Chỉ truyền thông độc lập mới mở cánh cửa đến sự thật
- Tống Tử Phụng
- •
Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, việc tiếp cận thông tin chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Các phương tiện như điện thoại di động, máy tính, báo hình, báo giấy… cung cấp lượng thông tin khổng lồ sẵn có. Nhưng những tiện lợi này không giúp cho thế giới chúng ta trở nên minh bạch và dễ dàng hơn. Trái lại, thông tin giả mạo cũng đan xen hỗn tạp khiến mọi người nhầm lẫn trong việc trao đổi thông tin hàng ngày và khiến thế giới trở nên phức tạp hơn. Trong một thời gian dài bùng nổ thông tin trực tuyến, dù đa số chúng ta không phải không nhận thức được về tính chất lợi hay hại của nó, nhưng nhận thức này là không đủ. Cho đến năm 2020, do bùng phát một loại dịch bệnh mà mọi thứ bắt đầu thay đổi.
Thông tin giả tràn ngập thế giới thật
Từ khi loại virus gây dịch bệnh lan ra từ Vũ Hán, sau đó trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu tình hình và virus đã lây lan qua hơn 100 nước trên khắp thế giới, khiến bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, hàng chục triệu người nhiễm bệnh và hơn 500.000 người tử vong. Trung Quốc Đại Lục là nguồn dịch bệnh, mặc dù dữ liệu dịch bệnh đầy mờ ám, nhưng dữ liệu liên quan khác đủ để khiến mọi người cảm thấy phẫn nộ: 20 triệu số điện thoại di động Trung Quốc Đại Lục bị biến mất trong trận dịch, chỉ trong thời gian chưa đầy hai tuần trước Lễ Thanh minh mà 7 nhà tang lễ ở Vũ Hán đã phát ra hơn 40.000 lọ tro cốt, 84 lò hỏa thiêu trong toàn thành phố Vũ Hán đã hoạt động 24 giờ mỗi ngày, tính mỗi tháng hỏa táng gần 50.000 thi thể…, những thông tin này đã phác họa cho chúng ta một “lỗ đen khổng lồ” trong dữ liệu về số người thiệt mạng do dịch bệnh tại Trung Quốc Đại Lục.
Điều kỳ lạ là khi các sự kiện thực tế xảy ra lồ lộ trước mắt mọi người thì vô số thông tin trái ngược với sự thật cũng xuất hiện trên các tổ chức truyền thông và nền tảng trực tuyến. Trong các mô tả về những thông điệp này, ĐCSTQ đã thay đổi từ vai trò kẻ lây lan virus giết hại loài người thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh: virus xuất phát từ Vũ Hán lan ra bị biến thành từ Mỹ, Nhật Bản hoặc Ý; từ trò chơi chính trị bất chấp sinh mạng người dân trở thành kết quả tuyệt vời của nước lớn chống đại dịch…
Thông tin giả mạo đã mở đường cho virus viêm phổi Vũ Hán (coronavirus mới, COVID-19), thông tin giả mạo đã giúp ĐCSTQ rũ bỏ trách nhiệm gây thảm họa, và thông tin giả mạo lan ra ngoài “tường thành quốc gia” ngập tràn trong những xã hội tự do. Chính dịch bệnh này giúp mọi người chợt tỉnh: dù trong thời đại thông tin, dù sống trong xã hội tự do, điều đó không có nghĩa chúng ta đã ở trong thế giới của thông tin chân thật. Mọi người càng cần phải xem xét thông tin giả đã lan truyền như thế nào trong thế giới tự do thì mới mở ra được cánh cửa sự thật của thế giới thông tin.
Chiếc lá che mắt và dối trá lặp lại nhiều lần thành “sự thật”
Như chúng ta đã biết, để “ngu dân” thì ĐCSTQ phải kiểm soát dư luận: một mặt tẩy não công chúng thông qua truyền thông một chiều của Đảng, mặt khác phong tỏa ngăn chặn các kênh thông tin dám nói sự thật. Điều đó có nghĩa là, trong môi trường Trung Quốc Đại Lục, việc phổ biến thông tin sai lệch là có điều kiện từ những kênh thông tin chỉ có tiếng nói một chiều, chúng ta có thể gọi đó là “chiếc lá che mắt”.
