Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc: Đức tin của người Mỹ
- Quang Minh
- •
Trong sự kiện Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc diễn ra tại Washington, D.C. vào ngày 2/2 vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một bài phát biểu ngợi ca tín ngưỡng truyên thống, và bày tỏ sự kính trọng đối với những người có đức tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
“Trong những thị trấn trên khắp đất nước, thật dễ để nhìn ra cái mà chúng ta đã lãng quên — thứ mà chúng ta đã quá dễ dàng quên lãng — đó là một thực tế rằng chất lượng cuộc sống của chúng ta không được quyết định bởi thành công về mặt vật chất, mà chính là bởi thành công về mặt tâm linh. Tôi xin được chia sẻ với bạn tại đây, và tôi xin được chia sẻ với bạn trên cương vị là một người thành công về mặt vật chất, một người đã quen biết với rất rất nhiều người thành công về mặt vật chất — những người thành công nhất về mặt vật chất. Xin được nói rằng rất nhiều người trong số họ thật đáng thương, thật bất hạnh. Và tôi cũng biết rất nhiều người chẳng có thành công gì về mặt vất chất, nhưng lại có gia đình lớn, có đức tin. Họ không có tiền — ít nhất là không có nhiều tiền — nhưng họ hạnh phúc. Với tôi, tôi phải nói với các bạn rằng, đó là những con người thành công.”
Ông Trump cũng thể hiện niềm tin mạnh mẽ của nước Mỹ đối với Thần linh:
“Đối với chúng ta, những con người đang làm việc tại Washington này, chúng ta phải luôn luôn không ngừng xin Chúa ban cho chúng ta trí tuệ để phục vụ người dân, tuân theo ý muốn của Ngài. Đó là lý do tại sao Tổng thống Eisenhower và Thượng nghị sĩ Carlson đã nảy ra sáng kiến về sự kiện truyền thống hàng năm này từ 64 năm về trước. Nhưng đó không phải là tất cả những gì chúng ta đã làm. Xin được kể với các bạn rằng, chỉ 1 năm sau đó thôi, Thượng nghị sĩ Carlson đã cùng các thành viên Quốc hội khác gửi tới Tổng thống một nghị quyết chung kêu gọi đưa vào Lời thề nguyện trung thành của nước Mỹ cụm từ ‘under God’ (Tạm dịch: ‘dưới sự bảo hộ của Chúa’). Bởi vì chúng ta là như vậy, và chúng ta sẽ luôn là như vậy, vì người dân Mỹ muốn chúng ta là: một quốc gia xinh đẹp dưới sự bảo hộ của Chúa.”
“Chừng nào còn có Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc” – Tổng thống Donald Trump đã khẳng định như vậy trong Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc.
Xem thêm: Donald Trump – Chống phá thai: Phát xít hay người hùng?
Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc là một sự kiện thường niên được tổ chức vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng Hai tại Washington, D.C. Hàng năm, có khoảng 3.500 khách mời từ hơn 100 quốc gia tới tham gia sự kiện. Các vị khách mời bao gồm giới chính khách, giới doanh nhân, và những người có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Kể từ thời Tổng thống Eisenhower tới nay, tất cả các tổng thống Mỹ đều tham dự sự kiện thường niên này.
Tổng thống Trump chia sẻ trong Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc
Màn chính trong Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc là bài chia sẻ của hai diễn giả: một người là Tổng thống Mỹ, còn một người khác sẽ được giữ bí mật về danh tính. Và cũng chính trong những Bữa sáng cầu nguyện toàn quốc, người ta đã rung động trước những lời chia sẻ của Mẹ Teresa, suy ngẫm trước câu chuyện của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, hay mỉm cười trước cây cầu nối khoa học và tâm linh mà Tiến sĩ Francis S. Collins, cựu giám đốc Viện nghiên cứu bản đồ gen quốc gia Mỹ, bắc nhịp.
Vậy thì dưới đây, xin được chia sẻ với độc giả một phần trong cuộc nói chuyện của ba diễn giả này:
Mẹ Teresa
Những con người nghèo khó có thể là những con người tuyệt vời. Một buổi sáng, khi chúng tôi đi ra ngoài và giúp đỡ bốn người trên đường phố, một trong số họ đang ở trong trạng thái vô cùng tồi tệ. Tôi nói với các Sơ: “Hãy lo cho ba người kia; Tôi sẽ chăm sóc người tệ nhất này”. Và tôi đã giúp cô bằng tất cả tình thương của mình. Rồi tôi đưa cô nằm lên giường, cô cười thật đẹp.
Cô đã nắm lấy tay tôi, và chỉ đơn giản nói: “Cảm ơn” – rồi mất.
