Vì sao Quan Vũ lại được người đời sùng bái đến thế?
- Cổ Ngọc Minh
- •
Một trong những người được sùng bái nhất trong lịch sử Trung Quốc chính là Quan Vũ. Việc sùng bái Quan Vũ đã bắt đầu ngay từ thời đại Tam Quốc. Năm đó sau khi Quan Vũ chết, cả 3 nước cùng tôn vinh ông. Tôn Quyền đem thủ cấp của Quan Vũ dâng cho Tào Tháo, Tào Tháo an táng thủ cấp Quan Vũ ở Lạc Dương bằng lễ chư hầu. Tôn Quyền an táng thân Quan Vũ ở Đương Dương bằng lễ chư hầu. Thục Hán xây mộ cho y phục Quan Vũ ở Thành Đô, tức Thành Đô Quan Vũ mộ. Vì vậy trong dân gian có bài ca về Quan Vũ: “Đầu gối Lạc Dương, thân nằm Đương Dương, hồn về làng cũ.”
Phong hiệu của các triều đại trong lịch sử cho Quan Vũ rất nhiều, từ “Tráng Mâu Hầu” do Lưu Thiện thụy phong ông đến “Trung Huệ Công”, “Nghĩa Dũng Võ An Vương” của Bắc Tống, cho đến “Thánh Đế Quân” của triều Minh và “Quan Thánh Đại Đế” triều Thanh, v.v.. Không chỉ triều đình kính trọng ông mà dân gian cũng tôn kính ông, cả những người trên giang hồ cũng lễ bái ông.
Rất nhiều người không lý giải được: Chưa cần nói lịch sử 5.000 năm Trung Hoa, chỉ riêng thời kỳ Tam Quốc, võ nghệ của Quan Vũ dường như không phải là số một, mưu trí của Quan Vũ lại không thể đặt lên ngang hàng với những cái tên như Tào Tháo, Chu Du… chứ chưa nói đến Gia Cát Lượng hay Tư Mã Ý. Nhưng tại sao ông lại được mọi người sùng bái nhất, thậm chí ở nhiều nơi còn hơn cả Gia Cát Lượng?
Mạnh Tử giảng: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, nghĩa là “Giàu sang không thể mê hoặc nổi, nghèo hèn không thể lay chuyển nổi, uy lực không thể khuất phục nổi”. Trong lịch sử, hình mẫu bi tráng nhất, mang màu sắc “anh hùng ca” nhất dành cho câu nói này chính là Quan Vũ.
Quan Vũ tự Vân Trường, người Giải Lương, Hà Đông. Vì có kẻ ác bá cường hào ở địa phương ỷ thế ức hiếp người nên Quan Vũ giết hắn, rồi chạy nạn trên giang hồ 5, 6 năm, sau đó tình cờ gặp Lưu Bị, Trương Phi. Ba thảo dân, vì chí hướng tương đồng nên đã Đào viên kết nghĩa, thề rằng: “Đồng tâm hiệp lực, cứu khốn phù nguy, trên báo quốc gia, dưới an bách tính.” Để thực hiện lời thề, Lưu Quan Trương kết nghĩa huynh đệ, tình như thủ túc, tay trắng dựng cơ đồ, chinh Đông phạt Tây, nếm trải hết gian nan vất vả chốn nhân gian. Đó chính là “Bần tiện bất năng di” (Nghèo hèn không lay chuyển nổi).
Để chờ thời cơ tìm lại huynh đệ thất lạc, Quan Vũ chịu cúi mình đến ở Tào doanh. Tào Tháo vô cùng coi trọng ông, lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc, 3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn, phong thưởng rất nhiều. Quan Vũ không bị động tâm. Khi ông được biết tin tức Lưu Bị, lập tức niêm phong vàng bạc, vượt ngàn dặm tìm đến huynh trưởng. Cần biết rằng, ông đã giết đại tướng của Viên Thiệu là Nhan Lương, mà Lưu Bị lúc đó lại có tin là đang ở chỗ Viên Thiệu. Nhưng Quan Vũ không sợ tiền đồ gian nan nguy hiểm, vẫn tìm đến. Đây chính là “Phú quý bất năng dâm” (Giàu sang không mê hoặc nổi).
Trong trận chiến Tương thành, Phàn thành, Quan Vũ lợi dụng lũ lụt bắt sống Vu Cấm, trảm Bàng Đức, uy chấn Hoa Hạ. Sau này vì Đông Ngô đột kích, Ngô Ngụy giáp công, Quan Vũ bại trận chạy đến Mạch thành. Biết không thể chống được quân. Đây chính là “Uy vũ bất năng khuất” (Uy lực không khuất phục nổi).
Không chỉ có những chiến công thật được sùng bái mà cả những hư cấu trong tiểu thuyết cũng tô điểm cho câu chuyện về Quan Vũ trở thành một loại “anh hùng ca”. Giống như việc chém Hoa Hùng, Văn Xú, vượt ải chém tướng, đơn đao phó hội, v.v.. đều là những hư cấu của La Quán Trung để làm nổi bật chữ “nghĩa” (trong cái tên “Tam Quốc diễn nghĩa”) mà ông muốn truyền đạt.
Đương nhiên, bản thân Quan Vũ cũng có khiếm khuyết, như kiêu ngạo. Chính vì ông kiêu ngạo lơ là nên mới mất Kinh Châu. Nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến sự sùng bái của mọi người đối với ông. Trái lại, mọi người khi đọc đến tình tiết “Thất bại chạy đến Mạch thành” trong tiểu thuyết thì đều không nén nổi nắm tay mà than thở. Mọi người hiểu ông, lượng thứ cho ông: “Người không có người hoàn thiện, vết xước không che nổi vẻ đẹp của ngọc.” Và hơn nghìn năm nay, hình tượng của Quan Vũ vẫn luôn được kính ngưỡng như thế.
Theo “Mạn đàm Tam Quốc: Đại trượng phu Quan Vũ”
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Cổ Ngọc Minh
Xem thêm:
Mời xem video: