Việc lớn muốn thành cần phải nhẫn nhịn được việc nhỏ
- An Hòa
- •
Cổ nhân nói: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, tức là không nhịn được việc nhỏ thì sẽ làm hỏng việc lớn. Trong cách đối nhân xử thế, một người tài năng mà có thể nhẫn nhịn được thì chính là một người kín đáo, có lòng dạ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng. Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện kể về các nhân vật khi đối mặt với việc thiệt thòi mà không hề so đo hay oán hận, vì không phô trương nên tránh gặp phải tai họa, hơn nữa còn làm nên nghiệp lớn.
Trương Nhĩ và Trần Dư là hai danh sĩ thời nhà Ngụy. Sau khi nước Tần diệt nước Ngụy, Trương Nhĩ và Trần Dư mai danh ẩn tích đến huyện Trần làm người giữ cổng làng để kiếm ăn. Một hôm, có một viên quan lại trong làng lấy roi đánh Trần Dư. Trần Dư muốn phản kháng, Trương Nhĩ giẫm vào chân của Trần Dư, đè nén Trần Dư hãy cố gắng nhẫn chịu để cho ông ta đánh.
Sau khi viên quan đi rồi, Trương Nhĩ kéo Trần Dư đến dưới gốc cây và nói: “Trước đây tôi đã nói với ngài như thế nào? Hôm nay mới chỉ một cái nhục mà đã không nhịn được, chẳng lẽ ngài muốn chết uổng trong tay tên quan đó hay sao?”
Không lâu sau đó, các nơi nổi lên chống Tần, Trương Nhĩ trở thành đại tướng quân, Trần Dư làm hữu thừa tướng của Triệu Vương. Trong cuộc chiến Hán – Sở, Trương Nhĩ cuối cùng được phong làm Triệu Vương, được trọn vẹn an lành. Trần Dư cũng làm vương của đất Đại, nhưng sau này tử trận.
Nếu như lúc trước hai người Trương, Trần không nhẫn nhịn được bị oan thì kết quả chắc chắn sẽ không được như vậy.
Một người muốn bồi dưỡng tiết tháo cao thượng thì nhất thiết phải nhẫn nhịn được việc nhỏ.
Hàn Kỳ là tể tướng thời Bắc Tống, tính tình của Hàn Kỳ rất chất phác và đôn hậu, lòng dạ rộng rãi, luôn khoan dung độ lượng đối xử với mọi người.
Từng có người biếu Hàn Kỳ hai chiếc chén ngọc quý, nói rằng đó là bảo vật có một không hai. Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm tạ người biếu ngọc. Ông rất yêu thích hai chiếc chén ngọc này, mỗi khi có tiệc chiêu đãi khách, ông đều cho người mang chén ngọc ra để trưng bày cho mọi người cùng được thưởng thức.
Một hôm, trong tiệc rượu, một người hầu đụng phải cái bàn và làm hai chiếc chén ngọc rơi xuống đất vỡ tan. Những vị khách đều giật mình, còn người hầu kia thì vô cùng sợ hãi quỳ xuống. Hàn Kỳ khi ấy sắc mặt không thay đổi, cười và nói với những vị khách: “Sự tồn vong của bất kể vật chất nào đều là có quy luật!” Sau đó ông lại quay sang nói với người hầu rằng: “Ngươi là do sơ xuất mà gây nên, thực sự không phải ngươi cố ý, có ai mà không sơ xuất bao giờ đâu?” Tất cả những người chứng kiến đều bội phục đức hạnh và lòng khoan dung, nhẫn nhịn của Hàn Kỳ.
Từ xưa đến nay, bất luận là ở giai tầng nào, làm được việc lớn đều là những người có tâm đại nhẫn, có thể nhẫn nhịn được cả những việc mà một người bình thường khó lòng nhịn nổi.
Nếu như một người không trải qua “sóng gió cuộc đời” mà tôi luyện chính mình, không dốc lòng tu dưỡng thì rất khó để có thể nhẫn nhịn được, càng không thể có được tấm lòng khoan dung, độ lượng, biết kết hợp cương nhu.
Xưa kia, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, chịu nếm phân mà có thể phục quốc, Hàn Tín chịu nhục chui háng, không ai ngờ ông trở thành danh tướng một đời. Người xưa nói: “Bách hành chi bản, nhẫn chi vi thượng”, trong trăm đạo hạnh thì nhẫn là cao hơn hết.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Trí tuệ cổ nhân: Người nhẫn nhịn mới có thể làm việc lớn
- Cao nhân dùng người: Có “năng lực” không bằng có “tĩnh khí”
Mời xem video:
Từ khóa Nhẫn nhịn Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay tu dưỡng