Blog: Mong muốn “sống sót” của người Trung Quốc trong năm Ất Tỵ 2025
- Lâm Phi
- •
Người dân Trung Quốc không còn hy vọng vào tự do hay dân chủ nữa, họ chỉ hy vọng có thể sống sót trong năm mới. Đối với người Trung Quốc ở thế kỷ 21, “cu li” gần như đã trở thành từ đồng nghĩa với họ, như thể họ đã quay trở lại thời kỳ thuộc địa ở thế kỷ 19.
Kể từ năm 1978, có lẽ chưa năm nào người dân Trung Quốc lại cảm thấy tuyệt vọng như năm 2025. Họ phải bất đắc dĩ chờ đợi một năm tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Đây dường như mới là cảm xúc chân thật của người dân trong đêm giao thừa Dương lịch 2024-2025.
Sự suy thoái xã hội này có thể được nhìn thấy trên những con phố vắng vẻ ở các thành phố lớn và trong các bài phát biểu đầu năm của nhà lãnh đạo Trung Quốc vào đêm giao thừa Dương lịch.
Bài phát biểu năm mới của ông Tập Cận Bình mang ý nghĩa “tự từ biệt”
Điều rất hiếm là bối cảnh ghi âm bài phát biểu này cho thấy, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời văn phòng và tìm một nơi khác để ghi âm bài phát biểu, dường như đó là lời chia tay với chính mình. Giọng điệu của bài phát biểu cũng khiêm tốn một cách bất thường.
Ông Tập không chỉ dành nhiều thời gian để nói về sinh kế của người dân, mà còn hiếm khi đề cập đến “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, và không còn sử dụng những khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa trống rỗng để truyền cảm hứng.
Có thể nói, người lãnh đạo ở trung tâm đảo thông tin cuối cùng cũng nhận ra sự khó khăn trong sinh kế của người dân trong 2 năm sau dịch Covid-19 và trong mùa đông lạnh giá khi cuộc đại suy thoái bắt đầu. Ông khó có thể tiếp tục chơi trò chơi chủ nghĩa dân tộc.
Hiện nay rất giống với trước cuộc đảo chính tháng 10/1976
Đối với công chúng, bản thân việc sống sót đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng tạo nên sắc thái xã hội của năm 2025.
Trên taxi hoặc ô tô gọi xe trực tuyến ở Bắc Kinh, ngày càng nhiều tài xế biết rằng trên ô tô có hệ thống giám sát âm thanh và video theo thời gian thực, nhưng họ vẫn chớp lấy cơ hội để chửi rủa chế độ độc tài chính trị hiện nay.
Trên khắp Trung Quốc, từ các quận nhỏ, lạc hậu đến các khu vực phát triển, sự bất mãn lan rộng này gần như đã trở thành điều bình thường mới, rất giống với tình hình trước cuộc đảo chính tháng 10/1976. Giữa sự bất mãn và oán giận lan rộng, người dân dường như đã tìm lại được ý thức trở thành chủ thể chính trị của mình.
Tất nhiên, điều này sẽ không kéo dài. Suy cho cùng, khi một cuộc Đại suy thoái chắc chắn xảy đến, chỉ riêng nạn đói và nỗi tuyệt vọng cũng có thể quét sạch mọi sự bất mãn.
Hơn nữa, tất cả những người phát ngôn của nhân dân, từ nhà báo đến trí thức, đều đã bị loại bỏ từ lâu. Sự sụp đổ của nhóm người gánh vác trách nhiệm cộng đồng này hoàn toàn giống với sự sụp đổ của giai cấp công nhân trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước những năm 1990.
Vì vậy, khi năm Ất Tỵ 2025 đến, việc nói về những hy vọng và tầm nhìn của người dân Trung Quốc có vẻ là điều quá đỗi xa vời.
Điều mọi người quan tâm nhất là làm thế nào để có được thuốc gốc nước ngoài từ chợ đen hoặc thông qua bảo hiểm y tế thương mại, sau khi tất cả thuốc gốc nước ngoài đã rút khỏi hệ thống mua sắm tập trung bảo hiểm y tế của Trung Quốc từ ngày 1/1/2025.
Việc tách thị trường dược phẩm khỏi thuốc gốc nước ngoài đã phá hủy hoàn toàn niềm tin cuối cùng của tầng lớp trung lưu vào mô hình Trung Quốc, buộc họ phải lựa chọn các gói bảo hiểm y tế thương mại đắt tiền bao gồm thuốc gốc. Điều này sẽ làm giảm nghiêm trọng mức sống của tầng lớp trung lưu, đẩy nhanh tình trạng giảm phát ở Trung Quốc.