Vậy thì bên ngoài Trung Quốc Đại Lục, đặc biệt là sau khi ĐCSTQ gia nhập WTO thì trạng thái bế quan tỏa cảng đã bị phá vỡ, làm sao trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế mà ĐCSTQ vẫn rao bán thành công thông tin giả mạo của chúng trên thế giới?
Người Trung Quốc có một điển cố gọi là “ba người thành hổ”, đại ý là một vấn đề giả mạo nhưng có vài ba người nói là thật thì mọi người sẽ tin đó là sự thật. Do đó, việc chấp nhận thông tin của mọi người đôi khi rất đơn giản, chỉ cần thấy cùng một thông tin từ vài ba các kênh thông tin khác nhau thì về cơ bản thông tin này sẽ được chấp nhận tin tưởng. Nói cách khác là khi kiểm soát được các kênh thông tin, nghĩa là có thể kiểm soát tâm trí mọi người. ĐCSTQ đang sử dụng phương pháp “ba người thành hổ” này, thông qua kiểm soát truyền thông nhà nước, truyền thông nước ngoài và mạng xã hội để đạt được mục đích thâm nhập vào thế giới tự do và kiểm soát tư tưởng mọi người.
Dùng truyền thông ĐCSTQ thâm nhập ở nước ngoài
Hình thức thâm nhập đơn giản nhất là các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ đi trực tiếp ra nước ngoài. Đặc biệt trong những năm gần đây ĐCSTQ dùng chính sách “ngoại giao tiền tệ” đã khiến giới truyền thông của ĐCSTQ vốn dĩ hung hăng cường hào cảm thấy được tiếp thêm dũng khí, vì vậy chúng đã đẩy mạnh mở rộng ra nước ngoài. Chúng có thể thiết lập các chi nhánh ở nước ngoài, chẳng hạn như “Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc” (CGTN) thuộc CCTV, hoặc tham gia vào các nền tảng xã hội nổi tiếng (như Facebook, Twitter và YouTube đều có các kênh truyền thông của ĐCSTQ), hoặc các trang fan hâm mộ hoạt động sôi nổi.
Thâm nhập ở nước ngoài dưới hình thức truyền thông nước ngoài
Nhưng thực tế việc tuyên truyền nước ngoài dưới hình thức tổ chức truyền thông ĐCSTQ đã không được hiệu quả. Vì mối quan hệ tin cậy giữa công chúng và truyền thông cần một quá trình lâu dài. Do đó, hình thức thâm nhập thứ hai của ĐCSTQ là chi rất nhiều tiền để mua lại các trang truyền thông chính thống ở nước ngoài và biến nó thành cái loa tuyên truyền của ĐCSTQ. Thủ thuật này khá hiệu quả, khi người đọc không tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin từ các tổ chức truyền thông chính thống thì thông tin họ tin vào lại là thông tin giả do truyền thông ĐCSTQ tung ra.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm Pháp của ông Tập Cận Bình vào tháng 3/2019, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã chi hơn triệu euro để mua trang bìa trên các tổ chức truyền thông Pháp như báo Paris, Echo, Le Monde, Figaro nhằm ca ngợi nền kinh tế Trung Quốc.
Một ví dụ khác là Tiếng nói Tây Tạng (Voice of Tibet), trong một bài báo vào ngày 26/12/2019 đã đề cập đến một báo cáo điều tra của Yuichiro Kakutani thuộc “Ngọn Hải đăng Tự do Washington” (The Washington Free Beacon), cáo buộc vào 7 năm trước các tổ chức truyền thông lớn như New York Times, Washington Post, Tạp chí Phố Wall đã nhận được hàng triệu đô la Mỹ để đăng quảng cáo chính trị cho Nhật báo Trung Quốc (China Daily).
Một ví dụ khác, ngày 23/9/2018, Nhật báo Trung Quốc đã xuất bản 4 trang bài viết quảng cáo trên The Des Moines Register lớn nhất của Iowa nhằm tấn công ông Trump để gây ảnh hưởng đến cử tri bang này trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 ở Mỹ.