Tôi không thể không tự vấn lương tâm của mình. Tôi đã tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, tôi sẽ nói gì?” Và câu trả lời thật đơn giản. Tôi sẽ cố gắng gây một chút chú ý. Tôi sẽ nói rằng: “Tôi đói, tôi đang chết, tôi lạnh, tôi đang đau đớn”, hay đại loại như thế. Nhưng cô đã cho tôi nhiều hơn – cô cho tôi tình yêu thương mạnh mẽ của mình. Và cô chết với nụ cười đang nở trên môi.
Rồi có một người đàn ông, bị giòi ăn, chúng tôi mang anh ấy về từ một cái mương, anh chỉ nói rằng: “Tôi đã sống như một con vật ở trên phố, nhưng tôi sẽ được chết như một thiên thần, được yêu thương và được chăm sóc”.
Sau khi chúng tôi gắp tất cả những con giòi ra khỏi người anh, anh nói, với một nụ cười tươi, là: “Sơ à, tôi sẽ về với Chúa” – rồi anh mất.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
Tại mảnh đất Thần Thánh, trên núi Nebo ở Jordan, nơi Moses nhìn thấy Miền đất hứa. Có một nhà thờ, được người hành hương xây dựng vào thế kỷ thứ tư. Một người Mỹ thuyết giảng nơi ấy, một người đã từng dành cả đời làm phi công, và rồi khi vợ ông qua đời, ông đã đi theo tiếng gọi thần thánh. Lời nói của ông là lời của một người theo đạo Cơ đốc, nhưng nó đại diện cho tất cả những người có đức tin, những người mong muốn được Thần linh dẫn lối cho cuộc đời.
Ông đã nói:
“Khi còn đang ở trên mặt đất này, chúng ta cần phải đưa ra một lựa chọn quan trọng… là một người đứng ngoài hay một người muốn đi tới Vương quốc của Chúa… liệu chúng ta sẽ ở trong ngững người chỉ biết tò mò, hay dám bước vượt qua. Và điều đó có nghĩa là: không có ngoại lệ… Chỉ là không hay là có. Đôi khi tôi tự hỏi bản thân mình: Nếu hôm nay tôi chết đi, thì cuộc sống của tôi là vì điều gì… Câu trả lời sẽ không phải là một thoáng bốc đồng, mà phải là sự suy nghĩ thận trọng. Bởi vì để nói có với một điều gì đó, chúng ta sẽ phải nói không với rất nhiều điều khác. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, nguy hiểm nhất không phải là sự bốc đồng, mà là việc không lựa chọn gì hết.”
Tiến sĩ Francis S. Collins
Tò mò khoa học cuối cùng đã dẫn tôi từ hóa học và vật lý sang y học. Và bên giường bệnh của những con người với đủ loại bệnh tật khủng khiếp, những vấn đề như sự sống, cái chết hay linh hồn đã không còn phải là vấn đề học thuật. Mặc dù người ta nói rằng “không có ai vô thần khi ở trong bước đường cùng”, tôi vẫn tìm được những người vô thần đang nằm trên giường bệnh ở Bắc Carolina. Thế rồi một buổi chiều nọ, một cụ bà tốt bụng chỉ còn một vài tuần trước khi mất để chia sẻ niềm tin vào Jesus của mình một cách cởi mở với tôi đã hỏi, “Bác sĩ à, ông tin vào điều gì?” Lắp bắp rằng mình không chắc, tôi như chạy khỏi phòng bệnh, với một cảm xúc rằng lớp băng vô thần đang tan chảy dưới chân tôi, dù tôi không hiểu rõ tại sao. Và rồi, bất ngờ, lý do khiến tôi băn khoăn xuất hiện: Tôi là một nhà khoa học. Tôi phải đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng. Nhưng tôi lại chưa bao giờ thực sự cân nhắc những bằng chứng ủng hộ hay phản đối đức tin.
Hiểu được vị trí của mình, tôi bắt đầu tìm kiếm con đường của những người đi trước, những người đã từng hỏi câu hỏi tương tự về đức tin. Và trong quá trình tìm kiếm đó, tôi đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những bài viết của học giả Oxford C.S. Lewis, người đã từng cố gắng bảo vệ chủ nghĩa vô thần khi còn trẻ, nhưng cuối cùng lại trở thành một người tin vào Chúa trời.
Tiến sĩ Francis S. Collins, cựu giám đốc Viện nghiên cứu bản đồ gen quốc gia
Khi tôi bắt đầu nghiên cứu các bằng chứng sâu hơn, tôi bắt đầu thấy được những điều nằm ngoài tự nhiên xung quanh mình mà chỉ có thể được gọi là Chúa. Tôi nhận ra rằng các phương pháp khoa học chỉ có thể trả lời được câu hỏi mọi thứ hoạt động NHƯ THẾ NÀO. Nhưng chúng lại không trả lời được câu hỏi TẠI SAO – và đó thực tế lại là những câu hỏi quan trọng nhất. Tại sao lại có gì đó chứ không phải là không? Tại sao toán học lại mô tả giới tự nhiên tuyệt vời đến vậy? Tại sao vũ trụ lại được điều chỉnh tinh vi đến vậy để sự sống có thể phát sinh? Tại sao con người lại có một nhận thức phổ quát về đúng và sai, và mong muốn làm điều đúng đắn – mặc dù chúng ta có những điểm bất đồng trong cách nhận thức cái tiếng gọi sâu xa đó?
