“Sự hỗn loạn băng vệ sinh” ở Trung Quốc: Lòng tin của người tiêu dùng sụp đổ
- Lâm Nãi Quyên
- •
“Sự hỗn loạn băng vệ sinh” ở Trung Quốc lan rộng từ tháng 11 và vẫn chưa dừng lại. Nhiều thương hiệu băng vệ sinh bị vạch trần vì những tuyên bố sai sự thật về độ dài, tiêu chuẩn quản lý quốc gia lỏng lẻo, thậm chí là nghi ngờ về chất liệu bông bẩn. Điều này đã khiến lòng tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng thiết yếu này bị sụp đổ, gây ra xu hướng “toàn dân đánh giá” và kêu gọi củng cố quản lý giám sát.
![BVS TQ](https://trithucvn2.net/wp-content/uploads/2024/12/BVS-TQ-1024x576.jpg)
Gần đây, nhiều thương hiệu băng vệ sinh Trung Quốc đã vi phạm tiêu chuẩn về độ dài và các vấn đề khác, thu hút sự chú ý rộng rãi. “Băng vệ sinh sụp đổ” đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên mạng xã hội Weibo, với hơn 170 triệu lượt xem.
Blogger giáo dục Phúc Kiến “Phòng Vạn sự thuần khiết“ đăng bài: “Đối với các sản phẩm dành cho phụ nữ, tôi thực sự cảm thấy môi trường kinh doanh doanh nghiệp của Trung Quốc quá thuận lợi, đến mức vô pháp vô thiên. Dù là nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chất lượng sản phẩm hay quan hệ công chúng đều rất lạ… Người bán đã bỏ rất nhiều công sức vào việc đóng gói, nhưng bàn tay giảm chi phí và tăng lợi nhuận của họ đang thò tay vào túi người tiêu dùng.”
Blogger “Y sơn tận vũ“ ở Cát Lâm chỉ trích: “Không có sự giám sát từ bên trên. Những nhà tư bản đó biết ngay rằng băng vệ sinh là một đại dương xanh, giá thành thấp và nhu cầu cao. Họ có thể bán được rất nhiều tiền chỉ bằng một vài tuyên bố của những người phụ nữ độc lập (KOL).”
Trang web dịch vụ khách hàng chính thức của thương hiệu nổi tiếng ABC được cho là đã phản hồi rằng “Nếu bạn cảm thấy không chấp nhận được, thì có thể không mua.” Điều này gây ra sự chỉ trích của dư luận. Người sáng lập ABC Đặng Cảnh Hoành đã phải công bố video xin lỗi công chúng vào ngày 22/11.
Tiêu chuẩn quy định quá rộng
Sau khi vấn đề về chất lượng của băng vệ sinh xuất hiện, một số người tiêu dùng nữ bắt đầu kiểm tra cẩn thận loại băng vệ sinh mà họ sử dụng. Mối quan tâm chính của họ bao gồm việc liệu các nhà sản xuất có cắt giảm chi phí và sử dụng “bông đen” chứa trứng côn trùng hay chất huỳnh quang hay không.
Một số kênh truyền thông đưa tin, trước đây người tiêu dùng đã tìm thấy kim tiêm và trứng côn trùng trong băng vệ sinh.
Các sản phẩm băng vệ sinh hiện được bán ở thị trường Trung Quốc chủ yếu phải tuân theo 2 tiêu chuẩn quốc gia. Một là tiêu chuẩn quốc gia được khuyến nghị thực hiện vào ngày 1/7/2019, quy định độ sai số chiều dài, tốc độ hút nước và độ pH của băng vệ sinh, nhận dạng bao bì và bán hàng.
Hai là tiêu chuẩn vệ sinh đối với sản phẩm vệ sinh dùng một lần được thực hiện vào ngày 1/9/2002. Đây là tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc, chủ yếu liên quan đến các điều kiện khử trùng của môi trường sản xuất, yêu cầu thí nghiệm độc tính, v.v.
Một số người tiêu dùng chỉ trích những chuẩn này quá rộng. Ví dụ: các tiêu chuẩn quốc gia được khuyến nghị cho phép phạm vi sai số độ dài của băng vệ sinh là cộng hoặc trừ 4%, và giá trị pH của băng vệ sinh nằm trong khoảng từ 4,0 – 9,0, giống với tiêu chuẩn hàng dệt loại C như rèm cửa, tức “quần áo không tiếp xúc trực tiếp với da”. Giá trị pH của đồ dệt dành cho trẻ em thuộc loại A, trong khi vải dệt tiếp xúc trực tiếp với da là loại B.
Vấn đề chất lượng băng vệ sinh đã nhiều lần bị vạch trần. Vì sao lần này dư luận lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy?
Bà Royi, người sáng lập thương hiệu băng vệ sinh “Riding Pink” có trụ sở tại Quảng Đông, đã nổi giận vì “sự hỗn loạn của băng vệ sinh”.
Trả lời câu hỏi của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) bằng văn bản, bà nói: “Theo tôi được biết từ đại lý, các nhà cung cấp nguyên liệu băng vệ sinh nội địa là độc quyền. Nhưng thương nhân có thể lựa chọn sử dụng nguyên liệu giá rẻ hoặc giá cao tùy theo lương tâm của mình. Vấn đề về độ dài của băng vệ sinh có thể được giải quyết bằng cách chi tiền cho việc đúc khuôn, nhưng chi phí sẽ tăng lên. Điều này không phải là không thể làm được, chỉ là do vấn đề chi phí và lợi nhuận.”
Bà nói rằng đây không phải là lần đầu tiên vấn đề về chất lượng băng vệ sinh của Trung Quốc bị vạch trần. Nguyên nhân chính dẫn đến phản ứng dữ dội lần này trước hết là do hàng loạt vấn đề liên quan, đặc biệt là băng vệ sinh thương hiệu lớn quen thuộc trên thị trường đều kém chất lượng.
Thứ 2, sự lan truyền rộng rãi của mạng xã hội khiến sự bất mãn của người tiêu dùng nhanh chóng bị khuếch đại, tạo áp lực từ dư luận, khiến nhiều phụ nữ nhận thức được sự nguy hại của băng vệ sinh.
Thứ 3, vấn đề quyền của phụ nữ cũng đang được quan tâm nhiều hơn. Bà cho biết, qua so sánh sản phẩm, nhiều blogger nhận thấy, sản phẩm dành cho phụ nữ không chỉ bị cắt giảm, mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Đồng thời các sản phẩm cùng chủng loại còn đắt hơn sản phẩm dành cho nam giới, như sản phẩm bỉm trị tiểu không tự chủ dành cho nam giới không chỉ sử dụng vật liệu đầy đủ, mà còn có thiết kế thân thiện với người dùng hơn.
Bà Royi cho biết, 60% các công ty băng vệ sinh có thương hiệu đã tham gia soạn thảo tiêu chuẩn quốc gia, nhưng tất cả họ đều “tối đa hóa việc cắt giảm nguyên liệu” trong phạm vi tiêu chuẩn quốc gia, khiến người tiêu dùng tin rằng doanh nghiệp chỉ vì mục đích mưu lợi và hạ giá thành.
Bà Royi, người từng học ở Úc 5 năm, tin rằng trước những vấn đề thường xuyên xảy ra với những sản phẩm thiết yếu của phụ nữ ở Trung Quốc, bà hy vọng sẽ giám sát các sản phẩm của Úc. Bà bắt đầu tự mình sản xuất băng vệ sinh mà phụ nữ có thể mua được và yên tâm sử dụng. Bà nói: “Thị trường không thể thay đổi được, thì chúng ta tự thay đổi thị trường.”
Người tiêu dùng nữ cảm thấy bất lực trước “sự hỗn loạn của băng vệ sinh”
Cuộc phỏng vấn với phóng viên VOA cho thấy, một số người tiêu dùng cảm thấy bất lực trước “sự hỗn loạn của băng vệ sinh”.