Người dân không còn hy vọng vào tự do, dân chủ, chỉ mong sống sót trong năm mới
Ngoài ra, hầu hết mọi vấn đề đều liên quan đến lao động và việc làm, một vấn nạn trong bối cảnh Trung Quốc ngày nay. Người dân không còn hy vọng vào tự do hay dân chủ nữa, họ chỉ hy vọng có thể sống sót trong năm mới.
Đối với người Trung Quốc ở thế kỷ 21, “cu li” gần như đã trở thành từ đồng nghĩa với họ, như thể họ đã quay trở lại thời kỳ thuộc địa ở thế kỷ 19.
Hầu hết tất cả các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hiện đang theo đuổi mục tiêu giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận. Gánh nặng an sinh xã hội gia tăng đã khiến các doanh nghiệp tư nhân khó tiếp tục hoạt động, đồng thời cũng cho phép các doanh nghiệp nhà nước tăng thêm tỷ lệ điều động công nhân và làm giảm mức lương.
Môi trường lao động khắc nghiệt này được hệ tư tưởng của giới chức giải thích là “năng suất mới do AI thay thế lao động chân tay”, thậm chí còn được những người theo chủ nghĩa tự do Mỹ bảo vệ. Giới chức hoàn toàn phớt lờ thực tế rằng chính sách công nghiệp của Trung Quốc đang tạo ra tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng và điều kiện làm việc tồi tệ hơn.
60 triệu phụ nữ Trung Quốc kiếm sống từ ngành công nghiệp tình dục
Điều tồi tệ hơn là ngoài những người trung niên sắp về hưu run rẩy trước “chế độ hưu trí linh hoạt” được triển khai trong năm nay, thì người khốn khổ nhất lại là những phụ nữ đang đi làm.
Họ phải chịu đựng thực tế rằng so với nam giới, họ có số giờ lao động không công gấp 2,39 lần và số giờ lao động được trả lương hàng ngày ngắn hơn nam giới 1,17 giờ. Họ cũng phải gánh chịu nhiều bạo lực gia đình và trách nhiệm nuôi dạy con cái hơn, chưa kể tình trạng phân biệt giới tính tràn lan ở nơi làm việc.
Từ sự vắng mặt của phụ nữ trong Bộ Chính trị, đến chất lượng băng vệ sinh, đến những cuộc tranh luận của giới trí thức xung quanh quyền phụ nữ, mọi thứ đều chứa đầy sự khinh thường và căm ghét quyền phụ nữ.
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, phụ nữ Trung Quốc buộc phải tràn vào các ngành công nghiệp khiêu dâm khác nhau, thậm chí trực tiếp bước vào ngành công nghiệp tình dục. Con số này vượt quá 60 triệu người. Cùng với những người giao đồ ăn, họ đã trở thành lực lượng chính của “nhân sự việc làm linh hoạt” của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, họ vẫn phải đối mặt với sự đàn áp bạo lực của nhà nước bất cứ lúc nào, bao gồm cả các chiến dịch chống nội dung khiêu dâm hàng ngày, hoặc sự kỳ thị như với cựu vận động viên thể dục Ngô Liễu Phương (Wu Liufang). Đây chính là cuộc đàn áp nặng nề nhất đối với họ.
(Ngô Liễu Phương là nhà vô địch thể dục dụng cụ của Trung Quốc. Sau khi giải nghệ cô làm người dẫn chương trình ăn mặc gợi cảm trên mạng Internet, bị dư luận chỉ trích vì làm “ô nhục” quốc thể.)
Khi hoạt động “đánh bắt xa bờ” của giới chức Trung Quốc tấn công các doanh nhân một cách quyết liệt hơn, hy vọng duy nhất của họ là giới truyền thông và cảnh sát nới lỏng sự kiểm soát, vốn là chìa khóa cho sự sống còn của họ.
Cũng thông qua vô số những trường hợp như Ngô Liễu Phương, người dân bình thường và giới thượng lưu ở Trung Quốc đã nhận ra rằng bạo lực và sự kiểm soát từ nhà nước mới là nguồn gốc của nỗi thống khổ trong cuộc sống của người dân.
Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến năm 2024 vừa qua tràn ngập xung đột bạo lực. Hy vọng duy nhất của người dân, chỉ là có thể sinh tồn, hoặc có được một chút bình yên trong nội tâm.
Từ khóa Trung Quốc 2024 Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc