Blog: Jack Ma và Tập Cận Bình đều thờ sai ‘thần’
- Ngô Quốc Quang
- •
Trong bối cảnh thuốc giả đang tràn lan ở Trung Quốc, đột nhiên xuất hiện một loại thuốc thần kỳ được cho là có thể thúc đẩy nền kinh tế nước này. Phương thuốc này không phức tạp, chỉ đơn giản là ‘dược phẩm’ Tập Cận Bình trộn với ‘dược phẩm’ Jack Ma. Cụ thể là nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức một hội nghị với các doanh nhân tư nhân.

Sáng ngày 17/2, những người quyền lực và giàu có nhất Trung Quốc bắt tay nhau vui vẻ chuyện trò tại Đại lễ đường Nhân dân: người có tiền thể hiện tâm tình, kẻ có quyền nói lời răn dạy. Một số chuyên gia “nhân tình thế thái” hiểu về quyền lực và tiền bạc chỉ ra rằng: nhà cầm quyền Trung Quốc đã có “điều chỉnh lớn”, “lập trường chính sách đã hoàn toàn đảo ngược”, các công ty và nhà đầu tư đã tin tưởng hơn vào Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc sắp thịnh vượng trở lại!
Hóa ra sự thịnh vượng kinh tế lại dễ dàng đạt được đến thế! Nếu hàng tháng Tập Cận Bình lại tổ chức một hội nghị như vậy thì chỉ cần trong vòng một năm, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể phát triển thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đúng không!? Nếu Jack Ma trở thành phó tướng của Tập Cận Bình thì mọi công dân Trung Quốc đều có thể trở nên giàu có, đúng không? Với chuyện tốt như vậy, rốt cuộc các chuyên gia có ý định ích kỷ hay xấu xa gì mà không chịu nêu ý kiến tư vấn sớm hơn?
Người quyền lực nhất và người giàu có nhất thì khó ‘chung mâm’
Bất kỳ ai có một chút trí nhớ đều biết rằng loại thuốc thần kỳ này thực chất không phải là sản phẩm của những đột phá công nghệ gần đây, hay sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Trong hơn một thập kỷ qua, loại hội đàm như vậy đã được tổ chức không chỉ một lần. Như sự kiện được tổ chức vào ngày 21/7/2020, Tập Cận Bình có bài phát biểu cam kết “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nhân theo pháp luật”. Sự kiện khác được tổ chức trước đó vào ngày 1/11/2018 do Tập Cận Bình chủ trì, những người tham dự và phát biểu đều là doanh nhân tư nhân. Những tin chính thức khi đó cho hay, trong vòng chưa đầy 40 ngày trước cuộc gặp, từ chuyến thăm đông bắc Trung Quốc đến cuộc họp tại Bắc Kinh, đã cho thấy ông Tập Cận Bình ít nhất 5 lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, cung cấp cho họ các quyền và chính sách…- theo đó ào ào thông tin chỉ ra hội nghị “gửi tín hiệu mạnh mẽ” để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và sự thịnh vượng kinh tế.
Thậm chí trước đó sớm hơn nữa đã có màn ‘pha chế’ oanh liệt, đó là Tập Cận Bình + Jack Ma + ‘dược phẩm tăng cường’ các doanh nhân hàng đầu của Mỹ – lúc đó là tháng 9/2015 ở Seattle. Không chỉ Jack Ma được trao cơ hội phát biểu mà Tập Cận Bình cũng đặc biệt nhắc đến “Alibaba mở cửa ra”. Chúng ta thấy đấy, không thể thực sự trách các chuyên gia vì đã không nói cho chúng ta biết sớm hơn, vì những phiên bản tương tự của loại thuốc kỳ diệu này đã được sử dụng từ lâu.
Hiệu quả đạt được như thế nào? Điều này xin để độc giả tự đánh giá, vì cảm nhận và ký ức của mỗi người về tình hình kinh tế Trung Quốc kể từ năm 2015 có thể rất khác nhau. Đừng nói người ngoài cuộc, ngay cả cảm xúc và ký ức của người trong cuộc như Tập Cận Bình và Jack Ma về vấn đề này có thể rất khác nhau. Nhiều người có thể nghĩ rằng mọi thứ có thể giải quyết được với những người quyền lực nhất và giàu có nhất? Nhưng nếu nghĩ thế là không biết rằng người quyền lực nhất và người giàu có nhất không thể chung sống hòa thuận. Tại sao? Chẳng phải người quyền lực nhất thường ca tụng săn đón những người giàu có, còn người giàu cũng thường bày tỏ lòng trung thành với những người có quyền lực sao? Thật không may, e rằng tất cả chỉ là những thủ tục xã giao chót lưỡi đầu môi với nhau. Theo góc nhìn này, ngay cả khi Tập Cận Bình hàng ngày tổ chức hội đàm với các doanh nghiệp tư nhân, và ngay cả khi Jack Ma đột nhiên được thăng chức làm phó tướng của Tập Cận Bình, thì có vẻ như cũng rất khó để họ hợp tác tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, phải không?
