là vận của ta! Cũng là mệnh của ta!
Than ôi! Người sống trên thế gian, phú quý không thể cố dùng đến tận cùng, bần tiện không thể tự lừa dối bản thân, bởi vì Thiên Địa tuần hoàn, xoay vần mãi mãi.
Mặc dù mệnh của người là do Trời an bài, nhưng trong bài phú này, Lữ Mông Chính cũng kết lại bằng cách cảnh tỉnh thế nhân về lẽ nhân quả tuần hoàn. Dẫu giàu hay nghèo thì tâm trí của người ta, hành động của người ta đều sẽ mang đến điều thiện ác cho bản thân. Chỉ có người thiện lương chân thành, nghèo không thay lòng, giàu không đổi dạ mới là người được Trời đất ưu ái vận mệnh.
Cũng chính vì cảm ngộ về số mệnh như vậy mà Lữ Mông Chính làm người hết sức sâu sắc. Sách cổ chép rằng, lúc Lữ Mông Chính lần đầu đến Triều đình, có một quan viên chỉ vào mặt ông và nói: “Người này mà cũng có thể tham gia vào việc triều chính sao?” Lữ Mông Chính dù nghe rất rõ nhưng vẫn giả như không nghe thấy gì, chỉ cười và bỏ qua.
Một vài vị quan khác nghe thấy lời ấy thì rất bất bình trong tâm, muốn quay lại chất vấn. Nhưng Lữ Mông Chính ngăn họ và nói: “Một khi đã biết tên của ông ta, thì cả đời sẽ không quên được, chi bằng không biết còn tốt hơn!” Lúc ấy các quan viên trong triều đình đều bội phục tấm lòng khoan dung của ông. Về sau, vị quan kia đã tìm đến nhà Lữ Mông Chính, đích thân xin lỗi và kết bạn, giúp đỡ lẫn nhau.
Lữ Mông Chính đã trui rèn ra một ý chí rộng lớn, độ lượng như vậy. Bởi thế không ngạc nhiên khi Trời cao ban cho ông một vận mệnh thật khác thường: Tể tướng “ăn xin”.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa số mệnh Vận mệnh Thuận theo tự nhiên Lữ Mông Chính