Vì sao nhân vật lịch sử Nhạc Phi được bách tính tôn sùng?
- Văn Địch
- •
Nhạc Phi là một tướng quân nổi tiếng vào thời kỳ Nam Tống. Cuộc đời ông gắn liền với bốn chữ “tinh trung báo quốc” mà mẹ ông đích thân khắc lên sau lưng ông. Khác với các danh tướng khác trong lịch sử như Quan Vũ, Bạch Khởi…, Nhạc Phi không có khuyết điểm về tính cách, cũng không hề làm chuyện bất nghĩa hay bất trung. Ngoài trung dũng không gì sánh nổi ra, Nhạc Phi còn có tấm lòng nhân nghĩa lo cho bách tính. Một mình Nhạc Phi với quân đội Nhạc gia đã suýt chút nữa thống nhất Trung Nguyên cho nhà Nam Tống, nhưng ông lại bị gian thần hãm hại, tạo nên một câu chuyện bi ai khiến người ta tiếc nuối. Chính vì những điểm ấy mà Nhạc Phi để lại hình tượng cực kỳ sâu đậm trong lòng bách tính.
Quân đội nhân nghĩa không lạm sát
Thời kỳ Nam Tống, các địa phương thường xuất hiện cục diện hỗn loạn, Kiền Châu, Cát Châu giặc giã hoành hành, Hoàng đế hạ lệnh cho Nhạc Phi đi bình định.
Nhạc Phi đến Kiền Châu, lợi dụng địa hình, phái đội quân cảm tử nhanh chóng tấn công lên đỉnh núi, quân địch đại loạn bỏ đỉnh núi chạy tán loạn tứ phía, bị kỵ binh bao vây chặt.
Dù sao triều Nam Tống là triều đại mà nhà Tống suy vi, cuộc sống người dân đói khổ, chính là triều đình yếu ớt, ngoại bang xâm lấn, nên giặc giã mới nổi lên, có những người là bất đắc dĩ. Giặc bấy giờ kêu gào cầu xin tha mạng, Nhạc Phi hạ lệnh không được chém giết, chấp nhận cho đầu hàng.
Ban đầu Long Hựu Thái Hậu rất kinh sợ điều này, vậy nên Hoàng đế mật lệnh cho Nhạc Phi sau khi chiếm được thành Kiền Châu thì giết hết dân chúng trong thành.
“Tống sử” có ghi chép:
“Nhạc Phi thỉnh cầu chỉ giết tên cầm đầu và tha cho những người bị ép phải đi theo, Cao Tông không đồng ý. Nhạc Phi khẩn cầu nhiều lần, Cao Tông mới hạ lệnh xá tội. Bách tính trong thành cảm kích ân đức Nhạc Phi, vẽ chân dung Nhạc Phi để thờ cúng.”
Nhạc Phi cứu tế bách tính, xin triều đình miễn nợ
Khi Lư Châu gặp nguy nan, Hoàng đế đích thân viết thư lệnh cho Nhạc Phi dẫn quân đến giải vây. Nhạc Phi dẫn quân tiến gấp về phía Lư Châu. Ông cho giương lá cờ có chữ “Phi” và lá cờ có chữ “Tinh Trung”, tướng sỹ hăng hái giết giặc, chỉ một trận đánh tan quân Kim, Lư Châu được dẹp yên.
Trên đường chinh chiến, ông thấy bách tính khổ cực bèn dâng tấu lên triều đình rằng:
“Các hộ dân ở sáu quận như Tương Dương và các quận khác thiếu trâu cày và lương thực, thỉnh cầu triều đình xem xét cho họ mượn tiền quốc gia và xóa nợ công cũng như nợ tư mà họ đã thiếu nợ từ trước, lấy việc chiêu tập được bao nhiêu bách tính lưu lạc quay về có việc làm để làm tiêu chuẩn đánh giá thành tích của quan châu, huyện.”
Là một viên võ tướng, trong khi bình định loạn lạc, Nhạc Phi lại luôn luôn ghi nhớ trong lòng kế sinh nhai của bách tính, đồng thời đề xuất các biện pháp và kiến nghị cụ thể giải quyết. Chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng đã nói ra đạo lý then chốt để nhân dân yên ổn, quan lại trị sửa tốt, đủ thấy ông có tấm lòng yêu thương sâu sắc chăm lo cho bách tính lê dân.
“Nhân, Tín, Trí, Dũng, Nghiêm, thiếu một điều cũng không được”
Hễ được triều đình thưởng, Nhạc Phi đều chia cho tướng sỹ, bản thân ông không chiếm giữ bất kỳ thứ gì. Có người từng hỏi ông về thuật dụng binh, ông nói: “Nhân, Tín, Trí, Dũng, Nghiêm, thiếu một điều cũng không được”.
Mỗi lần trưng dụng quân lương, Nhạc Phi luôn chau mày nói: “Tài lực của nhân dân vùng Đông Nam của quốc gia đã tiêu hao hết rồi.” Sau khi bình định khu vực Kinh Hồ, ông chiêu mộ bách tính làm ruộng, lại thực hiện chế độ đồn điền quân đội, mỗi năm giảm được một nửa số lượng lương thực trưng thu.
Nhạc Phi yêu thích hiền lương, lễ hiền đãi sỹ, thích ngâm tụng những từ khúc cao nhã, thần thái khiêm cung cẩn thận, giống y như người đọc sách. Mỗi lần lập công được thăng chức, ông đều thoái thác và nói: “Đây đều là tướng sỹ dốc sức, thần không có công lao gì.”
Có người hỏi ông rằng: “Thiên hạ khi nào mới có được thái bình?” Nhạc Phi nói: “Nếu quan văn không yêu tiền, võ tướng không sợ chết thì thiên hạ đã thái bình rồi.”
Nhạc Phi lưu danh thiên cổ, có thể nói ông là hóa thân của chữ “Trung”, chỉ cần nói đến ông là mọi người lập tức liên tưởng đến bốn chữ “Tinh trung báo quốc” mà mẫu thân đã khắc lên lưng ông. Thực tế những hành vi và việc làm của ông không phải chỉ là mỗi một chữ Trung mà thôi, nó còn thể hiện nội hàm văn hóa truyền thống: ở nhà tận hiếu với mẫu thân, quan tâm yêu thương thuộc hạ, ân cần thăm hỏi, quan tâm đến con cái, xót thương nỗi thống khổ của bách tính, khiêm tốn không nhận công lao. Có thể nói ở đâu ông cũng nghĩ cho người khác.
Kỳ thực về phương diện trị quốc mà nói, Nhạc Phi đã để lại một con đường: Từ quốc gia đến thiên hạ, tu tề trị bình. Từ thiên tử đến bình dân, đều lấy việc tu thân làm gốc, tâm lo cho thiên hạ. Đây chính là biểu đạt những điểm mấu chốt của văn hóa truyền thống.
Người xưa nói: “Trời sinh ra dân nên lập ra vua cho dân”, trời đất hóa dục muôn dân, phó thác dân cho quân vương. Mạnh Tử nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, dân là quý nhất, rồi đến quốc gia, sau mới đến vua. Nhạc Phi không nịnh trên, không ham quyền, làm việc nhân nghĩa, thực sự đã diễn dịch ý chỉ sâu sắc của lòng yêu nước chân chính.
Dựa theo “Nhạc Phi có tấm lòng nhân nghĩa lo cho bách tính”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Văn Địch
Xem thêm:
- Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến tại thành Bình Định
- Những người con trung nghĩa tài giỏi của làng Me (P1)
- Hưng Đạo Vương: Tấm lòng trung trinh sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt
Mời xem video:
Từ khóa Nhạc Phi Lòng yêu nước trung nghĩa