Biện minh cho ‘chính danh’ cầm quyền của ĐCSTQ: Từ kinh tế đến chủ nghĩa dân tộc
- Chung Kiếm Hoa
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không muốn cải cách thể chế chính trị để xây dựng tính hợp pháp cầm quyền, do đó hy vọng củng cố uy tín cầm quyền bằng phát triển kinh tế bền vững và đã có những thành công. Trong bối cảnh những yếu tố may mắn kinh tế dần cạn kiệt, ĐCSTQ đang cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm gia cố quyền lực.
Sau nhiều năm tận hưởng được lợi thế dân số đông và trẻ cho thị trường lao động, cũng như tận dụng tối đa lợi thế của nước đi sau, Trung Quốc đã vượt qua khoảng thời gian khó khăn phát triển kinh tế giai đoạn đầu nhờ vào những cải cách mở cửa, giúp qua vài thập kỷ quả thực kinh tế Trung Quốc đã mang lại sức thuyết phục cho vai trò cai trị của ĐCSTQ.
Nhưng chu kỳ kinh tế lúc thịnh lúc suy, đây là quy luật khách quan không ai có thể thay đổi được. Sự phát triển thô bạo được theo đuổi trong một thời gian dài, dưới một hệ thống méo mó cũng đã gây ra rất nhiều vấn đề. Vấn đề kinh tế hiện nay mà ĐCSTQ phải đối mặt là liệu có thể xử lý tốt được những “quả bong bóng” kinh tế trương phình chờ nổ không – đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà thực chất còn là vấn đề chính trị. Nếu cơ cấu kinh tế không theo kịp thời đại, hệ thống chính trị không thể ứng phó kịp với những thay đổi, thì cố níu kéo trì hoãn hy vọng cứu vãn chỉ dẫn đến thời khắc nhạy cảm sẽ càng nguy hiểm hơn, hậu quả chính trị trong trường hợp đó có thể còn lớn hơn.
Tính nghiêm trọng của vấn đề ngày càng trở nổi rõ trên nhiều phương diện của xã hội Trung Quốc. Con át chủ bài còn lại của ĐCSTQ hiện nay là đẩy mọi trách nhiệm ra thế giới bên ngoài, cho rằng nguyên nhân là các nước [phương Tây] thúc đẩy tư duy Chiến tranh Lạnh.
ĐCSTQ bây giờ cần kích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa mù quáng để gia cố chế độ độc tài, do đó chắc chắn sẽ kéo dài xu thế kích động tình cảm cực đoan chống phương Tây và chống Mỹ. Cách tiếp cận này có thể nói là lấy oán báo ân, động cơ bỉ ổi.
Như chúng ta đã biết, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu, đặc biệt là Mỹ, đã tích cực ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập cộng đồng quốc tế, hy vọng bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế sẽ giúp Trung Quốc văn minh hơn [qua đó có thể thay đổi thể chế chính trị]. ĐCSTQ cũng không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quan hệ tốt với phương Tây, mục đích của họ nhằm tìm kiếm lợi ích kinh tế cùng chính trị, qua đó hấp thụ nguồn vốn và công nghệ từ các nước giàu có.
Nhưng giờ đây thì tình hình ngược lại, ĐCSTQ đã lợi dụng nguồn vốn và công nghệ mới thu được từ thế giới phương Tây để đe dọa cộng đồng quốc tế, không ngừng thúc đẩy phá hoại trật tự quốc tế. ĐCSTQ hiện tại không ngừng tận dụng các quỹ phương Tây và tiền kiếm được từ các xã hội phương Tây để phá hủy các giá trị và lối sống của các xã hội phương Tây; cũng sử dụng nền dân chủ, tự do và nhân quyền của nhiều nước để phá hủy nền dân chủ, tự do và nhân quyền tại các nước đó; ĐCSTQ còn sử dụng công nghệ tiên tiến tiếp thu từ phương Tây để kiểm soát các mắt xích then chốt nhằm thống trị trật tự thế giới.
Ở eo biển Đài Loan, thỉnh thoảng ĐCSTQ lại phô trương cơ bắp; ở Biển Đông họ đã sử dụng cái gọi là “đường chín đoạn” để đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý không có cơ sở; sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế ra phán quyết ĐCSTQ vẫn tiếp tục chiếm giữ lãnh hải và đảo của Philippines, thậm chí còn trục xuất tàu tiếp tế của Philippines. Những hành vi này thực chất không khác gì bọn côn đồ hoạt động trên phạm vi quốc tế. Có thể nói, ĐCSTQ hoàn toàn không tương xứng với cái gọi là Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn thường được khoe khoang.
Những năm gần đây, ĐCSTQ thường xuyên liên lạc với một số chế độ bất hảo về các vấn đề quốc tế. Sự hỗ trợ lâu dài cho các chế độ bất hảo như Bắc Triều Tiên, Taliban và Iran là hoàn toàn bất chấp thể diện trong tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, điều đó đủ khiến những người tử tế phải chau mày thở dài. Kinh khủng hơn, hai năm qua ĐCSTQ còn ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine và mơ hồ về cuộc tấn công của Israel chống khủng bố Hamas, về bản chất đã ngầm ủng hộ Hamas, thậm chí còn tiếp đón nhà độc tài Assad của Syria theo quy cách cao – những động thái đó khiến thế giới văn minh không thể tin tưởng vào ĐCSTQ.
Hiện tại dường như ĐCSTQ đã trở thành ông trùm của các chế độ bất hảo toàn trị, do đó mới ủng hộ sự xâm lược của Nga, cấu kết với Taliban, che chở Triều Tiên, chào đón Assad và ủng hộ Hamas như đã đề cập ở trên.
Chính sách “ngoại giao chiến lang” của ĐCSTQ thể hiện trước cộng đồng quốc tế qua việc ứng xử thiếu nhất quán trong lời nói và hành động, trơ trẽn khoe mẽ cực độ… khiến những người Trung Quốc thiện lương phải xấu hổ thay. Nếu Trung Quốc không có diện tích lớn, thêm vào cải cách và mở cửa trong vài thập kỷ qua giúp Trung Quốc xác lập được vai trò không thể thiếu trong chuỗi logistics quốc tế, cộng thêm phát triển của khoa học công nghệ và sức mạnh quân sự, thì khó có thể có đất nước văn minh nào tôn trọng một quốc gia có chế độ như vậy. Nhưng giờ đây thái độ lịch sự và tôn trọng đó rõ ràng ngày càng trở nên mang tính hình thức, thuần túy chỉ là nghi thức xã giao quốc tế.
Trong vài năm qua, đi cùng bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều vấn đề, các chính sách chống dịch bệnh của ĐCSTQ không thể thoát khỏi nghi ngờ của người dân, thêm vào những vấn đề nhân quyền trong quản lý Tân Cương và tùy tiện phá bỏ chính sách “một nước hai thể chế” áp dụng ở Hồng Kông… thì ánh mắt của thế giới phương Tây về ĐCSTQ dần chuyển sang tiêu cực. Các nước trên thế giới ngày càng cảnh giác trước tham vọng bá quyền của ĐCSTQ và nhận thấy những nguy hại mà ĐCSTQ đã gây ra cho trật tự quốc tế.
Xã hội phương Tây do Mỹ lãnh đạo đã đi từ chỗ thiếu cảnh giác và không phòng thủ, thì đến nay đã nhìn thấu rõ ràng những tham vọng và ý định của Trung Quốc.
ĐCSTQ cũng cho rằng họ có đủ sức mạnh để triển khai những con át chủ bài, vì vậy trong 10 năm qua dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã thay đổi nguyên tắc “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình chủ trương, qua đó không ngừng thể hiện ý đồ làm bá quyền: Đối nội thì ngày càng gia tăng cai trị bạo lực, đối ngoại ngày càng kiêu ngạo, lời nói và hành động thường không nhất quán, đằng sau những lời nói ra vẻ cao thượng là hành vi vô cùng hèn hạ.
Khi cộng đồng quốc tế không còn ảo tưởng về Trung Quốc, ĐCSTQ chỉ còn cách tăng cường tuyên truyền chính trị trong nước chống phương Tây, đặc biệt là chống Mỹ, mục tiêu là thúc đẩy thứ chủ nghĩa dân tộc đầy hẹp hòi thiển cận, thậm chí thúc đẩy tình cảm của chủ nghĩa sô-vanh mù quáng trong người dân Trung Quốc – ĐCSTQ dường như đã bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn này và không thể tự thoát ra được.
Mặc dù ĐCSTQ không ngừng khoe khoang về họ, rằng họ là thành viên mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế, rằng họ sẽ luôn đứng về phía công lý và lẽ phải lịch sử, nhưng hãy xem biểu hiện bá đạo của họ ở trong nước và Hồng Kông thì rõ bản chất như thế nào: Không tuân thủ các hiệp định quốc tế, không hành động phù hợp với cam kết mà chính họ xây dựng cho người dân [như hiệp ước với Anh liên quan cam kết ‘một nước hai thể chế’ tại Hồng Kông].
Trong một trật tự quốc tế với đầy những yếu tố bất ổn phát triển như vậy, đặc biệt liên quan ĐCSTQ, làm sao Mỹ và xã hội phương Tây có thể không thiết lập hệ thống phòng thủ chống lại ĐCSTQ ở khắp mọi nơi? Bề ngoài thì thế giới văn minh vẫn cần kết bạn, làm ăn, tiếp tục thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhưng ĐCSTQ đã cho họ thấy rõ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hay cường quốc thứ hai thế giới Trung Quốc không có sức mạnh mềm gì khiến thế giới ngưỡng mộ và noi theo.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Xã hội Trung Quốc ĐCSTQ Chính trị Trung Quốc Chủ nghĩa dân tộc Chủ nghĩa dân tộc cực đoan