Một nền kinh tế do chính trị chỉ huy chắc chắn vô vọng
Vấn đề cốt lõi là gì? Tôi chỉ nói những gì tôi biết với tư cách là một người nghiên cứu chính trị. Trước hết, nếu Jack Ma trở thành phó tướng của Tập Cận Bình, tôi không nghĩ cuộc sống của ông ấy sẽ tốt hơn. Trường hợp Đặng Tiểu Bình bổ nhiệm Dung Nghị Nhân (Rong Yiren) làm Phó Chủ tịch nước là thời điểm kinh tế Trung Quốc phát triển quả thực rất tốt, nhưng được biết gia tộc họ Dung đã trốn khỏi Trung Quốc? Vương Kỳ Sơn tự xem mình là “phát ngôn viên” của Tập Cận Bình, hàm ý Tập Cận Bình không thể phát biểu nếu không có Vương – và thực tế Vương có những đóng góp to lớn cho việc thiết lập quyền lực tối cao của Tập Cận Bình. Chuyện gì đã xảy ra sau khi Vương trở thành phó tướng [Phó Chủ tịch nước] của Tập? Không những ông ta không có quyền lực mà dường như còn có rất ít tự do cá nhân. Có thể kể thêm câu chuyện trước đó: Lưu Thiếu Kỳ là Chủ tịch nước, nhưng ông ta không phải đã chết trong tủi nhục sao? Từ những bài học lịch sử đó, điều gì sẽ xảy ra ngay cả khi Jack Ma trở thành phó chủ tịch nước?
Thứ hai, nếu Tập Cận Bình không ngừng tổ chức hội nghị cùng doanh nghiệp tư nhân, và các doanh nhân tư nhân háo hức bắt tay, phát biểu và chụp ảnh với Tập Cận Bình, tôi nghĩ tình hình đó còn đáng sợ hơn, bởi vì điều đó có nghĩa là không còn doanh nghiệp tư nhân thực sự nào ở Trung Quốc nữa. Cái gọi là doanh nghiệp tư nhân chẳng qua chỉ là những con chó săn của chính phủ, không phải là bên tạo ra xu hướng nhu cầu trên thị trường. Phải biết rằng khả năng tạo ra của cải của các doanh nghiệp tư nhân gắn liền với các yếu tố như quyền tự chủ, tự do, cạnh tranh và pháp quyền, những điều này chỉ có thể được chứng minh trong cơ chế thị trường. Nếu giết cơ chế thị trường qua việc tước đoạt tự chủ và tự do của người ta, khiến người ta vâng phục theo chỉ đạo của kẻ khác, nghĩa là thượng tôn quyền lực, đặc biệt là quyền lực chuyên chế chính trị, cho rằng chính phủ nắm giữ quyền lực chính trị là nắm giữ phép thuật để làm cho nền kinh tế thịnh vượng, nếu không có phép thuật này thì chỉ vì quyền lực của chính phủ không đủ lớn, đủ mạnh hoặc đủ chuyên quyền. Quan điểm đó là hoàn toàn trái logic cơ bản. Nếu chỉ hô khẩu hiệu muốn làm cho hệ thống lớn mạnh hơn mà không hiểu yếu tố cấu trúc [của phát triển] đó, vậy thì hãy tưởng tượng rằng nếu tất cả các công ty tư nhân được sáp nhập thành một, và người nắm giữ quyền lực chính trị cao nhất được bầu làm người đứng đầu khiến công ty trở thành doanh nghiệp tư nhân của người đó, thì liệu điều đó có thể cải thiện nền kinh tế của một quốc gia không?
Trên đời này không có loại thuốc thần nào cả, thuốc có thể chữa khỏi bệnh hay không phụ thuộc vào việc có dùng đúng thuốc hay không. Tập Cận Bình cho rằng việc gọi Jack Ma trở lại tạo hình ảnh trước công chúng sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc hồi sinh và nền kinh tế sẽ phục hồi, như thế là ‘thần hóa’ Jack Ma? Hay Jack Ma nghĩ rằng Tập Cận Bình đã cho ông ta thể diện, ông ta vì thế mà nghe và làm theo những điều vô nghĩa, vậy thì chính trị của Trung Quốc sẽ có lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và lòng tin của thị trường sẽ cao, như thế là ‘thần hóa’ Tập Cận Bình?
Nói thẳng, cả hai đều không phải là thần và đều tôn thờ sai thần! Tập Cận Bình và chính quyền Trung Quốc nên thành kính tôn vinh vị ‘thần thị trường’, khôi phục tự do và pháp trị cho thị trường, khôi phục quyền tự chủ và cạnh tranh cho các chủ thể thị trường; Jack Ma và các doanh nhân Trung Quốc nên thành tâm tôn thờ vị ‘thần dân chủ’, thúc đẩy cơ chế quyền lực tôn vinh tự chủ và pháp trị để kiềm chế tình trạng lạm dụng quyền lực. Làm được như vậy, Trung Quốc sẽ không cần bất kỳ “điều chỉnh đường lối lớn” hay “đảo ngược lập trường chính sách” nào của chính quyền, niềm tin kinh tế của người dân có thể được ổn định kỳ vọng, các doanh nhân sẽ không bao giờ phải sống trong lo sợ, như vậy mới có triển vọng phát triển bền vững.
Từ khóa Tập Cận Bình kinh tế Trung quốc Jack Ma
