Bảo tồn và phát triển Đà Lạt như thế nào?
- Nguyên Hạnh Nguyên
- •
Mấy ngày nay, thỉnh thoảng có nhà báo nhắn chúng tôi đề xuất phương án số 4 cho đồi Dinh, hoặc “Cộng đồng KTS có thể phác thảo một phương án khả dĩ cho Đồi Dinh – Khu Hoà Bình như ý mình mong muốn để cộng đồng có thể hiểu sâu hơn, hoặc có thể đó là một cách góp ý không ạ?”. Tôi trả lời: “Đây không phải câu chuyện về phương án kiến trúc để mà mình đề xuất thêm phương án. Mà đây là câu chuyện về quy hoạch, về tiêu chí tác động đến khu vực đồi Dinh. Nói tóm lại đó là chuyện của đề bài chứ không phải ý tưởng hay giải pháp kiến trúc”.
Và trong lúc này, Tỉnh vẫn đang lấy ý kiến rộng rãi cho 3 phương án đưa ra cho đồi Dinh. Tôi tiếp tục viết bài này với mong muốn bằng cách nào đó, địa phương nhìn nhận lại và đồng ý quay lại từ khâu quy hoạch, ra đề bài. Nếu điều đó xảy ra, tôi tin sẽ rất nhiều chuyên gia sẵn sàng đóng góp cho Đà Lạt.
Hiểu về bảo tồn di sản trong tính nguyên gốc
Di sản thường hay được xem là bất động sản, là đối tượng vật lý thuần túy. Nhưng di sản là cơ thể sống từ quá khứ, thay mặt quá khứ nói cho chúng ta về lịch sử, văn hóa, hồn nơi chốn và giá trị đặc trưng của một vùng đất, một quốc gia. Không phải cứ công trình cũ, lâu năm mới là có giá trị di sản. Đôi khi công trình có niên đại chưa lớn nhưng ý nghĩa nó với một đô thị, sức ảnh hưởng của nó trong đô thị rất lớn. Và đôi khi nó mang rất ít giá trị thẩm mỹ, có khi nó khá ngô nghê, chưa đủ khéo léo để người ta phải trầm trồ về vẻ đẹp nghệ thuật, nhưng miễn là nó đứng đó, nó còn đó thì người ta còn nhận ra linh hồn của đô thị đó.
Đấy là bởi sự thân quen, đấy là bởi tính gần gũi của di sản đó trong cộng đồng, nhất là khi nó có mặt trong đô thị từ những thời kỳ đầu, được lập ra bởi mồ hôi, công sức của những người đầu tiên tới khai hoang vùng đất đó.
Vì tất cả những ý nghĩa như vậy mà trên thế giới, người ta nhận ra rằng cần giữ gìn di sản với quan điểm: Giữ gìn giá trị thật, tính nguyên bản, tính chân xác, sự chính xác (Tiếng Anh gọi là Authentic). Càng tôn trọng lịch sử (ở đây là lịch sử dân tộc, lịch sử một vùng đất chứ không nên hiểu là lịch sử của một thể chế), người ta càng ngày càng đề cao tính chân xác, tính nguyên bản của di sản (1).
Trường hợp “cái chuồng bò ở Đức”
Cần nhắc lại trường hợp ở Đức người ta giữ lại một cái chuồng bò cũ 120 năm tuổi, dù rằng nó rất xuống cấp: Sàn mục ruỗng, cột kèo xiêu vẹo… nhưng người ta đã kết luận: “Phải giữ lại cái Chuồng bò đấy như một phần di sản của làng”. Vì nó là di sản (ký ức văn hóa) của các thế hệ trong quá khứ phải chuyển sang thế hệ tương lai (được coi như trung tâm lịch sử) như một yếu tố cơ bản của bản sắc. Nó được coi là cảnh quan xã hội (không nhất thiết to đẹp, khang trang, nhiều khi phải quy mô cũng khiêm tốn, vì dân ở đấy họ quen với những thứ nhỏ bé, các khoảng cách, cự ly không gian vừa phải, ấm cúng). Nó phản ánh chuyên môn, kiến thức địa phương, tinh thần kinh doanh địa phương, sự sáng tạo của người dân địa phương trong một thời điểm của quá khứ. Nó giúp cho con người ở đó khác với con người ở chỗ khác.
Người ta đã thống nhất rằng cái Chuồng bò là một thành phần không nên tách rời khỏi “phức hợp cảnh quan di sản” của ngôi làng đó (“complex urban landscape of historic urban”) và nó phải được đối xử như một Di sản (2). Và người ta vào cuộc giữ gìn nó một cách nguyên vẹn, đầy đủ để giữ được bầu không khí của ngôi làng như vốn nó đã có.
Bài toán cho Đà Lạt: “Bảo tồn để phát triển”
Bây giờ quay trở lại câu chuyện Đà Lạt. Vì sao Đà Lạt được cả nước biết đến? Vì sao Đà Lạt được giới chuyên môn kiến trúc, những người hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật, những nghệ sỹ đương đại đều kỳ vọng ở sự phát triển đúng hướng của Đà Lạt: “Phát triển mà vẫn giữ được hồn nơi chốn”.