Có thể nói rằng việc ĐCSTQ dùng tiền mua được không chỉ là một vài trang báo mà là uy tín mà các tổ chức truyền thông chính thống đã xây dựng qua hàng trăm năm.
Ngoài ra ĐCSTQ cũng đã bổ sung một số hình thức lợi dụng tổ chức truyền thông nước ngoài, chẳng hạn như tuyển dụng các nhà báo nước ngoài để phục vụ truyền thông của ĐCSTQ, hoặc thâm nhập vào quản lý cấp cao của truyền thông chính thống ở nước ngoài. Ví dụ ngày 22/6, tổ chức truyền thông bảo thủ của Mỹ The National Pulse tiết lộ độc quyền rằng 5 cựu phóng viên của tổ chức truyền thông nổi tiếng Mỹ CNN hiện đang làm việc cho Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu (CGTN) của CCTV để giúp quảng bá hình ảnh cho ĐCSTQ và lên án ông Trump.
Ngoài ra, ĐCSTQ đã thành lập các công ty truyền thông ở nước ngoài thông qua cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, đó là cái mà chúng ta thường gọi là “tổ chức truyền thông nước ngoài giả mạo”. Trong khi ĐCSTQ lợi dụng “tổ chức truyền thông nước ngoài giả” để hét lên với thế giới bên ngoài, họ cũng sử dụng nó để tạo ra ảo tưởng rằng ĐCSTQ được truyền thông quốc tế hoan nghênh để đánh lừa người dân Trung Quốc Đại Lục. Chẳng hạn, Trương Huệ Quân (Huijun Zhang), một trong hai nhân vật trong sự kiện “cô phóng viên đảo mắt trắng”nổi tiếng tại “lưỡng hội” Trung Quốc năm 2018, đài AMTV (American Multimedia Television) nơi Trương Huệ Quân làm việc là một tổ chức truyền thông nước ngoài giả mạo điển hình. Sau đó, các tổ chức truyền thông nước ngoài giả của ĐCSTQ đã thu hút sự chú ý, cộng đồng mạng đã chia sẻ một phần danh sách các đại diện truyền thông ở nước ngoài tham dự “Diễn đàn truyền thông Trung Quốc thế giới” vào năm 2007. Trong danh sách có hàng trăm tổ chức truyền thông Trung Quốc trải khắp năm châu lục trên thế giới, bị cư dân mạng chế giễu là “cờ đỏ đã được cắm trên toàn thế giới!”
ĐCSTQ gây ảnh hưởng nước ngoài thông qua mạng xã hội
Ngoài các tổ chức truyền thông nhà nước chính thống, ĐCSTQ cũng sử dụng các nền tảng mạng xã hội dưới thân phận không thuộc nhà nước để gây ảnh hưởng ra bên ngoài.
Trong số đó, TikTok và WeChat là hai hệ thống thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ. WeChat được Tencent ra mắt vào năm 2011, còn công ty mẹ của TikTok là Byte Dance có trụ sở tại Bắc Kinh. Một số lượng lớn các tài khoản tưởng như là của các tổ chức truyền thông nhưng trên thực tế là các tài khoản của các nhà thầu tuyên truyền ra nước ngoài cho ĐCSTQ trà trộn trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong dịch bệnh, có rất nhiều bài viết về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau với nội dung gần như giống hệt nhau, chỉ thay thế tên địa danh và đất nước, tất cả đều được các nhà thầu tuyên truyền ra nước ngoài chế tạo ra. Không chỉ vậy, những hệ thống như WeChat và TikTok không chỉ thực hiện kiểm duyệt thông tin cho ĐCSTQ mà còn giúp ĐCSTQ vu khống nguồn gốc virus cho Mỹ, thực hiện tuyên truyền “yêu ma hóa” đối với giới dân chủ Hồng Kông biểu tình chống Dự luật Dẫn độ, trợ giúp các cuộc bạo loạn của Mỹ do tổ chức ANTIFA phát động, tấn công Chính phủ Trump gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ.