Bà Phương, người sống ở Thượng Hải, từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nói thẳng rằng bà không quan tâm về diễn biến tiếp theo của “sự hỗn loạn băng vệ sinh”. Vì ở Trung Quốc, khi sự bất mãn của công chúng lên đến một mức nhất định, cơ quan công quyền địa phương sẽ ra tuyên bố có nội dung “đã bị điều tra nghiêm ngặt” hoặc “sẽ bị trừng phạt sau khi xác minh”.
Khi được hỏi liệu các nhà sản xuất băng vệ sinh có phải chịu trách nhiệm liên quan hay không, cô Trần bất lực nói rằng Trung Quốc khác với Đài Loan. Ở Đài Loan, các chủ thương hiệu, đại lý và thậm chí cả cơ quan quản lý của chính phủ sẽ đứng ra xin lỗi khi dư luận lên tiếng.
Bà Royi kêu gọi người tiêu dùng tăng cường nhận thức về bảo vệ quyền lợi, đưa ra kiến nghị thông qua “tiêu chuẩn quốc gia mới”, đồng thời lựa chọn những thương hiệu có tiêu chuẩn cao hơn và quan tâm hơn đến sức khỏe. Họ có thể dùng sức mua của mình để lên tiếng.
Mặt khác, cơ quan quản lý nên tăng cường rà soát nguyên liệu thô và quy trình sản xuất băng vệ sinh, cung cấp kết quả kiểm nghiệm sản phẩm từ các tổ chức có thẩm quyền, xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng thông qua việc công khai thông tin và áp dụng hình phạt rõ ràng đối với các nhà sản xuất vi phạm.
Truyền thông xã hội đã làm nảy sinh các hoạt động toàn dân đánh giá và “tiêu chuẩn quốc gia mới”.
Nhiều blogger trên mạng xã hội đang cố gắng “tự cứu mình” bằng những đánh giá tự phát, thậm chí còn đăng tải nhiều “danh sách đỏ và đen về các thương hiệu băng vệ sinh”.
Đánh giá trực tuyến phản ánh sự sụp đổ niềm tin
Một bài báo được tờ “Economic Observer” đăng ngày 30/11 cho biết, các sản phẩm hóa chất hàng ngày có tốc độ phát triển nhanh như băng vệ sinh luôn có khung tiêu chuẩn đánh giá so với các sản phẩm 3C có giá cao, cạnh tranh cao và được chú ý nhiều.
Bài báo cho biết: “Hiện tượng đánh giá băng vệ sinh trên Internet hiện nay phản ánh sự sụp đổ niềm tin, không phải là một hệ sinh thái thị trường bình thường.”
Một số người tiêu dùng đã cố gắng công bố “danh sách đỏ và đen về các thương hiệu băng vệ sinh tư nhân” thông qua đánh giá tự phát. Tuy nhiên, hầu như không có thương hiệu nào có thể được đưa vào “danh sách đỏ” (tức bảng vàng đạt tiêu chuẩn).
“Báo cáo phân tích ý kiến công chúng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Double 11 năm 2024″ do Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc công bố ngày 28/11 cho thấy, trong thời gian giám sát, thông tin tiêu cực về chất lượng sản phẩm tập trung vào là độ dài thực tế của nhiều thương hiệu băng vệ sinh ngắn hơn chiều dài ghi trên bao bì bên ngoài, đồng thời việc tiết lộ và thảo luận về nguyên liệu thô của sản phẩm đã khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi.
Một cuộc khảo sát đánh giá 24 mẫu băng vệ sinh do “The Paper” thực hiện cho thấy, những chiếc băng vệ sinh này đều đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhưng chỉ có 2 mẫu phù hợp với độ dài ghi trên bao bì, còn 88% không đủ chiều dài thực tế.
Từ khóa Băng vệ sinh Hàng hóa Trung Quốc Made in China
![](https://trithucvn2.net/wp-content/themes/trithucvn_v2/images/ajax-loader.gif)