Đó là bởi Đà Lạt mang trong mình giá trị quá lớn mà không đô thị nào ở Việt Nam hay Đông Dương có được: Một đô thị được xây dựng từ đầu trên vùng đất trống bởi các KTS nổi tiếng của Pháp và thế giới ở Đông Dương. Đà Lạt được xây với mục đích làm đô thị nghỉ dưỡng. Đô thị này có cả khu người Việt (Khu Hòa Bình với ấp Ánh Sáng) và khu người Pháp (điển hình nhất là trục di sản Đông Tây). Với đầy đủ các ưu đãi của thiên nhiên cộng với những giá trị và tầm nhìn của những người thiết kế, xây dựng mà Đà Lạt có được nét lãng mạn, thơ mộng, nhân văn và đầy chất uyên bác.
Dù khu Hòa Bình đã bị phá vỡ rất nhiều cấu trúc không gian đô thị. Các công trình shop-house bị phá bỏ, cơi nới, xây chen quá nhiều. Song riêng khu Đồi Dinh, rất may mắn do con đường tiếp cận quá khuất và xa, phải đi đường vòng nên ít người biết tới và chưa bị phá vỡ cảnh quan. Những gì còn lại ở Đồi Dinh vẫn phải được giữ gìn: Đó là thảm thực vật và Dinh Tỉnh trưởng.
Giữ tính nguyên gốc về giá trị vật thể cho Đà Lạt là giữ trạng thái “rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”, các kiến trúc từng khu vực đặc thù: Các biệt thự nghỉ dưỡng với phong cách lãng mạn; các khu shop-house cần chỉnh trang lại hoàn trả nét cũ càng nhiều càng tốt. Tháo bỏ các biển hiệu lớn (kiểu của Sài Gòn ốp tấm Alu miếng lớn trên mặt tiền) không xây chen kiểu hộp bê tông cao tầng. Trồng bổ sung cây thông và những cây tuổi thọ cao cho những khu vực đã bị phá.
Giữ tính nguyên gốc về phi vật thể (giữ hồn đô thị): Tại khu Hòa Bình cần giữ nét thong dong bằng cách hạn chế xe cơ giới, khuyến khích đi bộ, đi xe ngựa, xe đạp. Những khu phố nhỏ kiểu làng cho người Việt trước đây hãy giữ cho sạch sẽ, xinh xắn (học case study đã từng làm thành công: phố nghệ thuật “Dốc Nhà Làng”). Những hoạt động dịch vụ lưu trú, thương mại sẽ chỉ chấp nhận quy mô nhỏ. Để đỡ áp lực cho khu Hòa Bình, cần cho phép phát triển ra ngoại vi Đà Lạt các khu thương mại, dịch vụ quy mô lớn kết hợp với phát triển thêm đô thị vệ tinh trên khoảng cách từ Đức Trọng về trung tâm Đà Lạt và cũng phải quy hoạch bài bản với tầm nhìn thực sự tốt.
Phát triển: Bổ sung vào tính nguyên gốc
Khi hiểu rõ về bản sắc Đà Lạt, sau khi giữ tính nguyên gốc, cần bổ sung một số nội dung hoạt động và các tiện ích nhỏ liên quan đến yếu tố văn hóa, nghệ thuật, cộng đồng cho khu trung tâm như: Các hoạt động tham quan, trải nghiệm về lịch sử, di sản địa phương. Các yếu tố văn hóa- nghệ thuật được trình diễn, thể nghiệm cho cộng đồng và được chung tay bởi cộng đồng các nghệ sỹ trong và ngoài Đà Lạt… Tất cả để tạo ra 1 không khí nghệ thuật đương đại trên nền đô thị di sản. Không khí đó sẽ rất hấp dẫn du khách. Đà Lạt sẽ trở thành một trại sáng tác của giới nghệ sỹ, những người yêu nghệ thuật của Việt Nam và thế giới.
Vậy chúng ta cần lắm sự kết nối từ trung tâm khu Hòa Bình lên đến đỉnh đồi Dinh, (nhưng không phải cái cách nén thêm 10 tầng khách sạn quy mô lớn như trong đề bài ra hiện nay). Kết nối các hoạt động khai thác di sản trục đông Tây, các khu biệt thự Trần Hưng Đạo vừa là khu resort, vừa mở ra với công chúng để đón khách tham quan, tim hiểu di sản. Trùng tu các di sản biệt thự Pháp để phục vụ các hoặt động: Tổ chức các cuộc trình diễn nghệ thuật, các Art House điện ảnh, không gian bảo tàng và trưng bày di sản kết hợp với không gian nghỉ dưỡng kiểu khách sạn boutique…
Vậy vấn đề ở đây là thành phố đang cần xem xét lại từ Quy hoạch, làm sao để thành phố giữ gìn được giá trị và tính bền vững, dần xây dựng tiêu chí “Đô thị di sản”. Và muốn có 1 bản quy hoạch đúng tầm, có giá trị, vẫn cần phải xem xét lại từ nghiên cứu tiền khả thi. Phải tập trung được nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cùng tìm lời giải cho bài toán khu trung tâm Đà Lạt.
TS. KTS Nguyên Hạnh Nguyên
Đăng theo Facebook Nguyen Hanh Nguyen với sự đồng ý của tác giả. Bài do TTVN biên tập. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Chú thích:
- https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/bao-ton-toi-da-tinh-nguyen-goc-cach-ung-xu-dung-nhat-voi-di-san.html
- https://vnexpress.net/cai-chuong-bo-o-nuoc-duc-va-rap-hoa-binh-o-da-lat-3902653.htm
Xem thêm:
Từ khóa bảo tồn di sản quy hoạch Đà Lạt