Trước sự khải ngộ này, tôi nhận ra thứ mà mình đã cho là đúng — rằng đức tin là trái với lý trí — thực tế lại là sai. Đáng nhẽ tôi đã phải biết rõ: Các kinh sách đã bàn về đức tin rằng nó là “thứ mà người ta hy vọng, là bằng chứng của những điều không được thấy”. Bằng chứng! Đồng thời với khải ngộ đó, tôi nhận ra rằng chủ nghĩa vô thần thực tế là một lựa chọn thiếu lý trí nhất. Giống như Chesterton đã viết, “Vô thần quả thực là một giáo lý cả gan nhất… bởi vì nó quả quyết phủ định vạn vật”. Làm sao mà tôi có thể ngạo mạn quả quyết như vậy?
…
Xem thêm: Những nhà khoa học lỗi lạc nhất tin vào thuyết vô thần hay hữu thần?
Nhưng, một vài người trong các bạn sẽ nói, rằng tôi là một nhà di truyền học. Điều đó có làm đầu tôi nổ tung không? Chẳng phải đang có những mâu thuẫn không thể hòa giải giữa thế giới quan tín ngưỡng và thế giới quan khoa học? Không. Không hề. Một khi tôi sử dụng phương pháp tiếp cận chín chắn để lý giải những Kinh sách thông qua những gì mà khoa học đã cho chúng ta biết về vũ trụ – giống như Thánh Augustine đã làm một cách thuyết phục vào 1600 năm trước — tôi không thể tìm thấy bất cứ mâu thuẫn nào giữa một nhà khoa học nghiêm khắc và một tín đồ. Đúng, khoa học là cách đáng tin cậy để hiểu biết tự nhiên. Nhưng là một tín đồ, tôi có thể nhìn những phát kiến khoa học dưới một ánh sáng hoàn toàn khác. Trong hoàn cảnh đó, khoa học không chỉ là một sự khám phá, mà còn là sự thờ phụng Thần linh. Khi là một nhà khoa học, tôi có đặc quyền được biết những gì mà nhân loại chưa được biết, và khi là một tín đồ, tôi có trải nghiệm khó tả của việc được nhìn thấy trí tuệ của Chúa trời.
…
Chúng ta đã hy vọng sức khỏe và tuổi thọ cho bản thân và gia đình, nhưng chúng tại lại thường xuyên phải đứng bên mộ của những người thân yêu đã rời xa ta quá sớm. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa chân chính của đức tin về một nguồn tinh thần mà chúng ta khắc khoải, nhưng chúng ta lại thường xuyên nhìn thấy nguồn suối trong sạch đó bị đổ vào những cái vỏ con người, biến dị và ô uế. Chúng ta muốn tin vào cốt lõi thiện lương của nhân tính, nhưng niềm hy vọng của chúng ta lại thường tan vỡ bởi những hành động bạo lực và ích kỷ đối với nhau trong gia đình nhân loại. Chúng ta bám víu vào lời hứa về những đột phá khoa học mới có thể làm lành thế giới đang tổn thương, nhưng chúng ta cũng e sợ rằng một trong số những đột phá ấy có thể gây hại nhiều hơn gây lợi. Tóm lại là, chúng ta mơ về một thiên đường nơi trần thế, nhưng thường xuyên chỉ nhìn thấy thung lũng của nước mắt và khổ đau.
Nhưng nếu chúng ta tin vào Chúa, và đặt tình yêu lên trên tất cả, thì chúng ta sẽ được đảm bảo về một thắng lợi trước mọi thử thách…
Đức tin của nước Mỹ
Người ta nói rằng Mỹ là cường quốc bậc nhất thế giới bởi vì Mỹ là một nước văn minh, một quốc gia của tự do, của những nhà khoa học, của những phát minh sáng kiến. Nhưng hình như người Mỹ không nghĩ vậy, giới chủ lưu Mỹ không nghĩ vậy, các đời Tổng Thống Mỹ không nghĩ vậy. Phải chăng Mỹ hùng mạnh là bởi vì nước Mỹ sùng kính Thần linh? Phải chăng Mỹ hùng mạnh, là bởi vì dù có mong ước khám phá tri thức hay tham vọng thay đổi xã hội, thì người Mỹ đều đặt cơ sở là nền tảng đạo đức xuất phát từ tín ngưỡng tâm linh? Đức tin của nước Mỹ là thế đấy!
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa Mỹ người Mỹ tín ngưỡng tâm linh mẹ Teresa khoa học thuyết vô thần