Kinh tế Trung Quốc đang suy thoái và rơi vào tình trạng khó khăn như rút vốn nước ngoài, nhu cầu trong nước yếu, giảm phát và làn sóng thất nghiệp… Trong hình thế đó, hôm 17/2 lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp tư nhân, những người tham dự bao gồm các doanh nhân nổi tiếng như Jack Ma, Nhậm Chính Phi, Lôi Quân và Lương Văn Phong… Có phân tích cho rằng ông Tập đã ‘đến đường cùng’, nên ‘cúi đầu sửa lỗi’ đối với Jack Ma – người vốn từng bị ĐCSTQ thanh trừng trước đây.

shutterstock 1404202517
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tổ chức một diễn đàn doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh vào sáng ngày 17/2, những người được mời tham dự bao gồm người sáng lập Alibaba Jack Ma khiến công luận bất ngờ. (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/Shutterstock)

Nhân vật nổi bật tham dự

Tại Bắc Kinh vào sáng ngày 17/2, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị với giới doanh nhân tư nhân Trung Quốc. Tham dự hội nghị còn có Thủ tướng Lý Cường, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Từ hình ảnh tin tức của CCTV có thể thấy ở hàng ghế đầu tiên có người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, người sáng lập Alibaba Jack Ma, chủ tịch Xiaomi Lôi Quân, người sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong, và nhân vật hàng đầu ngành chip Trung Quốc là Chủ tịch Công ty bán dẫn Weil Thượng Hải Ngu Nhân Vinh (Yu Renrong).

Trước đó, Reuters đã đưa tin về hội nghị này và phân tích rằng ông Tập Cận Bình đang nỗ lực để thúc đẩy các công ty Trung Quốc mở rộng kinh doanh quốc tế. Tờ SCMP đưa tin, dự kiến sẽ có 20 – 30 nhà sáng lập và CEO của những hãng công nghệ lớn Trung Quốc tham dự.

Rơi ‘vào đường cùng’

Nhà bình luận Chương Thiên Lượng (người Mỹ gốc Hoa) cho rằng việc có ông Jack Ma tham dự là bất ngờ. Năm 2020 sau khi ông này có bài phát biểu chỉ trích các nhà quản lý Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Quốc đã hủy đợt chào bán công khai ban đầu (IPO) của công ty Ant Financial (thuộc Tập đoàn Alibaba), sau đó Jack Ma ngày càng kín tiếng và chuyển đến Nhật Bản. Khi nền kinh tế Trung Quốc ngày càng suy thì ĐCSTQ từng mời Jack Ma trở lại, doanh nhân này đã xuất hiện lại vài lần, nhưng không đóng vai trò gì lớn trong việc thúc đẩy niềm tin của nền kinh tế.

“Lần này ông Tập Cận Bình mời Jack Ma trở lại có lẽ là một cách để xây dựng lại niềm tin của các doanh nhân tư nhân. Sự kiện này nhấn mạnh những thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng Mỹ-Trung”, ông Chương Thiên Lượng lưu ý.

Một nhà bình luận người Mỹ gốc Hoa khác, ông Thái Thận Khôn cho biết trong chương trình tự truyền thông rằng, “Từ việc ông Tập Cận Bình tổ chức hội nghị này có thể tưởng tượng được nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và thách thức. Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng đã gây ra tình hình căng thẳng hơn trong quan hệ Trung-Mỹ, trong khi tăng trưởng kinh tế trong nước yếu hơn và xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng bởi thuế quan của ông Trump”.

Nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn cho rằng, “Tập Cận Bình mở hội nghị này cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc đã ‘vào đường cùng’, vì vậy ông phải mời gọi lại Jack Ma. Điều này theo một cách nào đó là nhìn nhận lại vai trò của Jack Ma. Đây là thông lệ thường thấy trong lịch sử ĐCSTQ: Khi dùng nắm đấm sắt đánh bạn thì tuyên bố là thể hiện chuẩn mực của Đảng, sau đó phục hồi cho bạn thì tuyên bố là thể hiện anh minh bao dung của Đảng – dù cách nào cũng là Đảng đúng đắn!”.

Jack Ma là chú thích sống động nhất của “Na Tra 2”

Ông Đường Tĩnh Viễn bình luận, do “mối thù giang hồ” giữa ông Jack Ma và ông Tập trong những năm qua, nên Jack Ma đã trở thành “nhiệt kế” đo lường thực trạng các doanh nhân tư nhân Trung Quốc: “Jack Ma là một trong những chú thích sống động nhất của bộ phim Na Tra 2. Ngay cả một người giàu có và uy thế như Jack Ma mà cách đối xử của ĐCSTQ kiểu ‘không cần thì đá đi, cần thì nhặt lại’ – đúng là bỉ ổi!”.

Mọi người thử nghĩ xem, ngay cả mạng của ông Jack Ma cũng do Đảng quyết định, không phải do Trời, thậm chí miệng của ông này cũng bị Đảng quản lý chặt chẽ. Bây giờ liệu ông ta còn dám nói những lời anh hùng như trước, kiểu “Nếu ngân hàng không thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi ngân hàng?”

“Khi đó trong mắt ông Tập thì Jack Ma là mầm mống nguy hiểm, nghĩ rằng ông ta nay có thể thay đổi ‘ngân hàng túi tiền’ của Đảng, vậy thì mai có thể thay đổi chính tổ chức Đảng. Chính vì quan niệm đó mà Tập mới thanh trừng Jack Ma”, nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn nhận định.

