Vương phi Ngọc Bảo: Người giúp Nguyễn Hoàng vào nam mở đất
- Trần Hưng
- •
Tháng 10/1558, chúa tiên Nguyễn Hoàng đặt chân đến vùng Thuận – Quảng heo hút ở cửa biển Việt Yên. Trải qua 200 năm, 8 đời chúa Nguyễn, lãnh thổ được mở rộng đến tận cực nam, định hình cho nước Việt ngày nay. Trong việc chúa tiên vào nam, ngoài công của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ra, còn phải kể đến công của vương phi Ngọc Bảo.
Nguyễn Kim gả Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc. Một số trung thần với nhà Lê chạy sang nước láng giềng lánh nạn, chờ cơ hội trở về khôi phục nhà Lê, trong đó có Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim.
Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao, được vua Xạ Đẩu giúp đỡ, cho mượn đất Sầm Châu để dựng bản doanh, chiêu mộ quân sỹ.
Lúc ấy Nguyễn Kim mới tập hợp lực lượng nên còn rất yếu. “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” của Alexandre De Rhodes kể rằng một lần quân Mạc tấn công, Nguyễn Kim bị bao vây giữa vòng vây địch, tình thế nguy cấp nên hứa sẽ gả con gái cho ai giúp nghĩa quân thoát khỏi vòng vây.
Giữa vòng vây xiết chặt, Trịnh Kiểm xông lên mở đường máu cho toàn quân rút lui, tránh bị tiêu diệt. Nguyễn Kim giữ đúng lời hứa gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm, dù Trịnh Kiểm đã có vợ từ trước. Ngọc Bảo giữ đúng lễ nghĩa, dù thân phận cao hơn nhưng không đòi hỏi được làm chính thất, mà chỉ là vợ thứ.
Sách “Đại Nam thực lục” thì viết rằng Nguyễn Kim thấy Trịnh Kiểm có tài lạ nên gả con gái lơn là Ngọc Bảo cho.
Nhờ chuyện này mà Trịnh Kiểm ngày càng nổi bật, đến năm 1539 thì chỉ đứng sau nhạc phụ Nguyễn Kim.
Trịnh Kiểm nắm thực quyền
Năm 1545, Nguyễn Kim bị quan tổng trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng rồi đầu độc giết chết. Quyền lực nhà Lê đều lọt vào tay phó soái Trịnh Kiểm.
Các tướng nhà Lê cho rằng người nắm quyền bính phải là con trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông, vì thế việc Trịnh Kiểm nắm quyền bính được xem chỉ là tạm thời, đến lúc phải trao quyền cho Nguyễn Uông.
Tuy nhiên Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm hại chết. “Đại nam liệt truyện Tiền biên” chép: “Hoàng trưởng tử Uông, sinh mẫu là ai không rõ, tập ấm phong làm Lãng Xuyên hầu, sau đó tấn phong Tả tướng quân, rồi bị Trịnh Kiểm làm hại, chết.”
Nguyễn Hoàng chuẩn bị vào nam
Trước đó Nguyễn Hoàng đưa quân tấn công nhà Mạc lập được nhiều công lao, được trọng dụng, phong là Đoan quận công.
Trước việc Nguyễn Uông bị hại, Nguyễn Hoàng đã cho người tìm đến tìm gặp trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin chỉ dạy. Trạng Trình đáp rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ý của Trạng Trình là Nguyễn Hoàng nên đến dãy Hoành sơn ở Thuận Hóa phương nam.
Theo “Nam triều công nghiệp diễn chí” (không phải chính sử), Nguyễn Ư Dĩ là cậu của Nguyễn Hoàng bàn với Nguyễn Hoàng nhờ Ngọc Bảo nói giúp với Trịnh Kiểm để được trấn thủ vùng Thuận – Quảng.
Lập mưu để Nguyễn Hoàng giả điên
“Nam triều công nghiệp diễn chí” ghi chép rằng: “Bà Chính phi của Trịnh Kiểm nghe chuyện lấy làm lo, bèn lập mưu bảo Nguyễn Hoàng giả điên, rồi vào thưa với Khang vương (Trịnh Kiểm).”
Sách “Đại Nam thực lục” thì không ghi rằng Nguyễn Hoàng giả điên, chỉ chép:
Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo xa xôi cho ngay. Anh Tông lên ngôi, Kiểm dâng biểu nói: “Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở , nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với tướng trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền Nam.”
Năm 1558, Nguyễn Hoàng cuối cùng cũng thành công, đến được xứ Thuận – Quảng an toàn, khởi đầu công cuộc mở đất về phương nam lịch sử.
Về phần bà Ngọc Bảo, con trai bà sau này chính là Bình An vương Trịnh Tùng, người mở ra thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh. Năm 1586, phủ đệ của Trịnh Tùng gặp hỏa hoạn, bà Ngọc Bảo mất trong đám cháy.
Có thể nói rằng vương phi Ngọc Bảo (Trịnh Kiểm được truy tôn là Thế Tổ Minh Khang Thái vương) là nhân vật đã góp phần cho sự thành công của chúa Nguyễn, nhưng cũng sinh cho họ Trịnh một nhân vật kiệt xuất tạo nên một thời kỳ chúa Trịnh át quyền vua Lê.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video: Con bị điểm kém, cha mẹ nói “câu này” ảnh hưởng đến cả cuộc đời con
Từ khóa lịch sử Việt Nam chúa Nguyễn