Chống thâm nhập của ĐCSTQ để mở cánh cửa đến sự thật
Trong nhiều thập niên qua, ĐCSTQ đã xuất khẩu tư tưởng ra nước ngoài thông qua các tổ chức truyền thông truyền thống hoặc nền tảng xã hội trực tuyến. Tầm ảnh hưởng đã đến mức tác động đến cách suy nghĩ, định hướng giá trị và nguyên tắc ứng xử của người nước ngoài. Nhưng vào năm 2020, nổ ra một dịch bệnh gây thiệt hại vô số nhân mạng và tàn phá kinh tế không khác gì cuộc chiến tranh thế giới không có khói thuốc súng, khiến chính phủ nhiều nước bắt đầu tỉnh táo hơn về tác hại và tấn công từ tuyên truyền sai lệch của ĐCSTQ. Theo đó, các hành động để chống ĐCSTQ thâm nhập và bảo vệ sự thật cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Vào ngày 18/2/2020, các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Công ty Phát hành Nhật báo Trung Quốc (China Daily) và Tập đoàn Phát triển Haiti của Mỹ đã được Chính phủ Mỹ xác định là “phái bộ nước ngoài”. Ngày 22/6, Chính phủ Mỹ lại xác định là “phái bộ nước ngoài” đối với các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ khác như CCTV, China News Service (CNS), Nhật báo Nhân dân và Thời báo Hoàn cầu. Cùng ngày, Uradio thuộc Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã bị từ chối phát sóng tại Mỹ. Còn Ấn Độ đã cấm sử dụng 59 ứng dụng của Trung Quốc như TikTok, WeChat và Weibo; ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết Mỹ đang xem xét vô hiệu hóa các ứng dụng Trung Quốc như TikTok (phiên bản ở nước ngoài). Ngoài ra Úc cũng đang xem xét các hành động tương tự. Gần đây, một báo cáo từ Cơ quan quản lý truyền thông Anh (Ofcom) tiết lộ rằng Ofcom đã điều tra các thông tin sai sự thật của CGTN Trung Quốc tại Anh về vụ việc chống Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông và xem xét các hình phạt, giới hạn mức phạt đối với tội danh như trên có thể là hàng triệu bảng Anh, hoặc thậm chí là thu hồi giấy phép.
Trong thế giới thông tin hỗn tạp hiện nay, không chỉ chính phủ nhiều nước đang hành động để xử lý các kênh thông tin giả mạo, thậm chí nhiều tổ chức truyền thông có lương tri cũng quyết liệt lên tiếng cho sự thật và công lý.
Trong một báo cáo nặng ký năm 2018 của Viện Hoover nổi tiếng của Mỹ đã tiết lộ về sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Mỹ, báo cáo đề cập rằng Vision Times là một trong số rất ít tổ chức truyền thông tiếng Trung ở Mỹ là tổ chức truyền thông thực sự độc lập.
Những tổ chức truyền thông hướng theo các giá trị phổ quát của loài người đang hoạt động thầm lặng, giữ mình trong sáng để nỗ lực xua tan những bụi bẩn.
Những gì đang xảy ra bây giờ không phải là một cuộc chiến thông tin và dư luận theo nghĩa thông thường, mà là một sự lựa chọn giữa sự thật và giả hình, thiện và ác, chính và tà. Tất cả điều này không chỉ là vấn đề chức năng của Chính phủ, nhiệm vụ của các ban ngành, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân lương thiện. Giống như tác hại của thông tin giả cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các cá nhân, cuộc phản công đối với thông tin giả cũng nên bắt đầu từ từng cá nhân. Người Trung Quốc làm mọi việc thường dựa theo thiên thời địa lợi nhân hòa. Nếu thời đại thông tin là “thiên thời”, xã hội tự do là “địa lợi”, thì “nhân hòa” nghĩa là mọi người phải cùng nhau hành động để ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, hỗ trợ truyền thông có lương tâm, vì công chính, chỉ bằng cách này mới có thể mở ra cánh cửa đến sự thật của thế giới thông tin.
Tống Tử Phụng
(Bài viết đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa truyền thống Hệ thống tuyên truyền Tuyên truyền của ĐCSTQ Vision Times