Kinh tế Trung Quốc rệu rã, đầu tư nước ngoài bỏ chạy

Nhà bình luận Chương Thiên Lượng chỉ ra, ở Trung Quốc, nếu bất động sản sụp đổ sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của các ngân hàng. ĐCSTQ sẽ không để các ngân hàng sụp đổ, nhưng giá nhà giảm là quá trình giảm đòn bẩy tài chính. Trong làn sóng đại suy thoái bất động sản, những nhóm thu lợi ích kể từ khi cải cách là các doanh nhân tư nhân cùng tầng lớp trung lưu Trung Quốc đều nhanh chóng rơi vào tình trạng bốc hơi tài sản.

Một sự kiện điển hình làm nổi rõ thực trạng kinh tế Trung Quốc phải kể vụ việc gần đây, một công ty nước ngoài đã từ bỏ tòa nhà văn phòng mà họ mua ở Thượng Hải. Theo Bloomberg, một quỹ thuộc sở hữu của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock đã giao tài sản đó cho Standard Chartered sau khi quyết định không hoàn trả khoản vay cho dự án tòa nhà văn phòng ở Thượng Hải. Quỹ BlackRock vào năm 2018 đã mua 2 tòa nhà ở trung tâm tài chính Thượng Hải là Riverside International Plaza, với khoản vay khoảng 780 triệu RMB. BlackRock đã tìm cách bán lại với giá thấp hơn 30% so với giá mua, nhưng không thể bán được.

Để tưởng tượng tầm vóc của BlackRock, hãy hình dung quy mô quản lý của công ty này bằng gần 70% GDP của Trung Quốc: Quy mô tài sản do BlackRock quản lý là 11,5 nghìn tỷ USD, trong khi GDP hàng năm của Trung Quốc là khoảng 15 nghìn tỷ USD.

Ông Chương Thiên Lượng nói, “Ngay cả một công ty có nguồn lực như BlackRock cũng ‘bỏ của chạy lấy người’, có thể tưởng tượng nền kinh tế Trung Quốc tồi tệ đến mức nào”.

Một trường hợp khác như công ty Vanke – một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Trung Quốc – tình hình lỗ đã lập kỷ lục là 62 nghìn tỷ USD, hiện ĐCSTQ đang chuẩn  bị dùng 6,8 tỷ USD để tiếp quản.

Với sự sụp đổ của thị trường, thiệt hại tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đã lên tới 18 nghìn tỷ USD. Giá nhà đã giảm 30% so với mức đỉnh vào năm 2021, theo đó đóng góp của bất động sản cho nền kinh tế đã giảm từ 24% xuống còn 19%. Năm ngoái, đến 70% doanh thu là nhờ bán cho các công ty nhà nước, bởi vì đơn giản là tư nhân không có khả năng mua. Vì vậy, trước những dữ liệu kinh tế nghiêm trọng đó mới khiến “Tập Cận Bình phải cúi đầu”.

Nhà bình luận Thái Thận Khôn cho biết, toàn bộ các lãnh vực của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua đều tăng tốc thụt lùi, bất kể trong lĩnh vực chính trị, kinh tế hay văn hóa xã hội. Năm 2018, ông Tập Cận Bình đã mạnh tay sửa đổi Hiến pháp hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo tối cao, cung cấp sự bảo đảm pháp lý cho sự tập trung quyền lực và sùng bái cá nhân. Việc ông tái đắc cử tại Đại hội 20 đã phá thông lệ được ĐCSTQ thực hiện vài thập kỷ qua: nhà lãnh đạo tối cao ĐCSTQ không được vượt quá 2 nhiệm kỳ. Những biện pháp của ông Tập về mặt kinh tế là hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước ngày càng mạnh hơn, tình trạng đó đã ảnh hưởng đến tất cả các ngành cạnh tranh trên thị trường, làm nền kinh tế tư nhân Trung Quốc suy thoái. Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt biện pháp giải cứu, nhưng phản ứng của thị trường đều theo kiểu ‘tia chớp vụt qua’.

“Những lãnh đạo như Lý Cường, Đinh Tiết Tường là người không biết gì về kinh tế nên không thể tìm ra hướng đi. Vì vậy lần này chính Tập Cận Bình đích thân vào cuộc, đích thân ra cuộc họp”, ông Thái Thận Khôn nhận định.

Khó đoán phúc hay họa đối với Jack Ma

Về triển vọng của nhân vật đáng chú ý nhất là Jack Ma, ông Thái Thận Khôn cho biết khó đoán là phúc hay họa đối với doanh nhân này, bây giờ không ai biết những nguy hiểm tiềm ẩn. Nếu ông Jack Ma một lần nữa mạo phạm chính quyền trung ương hoặc mạo phạm ông Tập, e rằng lần sau ông ta sẽ không dễ dàng ra nước ngoài.

Ông Thái Thận Khôn nói: “Lần này Jack Ma được mời, tôi tin rằng trong quá trình này Jack Ma sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với vốn chủ sở hữu của Ant Financial cho đến vốn chủ sở hữu của Alibaba, ông ta sẽ thực hiện một số điều chỉnh, loại bỏ những người không còn cần thiết để thay vào một số ‘quyền quý mới’ tiếp quản – đó là những người có thể làm hậu trường [bệ đỡ chính trị] cho ông ta”.

Tuy nhiên, không ai biết tình hình chính trị ở Trung Quốc cuối cùng sẽ thay đổi như thế nào, nhiều khi có thể thay đổi nhanh chóng. Ngay cả những người thân tín của ông Tập cũng bị thanh trừng. Vậy thì ông Jack Ma và những người được gọi là ‘quyền quý mới’ có khi lại đấu nhau kịch liệt, tình cảnh đó là điều rất khó lường. Vở kích lần này hãy xem bước tiếp theo của Jack Ma sẽ đi đâu và đi được bao xa.

Lý Tịnh Dao, Vision Times